Một loại cá nổi tiếng của Việt Nam đang trở thành lựa chọn thay thế hoàn hảo cho cá minh thái Nga, giá xuất khẩu có thể tăng tới 20-55%
Mặt hàng này đã chinh phục hơn 140 thị trường, những quốc gia khắt khe nhất về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản.
Theo trang Undercurrent News, ngày càng nhiều nhà chế biến cá thịt trắng tìm kiếm các địa điểm chế biến thay thế và nhiều loại sản phẩm đông lạnh có giá trị gia tăng hơn so với những sản phẩm có nguồn gốc truyền thống từ Trung Quốc. Sự thay đổi và đa dạng hóa nguồn cung này diễn ra từ xung đột Nga - Ukraine.
Xung đột Nga-Ukraine khiến nhiều nhà bán lẻ Anh thường mua các sản phẩm cá minh thái Nga được chế biến tại Trung Quốc chuyển sang tìm kiếm một chuỗi cung ứng tối ưu hơn. Vì vậy, cá tra nuôi sẽ là lựa chọn thay thế khả thi nhất.
Nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Anh và châu Âu đang tăng lên đáng kể. Nhiều nhà bán lẻ đang đưa ra chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, chuyển từ cá minh thái đánh bắt tự nhiên sang các loài cá nuôi như cá tra. Công ty mẹ của Princes, Mitsubishi đang đầu tư vào nhà sản xuất cá tra lớn nhất tại Việt Nam, tập đoàn Vĩnh Hoàn.
Kể từ năm 2019, bộ phận thủy sản của công ty đã tích hợp hoạt động kinh doanh cá ướp lạnh và đông lạnh của Mitsubishi tại Vương quốc Anh.
Các nhà bán lẻ đang chuyển hướng từ cá minh thái Nga được chế biến tại Trung Quốc sang cá tra nuôi
Theo ông Bohannon, cá tra nuôi của Việt Nam đang được xem là lựa chọn thay thế tối ưu cho cá minh thái đánh bắt tự nhiên.
“Chúng tôi thấy nhu cầu đối với cá tra tại Anh và Châu Âu gia tăng đáng kể. Một số đối thủ lớn đang tập trung vào chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, thay vì mua nhiều cá minh thái được đánh bắt tự nhiên sang cả cá tra nuôi. Mặc dù vậy, sẽ cần mất một khoảng thời gian để tỷ trọng cá tra trong nguồn cung của các doanh nghiệp chế biến tăng lên. Tuy nhiên, đây sẽ là một trong những động lực quan trọng”, ông Bohannon nói.
Vị này cho biết Princes đang có những lợi thế trong xu hướng chuyển dịch này. Theo đó, công ty mẹ của Princes là tập đoàn Mitsubishi đã đầu tư vào doanh nghiệp chế biến cá tra lớn nhất của Việt Nam là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn.
“Chúng tôi đang nhận được nhiều đơn đặt hàng cá tra vào lúc này. Xu hướng chuyển dịch sang cá tra mới bắt đầu và sẽ được củng cố tốt hơn vào năm 2023”, ông nói.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc mới đây đã nới lỏng các biện pháp hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt khiến các ca nhiễm gia tăng. Bất chấp tình hình phức tạp trong nước và những hạn chế còn tồn tại, khối lượng cá minh thái được chế biến tại Trung Quốc trong năm qua vẫn tăng mạnh.
Thị trường cá tra của Việt Nam có thêm cơ hội rộng mở.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu cá tra 2022 vượt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Cá tra của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản.
Giá xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng từ 20-55%, nhất là tại thị trường Mỹ. Giá cá tra giống có thời điểm duy trì ở mức cao kỷ lục trong hơn 2 năm do nguồn cung hạn chế, sức mua tăng, khoảng 45.000-55.000 đồng/kg giống loại 30-35 con/kg tại Ðồng Tháp, An Giang, Cần Thơ. Ngoài ra, giá cá tra nguyên liệu ở mức khoảng 30.000/kg loại I, cao hơn mức trung năm 2021 từ 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Dự kiến năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra khoảng 5.600 ha, sản lượng ước đạt khoảng 1,6 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức sẽ tác động rất lớn đến ngành hàng cá tra khi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển tăng cao sẽ gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu chững lại và hiệu quả sản xuất bị thu hẹp.