Mối nhân duyên kỳ lạ với lụa của bà chủ Hạnh Silk và vụ ‘giải cứu’ chiếc khung cửi trăm năm tuổi khỏi lò bánh trưng

11/08/2023 08:14 AM | Sống

“Mười năm trước mà nói đến một cô gái Hà thành đi về nông thôn khởi nghiệp thì quá hiếm, chỉ có hâm mới làm thế thôi” - chị Lương Thanh Hạnh, CEO & Founder thương hiệu HanhSilk chia sẻ.

“Nhà tôi 3 đời không có ai làm lụa. Tôi chưa từng nghĩ tới một ngày mình sẽ gắn bó với trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, quay tơ” – Chị Lương Thanh Hạnh, Giám đốc CTCP Hạnh Silk, Giám đốc HTX Lụa đũi Nam Cao nói khi được hỏi về hành trình khởi nghiệp.

Dù không có mối quan hệ trực tiếp nào, nhưng khi đã làm lụa gần chục năm, chị Hạnh chợt ngẫm lại và thấy cái duyên của mình với nghề này khá là kỳ lạ.

“Ông nội của tôi tên là Tằm, bác tên Kén, bà ngoại tên Thêu, rồi bác nữa tên Dệt, mẹ tôi tên Gấm còn chị gái thì tên Vóc. Tất cả đều liên quan đến lụa” – Chị Hạnh cười.

Đang làm kinh doanh trong lĩnh vực nội thất lợi nhuận cao, việc chị chuyển sang làm lụa tơ tằm cũng không quá khó hiểu khi Việt Nam là nước xuất khẩu tơ thô đứng thứ 6 trên thế giới, mà thị trường chưa phát triển chuyên nghiệp, có nhiều cơ hội cho những người biết làm. Nhưng chị lại bắt đầu từ làng đũi Nam Cao, là một làng nghề “sắp chết”. Chị nhìn thấy gì ở một nơi như vậy?

Lúc bắt đầu làm lụa, tôi cũng đã đạt được các mục tiêu về tài chính cho cuộc sống nên mong muốn được làm việc khiến mình cảm thấy hạnh phúc hơn.

Tôi đến và đi rất nhiều làng nghề trong nước và cả nước ngoài trước khi chọn làm đũi Nam Cao. Tại sao không chọn một nơi thịnh mà lại là một làng nghề mai một đến nỗi chỉ còn vài ba người làm nghề?

Đó là bởi vì tôi nhìn thấy sự khác biệt của chất liệu đũi. Nó thô nhưng không ráp. Tôi nhìn ra được thị trường. Chúng ta có thể làm rất nhiều sản phẩm từ chất liệu này, không chỉ hàng thời trang mà còn rèm, sofa, chăn ga gối, tranh... Nhưng quan trọng hơn cả, tôi nhìn thấy được sự đam mê và khao khát muốn phát triển nghề của các nghệ nhân.

Thực sự thì các nghệ nhân đó giữ nghề vì đam mê hay vì miếng cơm manh áo?

Ồ không, đừng nghe đến làng nghề mai một mà cho rằng người dân ở đây nghèo khó.

Khoảng 20 năm trước, đũi Nam Cao rất thịnh. Đũi Nam Cao được xuất cho Lào, Thái Lan, cứ mấy hôm lại có 1 container đến chở đi với số lượng lớn. Người dân ai cũng giàu. Nhà nhà ngồi dệt, có những nhà mà ba ngày đã kiếm được một chỉ vàng.

Nghề dệt đũi Nam Cao bắt đầu đi xuống khi trận sóng thần ở Phuket, Thái Lan năm 2012 cuốn trôi đi hết nhà cửa, hàng hóa, tài sản của các doanh nghiệp lụa tại đây. Nhà mối bên đấy “bùng” cai (thương lái - PV) ở Việt Nam và cai cũng “bùng” của dân luôn. Người dân bị bùng tiền cộng thêm không có đối tác đặt lại nên chuyển sang làm việc khác, nghề dệt suy yếu dần. Những người trẻ đi học, đi làm ăn xa nhờ những đồng vốn mà cha mẹ kiếm được từ nghề dệt lụa, họ cũng thành công ở các đô thị và không trở về quê làm nghề nữa.

Cho nên, các nghệ nhân ở đây làm nghề chính là bởi đam mê chứ không đặt nặng vấn đề kinh tế như mọi người nghĩ. Bạn tính, một ngày một người chỉ kéo được 70g đến 100g sợi đũi, chỉ đủ dệt chưa nổi 1 mét vải. Con cháu của họ hay khuyên “Được có mấy chục nghìn một ngày, bà làm làm gì? Bà nghỉ đi”. Thật sự các bác làm vì niềm vui, vì nỗi nhớ nghề mà thôi.

