Tâm sự đầy nuối tiếc của nữ cán bộ rời Bệnh viện Bạch Mai sau 23 năm cống hiến

15/04/2021 15:32 PM | Xã hội

Chị N.T.L. (làm tại một đơn vị chức năng của Bệnh viện Bạch Mai) – người từng gắn bó 23 năm với nơi này, đã phải rời khỏi bệnh viện sau Đơn xin nghỉ việc mà bản thân chị không mong muốn.

Mới đây một đại diện Bệnh viện Bạch Mai xác nhận có 221 cán bộ nhân viên xin nghỉ việc, đồng thời 506 nhân sự mới được tuyển dụng.

Trước sự việc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với hàng chục cán bộ, nhân viên từng nghỉ việc tại bệnh viện. Đa số họ đều tỏ ra vô cùng bất ngờ về phát ngôn của ông Đỗ Văn Thành - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai.

Đáng nói, hầu hết những ý kiến đều bày tỏ sự không hài lòng về cơ chế, cách điều hành cũng như những vấn đề nội bộ nên họ mới phải chấp nhận ra đi.

Nghỉ việc chỉ vì một kỷ luật "chớp nhoáng"

Chiều 14/4, chị N.T.L. gặp chúng tôi với vẻ thất vọng sau khi đã nhận trong tay tờ giấy quyết định nghỉ việc cách đây ít ngày.

Tâm sự đầy nuối tiếc của nữ cán bộ rời Bệnh viện Bạch Mai sau 23 năm cống hiến - Ảnh 1.

Chị L. không mong muốn phải làm tờ đơn này

Chia sẻ với chúng tôi, chị L. cho hay, "Đơn xin chấm dứt hợp đồng làm việc", tuy là tự nguyện nhưng bản thân chị cho đây là một quyết định không hề mong muốn và vẫn còn nhiều nuối tiếc sau 23 năm cống hiến, gắn bó với bệnh viện.

"Tôi làm ở Bệnh viện Bạch Mai từ năm 26 tuổi đến nay, tôi tham gia hầu hết các công việc của phòng KHTH. Sau đó là ở đơn vị hiện tại, mọi việc tôi đều tận tâm, được đồng nghiệp, mọi người nhận xét là nhiệt tình trách nhiệm. Mặc dù rất buồn phải dứt áo ra đi khỏi ngôi nhà của mình nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác”, chị L. cho hay.

Chị L thất vọng nói thêm: “Gần 1 năm nay, nhân viên chúng tôi thường xuyên bị bệnh viện cho là lỗi giao tiếp rồi xử phạt nặng, cắt hết tiền thưởng ABC (3 đến 6 tháng). Thậm chí, lãnh đạo cắt cả thưởng Tết. Nguồn thu nhập đã không ổn định, nhưng cái chính là môi trường làm việc ức chế o ép”.

Tâm sự đầy nuối tiếc của nữ cán bộ rời Bệnh viện Bạch Mai sau 23 năm cống hiến - Ảnh 2.

Theo chị L. đây là "Phiếu giao việc" chưa từng áp dụng đối với nhân sự nào, chị cho đây là hành động gây khó dễ khiến nhân viên phải tự xin nghỉ việc.

Nói thêm về lỗi giao tiếp dẫn đến bị kỷ luật, chị L. cho hay, trước đó một đồng nghiệp ở ngoài bệnh viện có phản ánh với giám đốc bệnh viện Bạch Mai thông tin một chiều về chị.

"Giám đốc bệnh viện không xác minh mà gửi tin nhắn cho lãnh đạo trung tâm, yêu cầu phải ra kỷ luật tôi".

Chị L. bức xúc cho biết, sau rất nhiều cuộc họp nhưng không thể có được cái kết tốt đẹp nên chị phải làm đơn xin nghỉ việc.

"Thậm chí trong buổi họp để ra quyết định kỷ luật, tôi giải thích những vấn đề quan trọng nhưng giám đốc không nghe, ông gạt đi", chị L. nói.

Việc nhiều, lương chậm

Cũng liên quan đến hàng loạt cán bộ, nhân viên nghỉ việc, anh N.Đ.K. (nhân viên Dược nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bản thân từng gắn bó 6 năm nhưng mới đây đã quyết định rời bỏ vị trí.

Theo anh K. thời điểm trước khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thu nhập mỗi tháng thấp nhất gần 20 triệu. Thế nhưng, thời gian qua lương của không chỉ riêng anh mà các nhân viên tại bệnh viện giảm mạnh.

