Một lãnh đạo xuất sắc luôn dùng quy tắc 7 bước để đạt được mục tiêu cần thực hiện
Peter Drucker từng viết: "Trách nhiệm của nhà lãnh đạo là phải hướng đến tương lai." Nhà lập kế hoạch chiến lược Michael Kami cũng từng nói: "Những người không nghĩ về tương lai sẽ không thể có tương lai." Các nhà lãnh đạo tạo nên suy nghĩ đến tương lai bằng cách thiết lập các mục tiêu và từng bước hướng tới những mục tiêu đó mỗi ngày.
Khi quan sát cuộc đời hoàng đế Napoleon, Alexander Đại đế, Florence Nightingale hay Mẹ Teresa, bạn sẽ thấy họ là những người luôn hết sức chủ động trong mọi tình huống. Họ không ỉ lại, ngồi chờ thời cơ đến. Họ có ý tưởng, khái niệm và sứ mệnh, để rồi ngay sau đó bắt tay vào hành động.Các nhà lãnh đạo là những người có tư duy đổi mới và tinh thần doanh nhân (entrepreneurial). Từ entrepreneurial (tinh thần doanh nhân) có gốc từ tiếng Pháp, có nghĩa là "thực hiện hoặc làm". Tư duy đổi mới đồng nghĩa với việc sẵn sàng thử nghiệm những điều mới mẻ và dám nghĩ, dám làm. Các nhà lãnh đạo không phải là những người chỉ biết nói suông.
Thử và sai là phương châm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài năng hiện nay. Phương châm này bắt nguồn từ cuốn sách của Tom Peters – In Search of Excellence (Kiếm tìm sự hoàn hảo), trong đó, Peters đưa ra ý kiến cho rằng những công ty hàng đầu dám thử nghiệm nhiều hơn, mắc sai lầm nhiều hơn và tiến bộ nhiều hơn. Họ không do dự trước những thử thách mới và cũng không chỉ ngồi phân tích suông; họ lên kế hoạch và bắt tay vào thực hiện. Đúng như những gì họ nói, "Đừng chỉ làm một điều gì đó, hãy tiến về phía trước."
Xét ở góc độ cá nhân, các nhà lãnh đạo là những người định hướng hành động. Họ không ngừng đưa công ty phát triển còn bản thân họ cũng không ngừng chủ động hành động. Với họ, "việc hôm nay chớ để ngày mai". Các nhà lãnh đạo không bao giờ trì hoãn việc gì, bởi nếu không, họ đã không phải là nhà lãnh đạo.
Các nhà lãnh đạo là những người hướng tới tương lai. Đa phần họ luôn lạc quan, không ngừng tập trung suy nghĩ về tương lai – điều gì sẽ xảy ra và làm thế nào để tạo ra điều đó. Trong khi đó, hầu hết những người không phải là nhà lãnh đạo lại tập trung vào quá khứ và hiện tại. Hướng tới tương lai tức là xác lập một tập các mục tiêu và tận dụng từng ngày, từng giờ để thực hiện các mục tiêu này.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các nhà lãnh đạo thường làm theo 7 bước sau:
Xác định mục tiêu chính. Quyết định chính xác những gì mà bạn muốn đạt được, bất kể đó là mục tiêu lớn của công ty hay mục tiêu của bản thân. Phải luôn rõ ràng về mục tiêu là điều kiện thiết yếu để thành công.
Viết ra mục tiêu. Hãy thảo ra các mục tiêu một cách cụ thể và chi tiết. Làm sao để chúng dễ đo lường. Ví dụ, mục tiêu của bạn là tăng gấp đôi doanh số bán hàng trong 2 năm tới. Hãy ghi lại mục tiêu đó. Nếu không, mục tiêu đó sẽ chẳng khác gì ngoài một viễn cảnh mơ hồ.
Thiết lập thời hạn để đạt được mục tiêu. Nếu đó là mục tiêu lớn, hãy chia nó ra thành các phần nhỏ và xác định thời gian giới hạn cho mỗi phần. Chúng ta được thôi thúc thực hiện mục tiêu khi nó được đề ra thời gian cụ thể. Hãy đặt ra cho mình những giới hạn thời gian riêng.
Lên một danh sách mọi việc cần làm để đạt được từng mục tiêu chính. Danh sách này cần phải rõ ràng và toàn diện. Khi nghĩ được thêm việc gì đó, hãy bổ sung chúng vào danh sách cho đến khi danh sách hoàn chỉnh.
Lập kế hoạch hành động. Đây là lúc bạn dựa vào danh sách trên và biến chúng thành các bước cụ thể. Có hai điều cần phải suy nghĩ: đó là mức độ ưu tiên và trình tự thực hiện. Những mục việc nào quan trọng nhất? Những mục việc nào phải được thực hiện đầu tiên?
Khi thiết lập các ưu tiên, hãy nhớ đến quy tắc 80/20: 20% những việc bạn làm sẽ mang lại 80% kết quả. Không ai muốn phí phạm thời gian cho những việc không quan trọng. Còn bạn chắc hẳn cũng không muốn nhân viên của mình dành nhiều thời gian cho những việc không cần thiết. Hãy xác định những việc thực sự có tác dụng giúp bạn và tổ chức đạt được mục tiêu. Trình tự thực hiện cũng vậy, bạn phải xác định chính xác những việc cần hoàn tất trước khi thực hiện một việc khác.
Bất kỳ kế hoạch nào cũng sẽ có những mục việc phụ thuộc và tương trợ lẫn nhau. Ngoài ra, cũng cần xác định những hạn chế, khó khăn và trở ngại trong quá trình thực hiện. Một lần nữa, mức độ ưu tiên lại có ý nghĩa rất quan trọng. Đâu là trở ngại quan trọng nhất? Bạn chắc chắn phải vượt qua điều gì trước khi có thể đạt được mục tiêu?
Hành động. Khi đã lập kế hoạch xong và biết được những trở ngại trên con đường phía trước, bạn phải hành động ngay lập tức. Đừng trì hoãn. Nhiều người thất bại bởi họ không hành động theo mục tiêu và kế hoạch. Là một nhà lãnh đạo, chúng ta không được phạm sai lầm đó.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu mỗi ngày. Hãy lên kế hoạch cho ngày mới và bắt tay thực hiện công việc vào ngay sáng hôm sau, bất cứ việc đó là gì miễn sao nó có thể giúp bạn tiến gần đến mục tiêu hơn.
(Tham khảo: Nghệ Thuật lãnh đạo- Brian Tracy)