Mỗi ngày tết có 5 người nhập viện cấp cứu do rượu
Trong 5 ngày tết, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận khoảng 5 bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá, chủ yếu là những trường hợp nghiện rượu.
Trong hai năm 2015, 2016, Trung tâm tiếp nhận 30 ca ngộ độc rượu methanol nặng (trung bình mỗi tháng có hơn 1 ca). Nhưng trong năm 2017, trung bình mỗi tuần có một trường hợp bị ngộ độc rượu methanol vào viện cấp cứu.
Cũng theo bác sỹ Chính, qua thống kê tại Trung tâm, những ngày tết vừa qua bệnh nhân ngộ độc rượu có giảm so với trước tết, nhưng bước sang năm 2017, số ca ngộ độc rượu methanol lại có xu hướng gia tăng.
Ngày 1-2, bác sỹ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, năm nay, số ca ngộ độc rượu cồn công nghiệp (methanol) cao hơn năm ngoái cả về số lượng cũng như mức độ nặng.
Cụ thể từ ngày mùng 1 đến mùng 5 tết (từ 28-1 đến 1-2), Trung tâm Chống độc tiếp nhận 4 trường hợp ngộ độc rượu. Trong đó có một bệnh nhân nam 57 tuổi ở Hưng Yên tử vong nghi do ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol.
Trước tết Nguyên đán vài ngày, Trung tâm cũng tiếp nhận 4 ca ngộ độc rượu methanol, sau đó cả 4 bệnh nhân đều tử vong cùng một ngày.
Tại Khoa cấp cứu, BV Bạch Mai, trong 5 ngày nghỉ tết, Khoa này tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân từ khắp nơi chuyển đến, trong đó có nhiều bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá nặng và viêm tụy cấp liên quan đến rượu.
Trung bình mỗi ngày, khoa này tiếp nhận khoảng 5 bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá, chủ yếu là những trường hợp nghiện rượu, có người uống 1 lít rượu mỗi ngày.
Bác sỹ Chính lo ngại, hôm nay là ngày cuối của đợt nghỉ tết Nguyên đán, tình hình ngộ độc rượu cũng sẽ có xu hướng tăng trong những ngày tụ họp mừng tân xuân, lễ hội. Và nếu uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp methanol thì hậu quả sẽ khó lường.
BS. Chính khuyến cáo người dân nên hạn chế uống bia, rượu dịp lễ hội. Nếu có uống thì nên uống những loại rượu, bia có nguồn gốc rõ ràng và với lượng vừa đủ với cơ địa.