Một doanh nghiệp "xung phong" xây 10 triệu căn hộ giá rẻ 25-70m2, giá chỉ 9-16 triệu đồng/m2

17/11/2021 09:03 AM | Kinh doanh

Đại diện doanh nghiệp còn kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội có thể IPO ngay trên thị trường chứng khoán để tận dụng nguồn vốn của xã hội.

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện 6 – 10 triệu căn hộ cho các đối tượng an sinh xã hội giai đoạn 2021-2030.

Trong văn bản, đơn vị này nhắc lại chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đó là: đến năm 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị. Tuy nhiên trên thực tế, số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy sau gần 10 năm thực hiện, đến nay cả nước mới hoàn thành 254 dự án, tương đương khoảng 108.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích hơn 5,4 triệu m2. Việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt 43% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Bên cạnh đó, tập đoàn này đánh giá giá nhà tại Việt Nam nếu so sánh trên cơ sở thu nhập đầu người, cao hơn so với nhiều nước. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng giá căn nhà thấp nhất cũng từ 1 – 1,2 tỷ đồng. Với mức giá này thì một gia đình trẻ phải tiết kiệm trong thời gian từ 20 năm - 25 năm. Nếu so sánh số năm tiết kiệm để một hộ có thể mua nhà thì Việt Nam cao hơn so với nhiều nước khác như tại Châu Phi chỉ cần 7 – 9 năm…

Tập đoàn APEC cho rằng cần lập quy hoạch các đại đô thị nhà ở xã hội có quy mô lớn. Cụ thể, TP.HCM, TP Hà Nội, mỗi địa phương cần tạo quỹ đất 3.000 - 5.000 ha để làm nhà ở xã hội diện tích từ 50 - 300ha/khu đô thị. Các tỉnh thành khác cần tạo quỹ đất khoảng 10.000 ha đến 20.000 ha để làm nhà ở xã hội.

Đơn vị này bày tỏ mong muốn sẽ tạo ra một động lực lớn thu hút các nhà đầu tư tham gia chung tay cùng chính phủ giải quyết các vấn đề của xã hội.

Một doanh nghiệp xung phong xây 10 triệu căn hộ giá rẻ, chỉ 9-16 triệu đồng/m2 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mục tiêu của Tập đoàn APEC là phát triển 10 triệu căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2030, trong đó từ 2021 - 2025 hoàn thành 4 triệu căn hộ, từ 2026 - 2030 hoàn thành 6 triệu căn hộ, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Tp.HCM.

Doanh nghiệp này cho biết sẽ tiên phong đầu tư các khu nhà ở xã hội thành những khu đô thị nhà ở xã hội 5 sao hoặc tốt hơn nữa là có thể đầu tư lên thành các "Khu đô thị nhà ở an sinh xã hội 5 sao" với quy mô lớn, đáp ứng 5 tiêu chí gồm: Chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp, sinh thái, thông minh, tiện ích như: công viên, bể bơi, hồ điều hòa, vườn hoa chủ đề, đường riêng cho xe đạp, quảng trường, phố đi bộ, trung tâm thương mại, khu thể thao văn hóa đa năng, trường liên cấp, vườn giáo dục, trung tâm y tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý vận hành chuyên nghiệp…

Các sản phẩm căn hộ có diện tích căn hộ từ 25 - 70 m2/căn. Giá bán tại Hà Nội và TP.HCM khoảng 13 - 16 triệu đồng/m2, các thành phố còn lại khoảng 9 - 14 triệu đồng/m2. Người dân chỉ cần 30% giá trị căn hộ để sở hữu căn hộ, 70% giá trị còn lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính với thời hạn 10 - 20 năm.

Liên quan đến hành lang pháp lý, Tập đoàn APEC kiến nghị Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư, chỉ thị phù hợp với các luật hiện hành mà không cần đợi thông qua luật mới. Các chính sách cần rõ ràng, thông thoáng, để giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận, dễ dàng triển khai dự án.

Bên cạnh đó, Tập đoàn APEC muốn thành lập Tổng công ty với tổng vốn điều lệ ban đầu khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng, phần còn lại sẽ huy động từ các tổ chức như ngân hàng, định chế tài chính trong và ngoài nước, từ các đối tác, nguồn lực của xã hội với quy mô từ 50.000 - 100.000 tỷ và sẽ tăng lên phù hợp với mỗi thời kỳ đầu tư.

Chia sẻ với Dân Việt, đại diện doanh nghiệp còn kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội có thể IPO ngay trên thị trường chứng khoán để tận dụng nguồn vốn của xã hội. Đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có quy định để tách nhà ở xã hội ra khỏi nhóm kinh doanh bất động sản vì đây là nhóm ngành có mức độ rủi ro thấp, nhu cầu lớn, không là nguyên nhân gây bong bóng bất động sản.

Trong báo cáo gần đây nhất, Savills Việt Nam cho biết căn hộ hạng C không có nguồn cung mới trong quý 3/2021. Thời gian qua, phân khúc hạng C, bình dân ngày càng khan hiếm và thậm chí mức giá 2 tỷ đồng/căn được dự báo sẽ sớm "tuyệt chủng".

Lý giải về thực trạng lệch pha cung-cầu, khi các chủ đầu tư không mặn mà phát triển phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ bình dân trong khi nhu cầu rất lớn, ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Namcho biết: "Những ưu đãi cho phân khúc bình dân và nhà ở xã hội chưa đủ để thu hút các nhà phát triển bất động sản. Đồng thời, biên độ lợi nhuận của các căn hộ trung, cao cấp đang cao hơn nhiều so với căn hộ bình dân. Khi mua một mảnh đất có mức định giá tương đương với hạng A, B, hay C, người mua sẽ có nhiều động lực để đầu tư tăng thêm giá trị tài sản, qua quá trình xây dựng hay quảng cáo, tiếp thị,... Mặt khác, đối với nhà ở xã hội, tỷ suất lợi nhuận là rất nhỏ, tạo nên ít động lực hơn".

Đồng thời, phát triển các dự án hạng A và B cũng giúp các chủ đầu tư xây dựng thương hiệu dễ dàng và nhanh chóng hơn.

PV

Cùng chuyên mục
XEM