Một doanh nghiệp Việt ra mắt Camera tích hợp AI, muốn tạo ra xu hướng "chấm công" mới, nhưng đối mặt với nhiều chất vấn của giới chuyên môn

26/11/2020 10:30 AM | Kinh doanh

Sự kiện ra mắt camera AI của HANET đã nhận được nhiều sự chú ý của giới chuyên môn và vì kỳ vọng quá nhiều, không ít người cảm thấy thất vọng với phiên bản đầu tiên của sản phẩm, cả về hiệu quả lẫn mức giá. Nhưng theo Tanca.io, doanh nghiệp đã tích hợp công nghệ này vào hệ thống chấm công của mình, thì mức giá 3,5 triệu/sản phẩm là không đắt so với thị trường.

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường 6W Research, Việt Nam được đánh giá xếp hạng Top 1 thị trường hệ thống giám sát an ninh, có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Dự kiến CAGR (tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm) đạt 12,4% trong giai đoạn 2016 - 2022.

Trong đó, camera trở thành một thiết bị phổ biến và chỉ xếp thứ 2 sau máy tính trong doanh nghiệp. Khi được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT), kết hợp với các thiết bị khác như máy tính và smartphone, AI Camera sẽ trở thành một trong những thiết bị quan trọng bậc nhất cho quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Còn theo báo cáo của Comparitech, năm 2019, tổng số camera đang hoạt động lại Việt Nam lên tới 2,6 triệu chiếc; 95% thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Tính trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng camera nhập khẩu lên tới hơn 1,5 triệu chiếc. Dự kiến trong năm 2021, số lượng camera nhập khẩu cả năm tăng lên hơn 4 triệu chiếc.

Theo điều tra của VnEconomy, hiện thị trường camera an ninh tại Việt Nam có khoảng 15 thương hiệu lớn hoạt động, trong đó hầu hết là thương hiệu nước ngoài, chỉ có khoảng 5 công ty trong nước tham gia cuộc chơi. Chúng ta có thể kể đến VNPT Technology đang phát triển Camera IP, còn Bkav và HANET chuyên về Camera AI.

Đáng chú ý, cách đây khoảng 1 tuần, tập đoàn công nghệ BKAV cho biết vừa chính thức xuất khẩu lô hàng camera an ninh AI View đầu tiên sang Mỹ. Sau khi vào Mỹ, camera của BKAV sẽ được triển khai lắp đặt tại trụ sở chính của Tập đoàn Qualcomm (San Diego, California). Lô hàng AI View tiếp theo dự kiến sẽ được triển khai tại một công viên lớn của Mỹ vào cuối năm.

Sở dĩ BKAV không đánh chiếm thị trường trong nước mà làm ngược lại, bởi rút kinh nghiệm từ sản phẩm smartphone, nhiều người định kiến về sản phẩm công nghệ sản xuất trong nước, nên với Camera AI, sau khi thành công ở nước ngoài họ mới quay trở lại phát triển thị trường trong nước. Dự định vào năm 2021, BKAV sẽ bán sản phẩm này ở thị trường trong nước.

Trước sự thận trọng của ‘ông lớn’ BKAV, HANET – doanh nghiệp quốc nội hiếm hoi còn lại tham gia ‘cuộc đua’ Camera AI, tận dụng cơ hội giới thiệu ngay sản phẩm của mình ra thị trường.


Camera AI thế hệ đầu tiên của HANET mới có những chức năng phù hợp với các hoạt động sản xuất kinh doanh, hơn là mục tiêu an ninh xã hội

Sau 2 năm nghiên cứu và phát triển, HANET vừa giới thiệu Camera AI của mình với thị trường. Với Camera AI của HANET, bằng việc đưa AI vào trong thiết bị, việc xử lý nhận diện sẽ được thực hiện ngay trên camera sau đó mới được truyền về Cloud (đám mây), có thể nhận diện ngay cả khi không có kết nối internet.

Một doanh nghiệp Việt ra mắt Camera tích hợp AI, muốn tạo ra xu hướng chấm công mới, nhưng đối mặt với nhiều chất vấn của giới chuyên môn - Ảnh 2.

Cận cảnh chiếc Camera AI gây kha khá tranh cãi của HANET.

Theo chia sẻ từ HANET, dòng camera này có khả năng xử lý nhận diện ngay lập tức cho 50.000 khuôn mặt, với tốc độ nhận diện là dưới 0,25 giây, khoảng cách nhận diện từ 1- 4m. Khả năng nhận diện chính xác của camera HANET là 99,9%. Đeo khẩu trang hoặc kính mắt thời trang cũng vẫn có thể nhận dạng và tuyệt đối không xảy ra tình trạng nhận diện nhầm.

HANET AI Camera còn được trang bị đèn led và loa, có khả năng cảnh báo nhân viên hoặc người lạ. Camera của HANET sử dụng công nghệ kết nối không dây, dễ dàng lắp đặt, di chuyển và có khả năng phân biệt độ tuổi, giới tính.

Khi áp dụng cho gia đình, HANET AI Camera sẽ trở thành thiết bị kiểm soát an ninh, nhận ra người nhà và người lạ, khi có xâm nhập trái phép camera sẽ phát báo động trên loa và gọi điện cho tất cả thành viên trong gia đình. Dữ liệu video được lưu trữ trên Cloud trong vòng 3 tháng, lịch sử ra vào lưu trữ 1 năm.

Sản phẩm này lắp đặt nhanh chóng, không cần đến thẻ nhớ hoặc đầu ghi hình, giải quyết nỗi lo bị phá hỏng dữ liệu. Nhờ có trí tuệ nhân tạo phân loại sự kiện, nên người dùng có thể xem lại video ai đó xuất hiện cực kỳ nhanh chóng, không cần phải ngồi dò lại theo thời gian.

Ông Võ Đức Thọ - Tổng Giám đốc của Công ty HANET, cho biết: "HANET tự hào là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đưa trí tuệ nhân tạo tích hợp vào trong camera với dòng AI Camera chuyên biệt. Với sản phẩm này, chúng tôi không chỉ hỗ trợ giải quyết vấn đề an ninh cho các gia đình mà còn giúp việc vận hành doanh nghiệp trở nên tự động hoá và thông minh hơn.

Tiềm năng của AI còn có thể khai thác được rất nhiều như ghi nhận sự có mặt, phân loại và nhận biết khách hàng, nắm bắt được thói quen mua sắm của khách hàng, kiểm soát các khu vực cấm, kiểm soát an ninh cho trẻ em, học sinh…".

Tuy nhiên, trong buổi ra mắt sản phẩm, có không ít đồng nghiệp trong ngành cho rằng, sản phẩm của HANET vẫn chưa tạo được sự khác biệt so với thị trường. Hiện có rất nhiều Camera AI trên thị trường làm được điều như HANET giới thiệu ở trên, thậm chí còn làm tốt hơn như có thể đưa ra tất cả các thông tin chính xác của một người khi khuôn mặt người đó xuất hiện trên camera, như tại Trung Quốc hoặc Đài Loan.

Hơn nữa, mức giá 3,5 triệu/camera và hàng tháng còn phải trả tiền lưu trữ trên cloud cho HANET là không quá hấp dẫn. Có nơi thậm chí chỉ bán Camera AI còn miễn phí phí sử dụng cloud.

Trước những chất vấn của mọi người, ông Võ Đức Thọ cho rằng, đồng ý là trên thị trường có nhiều Camera AI xuất xứ từ Trung Quốc có giá khá rẻ song chẳng ai bảo đảm được tính bảo mật dữ liệu của những sản phẩm như thế. Hơn nữa, HANET cũng không cho rằng, mình là Camera AI tốt nhất thị trường mà chỉ là một trong những sản phẩm tiên phong. Hơn nữa, chắc chắn không có nhà cung cấp giải pháp Camera AI nào lại không tính phí cloud, có chăng chỉ là miễn phí hoặc khuyến mãi vài tháng.

Một doanh nghiệp Việt ra mắt Camera tích hợp AI, muốn tạo ra xu hướng chấm công mới, nhưng đối mặt với nhiều chất vấn của giới chuyên môn - Ảnh 3.

Tanca.io là doanh nghiệp đầu tiên tích hợp Camera AI của HANET vào công việc kinh doanh của mình.

Ngoài ra, do đây mới là Camera AI thế hệ thứ nhất của họ, nên vẫn chưa giải được những bài toán như: phân biệt giữa cặp sinh đôi giống nhau, phân biệt giữa ảnh khuôn mặt và khuôn mặt người thật hay biết 2 ảnh của một người nạp vào hệ thống 2 lần thực chất là 1 người… Thế nên, sản phẩm Camera AI đầu tiên của HANET vẫn phù hợp phục vụ mục đích kinh doanh – sản xuất và phần nào đó phục vụ vấn đề an ninh của gia đình, chứ không thể phục vụ vấn đề an ninh xã hội.

"Tuy nhiên, trong tương lai, với những thế hệ Camera AI tiếp theo, chúng tôi sẽ hoàn thiện dần những điểm yếu như đã nói ở trên, như lắp 2 camera song song trong đó có 1 camera hồng ngoại để phân biệt giữa ảnh và người. Camera AI của HANET đến một lúc nào đó có thể dùng cho mục đích an ninh trên diện lớn, góp phần số hóa đường phố, hạn chế bắt cóc, cướp giật.

