Millennials: “Cơn ác mộng của nhà tuyển dụng”?

05/12/2017 08:45 AM | Sống

Công bằng mà nói, millennials chẳng phải "cơn ác mộng của nhà tuyển dụng", có chăng là họ hơi khó quản lý hơn thôi.

Trong con mắt của rất nhiều người thuộc các thế hệ trước, những cô cậu millennials – những người trẻ thế hệ Y (sinh trong giai đoạn 1982 – 2000) – thường xuyên là những đứa trẻ cứng đầu, chỉ yêu bản thân, luôn cho mình là nhất và chẳng bao giờ hài lòng với công việc hiện tại. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn tỏ ra ngán ngẩm, hoặc tệ hơn là từ chối tuyển dụng các millennials vì lý do họ "chảnh chọe", không thích tuân theo kỷ luật, chỉ lo lắng cho quyền lợi cá nhân và… cực kỳ lười biếng.

Tôi không phủ nhận sự tồn tại của một bộ phận giới trẻ với những suy nghĩ tự tin thái quá và có phần ảo tưởng. Tuy nhiên, quy chụp đặc điểm của một vài người cho toàn bộ thì quả thật là không công bằng!

Hãy ngừng dán nhãn cho người trẻ

Cách đây không lâu, một nữ sinh viên đến từ trường Kỹ thuật Mật mã, trong một buổi tọa đàm, đã đặt ra câu hỏi: "Em cần học tập và làm việc như thế nào để được nhận vào làm với lương là 2.000 USD/tháng?"

Ngay sau đó, một nhà tuyển dụng liền đặt câu hỏi ngược lại với bạn nữ này: "Nếu anh trả cho em 2.000 USD thì em đem về cho anh được bao nhiêu? Với một sinh viên mới ra trường thì anh không nghĩ rằng bạn ấy sẽ mang lại được cho anh 10.000, 15.000 USD mỗi tháng để anh có thể trả lại cho bạn ấy 2.000 USD đâu."

Sau màn đối đáp ấy là cả một cơn bão tranh luận nổ ra trên khắp mạng xã hội. Dù có nhiều ý kiến bênh vực cô bạn đã "dũng cảm mơ ước", nhưng đa phần cư dân mạng đều lên tiếng trách móc nữ sinh trên là kẻ "ảo tưởng sức mạnh".

Họ chỉ trích rằng mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng là một con số "trên mây" - không khả thi đối với sinh viên mới ra trường, và rằng các bạn trẻ ngày nay quá bộp chộp và thiếu kiên nhẫn, rằng các bạn chưa có kinh nghiệm nhưng lại thích giữ những chức vụ cao. Và thế là họ kết luận rằng "đã là sinh viên mới ra trường thì không đủ tư cách để đòi hỏi."

Thôi thì hãy tạm quên con số 2.000 USD đi. Nhưng tại sao "sinh viên mới ra trường thì không đủ tư cách để đòi hỏi"? Mà thế nào mới là "đủ tư cách"?

Xã hội vẫn luôn thích dán nhãn cho người trẻ. Người lớn vẫn hay nghĩ những cô cậu sinh viên mới ra trường là rặt bầy "ngựa non háu đá" - chỉ biết mơ mộng viển vông. Rất nhiều lần, các nhà tuyển dụng than phiền rằng mình chẳng thể chấp nhận nổi thái độ của nhiều bạn trẻ. Nhưng có bao giờ họ ngồi lại xem thử gốc rễ của vấn đề? Liệu nguyên nhân thực sự là do tư tưởng sai lầm của "bọn trẻ ranh," hay lại nằm ở cách đối xử của doanh nghiệp với họ?

Hãy thử tưởng tượng tình huống dưới đây.

Nhà tuyển dụng cầm trên tay hồ sơ của một sinh viên mới ra trường, rồi nhìn bạn ấy bằng con mắt đầy thờ ơ và cười mỉm: "Em mới ra trường hả, vậy thì làm gì có kinh nghiệm nhỉ. Thế chị cho thử việc vài tháng nhé, nhưng chị chỉ hỗ trợ một phần lương thôi. Chứ chị nhận em vào vẫn còn phải đào tạo lại, tốn kém mà còn chẳng biết em lại được hay không nữa."

Bạn thấy câu chuyện này quen chứ?

