Mồ côi mẹ khi mới 5 tuổi, phải bỏ học đi làm thuê, đây là cách Chu Quần Phi trở thành bà chủ đế chế màn hình điện thoại tỷ đô
Ở tuổi 45, Chu Quần Phi là nữ tỷ phú tự thân giàu có bậc nhất thế giới với khối tài sản ước tính lên tới 10 tỷ đô. Ít ai có thể ngờ, bà từng trải qua bao biến cố trước khi gặt hái được thành công.
Bà Chu Quần Phi là một trong những tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới và là người sáng lập công ty Lens Technology, hiện sở hữu một căn nhà trị giá 27 triệu đô la tại Hong Kong.
Hai khách hàng lớn nhất của Chu Quần Phi hiện nay là Apple và Samsung. Bà từng là người trực tiếp tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông thăm trụ sở của công ty. Cách bà xây dựng đế chế của riêng mình gần như từ hai bàn tay trắng quả là đáng ngưỡng mộ.
Chu Quần Phi chỉ đạo một loạt các hoạt động truyền thông về Công ty Lens Công nghệ do bà làm chủ tịch.
Chu Quần Phi sinh ra và lớn lên tại một trang trại ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Mẹ Chu Quần Phi mất khi bà mới 5 tuổi. Cha của bà từng một thợ thủ công lành nghề, sau đó bị mất một ngón tay và phần lớn thị lực trong một tai nạn công nghiệp. Là con út trong gia đình có 3 anh chị em, bà đã phải phụ giúp gia đình bằng cách nuôi lợn và vịt để kiếm thêm thu nhập.
Năm 16 tuổi, Chu Quần Phi bỏ học và bắt đầu làm việc tại nhà máy của một công ty chuyên về sản xuất kính và tham gia các lớp học kế toán và an toàn hỏa hoạn vào buổi tối tại Đại học Thâm Quyến. Nữ tỷ phú từng bày tỏ, ngôi làng nơi bà sinh ra và lớn lên, phụ nữ thường không có lựa chọn nào giữa việc tiếp tục đi học hay kết hôn và chỉ ở một nơi trong suốt cuộc đời của họ.
Bà Chu chia sẻ: "Tôi làm việc từ 8h sáng đến 12h đêm, có hôm đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Công việc không phân chia các ca, nhiệm vụ chủ yếu là lau kính và tôi không thích việc đó".
Sau ba tháng, bà quyết định từ bỏ và viết một lá thư từ chức cho ông chủ của mình. Trong thư, Chu Quần Phi đã phàn nàn về những giờ làm việc căng thẳng và chán nản. Mặc dù vậy, bà cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc này và nói rằng muốn tìm hiểu thêm. Bức thư đã gây ấn tượng với giám đốc nhà máy, người đã nói với Chu Quần Phi rằng nhà máy sắp sửa áp dụng quy trình mới và ngỏ lời mời bà ở lại làm việc.
Chu Quần Phi chia sẻ thêm: "Lúc đó tôi có tâm lý là luôn muốn biết xem liệu người ta có trả tiền cho mình hay không. Tôi đã theo đuổi bằng cách khác với những người đến từ khu vực trung tâm thành phố và có tiền - đó là nền tảng tôi không có.Tất cả những gì tôi muốn là thay đổi vận mệnh của mình bằng những nỗ lực của chính bản thân".
Đến năm 1993, khi Chu Quần Phi mới 22 tuổi, bà quyết định thành lập công ty riêng với 3.000 đô la tích góp được trong những năm đi làm. Nữ tỷ phú cùng một số người họ hàng mở phân xưởng riêng với hứa hẹn sản xuất ra loại kính đồng hồ chất lượng cao hơn so với các sản phẩm cùng loại thời bấy giờ.
Tại công xưởng của mình, bà Chu Quần Phi tham gia vào mọi khâu sản xuất từ sửa chữa cho tới thiết kế máy móc nhà máy. Bà đã cho áp dụng quy trình in lưới phức tạp với kỹ thuật tinh vi để cải thiện các bản in kính cong. Anh họ của bà, người hiện làm việc cho công ty Lens Technology chia sẻ: "Trong tiếng Hồ Nam, chúng tôi có một từ 'ba de man' để gọi những người như bà ấy, nghĩa là người dám làm những thứ người khác không dám".
Khởi nghiệp với một nhà máy sản xuất kính đồng hồ nhưng việc sản xuất mặt kính cho điện thoại di động mới là yếu tố giúp Chu Quần Phi sở hữu tài sản tỷ đô.