Muốn nhanh tiến đến mục tiêu đó, chúng tôi rất hoan nghênh các đối tác – như Tanca.io sử dụng các sản phẩm của chúng tôi cũng như tích hợp dữ liệu lên cloud", CEO của công ty công nghệ có 15 năm tuổi cho biết.

Hiện sản phẩm Camera AI của HANET vẫn sản xuất tại Trung Quốc, do Covid-19 nên kế hoạch di chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam đã phải hoãn lại đến năm 2021. Cả phần cứng và phần mềm sản phẩm Camera AI đều được HANET tự nghiên cứu, phát triển và thiết kế.


Kỳ vọng tạo ra xu hướng chấm công mới

HANET AI Camera cũng được thử nghiệm trước trên các khách hàng của nền tảng quản lý nhân sự Tanca.io. Tanca và HANET kỳ vọng sẽ cùng nhau tạo ra xu hướng chấm công mới thay đổi hoàn toàn cách thức chấm công của hơn 100 năm nay.

Theo đó, AI Camera sẽ thay đổi hành vi chấm công từ "nhớ" chấm công sang "quên" chấm công khi camera tự động nhận diện đã giúp loại bỏ hoàn toàn gian lận chấm công, khả năng chấm công hàng trăm người đi lần lượt trên 1 hàng, mỗi người đi qua chỉ mất 1 giây để hoàn thành. Từ đó tiết kiệm hàng ngàn giờ chấm công đồng thời tăng hàng ngàn giờ làm việc của nhân viên hàng năm. AI Camera cũng giúp giảm 90% khối lượng công việc tính công của bộ phận C&B, cắt giảm gần như hoàn toàn các phàn nàn từ việc quên chấm công.

Ông Trần Viết Quân - Nhà sáng lập Tanca.io, chia sẻ: "AI Camera đã góp phần tăng đáng kể hiệu suất làm việc của nhân viên khi thời gian làm việc được ghi nhận tăng hơn, số lượng nhân viên đi trễ cũng giảm đáng kể - điều này thúc đẩy văn hóa minh bạch của tổ chức.

AI Camera cũng có khả năng trở thành công cụ trọng tâm và đầu tiên của việc chuyển đổi số doanh nghiệp, khi mà các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu trực tuyến được triển khai một cách dễ dàng và tự nhiên vào doanh nghiệp. Cách chuyển đổi số nhanh nhất là khi một thiết bị mang đến tự động hóa cho nhiều doanh nghiệp với chi phí hợp lý".

Một doanh nghiệp Việt ra mắt Camera tích hợp AI, muốn tạo ra xu hướng chấm công mới, nhưng đối mặt với nhiều chất vấn của giới chuyên môn - Ảnh 4.

Ông Trần Viết Quân - Nhà sáng lập Tanca.io

Theo ông Trần Viết quân, có 2 cách tích hợp AI lên camera. Cách 1: Camera được xây dựng như một máy tính thu nhỏ bao gồm chip, ram, bộ nhớ, GPU… dùng để xử lý thuật toán trí tuệ nhân tạo. Đây là cách mà HANET, BKAV đang làm. Cách 2: Camera được tích hợp AI sau khi dữ liệu video được truyền về máy chủ, từ máy chủ sẽ được xử lý thuật toán trí tuệ nhân tạo. Đây là cách thức mà đa phần các doanh nghiệp đang làm, do không sở hữu phần cứng như VNG...

Với cách 1, việc xử lý AI trên thiết bị do vậy sẽ không gặp vấn đề như mất internet, không ngốn chi phí máy chủ và tốc độ xử lý được tối ưu trên camera dựa vào thiết kế thấu kính, góc quay, khoảng cách nhận diện… Tuy nhiên nhược điểm là AI chỉ xử lý được lượng khuôn mặt giới hạn ví dụ như 50.000 khuôn mặt trên Camera AI HANET.

Với Cách 2, ưu điểm là có thể xử lý hàng triệu khuôn mặt, có thể tích hợp với đa dạng dòng camera. Tuy nhiên sẽ gặp vấn đề từ tối ưu cho dòng camera nào, đầu tư cho máy chủ và đường truyền về hệ thống máy chủ nội bộ.

"Về chi phí đầu tư dịch vụ, cách 1 có chi phí tối ưu hơn so với cách 2 vì chi phí đầu tư cho máy chủ để xử lý AI và Camera có thể cao hơn. Nếu tách giá của AI Camera để so sánh với các Camera IP thông thường trên thị trường thì không thể so sánh được, vì một bên trang bị camera có hệ thống xử lý như máy tính thu nhỏ, một bên là camera chỉ có chức năng giám sát.

Riêng với mảng chấm công, đầu tư 3,5 triệu đồng cho camera AI với các giá trị mang lại cho doanh nghiệp thì tôi nghĩ chi phí này hợp lý", founder Tanca.io nêu cụ thể.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM