Một công ty quế hồi Việt Nam chào bán 15% cổ phần giá 135 tỷ đồng, nhắm mốc IPO 2026 với định giá 620 triệu USD

09/04/2022 07:48 AM | Kinh doanh

Công ty sản xuất và xuất khẩu quế hồi Vinasamex vừa pitching trước cộng đồng nhà đầu tư, nhắm huy động 135 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần, tức định giá công ty ở mức 900 tỷ đồng. "Sau khi lên sàn chứng khoán ở Việt Nam, chúng tôi sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế nhằm khẳng định vị thế và thương hiệu của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản", CEO Vinasamex cho biết.

"Lần đầu tiên chúng tôi tham gia hội chợ quốc tế, khách hàng EU không tin Việt Nam có quế. Tôi từng không có niềm tin khi nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam phải mượn mã đăng ký của Thái Lan để được trưng bày quốc tế", Nguyễn Thị Huyền - CEO Vinasamex tâm sự trong bài thuyết trình trước các nhà đầu tư.

Thị trường 15 tỷ USD và bữa ăn của người nông dân

[Bài ngày 9/4] Một công ty quế hồi Việt Nam chào bán 15% cổ phần giá 135 tỷ đồng, nhắm mốc IPO 2026 với định giá 620 triệu USD - Ảnh 1.

Trong các loại gia vị, quế có giá tăng vọt trong gần một thập kỷ qua.

Theo nữ CEO Vinasamex, thị trường gia vị organic ước tính tăng trưởng CAGR ở mức 4,6%, đạt 15,4 tỷ USD năm 2032.

"Chu kỳ đo được hiệu quả của một vụ quế là 10 năm. Đằng sau câu chuyện tỷ đô, thực chất là số phận, bữa ăn người nông dân nghèo, sẵn sàng thay đổi trước rủi ro - khi không có lời cam kết nào về tương lai".

Người nông dân không ngừng "đánh bạc" trên chính mảnh đồi của cha ông mình

"Họ loay hoay: Trồng tiếp vụ mới, đợi thêm 10 năm, hay trồng cây ngắn ngày, cà phê, cây gỗ?", Huyền chia sẻ.

Người nông dân không ngừng "đánh bạc" trên chính mảnh đồi của cha ông mình, Huyền nhìn nhận.

10 năm trước, Huyền và chồng là Nguyễn Quế Anh quyết định đi một con đường riêng – thuyết phục đồng bào vùng cao tại Trấn Yên, Yên Bái phát triển vùng trồng organic, đối diện với những cái xua tay, đóng cửa không tiếp... Có lần, hai vợ chồng đi 30km phải quay trở lại tìm đường đi khác.

"Đó là một việc làm chưa có tiền lệ, và đầy thách thức, nhưng đó là con đường chúng tôi tin rằng tất yếu với ngành quế hồi và ngành gia vị nói chung", Quế Anh - đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vinasamex - bày tỏ.

"Chủ tịch chỉ là chức danh, còn nghề nghiệp chính của tôi, là một người phát triển giống cây trồng, một công nhân chế biến quế hồi, một người xúc tiến thương mại quốc tế, một nhà thầu xây dựng, một thợ cơ khí, và còn khoảng hai mươi đầu công việc như thế nữa. Trong gần hai thập kỷ qua, tôi đã học từng đó nghề, với chỉ một mục tiêu duy nhất: Đưa quế hồi Việt Nam vươn xa ra thế giới".

Theo thống kê của Hiệp hội Gia vị thế giới, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, đứng thứ 2 sau Trung Quốc về sản lượng hồi. Quế hồi được tiêu thụ mạnh ở các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 400 triệu USD/năm

(Thông tin từ Hội thảo "Phát triển bền vững quế Việt Nam" do Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức tháng 12/2021)

Kêu gọi 135 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần, định giá công ty 900 tỷ

[Bài ngày 9/4] Một công ty quế hồi Việt Nam chào bán 15% cổ phần giá 135 tỷ đồng, nhắm mốc IPO 2026 với định giá 620 triệu USD - Ảnh 4.

Thuyết trình trước các nhà đầu tư, Vinasamex công bố chào bán 15% cổ phần của công ty với trị giá 135 tỷ đồng, tương đương định giá doanh nghiệp ở mức 900 tỷ đồng. Mỗi suất đầu tư tối thiểu có giá trị 1,5 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động được nhằm mở rộng các nhà máy tại Lào Cai, Lạng Sơn nhằm sản xuất chuyên sâu các sản phẩm từ quế, hồi với công nghệ máy móc.

Vinasamex cho biết đây là sự kiện kêu gọi vốn đầu tư cá nhân đầu tiên và duy nhất, khởi động lộ trình IPO năm 2026, với định giá dự kiến ở mức 620 triệu USD. Ba vòng gọi vốn sau sẽ dành cho các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Chia sẻ về lý do IPO, Huyền cho biết nhắm mục tiêu trở thành công ty trong lĩnh vực nông sản, gia vị hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam có được sự minh bạch, cũng như trở thành công ty niêm yết để có thể kêu gọi vốn. Bà Huyền cũng bày tỏ mong muốn đưa Vinasamex trở thành thương hiệu trong lĩnh vực gia vị và hương liệu hữu cơ đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác thay đổi tư duy cũng như mục tiêu kinh doanh.

"Sau khi lên sàn chứng khoán ở Việt Nam, chúng tôi sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế nhằm khẳng định vị thế và thương hiệu của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản", Huyền nói thêm.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh, bà Huyền cho biết: Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao vì đại dịch Covid, doanh thu Vinasamex vẫn tăng gần 60% trong năm 2021.

[Bài ngày 9/4] Một công ty quế hồi Việt Nam chào bán 15% cổ phần giá 135 tỷ đồng, nhắm mốc IPO 2026 với định giá 620 triệu USD - Ảnh 6.

Doanh thu và lợi nhuận của Vinasamex 4 năm trở lại đây.

Hiện vùng nguyên liệu của Vinasamex có quy mô 4.367 ha với các nguyên liệu quế, hồi, nghệ hữu cơ, liên kết với 2.115 hộ dân tại các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai và Bắc Cạn. Vinasamex cũng vừa ký kết MOU với huyện Cam Lộ (Quảng Trị) để phát triển 20.000 ha quế, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 400 - 500 lao động địa phương.

Công ty đang có một nhà máy sản xuất và chế biến quế, hồi ở Yên Bái với quy mô hơn 15.000 m2, năng suất 2.000 - 3.000 tấn quế hữu cơ/năm. 3 nhà máy dự định mở rộng tại Lào Cai (2 nhà máy) và Lạng Sơn có quy mô lần lượt 30.000 m2, 100.000 m2 và 16.000 m2, chế biến các sản phẩm quế, hồi khô và chiết xuất tinh dầu.

"Trong năm nay Vinasamex sẽ mở thêm 2 chi nhánh và văn phòng tại Hà Lan (trung tâm gia vị thế giới) và tại Mỹ (thị thường tiêu thụ lớn nhất thế giới) nhằm tìm kiếm thêm nhiều khách hàng mới và gia tăng sản lượng lớn hơn nữa tại những thị trường này", Chủ tịch Vinasamex cho biết.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM