Mở rộng xe đạp công cộng ra toàn TP HCM
Dịch vụ này cần sớm mở rộng để người dân dễ dàng tiếp cận, tạo thói quen rèn luyện sức khỏe, hạn chế sử dụng xe cá nhân
Sau 1 năm TP HCM triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng với 500 xe đặt tại 43 vị trí trên địa bàn quận 1, dịch vụ đã được người dân hưởng ứng tích cực. Theo thông tin từ cuộc họp giữa Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM với Lãnh sự quán Hà Lan về phát triển xe đạp công cộng, dự kiến đầu năm 2023, sẽ mở rộng dịch vụ ra các quận lân lận.
Hàng trăm người đăng ký mỗi ngày
Ghi nhận tại các trạm xe đạp trên đường Hàm Nghi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn..., người dân, nhất là các bạn trẻ và du khách, đến thuê xe khá đông; đa phần thuê xe để trải nghiệm do xe đạp cơ động, dễ đi tới nhiều địa điểm tham quan.
Ông Ðỗ Bá Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Vận tải số Trí Nam (Tập đoàn Trí Nam, đơn vị vận hành), cho biết đến ngày 16-11, đã có 260.856 tài khoản đăng ký sử dụng với gần 1,7 triệu km đã đi. Trung bình mỗi ngày có trên 700 người đăng ký mới, 100% thời gian trong ngày có khách hàng thuê xe. Vào những dịp cuối tuần, xe đạp ở 43 trạm đều hoạt động hết công suất, lúc cao điểm phải sử dụng số xe dự phòng. Đối tượng khách hàng sử dụng từ 22 - 34 tuổi chiếm 45%, từ 18 - 22 tuổi chiếm 40%. Dịch vụ đang hướng đến đúng nhóm đối tượng người đi làm, sinh viên. Sau khi trải nghiệm, hầu hết khách hàng bày tỏ sự hài lòng. "Thời gian tới, nếu được thành phố chấp thuận, công ty sẽ mở rộng dịch vụ tại một số quận như Phú Nhuận, Gò Vấp và TP Thủ Đức… với khoảng 500 - 1.000 phương tiện để phục vụ" - ông Quân cho biết.
Thường xuyên sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng vào những ngày cuối tuần để rèn luyện sức khỏe và thư giãn, chị Lê Vũ Quý Hiền (quận 3) cho hay hiện nay các trạm xe chủ yếu tập trung trên địa bàn quận 1 nên người dân từ các quận lân cận như quận 10, 5, Bình Thạnh, Phú Nhuận… khó tiếp cận. Chẳng hạn, cần thuê từ quận 1 qua quận 5 thì không thể vì không có điểm trả xe, buộc phải quay đầu lại, rất bất tiện. "Để thu hút người dân sử dụng nhiều hơn, dịch vụ này cần sớm mở rộng cho người dân dễ dàng tiếp cận, tạo thói quen rèn luyện sức khỏe, hạn chế sử dụng xe cá nhân" - chị Quý Hiền nói.
Nghiên cứu các làn đường riêng
Ngoài thí điểm khu vực quận 1, Sở GTVT TP HCM xác nhận đang nghiên cứu mở rộng thí điểm mô hình xe đạp công cộng trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận 3, 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận...
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT, cho biết đầu năm 2023 sẽ mở rộng dịch vụ xe đạp công cộng trên toàn thành phố. Khi đó, vị trí đỗ xe không chỉ tại các vỉa hè mà sẽ bố trí quanh các điểm gần tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), các trạm xe buýt, siêu thị, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng… "Hiện nhiều quận, huyện như Gò Vấp, Phú Nhuận, Nhà Bè... cũng đã gửi danh sách các vị trí dự kiến đặt trạm xe đạp công cộng. Sở cũng đang nghiên cứu các làn đường dành riêng cho xe đạp để tạo điều kiện cho loại hình này phát triển" - ông Hải cho hay.
Đại diện UBND quận Phú Nhuận cho biết quận này đã đề xuất 15 vị trí để nghiên cứu đặt trạm xe đạp công cộng như Công viên Gia Định (khu A và B), Công viên Văn hóa Phú Nhuận, trên vỉa hè và công viên đường Trường Sa… Mô hình này dự kiến sẽ kết nối với khu chợ đêm như phố ẩm thực Phan Xích Long mà quận đang xây dựng nhằm tạo sự phong phú, kết nối người dân đến vui chơi, tham quan.
Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cũng thông tin quận đề xuất 13 vị trí để nghiên cứu mở rộng mô hình xe đạp công cộng. Các vị trí này chủ yếu gần khu vực đông dân cư như các đầu mối giao thông, chung cư, siêu thị để Sở GTVT chủ động khảo sát. "Chúng tôi tích cực hỗ trợ vì mong muốn có thêm phương thức giao thông xanh cho người dân, vừa hạn chế khói thải vừa rèn luyện sức khỏe" - ông Khang cho hay.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư
Theo Sở GTVT, thành phố đang hướng đến phát triển giao thông xanh nên khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng các mô hình xe công cộng, xe điện và các phương tiện năng lượng sạch. Từ đó, kết nối các đầu mối giao thông, tiến tới mục tiêu hạn chế xe cá nhân.
Dự kiến, thời gian tới, Lãnh sự quán Hà Lan sẽ tổ chức hội thảo chia sẻ về việc phát triển xe đạp công cộng ở Hà Lan, đề xuất những cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư.