Một biên bản không công bố và cách cổ phiếu DIG được phân phối
Cuộc chơi tại DIC Corp từ cuối năm 2020 chỉ còn lại 2 cái tên, là nhóm Thiên Tân và Him Lam. Tuy nhiên sau đà bán chốt lãi ồ ạt của 2 nhóm này vào cuối năm ngoái và nửa đầu năm nay, cơ cấu cổ đông DIC Corp đã được pha loãng rất mạnh.
Một biên bản không được công bố
Ngày 14/9 vừa qua, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) thông báo ĐHĐCĐ bất thường (EGM) năm 2022 không đủ điều kiện tiến hành do không đủ tỷ lệ nhà đầu tư dự họp đạt trên 50% tổng số phiếu biểu quyết. Đây cũng là ĐHĐCĐ đầu tiên trong lịch sử DIC Corp không tổ chức thành công kể từ khi niêm yết, và là diễn biến gây bất ngờ với nhà đầu tư, khi mà tại ĐHĐCĐ thường niên (AGM) ngày 22/4/2022, tỷ lệ dự họp vẫn là 61,93%.
Đáng chú ý là theo quy định tại Điều 11 Thông tư 96/2020, Nghị quyết và Biên bản ĐHĐCĐ bất thường (công khai tỷ lệ cổ phần tham dự) phải được công bố trong vòng 24h. Tuy nhiên, tính tới nay đã gần 2 tuần, nhưng DIC Corp vẫn không công bố các thông tin quan trọng này.
Nội dung đáng chú ý nhất của EGM năm 2022 là thay đổi phương án phát hành cổ phiếu DIG cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, DIC Corp sẽ trình cổ đông kế hoạch chào bán 150 triệu cổ phiếu với 20.000 đồng/CP – thấp hơn 33,3% so với mức giá được thông qua tại AGM 2022 (30.000 đồng/CP).
Ở lần triệu tập EGM thứ 2 (dự kiến tổ chức ngày 12/10), DIC Corp tiếp tục trình các cổ đông phương án tăng vốn kể trên với giá chào bán còn 15.000 đồng/CP. Tại lần EGM thứ 2 này, DIG chỉ cần túc số đạt từ 33% trở lên để đủ điều kiện tiến hành.
DIC Corp tiền thân là Nhà nghỉ Bộ Xây dựng, được thành lập năm 1990. Tới năm 2007, doanh nghiệp này được cổ phần hoá và lên sàn HoSE 2 năm sau đó.
Chặng đường phát triển hơn 30 năm của DIC Corp từ thời còn là doanh nghiệp nhà nước đến nay gắn chặt với hình ảnh của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn. Doanh nhân sinh năm 1957, quê Thanh Hoá chính là Giám đốc Nhà nghỉ Bộ Xây dựng phía Nam (tiền thân của DIC Corp), rồi đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT DIC Corp cho tới nay.
Là "con cưng" của ngành Xây dựng, DIC Corp đã tích luỹ được cho mình quỹ đất rất đáng nể, và hiện là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam về tiêu chí này, với tổng diện tích các dự án phát triển lên tới 8.000ha, trải dài từ Nam ra Bắc.
Dù vậy, tiềm năng quỹ đất này chưa được DIG khai thác thực sự hiệu quả. Điều này có thể thấy chỉ tiêu ROA DIC Corp kể từ khi niêm yết đến nay luôn chỉ ở mức vài phần trăm (trừ giai đoạn 2008-2010). Đáng chú ý, giai đoạn 2012-2015 ghi nhận ROA chỉ chưa đến 1%.
Trong khi chưa thể phát triển mạnh mẽ quỹ đất khổng lồ, DIC Corp từ lâu lại được biết nhiều với các giao dịch cổ phiếu quỹ, mua vào, bán ra liên tục, đặc biệt vào đầu thập niên trước. Hay gần đây, trong giai đoạn tháng 4-8/2020 DIC Corp gây ấn tượng với giao dịch mua/bán hơn 8,2 triệu cổ phiếu quỹ, tỷ suất lợi nhuận lên tới 90%.
Tại thời điểm đầu năm 2020, cơ cấu cổ đông của DIC Corp gồm Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và người có liên quan sở hữu 15,48%, pháp nhân có liên hệ tới ông Tuấn là CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân nắm 4,14%, và các nhóm cổ đông khác, gồm Dragon Capital và nhóm liên quan (21,49%), CTCP Chứng khoán Bản Việt (9,24%), CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (5,07%), CTCP Taekwang Vina Industrial (9,19%).
Sự tham gia của quá nhiều các cổ đông đối lập khiến vai trò của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn phần nào bị ảnh hưởng. Ở một ví dụ cụ thể, EGM 2020 của DIC Corp diễn ra vào tháng 9/2020 đã không thông qua kế hoạch hợp tác kinh doanh với Địa ốc Him Lam tại dự án Khu đô thị Bắc Vũng Tàu với tỷ lệ chấp thuận chỉ là 33,07% (tương đương 102,6 triệu cổ phiếu), trong khi tỷ lệ không đồng ý là 26,57% (82,4 triệu cổ phiếu), bỏ phiếu trống là 20,31% (63 triệu cổ phiếu).
Nên nhớ rằng 2020 là năm khởi đầu cho giai đoạn điên rồ của chứng khoán Việt. Là lãnh đạo cao nhất của DIC Corp, và cũng là một doanh nhân sành sỏi trong lĩnh vực tài chính chứng khoán, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn cùng các cộng sự khó có thể bỏ qua "thiên thời" này.
Ngày 2/12/2020, có tới 160 triệu cổ phiếu DIG, chiếm hơn 42% vốn cổ phần của DIC Corp được mua bán thỏa thuận với mức giá bình quân khoảng 21.642 đồng/CP, tổng giá trị giao dịch là 3.441 tỷ đồng.
Cùng ngày, các nhóm cổ đông đối lập là 2 quỹ thuộc nhóm Dragon Capital là Amersham Industries Limited và Vietnam Enterprise Investments Limited; và CTCP Chứng khoán Bản Việt đều đồng loạt bán ra cổ phiếu DIG.
Trước đó, các cổ đông tổ chức gồm CTCP Đầu tư & Dịch vụ Khánh Hội và CTCP Taekwang Vina Industrial cũng thoái hết vốn khỏi DIC Corp giai đoạn tháng 5-10/2020.
Ở chiều ngược lại, CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam trong phiên 2/12/2020 đã mua vào 67,69 triệu cổ phiếu DIG và trở thành cổ đông lớn, nắm 21,49% vốn DIC Corp. Cùng với đó, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng mua thêm 47,2 triệu cổ phiếu.
Nói một cách tường minh hơn, "cuộc chơi" tại DIC Corp lúc này chỉ còn 2 cái tên là nhà Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và Him Lam Group.
Chỉ 2 ngày trước phiên giao dịch thoả thuận 3.441 tỷ đồng, DIC Corp ngày 30/11/2020 đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh và chuyển cho Đức Hoà III - Resco và Thiên Tân hơn 3.000 tỷ đồng.
Phân phối
Sự xuất hiện của ông lớn giàu tiềm lực Him Lam được coi là yếu tố quan trọng giúp giá cổ phiếu DIG tăng "shock" trong giai đoạn cuối năm 2021.
Tuy nhiên, việc tập đoàn của ông Dương Công Minh thực sự muốn đầu tư vào DIC Corp hay không, có chăng chỉ những người trong cuộc mới thực sự tường minh.
Biết rằng chỉ 2 ngày trước phiên giao dịch 2/12/2020, DIC Corp ngày 30/11/2020 đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, và chuyển cho CTCP Đầu tư Đức Hoà III - Resco số tiền khổng lồ, lên tới 1.729 tỷ đồng. Đức Hoà III - Resco - chủ đầu tư khu công nghiệp cùng tên ở Long An. Năm 2017, Sacombank dưới thời Chủ tịch Dương Công Minh, cần lưu ý, đã đấu giá thành công khoản nợ này.
Ở nghiệp vụ tương tự, trong cùng ngày 30/11/2020, DIC Corp đã ký hợp đồng hợp tác và chuyển cho Thiên Tân 1.298 tỷ đồng.
Tổng cộng, DIC Corp đã chuyển cho 2 pháp nhân kể trên tới 3.027 tỷ đồng, tương đương 1/4 tổng tài sản, và gần bằng 3.441 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng thoả thuận của 160 triệu cổ phiếu phiên 2/12/2020!
DIC Corp chuyển hơn 3.000 tỷ đồng cho Đức Hoà III - Resco và Thiên Tân chỉ 2 ngày trước phiên giao dịch thoả thuận 160 triệu cổ phiếu DIG.
Với sự xuất hiện của Him Lam, cổ phiếu DIG tăng liên tục. Đặc biệt, tính từ đầu tháng 10/2021, không phải VHM, NVL, KDH, NLG - những ông lớn bất động sản hàng đầu nổi tiếng với mức độ minh bạch cao, mà DIG mới là mã dẫn dắt cơn điên cổ phiếu địa ốc.
Mã này chỉ mất hơn 3 tháng để tăng gấp 4 lần, từ vùng giá 30.000 đồng/CP lên đỉnh gần 120.000 đồng/CP trong phiên 11/1/2022. Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều topic “tung hô” tiềm năng DIG mọc lên như nấm với mức giá mục tiêu lên đến hàng…triệu đồng/CP.
Bản thân DIC Corp cũng liên tục chủ động phát đi các thông tin tích cực như: Hàng loạt dự án trọng điểm đã hoàn thành thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng, sẵn sàng cho việc khởi công, mở bán mới hoặc bàn giao cho khách hàng; nhiều dự án trong quá trình triển khai có quy mô lớn và vị trí đắt giá; hay các kế hoạch triển khai các dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu trung tâm thành phố mới, khu du lịch tại Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc….
Diễn biến giá cổ phiếu DIG trong 1 năm trở lại đây. Ảnh: VN Trading View.
Đà tăng giá của DIG còn được kỳ vọng “điên” hơn nữa, nếu không xảy ra sự kiện Tân Hoàng Minh Group bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, hay ông Trịnh Văn Quyết “bán chui” cổ phiếu FLC vào đầu năm nay.
BCTC thể hiện DIC Corp trong nửa đầu năm nay đã tất toán khoản phải thu 1.729 tỷ đồng với Đức Hoà III - Resco, trùng hợp với diễn biến Him Lam triệt thoái vốn khỏi DIG Corp.
Cổ phiếu DIG nói riêng và nhóm bất động sản tăng nóng nói chung ngay lập tức chịu sức ép bán tháo và giảm mạnh. Trong bối cảnh này, nhóm Him Lam liên tục bán ra, chốt lãi ở vùng giá cao.
Áp lực bán của Him Lam mạnh đến nỗi, ban lãnh đạo DIC Corp tại ĐHĐCĐ thường niên (AGM) ngày 22/4/2022 phải trấn an cổ đông rằng đã trao đổi và thuyết phục Him Lam ngừng bán cổ phiếu. Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và người nhà sẽ thu xếp mua vào cổ phiếu DIG để “đỡ giá”.
Không rõ hai bên đã trao đổi, thoả thuận những gì, nhưng sau AGM 2022, Him Lam tiếp tục...bán cổ phiếu DIG và cho đến sau phiên 27/4 thì không còn là cổ đông lớn của DIC Corp, các giao dịch mua/bán theo đó không cần công bố theo quy định.
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, sau hai đợt DIC Corp chia cổ tức trong năm 2021, lượng cổ phiếu DIG mà Him Lam nắm giữ tăng lên hơn 87 triệu đơn vị, ước tính giá vốn sau điều chỉnh là khoảng 16.710 đồng/CP. Tính theo mức giá này, Him Lam lãi khoảng hơn 2.800 tỷ đồng sau 8 tháng nắm cổ phiếu DIG (số liệu chưa tính phần 24,9 triệu cổ phiếu DIG, tỷ lệ 4,99% còn lại của Him Lam) - gấp đôi giá vốn bỏ ra.
Giao dịch cổ phiếu DIG của Him Lam
Ở chiều ngược lại, Phó Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường - con trai ông Nguyễn Thiện Tuấn đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu từ 30/6-29/7/2022, tuy nhiên đã không thực hiện với lý do không thu xếp được tài chính. Trước đó, hồi đầu năm khi giá cổ phiếu DIG rơi sâu, ông Cường cũng đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu, song chỉ thực hiện mua 145 nghìn đơn vị.