Đến đây, nếu bạn sinh viên từ chối không đi làm, có lẽ bạn ấy sẽ bị gắn mác là "chảnh," là "ảo tưởng sức mạnh." Điều đó có thể đúng. Nhưng vấn đề là nếu ở lại, nhiều khả năng bạn ấy sẽ được đào tạo chuyên môn rất ít, thậm chị là không có. Công việc hàng ngày sẽ chỉ xoay quanh những thứ không tên như photo, đánh máy, mà tệ hơn có thể là pha trà, rót nước, mua cơm cho các "tiền bối" trong phòng.

Thế đấy, xã hội chỉ đơn giản định đoạt "em mới ra trường" (và em không phải là "siêu nhân" với trí tuệ đặc biệt) tức là em phải chịu khó lãnh lương bèo bọt một tí, hoặc tệ hơn là không lương. Còn người trẻ thì đành chấp nhận bán sức lao động của mình để đổi lại được dòng chữ "kinh nghiệm" trong CV, số khác không chấp nhận quy luật ấy thì sẽ mang danh "yêu sách."

Nhưng nhà tuyển dụng ơi, em mới tốt nghiệp đâu có đồng nghĩa sức lao động của em là miễn phí! Ai cũng cần phải chi tiêu, phải sống mà.

Xa hơn nữa, vấn đề không chỉ là lương, nhưng còn là chế độ ưu đãi nhân viên. Nếu như được đón nhận và được chỉ dạy, được tôn trọng và được lắng nghe, thì liệu một bộ phận người trẻ có cảm thấy chán nản, cảm thấy không xứng đáng? Để rồi khi các bạn nghỉ việc, rời công ty cũ đến công ty mới, người khác lại hỏi rằng: "Em có kinh nghiệm chưa? Chưa có à, vậy anh đào tạo lại nhé. Anh chỉ trả lương thế thôi …"

Thế là cái vòng luẩn quẩn ấy cứ thế tiếp tục, còn người trẻ thì ngoài cái nhãn "chảnh" giờ lại có thêm cái nhãn "hay nhảy việc."

Hãy hiểu Millennials để thấy họ không phải là "cơn ác mộng"

Không giống với những người đi trước, Millennials được sinh ra và lớn lên cùng với sự phát triển của công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội. Thời đại của họ là thời đại kỹ thuật số, thời đại Internet. Vật bất ly thân của họ là những chiếc smartphone và laptop luôn sẵn sàng kết nối họ với thế giới. Chính những thay đổi quan trọng này đã ảnh hưởng rất lớn đến cách thức mà các bạn trẻ nhìn nhận vấn đề, cũng như cách thức họ giải quyết chúng.

Người trẻ ngày nay đã rất quen với việc được trả lời nhanh chóng, được đáp ứng ngay lập tức. Đơn giản thôi, ngay trong cuộc sống thường ngày, nhiều bạn trẻ có thể sẽ khó chịu nếu một tin nhắn Facebook chờ mãi không được trả lời, và sẽ bực mình hơn nữa nếu nó được "seen nhưng không rep." Vậy đấy, nhu cầu được lắng nghe của thế hệ Y là vô cùng lớn, và một khi nhu cầu ấy bị người tuyển dụng ngó lơ, thì đương nhiên người trẻ cũng sẽ thấy không thỏa mãn, hạnh phúc trong công việc.

Hầu hết đều là những "kẻ sành công nghệ," được giáo dục trong môi trường hiện đại, rất nhạy bén với thông tin và giàu khả năng sáng tạo, nên giới trẻ ngày nay có suy nghĩ rất khác với những người đi trước. Khi đi làm, họ thường đặt kỳ vọng rất cao, họ ao ước được đổi mới, họ vẽ lên kế hoạch thay đổi từ ngày đầu đến công ty, họ khao khát học hỏi và cống hiến. Tuy nhiên, dưới con mắt nhiều nhà tuyển dụng thuộc thế hệ trước, nhiệt tình của người trẻ là "tự cao, tự mãn", là "không tôn trọng cấp trên" và suy nghĩ của họ là "không đáng để nghe."

