Mời 'chạy bộ kiếm tiền': Đầu tư tiền thật, nhận... giầy ảo, tiền ảo

01/04/2022 11:41 AM | Kinh doanh

Khi đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua một đôi giày, được mời chạy mỗi ngày kiếm 1 triệu, người chơi sẽ cố chạy để đạt điểm hòa vốn rồi có lãi, nhưng tiền đầu tư là thật, còn nhận về là... giầy ảo, tiền ảo

Gần đây mạng xã hội xuất hiện một hình thức kiếm tiền mới, đó là chạy bộ hoặc đi bộ kiếm tiền. Thông qua mạng xã hội, các đối tượng thi nhau mời chào người tham gia với những lời hứa hẹn thu nhập hấp dẫn. Với việc chạy bộ hoặc đi bộ, đối tượng được mời chào không chỉ là những người chạy bộ mà tất cả mọi người.

“Tuyển người chạy bộ (vừa có sức khỏe, vừa có tiền). Điều kiện: Có kỹ năng chạy bộ từ trước; chạy đều với tốc độ 8-20/km/h; chạy vào thời gian cố định trong ngày 18h chiều; chạy hàng ngày và lâu dài; chạy khoảng 20km/ngày (có thể lập team 5-7 người tiếp sức).

Tiền thưởng 1 triệu đồng/ngày, nhận tiền theo tuần (1 tuần/lần).

Cam kết không lừa đảo, không đa cấp, chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện nêu trên. Chạy càng khỏe càng tốt. Địa điểm khu chạy là khu 31ha. Inbox để biết thêm chi tiết.”

Mời chạy bộ kiếm tiền: Đầu tư tiền thật, nhận... giầy ảo, tiền ảo - Ảnh 1.
Thông báo tuyển người chạy bộ.

Trên đây là mẩu thông báo được một người phụ nữ tên Nguyễn Thúy Hằng đăng trên một diễn đàn của sinh viên Đại học Nông nghiệp ngày 29/03 vừa qua. Đoạn thông báo này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các sinh viên, những người bị hấp dẫn bởi thông tin “thu nhập 1 triệu/ngày”.

Theo tìm hiểu của PV Infonet, đây là một hình thức đa cấp biến tướng kiểu mới kết hợp giữa đầu tư tiền ảo và chạy bộ. Theo đó, người chơi phải tải app về điện thoại và phải đặt mua đôi giày ảo trị giá tới 20 triệu đồng.

Sau khi đặt tiền mua giày, người chơi được hứa trả số tiền hậu hĩnh, có thể lên tới 30 USD/ngày.

Đáng chú ý, “đôi giày” mà người tham gia bỏ tiền ra mua lại là một đôi giày ảo, nhưng tiền mua thì là thật.

Người chơi càng đầu tư nhiều giày sẽ càng thu được nhiều tiền. Tuy nhiên, số tiền người tham gia nhận được chỉ là tiền ảo có tên GST, đây là loại tiền ảo được phát triển bởi STEPN.

Anh T.M, một người tham gia chạy bộ cho biết: “Để tham gia thì phải tải app STEPN rồi chạy bộ thì mới ra được GST, nhưng trước hết phải mua một đôi giày sneaker trên app với giá 10 đồng Sol trở lên. Một sol hiện có giá khoảng 100 USD, tuy nhiên giá này sẽ biến động theo thời gian”.

Anh T.H.N, một người tham gia cho hay, với mức giá sol như hiện tại, sau 40 ngày chạy là có thể hòa vốn và lãi được một đôi giày đã đầu tư. Tuy nhiên, nếu giá tiền ảo này giảm mạnh thì rủi ro người tham gia phải chịu.

Mời chạy bộ kiếm tiền: Đầu tư tiền thật, nhận... giầy ảo, tiền ảo - Ảnh 2.
Màn hình ứng dụng.

Theo tìm hiểu của PV Infonet trên trang chủ của hệ thống này, sau khi hướng dẫn tải app và tạo ví điện tử, người chơi bắt buộc phải có “sol” làm phí và phải mua sol trên các sàn giao dịch tập trung như FTX, Binance,… (thực chất là cùng hệ thống với STEPN) để chuyển về ví và tiến hành giao dịch.

Sau khi mua NFT thông qua sol, người chơi đăng ký mua “giày” phù hợp. Với người đi bộ vận tốc 1-6km/h khi tiêu hao 1 năng lượng sẽ kiếm được 4 GST. Đi bộ nhanh với vận tốc từ 4 - 6 km/h khi tiêu hao 1 năng lượng sẽ kiếm được 5 GST. Người chạy bộ với vận tốc 8 - 20 km/h khi tiêu hao 1 năng lượng sẽ kiếm được 6 GST.

Theo anh Đ.H.H, một người chạy bộ và biết rất nhiều những cái bẫy tiền ảo, thì rủi ro ở chỗ người tham gia không kiểm định được ai là người làm ra game này, tư cách đạo đức của họ ra sao, đặc biệt là việc tham gia trò may rủi này không được pháp luật thừa nhận nên khi hệ thống bị sập, người chơi là người lãnh đủ.

Cũng theo anh Đ.H.H, thực chất việc mời gọi tuyển người chạy như trong mẩu quảng cáo trên một số diễn đàn sinh viên chính là tuyển người “chạy thuê” cho một hoặc vài cá nhân nào đó đang sở hữu nhiều account, hay nói cách khác là đang đầu tư rất nhiều tiền để sở hữu cùng lúc nhiều “đôi giày” và cần người chạy hộ.

Mời chạy bộ kiếm tiền: Đầu tư tiền thật, nhận... giầy ảo, tiền ảo - Ảnh 3.
Một người chơi "khoe" kiếm được tiền từ việc chạy bộ.

Theo tìm hiểu của PV Infonet, các đối tượng lợi dụng tâm lý hám tiền của nhiều người, lại dẫn dụ bằng ảo tưởng “có sức khỏe” nên thu hút được nhiều người tham gia. Nhiều người có suy nghĩ, đằng nào cũng chạy bộ hằng này, nay đầu tư thêm chút tiền, vừa có sức khỏe lại vừa có tiền, nhưng xét cho cùng tiền ảo thu về có giá trị thế nào thì không chắc.

"Miếng phô mai miễn phí chỉ có ở trong bẫy chuột", câu nói này vẫn luôn luôn đúng trong mọi trường hợp, đặc biệt là với những người thích kiếm tiền một cách dễ dàng.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên hình thức “chạy ra tiền” này xuất hiện. Khi đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua một đôi giày không đúng giá trị thật, người chơi sẽ cố chạy để đạt điểm hòa vốn rồi có lãi, nhưng để có lãi, người chơi sẽ phải tiếp tục “bơm” tiền cho app để kiếm được nhiều lãi hơn.

“Bạn bè mình sau vụ race 'ra đi' nhiều lắm. Ngày đầu ngày nào cũng kiếm đc 2-3 cây vàng tiền lãi. Nhìn chúng nó khoe lãi mà xót hết ruột. Nhưng đúng là không thể lấy được tiền của những cái đầu đã nghĩ ra game này”, anh Trần Đức Tuấn (Hà Nội) cho hay.

Theo Hiền Anh

Cùng chuyên mục
XEM