Chẳng những vậy, chính Thiên Tân – doanh nghiệp liên hệ với Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn không những không mua vào mà cũng đã liên tục bán cổ phiếu DIG trong đà rơi không phanh của mã này, cụ thể bán 1,85 triệu cổ phiếu phiên 17/5 rồi bán tiếp 1,15 triệu cổ phiếu phiên 21/6.
Tính toán dựa trên tổng số hơn 23,2 triệu cổ phiếu DIG mà Thiên Tân bán ra giai đoạn tháng 8/2021 – tháng 6/2022, doanh nghiệp này đã thu về khoản lãi khoảng 251 tỷ đồng.
Giao dịch cổ phiếu DIG của Thiên Tân
Sau các giao dịch của Thiên Tân và Him Lam, một lượng rất lớn cổ phiếu DIG đã được phân phối cho các cổ đông nhỏ lẻ. Dấu hiệu rõ nhất là trong giai đoạn AGM 2020 - AGM 2022, số lượng cổ đông của DIC Corp tăng đột biến từ 8.274 cổ đông lên 48.280 cá nhân/ tổ chức. DIG Corp hiện cũng là một trong số các doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn nhất Việt Nam.
Còn nhớ tại AGM 2022, dù tổ chức trong tuần tại Vũng Tàu, có tới 606 cổ đông tham dự, thậm chí nhiều người còn ngồi tràn ra cả ngoài hành lang. Trong số này, một tỷ lệ không nhỏ các nhà đầu tư khi ấy đang trong tình trạng lỗ nặng và mong muốn lắng nghe chia sẻ từ ban lãnh đạo DIC Corp.
Cùng với đó, tỷ lệ cổ phần tham dự AGM 2020 tới AGM 2022 cũng giảm mạnh, từ 68,76% AGM năm 2020, xuống 67,23% tại AGM năm 2021 và đến AGM năm 2022 thì tỷ lệ này xuống mức 61,93%.
Gần đây nhất, việc DIC Corp không tổ chức thành công EGM 2022 vì không đủ túc số 50%, đồng thời có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, không công bố Biên bản EGM, đã cho thấy tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhỏ lẻ tại DIC Corp nhiều khả năng hiện đã rất lớn.
Dù vậy, quyền lực tuyệt đối của nhà Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn tại DIC Corp là không phải bàn cãi. Có thể thấy, ngoài ông Tuấn nắm cương vị Chủ tịch HĐQT, hai con của ông Tuấn là ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đều là Phó Chủ tịch HĐQT DIG. Tính đến tháng 7/2022, nhóm cổ đông liên quan đến ông Tuấn nắm đến 23,95% vốn DIG. Nếu tính cả Thiên Tân, tỷ lệ này lên đến 40,84%.
Sự ảnh hưởng tuyệt đối này mang tới cho nhà Chủ tịch HĐQT nhiều lợi thế lớn so với các cổ đông nhỏ lẻ, dù đông đảo nhưng yếu thế.
Cụ thể, ngày 7/10 tới đây là ngày hết hạn chế chuyển nhượng 75 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ cuối năm ngoái DIC Corp phát hành cho ông Tuấn và các cổ đông liên hệ với giá chỉ 20.000 đồng/CP. Tính theo giá pha loãng sau các đợt DIC Corp trả cổ tức bằng cổ phiếu, giá điều chỉnh lô cổ phần này chỉ còn 16.400 đồng/CP.
Trước đó, hồi cuối tháng 8/2021, ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng đã mua 13,52 triệu/15 triệu cổ phiếu ESOP, với mức giá vỏn vẹn 15.000 đồng/CP, giá sau điều chỉnh là 12.295 đồng/CP.
Việc phát hành riêng lẻ/ESOP giúp nhà chủ DIC Corp dễ dàng lấy lại tỷ lệ sở hữu, mà không cần mua gom giá cao trên sàn.
Nghiệp vụ phát hành riêng lẻ, nên biết, đã được DIC Corp tiến hành suốt nhiều năm qua, không chỉ có ý nghĩa duy trì tỷ lệ sở hữu của nhóm chủ, mà còn giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước từ 65% về dưới 50%, trước khi nhà nước thoái hết vốn năm 2017, chi tiết sẽ được Nhadautu.vn đề cập trong kỳ tới.