Đương nhiên, đôi khi ý kiến của người trẻ không được chấp nhận vì họ chưa đủ thấu đáo để nhìn được bức tranh toàn cảnh vấn đề, hoặc cũng có thể họ trình bày chúng quá hăng hái mà thiếu đi sự lễ độ với cấp trên. Nhưng công bằng mà nói, millennials chẳng phải "cơn ác mộng của nhà tuyển dụng," có chăng là họ hơi khó quản lý hơn thôi. Và nguyên nhân là do xung khắc giữa các thế hệ, tức là lỗi không hoàn toàn thuộc về người trẻ mà còn là từ những nhà quản lý.

Bị giao cho những công việc giản đơn nhàm chán, chỉ được trả mức lương không mấy hậu hĩnh, và tương lai thăng tiến cũng quá đỗi mù mịt, đương nhiên người ta sẽ rất dễ nản chí, nhất là những ai luôn mong muốn thể hiện bản thân. Hệ quả tất yếu là công việc sẽ bị giảm sút hiệu quả, còn nhân viên thì sẽ bất mãn nhiều hơn. Có một sự thật là giới trẻ giờ đây rất năng động và tự tin, sáng tạo và đổi mới hơn trước rất nhiều. Nhà tuyển dụng cần phải công nhận điều ấy, chứ không phải bóp nghẹt ước mơ và làm suy yếu khả năng của họ.

Đi tìm lời giải "bài toán millennials"

Hiện nay, millennials đang chiếm tới hơn 35% dân số Việt Nam, và dù muốn hay không, thì tới năm 2025, millennials sẽ nắm giữ hơn 75% lực lượng lao động toàn cầu. Như vậy thì việc giải quyết "bài toán millennials" sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong quản trị nhân lực của doanh nghiệp.

Việc của các lãnh đạo là phải hiểu và nỗ lực hóa giải những "cú sốc thế hệ", để người trẻ hòa nhập và thích nghi với những người đi trước. Dù trẻ nhưng họ cũng nên được công nhận, tất nhiên, nhân viên mới cũng biết rằng họ chưa thể thực sự bình đẳng với những người làm việc lâu năm. Nhưng quan trọng là người trẻ cần phải cảm thấy mình đang đóng góp cho công ty và điều đó cũng hữu ích cho sự phát triển của chính bản thân họ.

Thế hệ Y là tập hợp những người ham học hỏi điều mới và mong muốn được phát triển nghề nghiệp. Vậy nên thay vì những công việc quá cơ bản, hãy thường xuyên giao cho nhân viên trẻ những nhiệm vụ mới, phức tạp hơn, để từ đó họ có cơ hội học hỏi thêm. Thực tế là trong nhiều trường hợp, các bạn trẻ sẵn sàng nhận mức lương thấp nếu họ được tiếp cận với những điều mới mẻ, và đôi khi những "giải pháp mới" mà họ đem lại tỏ ra vô cùng hiệu quả.

Tuy nhiên, khi giao nhiệm vụ cho millennials thì cũng hãy tin tưởng rằng họ có thể hoàn thành công việc đầy đủ và đúng hạn. Người trẻ luôn mong "được làm chủ", chí ít là được độc lập và tự giải quyết công việc của mình. Đừng là một ông sếp độc đoán, thích "chỉ tay năm ngón," thích giám sát và săm soi từng công việc nhỏ nhặt. Nhưng hãy là một nhà quản lý biết cách hướng dẫn và luôn đưa ra các phản hồi nhanh chóng, kịp thời cho nhân viên. Hãy trao cho millennials những mục tiêu rõ ràng cụ thể, tạo khoảng không gian để họ phấn đấu thể hiện bản thân, rồi từ đó đánh giá năng lực của họ một cách khách quan và công bằng.

Lời cuối dành cho các bạn trẻ

Cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng gì, và tìm kiếm việc làm mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình cả đời của bạn. Hãy luôn biết kiên nhẫn và cầu tiến, ham học hỏi và cố gắng hết mình. Hãy chứng minh cho người khác thấy rằng bạn có năng lực và xứng đáng được tôn trọng, nhưng cũng đừng quên rằng bạn phải tôn trọng người khác trước đã.

Biết đón nhận những khen chê từ người khác, biết đánh giá và chọn lọc giữa đúng sai để hoàn thiện bản thân, rồi bạn sẽ tìm được công việc phù hợp với mình sớm thôi. Xin dành tặng bạn những hy vọng và lời chúc tốt đẹp nhất!

Theo Kim Phụng Ybox

Cùng chuyên mục
XEM