Một người thành đạt sẽ không tốn thời gian để kêu ca, còn bạn, mỗi ngày dành cho bao nhiêu giờ đồng hồ để mơ hão và than vãn?
Bí quyết thành công của những người thành đạt: Chỉ tập trung vào chuyên môn và không thở than khi gặp khó? Còn những người thất bại, mở miệng là thở vắn than dài thay vì hành động?
Qua tuổi 30, đi làm nhiều nơi, gặp nhiều người, chúng ta thấy nhiều người thành công từ rất sớm. Thành công ở đây không có nghĩa là không thất bại, nhiều người trong số họ đã thất bại một vài lần, điều quan trọng là họ luôn biết cách vươn lên.
Khi quan sát những con người tiêu biểu này, chúng ta thấy cách họ sử dụng thời gian rất khác biệt với phần đông những người "thường thường bậc trung" – những người đã hơn 30 mà chưa có một thành tựu đáng kể gì trong sự nghiệp. Đó là cách họ đối phó với khó khăn và rủi ro, và lạ thay, chúng ta hiếm khi thấy họ kêu ca hay phàn nàn. Mạng xã hội của những con người đầy năng lượng này chỉ toàn là tin tức chuyên môn. Liệu đây có phải là bí quyết thành công của họ: Chỉ tập trung vào chuyên môn và không thở than khi gặp khó?
Những lời lý giải sau đây sẽ giúp chúng ta ý thức được cái vô nghĩa của việc than phiền vô tội vạ.
Kêu ca là một sản phẩm của tâm lý nạn nhân
Không có gì sai khi nhận thức được những khó khăn và rủi ro của một tình huống nhưng có một sự khác biệt lớn khi bạn quyết định từ bỏ và phàn nàn về những khó khăn hay rủi ro đó. Lúc đó bạn đã tin rằng bạn là nạn nhân chứ không phải là người chiến thắng. Và khi chúng ta kêu ca về mọi thứ xung quanh, chúng ta sẽ giống như một đứa trẻ luôn đòi hỏi mọi thứ phải tốt đẹp với mình.
Hãy dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về lựa chọn của mình trước khi chúng ta bắt đầu thả trôi những cảm giác trẻ con của mình ra xung quanh. Thành công nào cũng đòi hỏi những sự tìm tòi và hy sinh nhất định, nếu bạn cảm thấy mình chưa sẵn sàng thì hãy ra đi trong im lặng. Việc than phiền về những khó khăn trên con đường sự nghiệp của bạn chỉ chứng tỏ một điều: bạn đang bất lực với nó.
Phàn nàn cũng là một sự lãng phí thời gian
Người nói nhiều thì không có thời gian để hành động. Ngoài ra khi những lời nói đó là những lời tiêu cực như kêu ca, buồn bã, chán nản thì lại càng tệ hơn.
Chắc mỗi người chúng ta sẽ có một người bạn mà luôn than phiền về mọi thứ xung quanh? Chắc chắn 5 hay 10 năm sau họ vẫn tiếp tục than phiền về những vấn đề đấy, bởi vì họ đã quen thuộc với việc kêu ca, và khi kêu ca chán chê thì họ không còn động lực để thực sự thay đổi điều gì. Đó là một sự lãng phí thời gian mà không một người thành công nào muốn vướng phải.
Hãy nhớ rằng "Kẻ yếu đuối sẽ thay đổi lời kêu ca của họ, nhưng họ không bao giờ giảm thời gian để kêu ca".
Ca thán là một hành động thiếu trách nhiệm và có tính lây lan
Nếu bạn muốn trở thành một người trách nhiệm thì hãy tránh kêu ca. Những lời than phiền không mang tính xây dựng chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Tệ hại hơn, những lời này sẽ tạo thành thói quen và thói quen này sẽ cản trở rất nhiều trong con đường sự nghiệp của bạn.
Nếu bạn muốn chê trách sếp của bạn vì lương thấp, hãy nhìn nhận một thực tế rằng bạn là người chọn công việc và đi làm mỗi ngày. Nếu bạn cho rằng môi trường làm việc không phù hợp, hãy nhớ lại rằng chính bạn đã chọn làm việc ở đây chứ không phải ở nơi nào khác.
Thay vì đổ lỗi hãy nghĩ cách để thay đổi. Điều đó thể hiện sự trách nhiệm với công việc và quan trọng hơn, trách nhiệm với chính bản thân bạn.
Các cụ có câu: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Bạn có muốn làm bạn với những người thờ ơ trong cuộc sống hay bạn muốn thu hút những người cầu tiến và sẵn sàng làm việc vượt qua khó khăn?
Hãy tưởng tượng những người hay phàn nàn kêu ca giống như một con tàu bị hỏng động cơ. Công việc của họ trở nên bế tắc, thái độ của họ giống như một con tàu chỉ quay mòng mòng một nơi. Họ không thể đi tới đâu và chắc chắn rằng "khách hàng" của họ không bao giờ hạnh phúc. Những "con tàu" này sẽ tụ tập với nhau để cùng chìm trong những câu chuyện và lời thở than của họ.
Than thở sẽ làm bạn tập trung vào khía cạnh xấu của vấn đề, và bỏ quên những điều tích cực
Khi chúng ta than thở về khó khăn, não bộ sẽ tập trung vào điều đó mà quên mất đi mặt khác của vấn đề: những cơ hội ẩn đằng sau chúng. Rất nhiều bạn trẻ vốn chưa có thói quen tập trung thường xao nhãng điều này và bỏ qua nhiều cơ hội quý giá. Chúng quy là do chìm đắm quá lâu vào mặt tích cực của vấn đề rồi chần chừ mà bỏ lỡ thời cơ.
Phàn nàn sẽ đẩy những người yêu quý của chúng ta ra xa
Đây có lẽ là điều quan trọng nhất: Không ai muốn ở bên một người xuốt ngày phàn nàn và mang quá nhiều năng lượng tiêu cực. Những lời kêu ca sẽ bào mòn hi vọng, sự cảm thông hay ý chí của chúng ta.
Một nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc đọc và tiếp cận những thông tin tiêu cực gây ra một phản ứng dây chuyền trong não bộ, qua đó bộ não tiết ra những hormone tạo cảm giác lãnh đạm cho người nghe. Hãy nhớ rằng không ai muốn bắt đầu và kết thúc một ngày bởi những lời mệt mỏi. Chúng ta luôn bị thu hút bởi sự tích cực và vì thế những người tiêu cực sẽ mất dần những mối quan hệ thân thiết.
Chúng ta có thể nói ra ý nghĩ và chia sẻ cảm xúc của mình, nhưng hãy biết dừng lại đúng lúc. Vì một tương lai tốt đẹp hơn!