Chị hay nói về nhân duyên, vậy khi đến làng đũi Nam Cao, có kỷ niệm nào là nhân duyên của chị?

Đó là câu chuyện về một chiếc khung cửi trăm năm tuổi.

Khi tôi đến thăm một căn nhà trong làng, bà chủ nhà kể rằng gia đình mình có một cái khung cửi vốn là của hồi môn khi bà đi lấy chồng. Đó là cả một gia tài lớn ngày xưa, nó không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là công cụ để người phụ nữ có nghề kiếm sống. Chiếc khung cửi làm bằng gỗ lim, gần như là “thợ dệt” đầu tiên của làng đũi Nam Cao.

Tuy nhiên, vì không sử dụng nên nó bị bỏ xó trong chuồng bò, bao phủ bởi mạng nhện và gạch ngói. Tôi và chị Hà - quản lý HTX vất vả lắm mới vào lôi ra được. Mà may mắn là chúng tôi đến sớm chứ chỉ sau khoảng 5 ngày nữa là họ đốt khung cửi để nấu bánh chưng rồi. Chúng tôi mượn được cái xe bò, đồ thì nặng mà trời còn mưa phùn nữa, may được một bạn thanh niên đi qua kéo giúp về.

Kéo về, chúng tôi rửa sạch, phơi khô, hôm sau bắt đầu dựng khung cửi và nhờ các bà nhớ lại xem khung cửi này ngày xưa sẽ dệt cái gì để mình sẽ phục dựng lại. Cuối cùng nó dệt được 1 tấm vải cứng đơ. Không ai biết có thể làm được gì với nó, chỉ biết ngày xưa sẽ xuất thẳng sang bên Lào và Thái Lan.

Sau này tôi dùng để làm được cái chao đèn từ tấm vải đó.

Nói chung nhìn lại, nguyên nhân mai một của làng nghề 500 tuổi chính là vì phụ thuộc quá vào một thị trường. Bên cạnh đó, tư duy của thế hệ ngày xưa chỉ biết dệt mà không nghĩ đến làm những sản phẩm khác, cho một thị trường lớn hơn.

Bây giờ không chỉ làng nghề Nam Cao mà tất cả các làng nghề khác của Việt Nam nếu mình không phát triển, không sát sao vào sản phẩm, không sáng tạo và thử nghiệm thì cũng mai một hết.

Xây dựng lại một làng nghề đã gần như sụp đổ như thế, chị giải quyết vấn đề tài chính như thế nào?

Tài chính là vấn đề mà tôi phải cân nhắc rất nhiều. Nếu muốn kiếm tiền thì tôi không làm nghề này đâu, làm nội thất kiếm nhanh hơn nhiều. Tôi xác định làm lụa là một chặng đường rất xa, bởi vì làm cái này vừa mất sức, vừa mất công, vừa mất tiền.

Cách mà tôi giải quyết vấn đề tài chính là thay vì tuyển dụng nhân công thì tôi thu kén của người nông dân rồi giao cho bà con kéo, bà con sẽ tự làm ở nhà, làm bao nhiêu sẽ nhận bấy nhiêu.

Và thứ hai, với sản phẩm từ lụa, ngay từ đầu chúng tôi đã xác định là phải đi nước ngoài trước thay vì ở thị trường Việt Nam. Chúng tôi cũng đã tính toán về màu sắc và thiết kế theo phong cách châu Âu. May mắn tôi có xuất phát điểm từ nội thất và trong thời gian đó tôi cũng theo đuổi phong cách châu Âu nên đã có một nền tảng kinh nghiệm khá tốt.

Đơn hàng đầu tiên của chúng tôi đến từ một hội chợ quốc tế. Khi trưng bày hàng hoá ở đây, lụa đũi Nam Cao được khách hàng quốc tế rất đón nhận. Ai sờ vào cũng khen đẹp. Khoảng tầm sáu tháng sau chúng tôi đã có những đơn hàng đầu tiên.

Việc định vị thị trường đúng đã đỡ lỗ cho Hạnh Silk và hơn nữa, dù đơn hàng chưa lớn nhưng có dòng tiền luân chuyển tốt.

Từ những ngày đầu như thế, bây giờ sự nghiệp với lụa của chị đã có gì?

Hanh Silk đã hình thành một mô hình kinh doanh kết hợp giữa nông dân, hợp tác xã và công ty, tạo thành một chuỗi giá trị. Hanh Silk cùng xây dựng vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm với bà con nông dân và thu mua kén từ họ. Hiện nay, vùng nguyên liệu này đã được khoảng 200 ha, vẫn còn nhỏ so với các làng nghề khác nên chúng tôi còn phải mua thêm tơ sợi dọc có chất lượng tốt từ các làng nghề.

Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao là nơi là để cho các bà con kết nối lại với nhau, làm theo dây chuyền và kiểm soát về chất lượng từ những công đoạn đánh ống, kéo sợi, dệt... HTX từ khi bắt đầu chỉ có 3 hộ dân giờ đã lên hơn 200 hộ.

HanhSilk ở Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm tiêu thụ những tấm lụa chất lượng ấy.

Khâu nào trong chuỗi giá trị này là khó khăn nhất?

Tôi nghĩ rằng khâu nào cũng khó khăn. Có câu “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” bởi vì nếu nắng quá thì tằm sẽ chết mà nuôi nhiều quá nó cũng chết. Việc kéo sợi cũng rất kỳ công và vất vả. Kéo từ sáng tới tối, một người chỉ kéo được từ 70g đến 100g. Đến khâu thiết kế phải làm sao cho mẫu mã mới hợp thời trang, khâu bán hàng thì làm sao để tiếp cận được đến khách hàng. Đều khó cả.

Đối với riêng tôi, việc khó nhất là làm việc với các nghệ nhân. Vì cái nghề này vất vả mà lại chả kiếm được mấy, thế nên điều quan trọng là mình phải thực sự ghi nhận công sức của họ và giúp họ cảm thấy tự hào về cái nghề của mình.

Chị có thể gây dựng lại làng nghề nhờ các nghệ nhân và các nhân công lớn tuổi, nhưng tương lai của mọi doanh nghiệp đều cần nhân sự trẻ. Chị sẽ làm thế nào để hấp dẫn các bạn trẻ trở về quê lập nghiệp đây?

Hiện nay, HTX Nam Cao đúng là chưa có nhân sự trẻ mà chỉ có các nhân sự ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, tôi được biết đang có nhiều bạn trẻ học về ngành dệt, về thiết kế thời trang, về may mặc ở các trường đại học và trường nghề có mong muốn quay trở về Nam Cao để phát triển quê hương. Bây giờ tôi đang xin phép để xây nhà xưởng diện tích 4,5ha. Sau khi xây xong, HTX sẽ tuyển thêm nhân sự.

Muốn thế hệ trẻ vào cuộc, tôi cho rằng chúng ta cần phải có định hướng rõ ràng, phải đảm bảo về kinh tế và quan trọng nhất là các bạn phải có niềm tự hào về quê hương mình, yêu cái nghề mà cha ông để lại.

Bỏ nghề “nhiều tiền” đi làm lụa vì muốn làm điều khiến mình hạnh phúc. Bây giờ chị đã đạt được hạnh phúc mà mình mong muốn chưa?

Tôi thấy hạnh phúc lắm, ngày ngày sống trong nhung lụa (cười). Hạnh phúc là do chính mình và quan trọng nhất là mình thấy đủ là đủ. Đương nhiên là chủ một doanh nghiệp, tôi cũng phải luôn nung nấu, suy nghĩ, luôn luôn sáng tạo để mọi người theo mình không có bị mất tiền và làng nghề phát triển tốt hơn nhưng mình luôn nghĩ đến những điều đó trong hạnh phúc.

Tôi còn hạnh phúc hơn khi thấy hiện nay các làng nghề lại có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoặc là những con em của làng nghề quay trở lại. Tôi không nghĩ đấy là đối thủ của mình mà nghĩ rằng mình đã lan tỏa được tình yêu với lụa. Vậy là mình đã đi đúng đường rồi.

Không dừng lại ở việc bán lụa, chị có ý định xây dựng một khu du lịch sinh thái làng nghề?

Đúng vậy. Đó sẽ là nơi để các vị khách tham quan lắng nghe câu chuyện khởi nghiệp, lắng nghe các câu chuyện lịch sử từ các nghệ nhân, chiêm ngưỡng họ đánh ống, se tơ, dệt lụa... để hiểu về nét đẹp văn hóa của một làng nghề văn hóa truyền thống Việt Nam.

Trải nghiệm và lắng nghe như vậy, họ càng thấy trân quý nét đẹp này, hiểu giá trị trong từng tấm vải lụa và hiểu được niềm hạnh phúc khi sở hữu một sản phẩm thủ công như thế.

Tôi mong rằng khu du lịch ấy có thể khiến cho mỗi vị khách đến đây có cảm giác sống trong tơ lụa như mỗi vị vua chúa ngày xưa. Tuy việc xây dựng khu du lịch như vậy còn gặp một số khó khăn nhưng tôi tin rằng chúng tôi sẽ sớm thực hiện hiện được các kế hoạch để đưa làng đũi Nam Cao lên một tầm mới.

Cảm ơn chị về những chia sẻ này!

Bài: Huyền Trang

Thiết kế: Hải An

Theo Huyền Trang - Hải An

Cùng chuyên mục
XEM