Mô hình dạy tiếng Anh kiểu ‘doanh trại quân đội’ như JackMa English Homestay đem tới Shark Tank: Philippines đã làm bài bản từ lâu và “vô địch thiên hạ” về giá cả lẫn chất lượng

11/07/2021 14:00 PM | Kinh doanh

Không phải tự nhiên mà JackMa English Homestay ra về tay trắng khi tham gia chương trình Shark Tank 2021. Bởi không chỉ các Shark, mà chính chúng ta cũng thấy rõ là mô hình của họ rất khó scale-up, không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp tương tự ở Philippines với cả khách hàng Việt Nam lẫn Đông Nam Á.

Mô hình học tiếng Anh tập trung theo kiểu 'doanh trại quân đội' mà JackMa English Homestay đang làm đã xuất hiện ở Philippines cách đây 10 năm.
Mô hình học tiếng Anh tập trung theo kiểu 'doanh trại quân đội' mà JackMa English Homestay đang làm đã xuất hiện ở Philippines cách đây 10 năm.

Philippines ‘vô địch thiên hạ’ trong mảng giáo dục tiếng Anh theo kiểu ‘doanh trại quân đội’ ở châu Á

Châu Á là khu vực có nền kinh tế đang phát triển, nhiều gia đình và bạn trẻ rất quan tâm đến việc trau dồi tiếng Anh để có thể biến nó trở thành ngôn ngữ thứ hai (ESL), giúp con cái hoặc bản thân họ nhanh chóng thăng tiến trong học tập - công việc.

Hiện tại, ngoài để mắt đến những trường chuyên về Anh ngữ hoặc tâm Anh ngữ như truyền thống, người châu Á còn rất quan tâm đến một mô hình giáo dục Anh ngữ khác: học tập trung theo kiểu ‘doanh trại quân đội’. Mặc dù mức học phí cao hơn và có nhiều quy định khắt khe, xong hiệu quả mang lại xứng với những gì họ bỏ ra; tất nhiên là hơn những phương cách học tập cũ.

Hầu hết các nước châu Á đều có ít nhiều trung tâm như thế này, ví dụ như tại Việt Nam chúng ta có Le Plateau – Kon Tum và JackMa English Homestay – TP. HCM; song tất cả không phải là lựa chọn ưu tiên của phần lớn khách hàng, người gia đình/bạn trẻ châu Á vẫn muốn được đến Philippines.

Vì sao lại là Philippines?

Có thể nói, Philippines đã hội tụ đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" như: chi phí phải chăng, chất lượng giáo viên tốt, thuận lợi trong việc du lịch… là những yếu tố chính thu hút phần lớn các học viên châu Á chọn Philippines để học tiếng Anh.

Một học viên sẽ chi khoảng trung bình 1.000-1.500 USD/tháng tùy theo khóa học đã bao gồm tiền học, phí ăn ở, gia hạn visa... So với các nước là ‘cái nôi của tiếng Anh’ chi phí vô cùng đắt đỏ như Mỹ hay Anh, thì mức giá này vô cùng phải chăng. Thêm vào đó, thời gian học tiếng Anh ở Philippines khá linh hoạt nên các học viên có thể tùy theo điều kiện kinh tế mà chọn theo theo khóa ngắn hạn (3-4 tuần) hay dài hạn (6 tháng -1 năm) để học.

Nền công nghiệp giáo dục tiếng Anh theo kiểu ‘doanh trại quân đội’ ở châu Á: Philippines ‘vô địch thiên hạ’, Việt Nam hay JackMa English Homestay đi sau quá xa - Ảnh 1.

Thiên nhiên tươi đẹp là một lợi thế cạnh tranh đáng kể của Philippines so với nhiều quốc gia khác ở lĩnh vực này.

Philippines sở hữu hơn 7.107 hòn đảo lớn nhỏ với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, vô cùng thuận lợi cho các học viên cân bằng giữa việc học và khám phá du lịch. Đặc biệt, một số trường còn có dịch vụ tổ chức các chuyến du ngoạn ngắn ngày vào dịp cuối tuần cho các học viên như một phần trong chương trình học của họ.

Tại châu Á, Philippines và Singapore là 2 nước hiếm hoi chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Nhưng sở dĩ Philippines có thể ‘vô địch thiên hạ’ trong mảng giáo dục tiếng Anh theo kiểu ‘doanh trại quân đội’ là bởi mức học phí – phí sinh hoạt của họ rẻ hơn Singapore, cũng như điều kiện tự nhiên tươi đẹp – đa dạng - phong phú hơn.

Tất nhiên, bản thân Philippines cũng nhận ra được những tiềm năng vô tận của bản thân và họ đang ra sức biến nó thành một nền công nghiệp thật sự.

Trong một sự kiện được tổ chức bởi Bộ du lịch Philippines vào giữa tháng 7/2019, họ cho biết: Philippines đang vươn mình trong lĩnh vực du lịch giáo dục và trở thành điểm đến đầu tiên cho mục tiêu ‘học tiếng Anh’ của công dân đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ du lịch Philippine - Benito Bengzon lúc đó nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh của đất nước này: họ đang là quốc gia nói tiếng Anh lớn thứ ba ở châu Á – với 93,5% dân số có thể nói và hiểu tiếng Anh. Trong bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế (TOEIC), điểm trung bình của Philippines là 710, đứng thứ 10 trên toàn thế giới và cao nhất trong số các nước châu Á.

"Là ngôn ngữ chính thức trong trường học và trong kinh doanh, người Philippines đã đạt được trình độ thông thạo để hiểu, viết, nói và dạy ngôn ngữ này. Tiếng Anh của người Philippines có giọng trung tính và dễ hiểu", Benito Bengzon chia sẻ tiếp. Tiếng Anh của người Philippines theo phong cách Mỹ, vì từng là thuộc địa của Mỹ trong 5 thập kỷ.

Theo ông, họ là một trong số ít quốc gia trên thế giới cung cấp giáo dục tiếng Anh một kèm một, đang được người nước ngoài ưa thích vì chiến lược giảng dạy được áp dụng bởi "những giáo viên Philippines - những người có bản chất tự nhiên, kiên nhẫn và thấu hiểu". Hơn nữa, giá của một giáo viên tiếng Anh người Philippines luôn rẻ hơn 1/3 so với giáo viên tiếng Anh đến từ châu Mỹ - châu Âu.

Nền công nghiệp giáo dục tiếng Anh theo kiểu ‘doanh trại quân đội’ ở châu Á: Philippines ‘vô địch thiên hạ’, Việt Nam hay JackMa English Homestay đi sau quá xa - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ du lịch Philippine - Benito Bengzon. Ảnh: pna.gov.ph

Thành quả: tính đến năm 2018, Cục Nhập cư (BI) đã cấp 59.428 giấy phép du học đặc biệt (SSP) cho những người nước ngoài muốn tham gia học tập ngắn hạn tiếng Anh tại nước này. Con số này gần như tăng gấp ba lần trong vòng 5 năm qua, vì BI chỉ phát hành 22.561 SSP vào năm 2013, ông nói thêm.

Thực trạng mô hình kinh doanh này tại Philippines và các nước châu Á

Tại Philippines, hiện có khoảng 200 trường dạy tiếng Anh lớn nhỏ và thị trường cạnh tranh cũng khá khốc liệt. Theo Nikkei Asia, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực mở trường dạy tiếng Anh ở Philippines.

Để xây dựng một trường học với quy mô lớn thì các chủ đầu tư thường chọn địa điểm khá xa trung tâm, nằm ở khu vực thời tiết mát mẻ để tiết kiệm chi phí. Vì thế, phần lớn các trường dạy tiếng Anh tập trung nhiều ở Cebu, Baguio, Clark, Bacolod... với nhiều mô hình kinh doanh tiếng Anh độc đáo hơn so với các nước trong khu vực

Ở Philippines, điểm nổi bật của các trường dạy tiếng Anh chính là áp dụng mô hình Sparta hoặc Semi-Sparta. Đây là mô hình mà có thể hiểu một cách đơn giản là học tập và sinh hoạt theo kiểu ‘quân đội’ hoặc ‘bán quân đội’.

Nếu tham gia học theo kiểu Sparta, học viên phải tuân thủ lịch học và những nội quy vô cùng nghiêm ngặt như: phải đảm bảo tham gia đủ các lớp học theo quy định mỗi ngày, không được ra ngoài các ngày trong tuần và có giờ tự học bắt buộc sau giờ học. Ngày cuối tuần có thể được ra ngoài và trở về trước 23 giờ.

Xuất hiện lần đầu tại Philippines từ một trường dạy tiếng Anh ở Baguio, Sparta được đánh giá là mang lại hiệu quả vô cùng xuất sắc vì sẽ giúp học viên tập trung cao độ vào việc học tiếng Anh để nâng cao trình độ trong thời gian ngắn nhất.

English Fella tại Cebu cũng là một trong những trường dạy tiếng Anh theo mô hình này nổi tiếng tại Philippines và châu Á. English Fella được thành lập từ năm 2006 với nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, hiện họ có 2 cơ sở đều nằm ở Cebu. Năm 2019, trường này bắt đầu ứng dụng mô hình Sparta cho việc kinh doanh của mình. Sau khi các học viên đăng ký học các lớp cơ bản ESL, họ có thể học thêm các khóa về TOEIC, TOEFL, IELTS, Business, Junior…

Nền công nghiệp giáo dục tiếng Anh theo kiểu ‘doanh trại quân đội’ ở châu Á: Philippines ‘vô địch thiên hạ’, Việt Nam hay JackMa English Homestay đi sau quá xa - Ảnh 3.

Học viên của English Fella đến từ khắp nơi ở châu Á.

English Fella cũng áp dụng mô hình knocking time – giáo viên đi gõ cửa nếu học viên đến muộn từ 10 phút. Học viên nghỉ học không có lý do bị phạt 1000 penalty. Điều này đã tăng tỷ lệ tham gia lớp học của học viên là 98% và tỷ lệ vắng mặt giáo viên là 0,5%. Về phần giáo viên, khi nghỉ phải có kế hoạch và lý do và thông báo trước đến học sinh, nếu giáo viên nghỉ dạy không lý do, sẽ bị ‘cảnh báo’, quá 3 lần sẽ bị cho thôi việc.

English Fella 2 được áp dụng theo mô hình Sparta, vì vậy, các ngày bình thường trong tuần sẽ không được đi ra ngoài (trừ J-Sparta được ra ngoài từ 17h-22h ngày thứ 4), tất cả thời gian sẽ chủ yếu dành cho việc học tiếng Anh thông qua các lớp học hay là tự học bắt buộc. Học viên của English Fella đến từ Nhật, Hàn, Đài loan, Trung quốc, Việt Nam, Arab, Thái Lan….

Không chỉ phát triển ở Phillippines, mô hình này cũng mới được một startup Việt Nam áp dụng và gọi vốn trên chương trình Shark Tank 2021 là JackMa English Homestay.

"Với mục tiêu tạo ra một nơi vừa kết hợp giữa dạy tiếng Anh và lưu trú chỉ với mức chi phí 4,5 triệu đồng/tháng, trong đó 2 triệu đồng là chi phí ở và 2,5 triệu đồng là chi phí học, Jackma English Homestay mong muốn đem đến môi trường cho học viên sử dụng tiếng Anh tại homestay 24/7. Đây là mô hình đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có thể làm được điều này", Lê Xuân Vũ - founder của trung tâm, bày tỏ.

So với mô hình của các trung tâm Anh ngữ ở Phillippines, Jackma English Homestay không có điểm gì khác biệt hay nổi trội. Hơn nữa, họ cũng không phải là nhà tiên phong tại Việt Nam, vì đã có vài công ty hoạt động trong mảng này bắt đầu xuất tại Việt Nam trong vài năm gần đây.

Tiêu biểu như Le Plateau Education – một startup với mô hình tương tự ở Măng Đen - Kon Tum. Dẫn lời fanpage FB của Le Plateau Education trong tháng 3/2021: dịch bệnh thế này không qua được Philippines, Singapore, Canada… để học tiếng Anh, bạn có thể lựa chọn học Bootcamp ở Việt Nam chất lượng như nhau nhưng học phí thấp bằng 1/4 (bên Philippines học 1 tháng mất 50 triệu). Le Plateau ra đời năm 2016, còn Jackma English Homestay ra đời năm 2018.

Nền công nghiệp giáo dục tiếng Anh theo kiểu ‘doanh trại quân đội’ ở châu Á: Philippines ‘vô địch thiên hạ’, Việt Nam hay JackMa English Homestay đi sau quá xa - Ảnh 4.

Học viên của Le Plateau Education chụp ảnh trước cổng trường.

Cuối cùng, Jackma English Homestay đã "ra về tay trắng" trong việc gọi vốn vì các Shark cho rằng mô hình kinh doanh không ổn, khó nhân rộng bởi vừa phải thuê người, vừa phải thuê nhà, dẫn tới hiệu suất mặt bằng rất thấp.

Tuy nhiên, không chỉ các Shark, mà chính chúng ta cũng thấy rõ là mô hình của họ rất khó scale-up, không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp tương tự ở Philippines với cả khách hàng Việt Nam lẫn châu Á.

Xuân Thư (28 tuổi, giáo viên Tiếng Anh) - người đã từng có trải nghiệm học tiếng Anh theo phương pháp Sparta tại một trường ở Baguio tên Help English, nói về lý do chọn học tiếng Anh tập trung tại Philippines thay vì Việt Nam: môi trường ở bên đó là nói tiếng Anh 24/24, nếu học ở Việt Nam, chỉ ở trên lớp mình mới giao tiếp bằng tiếng Anh thôi, còn về ký túc xá/nhà hoặc ra môi trường bên ngoài, vẫn phải giao tiếp bằng tiếng Việt.

Xuân Thư kể thêm:"Mỗi người đến Philippines sẽ có một mục tiêu học tiếng Anh khác nhau nên kết quả sẽ tùy theo từng người. Tôi thấy môi trường nói tiếng Anh suốt 24/24 khá hợp với mình. Hơn nữa, môi trường nghiêm khắc như ở Help English sẽ giúp tôi có động lực học thêm. Sau khi kết thúc khóa học trong khoảng 4 tháng với chi phí khoảng 150-170 triệu đồng, tôi thấy tiến bộ nhất về mặt phản xạ, giúp mình tự tin giao tiếp hơn".

Hay Phong Châu (30 tuổi, nhân viên văn phòng), từng có ý định đến Philippines để học tiếng Anh nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên bị hoãn lại, cũng góp lời: "Mình chọn đi Philippines vì gần Việt Nam, xin visa đi học khá dễ, môi trường giao tiếp đa dạng với các sinh viên đến từ Hàn, Nhật…

Với mức chi phí khoảng 30-40 triệu/tháng, mình thấy đây là trải nghiệm đi học ở nước ngoài với mức giá không quá cao. Đặc biệt, phần lớn các trường Anh ngữ ở Philippines nằm ở các đảo du lịch nổi tiếng nên cũng dễ kết hợp đi du lịch vào cuối tuần đối với người mê du lịch như mình".

Cũng theo 2 bạn, thì chọn học tiếng Anh ở Philippines hay bất kỳ đâu cũng không thể kỳ vọng ‘sành’ tiếng Anh như người bản ngữ trong một thời gian ngắn; nhưng đáng để đầu tư.

Quỳnh Như - Hà Giang

Cùng chuyên mục
XEM