“Tôi quyết định nghỉ do mức lương không đều trong khi đó công việc nhiều hơn. Mức lương của tôi có tháng giảm xuống gần 50%, tức là chỉ khoảng 10 triệu. Thậm chí lương bị trả chậm 1,2 tháng, có khi chậm tới 3 tháng. Chính vì không còn lưu luyến nữa nên tôi quyết định nghỉ việc. Ngoài tôi ra vẫn còn vài người nữa nghỉ ở đây để kiếm việc khác”, anh K. chia sẻ.

Tâm sự đầy nuối tiếc của nữ cán bộ rời Bệnh viện Bạch Mai sau 23 năm cống hiến - Ảnh 3.

Quyết định nghỉ việc

221 người nghỉ, tuyển thêm 506 người: Lý giải từ bệnh viện

TS.BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, trong số 221 bác sĩ, nhân viên bệnh viện nghỉ việc thời gian qua, có hơn 113 người là lao động phổ thông làm việc tại các đơn vị dịch vụ, nhà thuốc, tang lễ... do bệnh viện kiện toàn, tinh gọn.

28 bác sĩ chuyển công tác, thôi việc, trong đó có 1 Phó Giáo sư, 7 Tiến sĩ y học, 2 Tiến sĩ ngành dược học… Những người này chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn.

Một số chuyển sang nơi khác, trong số này có Trưởng Khoa Dược, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ.

Ông Thành nhấn mạnh, công tác cán bộ tại bệnh viện không có bất thường, không phải là chảy máu chất xám và không ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện.

Tâm sự đầy nuối tiếc của nữ cán bộ rời Bệnh viện Bạch Mai sau 23 năm cống hiến - Ảnh 4.

Nhiều cán bộ nhân viên xin nghỉ việc

Theo ông Thành, có nhiều lý do dẫn đến chuyện 221 người lao động rời bệnh viện thời gian qua, trong đó có việc bệnh viện sắp xếp lại, xóa bỏ đơn vị dịch vụ, nhà tang lễ, giảm số nhà thuốc từ 10 xuống còn 5... dẫn đến có trên 100 lao động dôi dư.

Bên cạnh đó, doanh thu giảm nên thu nhập y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện cũng giảm ít nhất 30%, một số bộ phận có thể giảm hơn.

Năm 2020, 2 nguyên lãnh đạo của bệnh viện (cựu Giám đốc và cựu Phó giám đốc) bị bắt để điều tra nghi vấn xung quanh việc mua sắm trang thiết bị và xã hội hóa tại bệnh viện.

Ngoài ra, trước những áp lực do dịch đã khiến một số y, bác sĩ bức bối, từ đó không ít người xin nghỉ.

Tâm sự đầy nuối tiếc của nữ cán bộ rời Bệnh viện Bạch Mai sau 23 năm cống hiến - Ảnh 5.

Bệnh viện Bạch Mai

Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi, TS. BS Đỗ Văn Thành cho biết, bệnh viện đã ký hợp đồng với 506 người về làm việc, trong đó có những nhân sự là Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành.

Theo ông Thành, trong số này bao gồm tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn: 199 người.

Trong đó có những nhân sự thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao, ví dụ, các bác sĩ nội trú, Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành như GS.TS Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, kiêm nhiệm Viện trưởng Viện Khoa học Sức khoẻ của BV Bạch Mai; PGS.TS Nguyễn Quỳnh Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia, Bộ Y tế về làm Trưởng Khoa Dược của bệnh viện.

Ông Thành nói: "GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai ưu tiên tuyển dụng đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao như bác sĩ nội trú và cử nhân hệ tiên tiến giỏi chuyên môn và ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về khám chữa bệnh của nhân dân".

Cũng theo ông Thành, trong tổng số 199 cán bộ, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn hiện có: 19 viên chức, 24 cán bộ Đại học Y và đơn vị khác kiêm nhiệm công tác, 156 người ký hợp đồng lao động.

Riêng đối với nhóm có trình độ chuyên môn cao bao gồm 5 Giáo sư, Phó giáo sư; 4 Tiến sĩ; 98 Thạc sĩ bác sĩ nội trú; 98 bác sĩ chuyên khoa I; 24 cử nhân điều dưỡng hệ tiên tiến, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
XEM