Một điều dưỡng 23 năm làm ở Bạch Mai: “Giờ chúng tôi phải tranh nhau cả găng tay y tế, lương thì có lúc không đủ đóng học cho con”
“Hai vợ chồng tôi đều làm ở Bạch Mai, có hai con đang tuổi đi học. Sáu tháng nay rồi, nếu cả hai bạn cùng đóng học một lúc thì bố mẹ không đủ tiền".
Những người rời khỏi bệnh viện Bạch Mai đã và đang dần dần chia sẻ lý do cho lựa chọn của họ. Hiện gần 4.000 CBCNV đang ngày ngày làm việc ở Bạch Mai, vậy môi trường làm việc của họ như thế nào?
Với mong muốn mang đến cho độc giả những thông tin đa chiều về Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã trò chuyện với một số người lao động ở đây. Có thể có những thông tin chỉ mang tính chất là góc nhìn cá nhân, chưa phải là góc nhìn toàn diện về những gì đã và đang diễn ra ở Bạch Mai thời gian gần đây. Nhưng nó là những trải nghiệm và cảm nhận của những người trong cuộc. Chúng tôi cũng sẽ liên hệ với lãnh đạo Bệnh viện để tiếp tục làm sáng tỏ những khúc mắc này.
Câu chuyện đầu tiên là của một điều dưỡng đã làm việc ở bệnh viện Bạch Mai 23 năm, từng tham gia rất nhiều nhiệm vụ y tế đặc biệt của bệnh viện và cả nước, và hiện vẫn đang làm việc ở đây. Uy tín, trình độ chuyên môn của điều dưỡng coi Bạch Mai là ngôi nhà của mình được rất nhiều bệnh nhân, nhân viên y tế ở viện, ở các tuyến dưới trân trọng.
---
GĂNG TAY Y TẾ CỨ KHI NÀO ĐƯỢC PHÁT LÀ PHẢI TRANH NHAU
Như thế nào nhỉ! Anh chị em đang vất vả lên gấp bội nhưng thứ nhận được là bực mình gấp bội, ráo mồ hôi là hết tiền.
Ở bệnh viện đông bệnh nhân như Bạch Mai, lại phần lớn là bệnh nhân nặng, chuyện vất vả là đương nhiên. Và đã có lúc chúng tôi tự hào khi vượt qua được rất nhiều vất vả để cùng nhau chăm sóc, bảo vệ bệnh nhân của mình. Có những bệnh nhân đến viện điều trị từ năm 1994 đến nay, họ gần như phải gắn bó chung thân với bệnh viện. Khi bệnh nhân đã coi bệnh viện là nhà thương, bác sĩ điều dưỡng là người thân thì chúng tôi cũng vậy.
Vấn đề là anh chị em phải làm thêm việc, thêm giờ mà đúng chuyên môn thì không vấn đề gì cả đâu. Tinh thần cống hiến và vượt khó của Bạch Mai đã được nuôi dưỡng trong tất cả chúng tôi từ hơn 100 năm nay. Nhưng muốn có kết quả tốt đẹp thì phải có công cụ lao động, phải có tái đầu tư và sự tôn trọng.
Ảnh chụp chỉ thị về sử dụng găng tay y tế tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Bệnh viện vẫn muốn kết quả phải đẹp, nhưng lại không có những hỗ trợ đầy đủ để nhân viên làm trôi chảy công việc. Có ai biết chúng tôi đã phải tranh nhau găng tay không? Găng nylon có được là may mắn. Còn găng tay y tế cứ khi nào được phát là phải tranh nhau. Tranh nhau để mà còn làm việc. Cả bác sĩ, điều dưỡng lẫn hộ lý.
Khi nhân viên hỏi thì nhận được câu trả lời rất ngắn gọn: Do hết thầu! Do không có thầu! Mọi người phải chịu khó. Từ 24/12/2020 đến nay khi trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi đều không có găng tay y tế. Ngoài ra chúng tôi còn thiếu thốn đủ thứ.
23 năm tôi làm ở Bạch Mai, chưa bao giờ có chuyện như bây giờ.
Trong chiến tranh, bố mẹ chúng tôi có thể tái sử dụng lại găng tay bằng cách hấp. Hơn nữa, thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao trong chiến tranh không ai nói gì cả. Con người lúc đấy chỉ tập trung làm sao cứu được người thôi. Nhưng đây là thời bình, đất nước đang phát triển giàu có hơn, dịch vụ y tế đang hướng đến chất lượng phục vụ đạt tầm quốc tế. Còn nhân viên y tế chúng tôi đang được đối xử tệ hơn trong chiến tranh.
Ngày xưa chúng tôi bắt đầu đi làm từ 6h30 sáng và không bao giờ về trước 5h chiều. Đặc thù công việc khiến chúng tôi có nhiều ngày đêm làm việc 12 tiếng đồng hồ cũng không kêu ca. Không một lời kêu ca gì cả. Thậm chí còn hạnh phúc vì sau 12 tiếng mệt lử mình góp phần cứu được thêm một vài bệnh nhân. Nhưng từ ngày có quá nhiều bất thường, quá nhiều chuyện buồn cười ra nước mắt xảy ra ở viện, chúng tôi chỉ làm đúng và đủ thôi. Đủ 9 - 10 tiếng cho một ca làm là chúng tôi nghỉ.
"Có ai biết chúng tôi đã phải tranh nhau găng tay không? Găng nylon có được là may mắn", điều dưỡng chia sẻ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
1 THÁNG KHẢO SÁT 3 LẦN
Lo lắng hay stress (trạng thái thần kinh bị căng thẳng) đến với tôi trong tháng đầu tiên của mọi sự thay đổi này. Và rồi tôi thấy rằng mình có stress cũng chả làm gì được. Mọi sự phát triển tốt lên cho tổ chức và cá nhân, ai cũng sẽ đón nhận. Nhưng nếu ngược lại..? Trong hơn 4.000 người lao động ở viện, mỗi người sẽ có cách suy nghĩ và hành động khác nhau.
Có những người đồng nghiệp, người bạn của tôi đã ra đi. Trong suy nghĩ của tôi, họ là những người dũng cảm và dám làm cách mạng.
Bệnh viện Bạch Mai: 2 nhân vật "đặc biệt" được kể tên trong đợt tuyển 506 cán bộ, bác sĩ mới
Nói thật, gia đình tôi 2 thế hệ gắn bó với viện rồi. Bố mẹ làm ở Bạch Mai, tôi lớn lên ở khu tập thể Bạch Mai từ cuối những năm 1970. Lớn lên, lấy vợ, có con, công việc ổn định, bệnh nhân yêu quý, các tuyến trân trọng chuyên môn... đều nhờ Bạch Mai mà tôi có được hạnh phúc, tự hào.
Thật sự đang có 2 nơi ngỏ ý mời rồi nhưng tôi vẫn chờ sự thay đổi. Vì Bạch Mai 23 năm qua đã luôn là ngôi nhà của tôi. Khi đã là ngôi nhà thì đó phải là lựa chọn số 1. Đương nhiên, số 1 không thể là mãi mãi nếu nó không thay đổi theo những gì chúng tôi đang bị thay đổi.
Bệnh viện có khoảng 4.000 CBCNV thì điều dưỡng chiếm khoảng 2.300 người, bác sĩ khoảng hơn 700 người, còn lại là bộ phận phục vụ khác. Tôi có thể nói đến bây giờ, trong số hơn 2.300 điều dưỡng của bệnh viện, rất nhiều người thể hiện sự không hài lòng trong tất cả các cuộc khảo sát ý kiến người lao động vừa qua. Mà những đợt khảo sát đấy buồn cười lắm. Bởi vì thông thường tổ chức chỉ khảo sát ý kiến nhân viên khoảng 1 lần 1 năm. Nhưng chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, Bạch Mai thực hiện khảo sát tới 3 lần về môi trường làm việc. Vì sao phải tới 3 lần? Hay họ không tin vào điều mọi người đang nghĩ.
Ngày xưa chúng tôi làm việc dù bệnh nhân đau, mình vất vả nhưng luôn có những tiếng cười. Ai không biết thì hỏi sao đang chăm sóc người ốm đau lại cười? Nhưng phải ở trong môi trường của chúng tôi và bệnh nhân mọi người mới hiểu tiếng cười quý giá như thế nào. Vào những lúc mệt mỏi, đau đớn nhất chỉ còn tiếng cười mới có thể giúp xua đi nỗi buồn của người bệnh. Chỉ có tiếng cười mới giúp chúng tôi phấn chấn làm công việc tốt lên. Nhưng bây giờ để thấy, để nghe tiếng cười ở viện tôi hơi khó.
Bây giờ chúng tôi bắt đầu thấy bình thường trong nỗi buồn rồi.
ÔI! ANH LÀM 23 NĂM RỒI MÀ LƯƠNG ANH KHÔNG BẰNG...
Tôi bắt đầu thấy buồn từ đợt dịch Covid lần 1 sang Covid lần 2. Thậm chí chúng tôi còn không dám nói là nhân viên bệnh viện Bạch Mai. Đến bây giờ ai cũng có thể hỏi chúng tôi sao bệnh viện của các bạn nhiều chuyện thế? Rồi ai cũng giống như chị, hỏi lương thế nào? Bây giờ nói thật, tôi chẳng dám nói về đồng lương nữa. Bởi vì sao? Đồng lương buồn cười quá.
Đến các bạn học viên ở các tỉnh lên học bọn tôi, người ta còn bảo: Ôi! Anh làm 23 năm rồi mà lương anh không bằng... Tôi bảo: Uh, bây giờ là thế!
Nhà tôi cả hai vợ chồng đều làm ở bệnh viện cho nên thu nhập giảm đi một cách... Nói thế nào nhỉ, chúng tôi có hai con đang tuổi đi học. Sáu tháng nay rồi, nếu cả hai bạn cùng đóng học phí một lúc thì bố mẹ không đủ tiền.
Chúng tôi nhận được 2 khoản thu nhập hàng tháng: Lương cơ bản và thu nhập tăng thêm (TNTT) do bệnh viện và khoa chi trả. Lương cứng thì đương nhiên chẳng ai đụng chạm gì cả rồi. Bởi vì mình là người lao động đi làm đủ ngày công thì đương nhiên được nhận lương thôi. Và khoản này, bệnh viện chưa trả chậm bao giờ.
Còn lương tăng thêm, với bất kỳ nhân viên Bạch Mai nào, TNTT mới là phần quan trọng trong cuộc sống. Trước đây, TNTT của chúng tôi đủ nuôi gia đình. Một gia đình nếu người vợ hoặc người chồng làm ở một bệnh viện khác có mức lương dưới 15 triệu đồng/tháng thì người làm ở bệnh viện Bạch Mai sẽ là người tạo ra thu nhập chính. Còn bây giờ, ráo mồ hôi là chúng tôi hết tiền.
Trong vòng 6 tháng lại đây, thu nhập của chúng tôi đúng là không đủ sống. Và cái mà người lao động nhận được nhiều nhất chỉ là buồn thôi.