Hồi năm 2003, Motorola đã liên lạc với Chu Quần Phi với lời mời kết hợp phát triển sản xuất một loại kính thủy tinh chống xước cho điện thoại Razr V3 mới cho công ty. Sau đó lần lượt là các đơn hàng từ các hãng lớn như HTC, Nokia và Samsung. Trong năm 2007, Apple cũng hợp tác với bà Chu để sản xuất mặt kính cho những chiếc iPhone đầu tiên được tung ra trên thị trường.
Trên con đường trở thành một nhà cung cấp toàn cầu, bà Chu Quần Phi được xếp vào nhóm doanh nhân nữ mới ở Trung Quốc, xây dựng đế chế hùng mạnh gần như từ 2 bàn tay trắng - điều hiếm thấy trong thế giới kinh doanh. Theo Forbes thì tại Nhật Bản gần như không có một tỷ phú nữ nào là giàu tự thân ở đất nước này. Còn tại Hoa Kỳ và châu Âu, hầu hết các nữ tỷ phú là những người bảo đảm sự giàu có của họ thông qua việc thừa kế.
Không có quốc gia nào có nhiều tỷ phú nữ tự thân như Trung Quốc. Theo giáo sư Hoàng Há Tiến của MIT, nhận xét với thời báo New York Times: "Sinh ra ở Trung Quốc, đất nước có nhiều nữ tỉ phú nhất thế giới, bà Chu thừa hưởng quyền bình đẳng giới mà ‘cho phép phụ nữ phát triển sau tư bản chủ nghĩa lên ngôi’ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".
Theo số liệu được công bố đầu năm 2018, số cổ phần của bà Chu tại Lens Technology, trị giá 7,2 tỷ USD.
Ngay cả khi bà là giám đốc, Chu Quần Phi vẫn thường xuyên trực tiếp kiểm tra dây truyền sản xuất. Bà ấy có thể giải thích sự phức tạp của việc gia nhiệt kính trong bồn ion kali. Khi đi qua khu máy mài, bà Chu thường yêu cầu các kỹ thuật viên đứng qua một bên để bà có thể thay thế họ thực hiện công việc một lúc.
Thẻ ID của Chu Quần Phi từ khi còn làm việc tại nhà máy. Hồi nhỏ, bà giúp gia đình bằng cách nuôi lợn và vịt để lấy kiếm thêm thu nhập.
Sau những lời mời hợp tác kinh doanh lớn, bà Chu đã tập trung đầu tư lớn vào các cơ sở mới và thuê các kỹ thuật viên lành nghề. Các đồng nghiệp cho biết, bà đã thế chấp căn hộ của mình để bảo đảm cho khoản vay thế chấp mới từ ngân hàng. Trong vòng 5 năm, bà Chu đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất lớn ở ba thành phố.
James Hollis, giám đốc điều hành của Corning, là đối tác với công ty Lens Technology, nói: "Chu Quần Phi là một doanh nhân đầy đam mê đam mê và bà ấy rất thực tế. Tôi đã theo dõi công ty của bà ấy phát triển, và cách bà ấy dẫn dắt một đội ngũ mạnh mẽ. Hiện nay có hơn 100 đối thủ cạnh tranh trên thị trường về mặt hàng này, nhưng Lens Technology là công ty số 1 thống lĩnh thị trường".
Công ty Lens Technology với 75.000 nhân công với 3 nhà máy chính với tổng diện tích trải dài khoảng 800 ha tại vùng Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc). Mỗi ngày, công ty thực hiện gửi các lô hàng đi khắp thế giới cho các nhà sản xuất trên toàn cầu như Corning tại Mỹ và Asahi Glass tại Nhật.
Bà Chu thiết kế và chỉ đạo gần như mọi bước của quá trình, cách chỉ đạo này một phần cũng do tính tỉ mỉ, chi tiết mà bà đã rèn luyện từ khi còn nhỏ. Bà Chu Quần Phi nói: "Bởi cha tôi đã bị mất thị lực, vì vậy nếu chúng tôi đặt một cái gì đó ở đâu đó, nó phải ở vị trí chính xác, nếu không sẽ có các vấn đề xảy ra. Đó là lí do tôi đòi hỏi sự tỉ mỉ đến chi tiết tại nơi làm việc".
Công ty Lens Technology chưa gặp phải bất kì rắc rối nào về vấn đề lao động. Đối với các công nhân thì làm việc tại công ty này là một thách thức. Bởi phần lớn các vị trí công việc về kiểm tra kính ở những góc độ khác nhau, cố gắng phát hiện ra những sai sót tại công ty Lens Technology được đảm nhiệm bởi những phụ nữ trẻ tuổi.
Chu Quần Phi, tỷ phú nữ tự thân giàu nhất thể giới chia sẻ: "Tôi không muốn chết trong nuối tiếc bởi những điều tôi chưa thực hiện".