Mở đường bay thẳng tới Mỹ: Kẻ từ bỏ, người quyết tâm

02/08/2019 20:02 PM | Kinh doanh

Hiện tại, Việt Nam có đủ điều kiện pháp lý để các hãng hàng không có thể mở đường bay thẳng tới Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề làm sao để khai thác đường bay này hiệu quả, không phải dừng bay như 2 hãng trước đó của Mỹ. Những vấn đề này được đưa ra bàn thảo tại Tọa đàm Bay thẳng Việt - Mỹ diễn ra chiều 1/8 tại Hà Nội.

Nhiều hãng bay từ bỏ

Sau khi Việt Nam được Cục Hàng không Hoa Kỳ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT-1) vào tháng 2 vừa qua, câu chuyện bay thẳng Việt - Mỹ lại tiếp tục nổi lên. Đặc biệt, hãng hàng không Bamboo Airways, đơn vị phối hợp với Hội khoa học và Công nghệ hàng không tổ chức tọa đàm này) không giấu tham vọng sẽ bay thẳng tới Mỹ vào tháng 1/2021.

Nói về cơ hội từ đường bay thẳng tới Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình cho hay, lượng khách Mỹ tới Việt Nam đang tăng nhanh. Cụ thể, năm 2018, khách Hoa Kỳ tới Việt Nam đạt gần 700.000 lượt người (tăng 11% so với năm trước đó. Ở chiều ngược lại, khách du lịch Việt tới Mỹ khoảng 100.000 lượt người. 80% khách Mỹ tới Việt Nam là Việt kiều với mục đích thăm thân. Do đó, theo ông Bình vấn đề đặt ra là phải tăng khách Mỹ tới Việt Nam thì việc mở đường bay mới đạt hiệu quả.

Còn ông Trần Gia Huy (thuộc Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không) cho biết, thực tế, có 2 hãng hàng không Mỹ đã từng bay thẳng Mỹ - Việt. Đầu tiên là vào năm 2007, hãng hàng không United Airlines đã bay tới TPHCM, nhưng sau 5 năm phải dừng khai thác. Sau đó, hãng Delta Airlines cũng bay thẳng tới TPHCM, nhưng rồi cũng phải dừng sớm. Về phía Việt Nam, từ năm 2008, Vietnam Airlines đã nghiên cứu đường bay thẳng tới Mỹ, tiếp nhận và khai thác 2 dòng máy bay thân rộng là B787 và A350. Hãng này đặt kế hoạch dự kiến khai thác từ cuối năm 2018, nhưng hiện tại chưa thực hiện. Còn các hãng khác cũng có kế hoạch mở đường bay này, song chưa sở hữu tàu bay thân rộng đáp ứng được điều kiện bay tới Mỹ.

“Đường bay tới Mỹ đòi hỏi chi phí lớn, quy định phức tạp, lợi nhuận thấp. Do đó, sự thận trọng của các hãng hàng không là cần thiết. Thời gian đầu doanh nghiệp mở đường bay có thể lỗ và hãng phải dùng lợi nhuận từ các đường bay khác để bù đắp. Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ có thể lỗ 5-10 năm đầu. Còn lợi nhuận phải nhìn vào thời gian lâu dài sau đó”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, việc mở đường bay thẳng sẽ gặp một số khó khăn, khi phải cạnh tranh với các đường bay gián tiếp, với giá vé rẻ hơn đường bay thẳng. Đồng thời, Mỹ có nhiều hãng hàng không lớn, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt.

Chỉ Bamboo Airways tin sẽ có lãi?

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho biết, nếu bay tới Mỹ có thể mở đường bay thẳng (không dừng), hoặc dừng kỹ thuật để tiếp nhiên liệu ở 1 nước thứ 3 (qua một số nước Đông Bắc Á). Nếu bay thẳng không dừng, theo ông Cường, hiện không còn vướng mắc sau khi Việt Nam được cấp CAT-1. Trường hợp bay qua nước thứ 3, hiện còn một số vướng mắc, nên cơ quan nhà nước tiếp tục phải đàm phán thêm.

Theo đó, các máy bay hiện nay vẫn phải điều chỉnh giảm số ghế để chở thêm nhiên liệu mới bay thẳng được tới Mỹ.

“Các hãng hàng không của Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về thị trường và tính toán các phương án mở đường bay thẳng tới Mỹ. Bộ GTVT và các đơn vị trong ngành đều xác định cần sớm mở đường bay Việt - Mỹ, dù điều kiện về thị trường thời gian đầu chưa thực sự thuận lợi”, ông Cường nói. Khó khăn trong việc mở đường bay tới Mỹ, theo vị này, do lượng khách hiện còn ít. Đa số khách đến Việt Nam là thăm thân, và theo mùa vụ, nên xác định điểm đến là việc rất khó khăn để đảm bảo hiệu quả khai thác.

Dù vậy, trong các hãng hàng không Việt Nam hiện có, Bamboo Airways đang bày tỏ tham vọng bay thẳng tới Mỹ, thậm chí sẽ bay vào tháng 1/2021. Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết còn công bố các tính toán chi phí bay đi Mỹ và khẳng định kế hoạch này khả thi. Theo đó, bay Việt - Mỹ phải sử dụng tàu bay B787-9, mỗi tháng phải trả các chi phí gồm: Tiền thuê tàu bay hết 23 tỷ đồng, nhiên liệu hết 61 tỷ đồng, chi phí kỹ thuật khoảng 16 tỷ đồng, chi phí sân bay khoảng 1 tỷ đồng, chi phí khác khoảng 6 tỷ và một số chi phí liên quan. Tổng chi phí sẽ hết 113 tỷ đồng/tháng.

Tàu bay B787 có 310 ghế, nhưng để tăng nhiên liệu đáp ứng cho chặng bay dài, tăng ghế hạng thương gia, nên phải giảm còn 240 ghế. Nếu giá vé khứ hồi 1.100 USD/khách, sẽ lỗ 14 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu tăng giá vé khứ hồi lên 1.300 USD/khách sẽ lãi 8,4 tỷ đồng.  Còn nếu sử dụng tàu bay A350, số ghế có thể tăng lên 280 ghế, lãi sẽ còn lớn hơn.

“Ban đầu có thể khuyến mại để thu hút khách, sau đó có thể tăng giá vé lên. Dù giá vé có tăng lên 1.300 USD/vé khứ hồi vẫn rẻ hơn giá vé đang bay đi Mỹ của các hãng hàng không của Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều đó rõ ràng là có tiềm năng, cơ hội”, ông Quyết nói. Dự kiến, vào tháng 10 tới Bamboo Airways sẽ nhận máy bay B787-9 đầu tiên.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành từng chia sẻ về đường bay thẳng tới Mỹ hồi tháng 5 vừa qua rằng, hiện hãng này đang chuẩn bị về vấn đề thương mại, thị trường, pháp chế, an ninh, chống khủng bố… cho việc mở đường bay thẳng Việt - Mỹ. Ðồng thời, hãng này cũng kỳ vọng vào các thế hệ máy bay tiếp theo để đáp ứng được vấn đề hiệu quả khai thác. “Mỹ không phải là thị trường tiềm năng về lợi nhuận của hàng không, nhưng trong xu thế Việt Nam hội nhập, đường bay thẳng sẽ là cây cầu kết nối du lịch, công nghệ, xuất khẩu hàng hoá… Ðể đáp ứng đủ điều kiện mở được đường bay này, nếu nhanh cũng phải 1-2 năm nữa”, ông Thành nói.

Theo Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM