Một tấn điện thoại hỏng chứa lượng vàng nhiều gấp 80 lần tại mỏ khai thác
Đó là lý do khiến cho ngành khai thác tái chế nguyên liệu quý như vàng từ rác thải công nghệ đang ngày càng phát triển.
Lượng vàng trong 1 tấn rác điện thoại di động nhiều gấp 80 lần so với trong cùng lượng đất tại một mỏ vàng. Đó là tiết lộ của Federico Magalini, một chuyên gia về các loại rác thải điện tử. Điều này cho thấy một tiềm năng lớn lao của việc tái chế lại các loại linh kiện điện tử.
Việc tái chế rác thải điện tử vốn đã được các ông lớn trong ngành công nghệ quan tâm. Điển hình như trong tuần qua, Apple đã cho ra đời một con robot chuyên tháo rỡ các máy điện thoại iPhone cũ với tốc độ cực nhanh, 200 máy chỉ trong vòng 1 phút. Tại Hàn Quốc cũng có một nhà máy chuyên tái chế lại kim loại quý từ ắc quy ô tô. Hay như trong một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí khoa học Environmental Science & Technology, các nhà nghiên cứu cũng đã gọi những bãi phế thải linh kiện điện tử là "mỏ vàng chốn đô thị", có trữ lượng còn lớn hơn cả các mỏ khoáng sản truyền thống.
Vậy cụ thể thì rác thải điện tử bao gồm những gì? Chúng chỉ gồm điện thoại, pin? Khi bạn bỏ chiếc laptop cũ của mình thì chúng sẽ được tái chế ra sao? Chúng ta thu được bao nhiêu kim loại quý từ những "mỏ vàng nơi đô thị" như thế? Để trả lời các câu hỏi này, chúng ta hãy cùng trò chuyện với Magalini, một chuyên gia nghiên cứu về rác thải điện tử kiêm giám đốc quản lý công ty Sofies tại Anh Quốc để hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp này.
Rác thải điện tử gồm những gì? Nếu như bạn nghĩ chúng chỉ bao gồm điện thoại cũ, máy tính... thì liệu có quá ít hay không?
Định nghĩa đúng nhất về các loại rác thải điện tử là những thứ có sử dụng hay tạo ra năng lượng điện, tức là chúng có ổ cắm, hoặc có sử dụng pin. Bao gồm cả những thiết bị tạo ra cả năng lượng điện như tấm pin năng lượng mặt trời chẳng hạn. Chúng bao gồm rất nhiều loại thiết bị và trung bình mỗi hộ gia đình hiện nay sở hữu tới 80 thiết bị điện tử.
Nếu bạn lấy ra một mảnh giấy và thống kê lại lượng thiết bị điện tử trong gia đình mình, ngồi nhớ và liệt kê thì bạn sẽ phải ngạc nhiên về số lượng của chúng trong gia đình mình đó. Nhìn chung thì thiết bị điện tử bao gồm rất nhiều thứ chứ không chỉ máy tính hay điện thoại di động.
Trong một báo cáo có nói rằng rác thải điện tử đang là loại rác có tốc độ gia tăng nhanh nhất và đang trở thành vấn đề của xã hội hiện nay? Có lẽ như tôi sẽ không bị tính là người góp phần tạo ra vấn nạn này bởi tôi thường giữ các thiết bị điện tử hỏng như laptop, điện thoại lại chứ không vứt chúng đi
Thực sự, việc gia tăng lượng rác thải điện tử đang trở thành một vấn nạn và hành động của bạn cũng gây ra vấn đề đó. Bởi nếu chúng là loại rác thải thông thường giống như thức ăn thừa hay chai lọ, chúng ta sẽ ném chúng ra ngoài và chúng sẽ được xử lý ngay lập tức. Thay vào đó, con người thường trữ các loại đồ điện tử hỏng lại trong gia đình.
Thậm chí có những món đồ điện tử đã hỏng cũng bị giữ lại khiến cho chúng khó có thể tham gia vào quá trình tái chế được. Mỗi người trong chúng ta trữ lại một ít đồ dùng điện tử sẽ khiến lượng rác không được tái chế trên thế giới ngày một nhiều hơn và đó cũng là một phần của vấn đề.
Có vẻ như ý tưởng tái chế rác thải, khai thác "mỏ vàng nơi đô thị" này không còn mới mẻ.
Đây không hẳn là một ý tưởng mới mà đã gần như đã trở thành một khái niệm, được nghiên cứu rõ ràng. Lấy ví dụ như vàng, trong tự nhiên thì thứ kim loại quý này rải rác với mật độ 0,5 gram cho 1 tấn vật chất bất kỳ. Có thể hiểu đơn giản là nếu bạn ra vườn nhà, đào lên 1 tấn đất và lọc thật kỹ, bạn sẽ thu về được 0,5 gram vàng.
Trong các mỏ vàng thì mức độ tập trung của vàng còn nhiều hơn, với một tấn đất tại mỏ, bạn có thể thu về được nhiều hơn nhiều, khoảng từ 5 đến 6 gram vàng trên 1 tấn đất quặng.
Bây giờ, hãy so sánh thử với lượng vàng có thể thu về trong những chiếc điện thoại di động cũ, bạn sẽ cảm thấy bất ngờ đấy. Một tấn điện thoại cũ sẽ chứa khoảng 350 gram vàng, nhiều gấp 80 lần so với mức độ tập trung của quặng vàng trong một khu mỏ. Vì vậy, gọi những loại rác thải này là mỏ vàng nơi đô thị cũng không sai.
Vậy chúng ta có thể thu lại được nguyên liệu gì? Chúng gồm các kim loại nào?
Phần lớn các loại rác thải điện tử sẽ chứa các nguyên liệu như: sắt, đồng, nhôm, nhựa... Các kim loại hiếm, quý như đồng, bạc, vàng, palladium, iridium... sẽ tồn tại ở trữ lượng nhỏ hơn. Bên cạnh đó thì có cả những kim loại quan trọng trong ngành công nghiệp như lithium, cobalt...
Trong lịch sử, kim loại luôn là thứ nguyên liệu quý hiếm và được con người tái sử dụng liên tục. Các loại nhựa thì khác, mỗi khi được tái chế, đặc tính khoa học của chúng lại thay đổi và không còn được giữ nguyên như trước nữa.
Vậy các loại rác thải điện tử như laptop, máy tính cũ sẽ được đưa đi đâu tái chế?
Tại Châu Âu, các nhà sản xuất thu mua lại và tái chế để lấy nguyên liệu từ những loại rác thải điện tử này. Bạn có thể mang laptop cũ tới giao lại cho cửa hàng khi mua một cái mới. Tại một số quốc gia thì việc này sẽ giúp bạn có thêm một chút tiền. Tại một số quốc gia châu Âu thì chính những nhà sản xuất là người sẽ phải chịu trách nhiệm thu hồi rác thải điện tử.
Chuyện gì sẽ xảy ra với những chiếc laptop, điện thoại cũ khi được mang ra tái chế? Để làm công việc tái chế này có cần phải có bằng cấp, kĩ năng gì đặc biệt hay không?
Đầu tiên những thiết bị điện tử này sẽ được đưa tới bãi tái chế. Tại đó, chúng sẽ bị tháo rời ra thành các bộ phận nhỏ hơn, đưa về các bộ phận khác nhau để tái chế và thu hồi lại các kim loại quý hoặc nhựa.
Công đoạn tháo rỡ các linh kiện này có thể được thực hiện bởi các lao động phổ thông. Dẫu vậy nhưng cũng có khá nhiều công đoạn phức tạp như với màn hình máy tính thì phải cẩn thận để tránh làm vỡ và làm rò rỉ thủy ngân ra ngoài. Với các linh kiện khác như bảng mạch, bàn phím, laptop... thì chỉ cần tháo rỡ phân thành các mảnh nhỏ là đủ để tái chế được rồi.
Tiếp theo, cần phải có một quy trình khá phức tạp để thu hồi lại kim loại quý từ chính những rác thải này. Những kim loại như sắt, đồng đều được thu hồi và nấu chảy ra trong các lò nung. Các loại mạch chứa vàng thì cần trải qua thêm nhiều công đoạn hơn để tái chế và thu lại được vàng, platinum...
Hiện tại, có một công nghệ đột phát nào giúp tái chế rác thải điện tử dễ dàng hơn không?
Việc tái chế rác thải, đặc biệt là những kim loại quý sẽ yêu cầu một quá trình xử lý phức tạp không kém khi ta tạo ra chúng. Ngày nay, những cơ sở tái chế kim loại như thế này được trang bị công nghệ vô cùng tiên tiến.
Mỗi năm, con người lại cho ra đời thêm các loại thiết bị điện tử mới khiến cho việc tái chế rác thải điện tử cũng phải được cải tiến theo.
Từ góc độ môi trường, liệu có phải chúng ta nên sửa và sử dụng điện thoại cũ hơn là mua mới hay không?
Từ góc độ môi trường mà nói, tốt nhất là bạn nên giữ và sử dụng các thiết bị điện tử lâu nhất có thể trước khi thay thế chúng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên mới dùng để chế tạo ra thiết bị điện tử. Tuy nhiên, một khi không còn dùng thiết bị gì thì nên bỏ luôn chúng thay vì giữ lại trong gia đình.
Việc phát triển ngành công nghiệp tái chế rác thải điện tử này cũng sẽ giúp tạo ra việc làm cũng như góp phần khai phá "mỏ vàng tại đô thị" này, tránh gây lãng phí tài nguyên.