Một quốc gia nhỏ bé 'trúng mánh', bất ngờ đào được mỏ 'kho báu' vàng đen: Cơ hội đổi vận cho cả đất nước khi hàng chục tỷ USD sẽ được mang về mỗi năm

20/07/2023 13:37 PM | Kinh tế vĩ mô

Quốc gia với 800.000 dân này có thể trở thành một trong những gã khổng lồ xuất khẩu "vàng đen", với mỏ "kho báu trời ban".

Một quốc gia nhỏ bé 'trúng mánh', bất ngờ đào được mỏ 'kho báu' vàng đen: Cơ hội đổi vận cho cả đất nước khi hàng chục tỷ USD sẽ được mang về mỗi năm - Ảnh 1.

Câu chuyện về việc tìm thấy một nguồn tài nguyên giúp một quốc gia nhỏ bé làm giàu từ “mỏ hàng hoá” đó không còn xa lạ. Điều tương tự đã diễn ra ở Guyana nhỏ bé, nằm ở vùng đông bắc Amazon.

Năm 2015, trữ lượng dầu khổng lồ có thể lên tới 11 tỷ thùng đã được phát hiện ngoài khơi bờ biển của quốc gia này, với giá trị hiện tại là hơn nửa nghìn tỷ USD. Quốc gia với 800.000 dân sẽ trở thành mỏ dầu mới nhất trên thế giới.

Cho đến nay, sản lượng dầu ở đây vẫn đang tăng lên và có thể đạt 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2028, tương đương 1,1% nguồn cung thế giới. Nếu quá trình khai thác diễn ra theo lộ trình như vậy, Guyana sẽ sớm sản xuất khối lượng dầu/đầu người nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Sự bùng nổ này là một phần trong quá trình hồi phục của các khu vực khai thác dầu ngoài khơi, có thể trải dài đến tận vùng biển Brazil, và đang vực dậy vai trò của Mỹ Latinh trên thị trường năng lượng thế giới. Các loại thuế mà chính phủ Guyana thu được từ dầu mỏ có thể lên tới 16 tỷ USD/năm vào năm 2036, gấp đôi quy mô của nền kinh tế nước này trước khi tìm ra “kho báu” vàng đen. Điều này sẽ làm thay đổi cuộc sống của người dân Guyana.

Sự thay đổi ở Guyana chắc chắn sẽ được quốc gia này mong đợi vì họ vẫn thuộc diện nghèo. Dân số Guyana có tuổi thọ thấp so với mức trung bình trong khu vực và vấn đề tham nhũng xảy ra. Ngoài ra, tình hình chính trị ở quốc gia này cũng không ổn định, khi 2 đảng đối lập thường xảy ra mâu thuẫn.

Một quốc gia nhỏ bé 'trúng mánh', bất ngờ đào được mỏ 'kho báu' vàng đen: Cơ hội đổi vận cho cả đất nước khi hàng chục tỷ USD sẽ được mang về mỗi năm - Ảnh 2.

Guyana tìm ra mỏ dầu khổng lồ ngoài khơi.

Chưa dừng ở đó, Guyana còn rất dễ bị ảnh hưởng trước biến đổi khí hậu. Thủ đô Georgetown ở đây chỉ cao hơn mực nước biển một chút.

Theo Economist, Guyana đã đưa ra những bước đi đúng đắn trong quá trình khai thác mỏ dầu ngoài khơi. Trong khi các quốc gia khác ở Mỹ Latinh đã tự tạo ra những “nhà vô địch” trong ngành dầu mỏ, thì Guyana lại hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, thuộc top đầu trong ngành. Một tập đoàn do ExxonMobil đứng đầu đã giám sát hoạt động thăm dò và phát triển mỏ dầu ở Guyana. Đây là cách hiệu quả nhất để khai thác dầu với chi phí thấp và “xanh”.

Ngoài ra, Guyana cũng thành lập một quỹ đầu tư quốc gia, giống những quốc gia giàu tài nguyên khác đã thực hiện. Mục tiêu là để bảo vệ nền kinh tế trước khả năng lạm phát tăng cao và ngân sách bị ảnh hưởng do chu kỳ hàng hoá, cũng để tiết kiệm khi doanh thu từ một số khoản có khả năng cạn kiệt.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn được đặt ra là liệu Guyana nên và sẽ sử dụng trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của mình như thế nào. Có thể, toàn bộ nguồn lực sẽ phải được thông qua chính phủ và quỹ đầu tư quốc gia của nước này, song lại tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.

Một lựa chọn khác cho Guyana là phân phối doanh thu từ dầu trực tiếp cho người dân. Điều này lại đặt quyền lực vào tay người dân nhưng mức chỉ trả chỉ là 10.000 USD/người/năm. Hành động này có thể sẽ gây bất ổn cho một nền kinh tế mà cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn chế và năng lực sản xuất không cao. Song, những cách giải quyết vấn đề đều bị cản trở bởi sự chia rẽ về chính trị.

Một quốc gia nhỏ bé 'trúng mánh', bất ngờ đào được mỏ 'kho báu' vàng đen: Cơ hội đổi vận cho cả đất nước khi hàng chục tỷ USD sẽ được mang về mỗi năm - Ảnh 3.

Thủ đô Georgetown, Guyana.

Economist nhận định, để tận dụng tối đa “lộc trời cho”, Guyana nên hướng tới 2 mục tiêu chính. Đầu tiên là nỗ lực đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng về chiến lược tài chính. Cách giải quyết phù hợp sẽ là chính phủ tiết kiệm một phần doanh thu thông qua quỹ đầu tư quốc gia và xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm đường xá, trường học, y tế và bảo vệ khí hậu. Từ đó, cuộc sống người dân được cải thiện và họ có thể tăng số tiền phân phối trực tiếp cho người dân.

Hơn nữa, chính phủ Guyana nên có sự giám sát từ phía quốc tế nhiều hơn về tình hình tài chính. Năm 2020, nước này đã siết chặt luật quản lý tài sản để mọi thứ trở nên minh bạch hơn. Song, điều họ cần là một số bên giám sát quốc tế để kiểm tra cả quá trình vận hành.

Rất nhiều quốc gia, từ Guinea cho đến Brunei, đã lãng phí nguồn tài nguyên trong nước. Ngay cả khi dầu mỏ đã cạn kiện, thì sự bùng nổ mới của các kim loại xanh được dùng trong xe điện hay công nghệ năng lượng sạch khác có khả năng sẽ dẫn đến kết cục tương tự.

Bài học đó cách không xa Guyana. Quốc gia láng giềng Venezuela từng là nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới, nhưng đang gặp rất nhiều vấn đề bất ổn, nhất là về chính trị. Trong khi Guyana đang tìm cách tận dụng tối đa cơ hội “trúng số độc đắc” của mình, thì họ cũng nên cân nhắc về những rủi ro không đáng có.

Tham khảo Economist

Theo Vu Lam

Cùng chuyên mục
XEM