img
Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng: “Tôi không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la” - Ảnh 1.

Những dòng chữ ghi trên khẩu hiệu lớn treo tại nhà máy của Vicostone cũng chính là cảm giác của bất kỳ ai khi đặt chân đến công ty này. Tất cả mọi góc đều ngăn nắp và sạch sẽ. Vận hành dây chuyền khổng lồ trong nhà máy rộng hàng nghìn m2 chỉ có 7 công nhân.

Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng: “Tôi không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la” - Ảnh 2.

Từ sau khi chia tay với Red River Holding vào năm 2014, các cuộc họp Đại hội cổ đông của CTCP Vicostone luôn diễn ra trong không khí vui vẻ bởi doanh thu, lợi nhuận của công ty liên tục tăng trưởng cùng với việc cổ phiếu VCS cứ đi lên không ngừng.

Năm nay cũng vậy. Một cổ đông đứng lên và gửi đến ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT công ty lời chúc: “Mong sẽ thấy tên ông trong danh sách tỷ phú đô la của Forbes”.

Trong tiếng vỗ tay tán thưởng của mọi người, ông Năng nói: “Tôi không bao giờ mong muốn xuất hiện trong danh sách tỷ phú đô la. Tôi chỉ muốn là người bình thường.”

Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng: “Tôi không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la” - Ảnh 3.

Đó cũng là lý do mà ông Năng nhất định từ chối trả lời phỏng vấn báo chí. Vị Chủ tịch này nói ngắn gọn về quan điểm của mình: “Tốt nhất là làm cho tốt, nói ít thôi”.

Trên sàn chứng khoán, ông Hồ Xuân Năng được gọi là tỷ phú giấu mặt bởi theo số liệu công bố chính thức, ông chỉ nắm giữ hơn 2 triệu cổ phiếu VCS, tương đương 2,52% vốn điều lệ. 80% vốn của công ty được sở hữu bởi CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa). Số lượng cổ phiếu này do ông Năng làm đại diện sở hữu.

Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng: “Tôi không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la” - Ảnh 4.

Tuy nhiên, Phenikaa là công ty riêng do vợ chồng ông Hồ Xuân Năng sở hữu, trong đó, ông Năng nắm giữ 90% vốn và vợ ông, bà Phạm Thị Thu Hằng nắm giữ 9,9%. Do đó, nếu tính cả lượng cổ phiếu VCS do Phenikaa nắm giữ, ông Hồ Xuân Năng sẽ trực tiếp và gián tiếp sở hữu lượng cổ phiếu VCS trị giá gần 14.100 tỷ đồng (tương đương 618 triệu USD), tính theo giá 236.000 đồng – giá đóng cửa ngày 17/03/2018. Giá trị tài sản này đưa ông Năng trở thành người giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện tại.

Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng: “Tôi không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la” - Ảnh 5.

Cấu trúc sở hữu giữa ông Hồ Xuân Năng – Phenikaa và Vicostone được hình thành từ vụ M&A năm 2014, khi cái tên Phượng hoàng xanh (Phenikaa) bất ngờ xuất hiện sau những mâu thuẫn nảy lửa giữa Vicostone và cổ đông ngoại Red River Holding, trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu đá thạch anh.

Từ năm 2015, Vicostone chuyển một phần vốn góp công ty Stylestone cho công ty mẹ là Phenikaa và chỉ vận hành 2 dây chuyền với tổng công suất 1 triệu m2/năm, đồng thời là đầu mối chính trong việc xuất khẩu sản phẩm cho toàn bộ các công ty con của tập đoàn Phenikaa.

Thực tế không cần đến Vicostone, các công ty con trong tập đoàn đều có thể tự phân phối sản phẩm. Khi tập trung đầu mối phân phối về đây, Vicostone được hưởng một phần lợi nhuận lẽ ra thuộc về các công ty thành viên khác. Không những vậy, theo lời ông Năng, hiện nay chi phí quảng bá thương hiệu cho Vicostone đều do Phenikaa chu cấp toàn bộ.

Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng: “Tôi không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la” - Ảnh 6.

Trả lời câu hỏi “Ông có thấy bị thiệt không?”, ông Năng nói: “Rõ ràng là thiệt, thiệt rất lớn. Nếu chỉ vì cá nhân tôi, trước đây, chỉ cần chưa đến 100 tỷ đồng, tôi hoàn toàn có thể mua hết cổ phần của Vicostone. Nhưng tôi sẽ không thấy thoải mái.”

Lý do Phenikaa mua lại 80% cổ phần của Vicostone và để cấu trúc sở hữu như hiện nay, thứ nhất là bởi ông Năng muốn dồn sức hỗ trợ công ty nâng tầm giá trị thương hiệu Vicostone. Thứ hai, bởi khẩu hiệu của ông Năng là “vì quyền lợi của tất cả các bên”. Hiện tại Vicostone có khoảng 17% cổ phần trôi nổi do các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán nắm giữ. Ông Năng nói, nếu ngày xưa mua hết cổ phần của Vicostone, giờ ông sẽ không phải chia hàng chục tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt cho “người ngoài”.

Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng: “Tôi không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la” - Ảnh 7.

Quyền lợi “các bên” theo lời ông Năng được xếp theo thứ tự: Đầu tiên là người lao động, thứ 2 là khách hàng và đối tác, thứ 3 là cổ đông, thứ 4 là xã hội và cuối cùng mới là ông.

“Đối với tôi bây giờ, tôi chẳng cần tiền nữa để làm gì.” – ông Năng chia sẻ - “Cũng xin trả lời vì sao tập đoàn đầu tư vào giáo dục? Vì chúng ta muốn làm điều gì đó thật sự có ý nghĩa cho xã hội”.

Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng: “Tôi không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la” - Ảnh 8.

Năm nay Hội đồng quản trị của Vicostone tiếp tục đề nghị thực hiện chương trình phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động. Từ ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, phương án phát hành tối đa 2,1 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với mức giá chào bán bằng mệnh giá đã được cổ đông thông qua và ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian thực hiện nhưng vẫn chưa thể tiến hành.

“Tôi rất đau đầu với kế hoạch phát hành ESOP vì giá cổ phiếu cứ tăng vòn vọt” – ông Năng nói.

Vị Chủ tịch này lý giải, với tình trạng giá cổ phiếu VCS trên sàn rất cao thì việc phát hành ESOP giá 10.000 đồng sẽ khiến cổ đông hiện hữu chịu thiệt hại. Không chỉ vậy, ông Năng nghĩ rằng những người lao động không được mua ESOP cũng sẽ thấy không công bằng.

Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng: “Tôi không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la” - Ảnh 9.

Nhìn lại thứ tự ưu tiên về quyền lợi mà ông Năng đặt ra, sẽ thấy người lao động là đối tượng đầu tiên. Theo đó, do chưa thể phát hành ESOP, Vicostone đã “bù đắp” bằng việc trả lương cao hơn và chi thưởng cho những cán bộ, nhân viên xứng đáng. Chi phí quản lý năm 2017 của công ty vì vậy mà tăng lên.

“Tôi mong cổ đông thấu hiểu điều này. Phải vì lợi ích của người lao động trước, thì họ mới cống hiến cho công ty, cho cổ đông”.

Cũng vì thế, ông Năng tự tin rằng, không đối thủ nào có thể lôi kéo nhân sự của Vicostone vì không có đủ khả năng chi trả về tài chính cũng như không có văn hóa đẹp như công ty này.

Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng: “Tôi không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la” - Ảnh 10.

Từ tháng 7/2017, hợp đồng độc quyền công nghệ với Breton đã hết hiệu lực. Điều đó làm dấy lên nỗi lo về việc các đối thủ có thể sử dụng công nghệ này và xâm nhập thị trường bằng cách phá giá để cạnh tranh với Vicostone.

Cạnh tranh cũng là một câu chuyện được nhắc nhiều đối với Vicostone trong năm nay khi các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách để chiếm lĩnh thị trường đá thạch anh trên thế giới. Chính ông Năng cũng nói nhiều lần về mối nguy này, và dù hiện tại Vicostone vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu nhưng chỉ sang năm sau, các công ty Trung Quốc sẽ đuổi kịp về công nghệ.

“Nhưng tôi thấy đó không phải là vấn đề gì lớn. Việc có đối thủ cạnh tranh là việc tốt, vì phải có đối thủ cạnh tranh, chúng ta mới cải tiến và thay đổi được. Nếu không có đối thủ, chúng ta tưởng mình đã tốt rồi và không cải tiến gì, chắc chắn sự phát triển sẽ không bền vững” – ông Năng nói một cách đơn giản.

Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng: “Tôi không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la” - Ảnh 11.

Vị Chủ tịch này cũng cho rằng, nếu có công ty mua công nghệ của Breton về làm, đó cũng là cơ hội để Vicostone xem lại: Mình đã thực sự tốt chưa và đối thủ sẽ làm như thế nào?

“Nếu họ làm tốt, tức là thế giới này vẫn còn bao la, bắt buộc chúng ta phải tiếp tục cải tiến. Trong chiến tranh, trong kinh tế hay trong cuộc sống cũng vậy. Nếu không có sự cạnh tranh, không có cái mốc để hướng tới thì mình sẽ không thể tiến bộ.”

Trong mọi tình huống, ông Hồ Xuân Năng vẫn thể hiện sự tự tin không e ngại đối thủ nào bởi vì “Công nghệ là một chuyện, kinh nghiệm là điều quan trọng hơn”.

“Sự phát triển không phải ngày một, ngày hai mà có được. Một nhà máy như của chúng tôi, sau khi lắp đặt phải 3 năm sau mới ổn định với điều kiện quản trị và công nghệ tốt. Bài học tiền thân của VCS từ năm 2002 đến tận 2006 mới bắt đầu có lãi đã cho thấy điều đó”.


Minh Châu
7pm
Theo Trí Thức Trẻ23/03/2018



Trí Thức Trẻ