Miền Tây thấy cưng vô cùng với những câu chuyện thiệt nhỏ thiệt thương

28/04/2019 14:03 PM | Sống

Miền Tây rộng lớn trù phú, lòng người cũng rộng mở dễ mến đến lạ thường. Ở vùng đất này có những chuyện tưởng chừng đau buồn cũng hoá nhẹ nhàng một phần cũng vì tình người đằm thắm.

Những câu chuyện tôi cóp nhặt trong hành trình xuôi ngược trên mảnh đất phù sa ăm ắp tình người. Những câu chuyện chẳng hề lớn lao, nhưng đâu đó giữa cái giản dị, hồn nhiên của đất và người phương Nam là tấm tình chân phương đáng trân quý.

Cô Loan - người phụ nữ trung niên vừa cùng con gái của mình phượt xuyên Việt bằng xe máy đã tâm sự với tôi rằng: "Cô đi để hiểu rằng đi đâu cũng không bằng nhà mình. Ra Bắc ngắm nhìn phong cảnh đẹp nhưng địa hình hiểm trở quá, đến miền Trung mới thấu hiểu cái thời tiết khắc nghiệt và khó khăn của người dân phải đối mặt với bão lũ thiên tai. Đi một vòng thật xa, rồi trở về với miền Tây quê mình, thấy dễ chịu làm sao".

 Máy ảnh kỹ thuật dép

Bữa nọ đang hý hoáy chụp hình ngôi chùa Khmer thì nghe tiếng râm ran của con nít ở sau lưng, tò mò quay lại thì thấy tụi nhỏ mỗi đứa 1 chiếc dép giơ lên để chụp hình. Tụi nhỏ cười hè hè: "Kết nối máy ảnh, chụp tách tách".

Miền Tây thấy cưng vô cùng với những câu chuyện thiệt nhỏ thiệt thương - Ảnh 1.

Mấy nhóc đứa nào cũng lanh lợi, cười nói rộn ràng cả sân chùa. Chẳng biết cái máy ảnh kỹ thuật số của tôi lưu được bao nhiêu tấm hình, rõ nét hay mờ căm, nhưng tôi tin rằng chiếc máy ảnh "kỹ thuật dép" của bọn nhỏ sẽ luôn lưu giữ những bức ảnh tuyệt vời nhất của tuổi thơ.

 Nghe gọi "mẹ" mà rớt nước mắt

Tôi gặp chị Út ở một ngôi trường khá đặc biệt - dành riêng cho những đứa trẻ khuyết tật (Vĩnh Long). Con của chị không may mắc phải căn bệnh chậm phát triển trí tuệ, cũng vì điều không may này mà gia đình gặp biết bao sóng gió.

Chị Út hiền khô, kiểu thiệt thà của mấy cô mấy thiếm dưới miệt có sao kể vậy: "Con gái chị sinh ra đã không may mắn, lên 3 - 4 tuổi vẫn không nói năng hay nhận thức được, nhiều bữa tự bốc phân ăn luôn đó. Bên nội nói tại bên ngoại ăn ở ác nên cháu sinh ra mới bị như vậy. Chị buồn ghê lắm".

Tôi im lặng, vì cũng chẳng biết phải nói gì để an ủi.

Chị Út kế tiếp: "Ai nói sao thì kệ, chị thà hi sinh hết, cho nát đời chị luôn cũng được, miễn là lo được cho con. Quyết tâm đưa con vào đây học để bằng bạn bằng bè. Mà hồi đó chị đâu có biết chạy xe máy đâu em, ngày nào cũng tốn 250 ngàn tiền xe ôm để đưa bé từ Tiền Giang lên Vĩnh Long học. Đi riết mà trong túi hổng còn 1 đồng luôn.

Tôi sửng sốt: "Trời đất tiền nào chịu cho thấu?".

Chị Út cười nhẹ huề: "Chồng chị làm giáo viên tiểu học lương tháng chưa được 2 triệu, chị thì đi làm mướn nên đâu có dư giả như người ta. Tính cho con nghỉ học, mà hổng đành lòng. Chị làm liều luôn em, xách xe máy ra tập chạy, mới dắt ra tới cửa là té chỏng gọng. Ta nói chân tay chảy máu tùm lum. Té miết rồi cũng chạy được xe máy để chở con đi học mỗi ngày, giờ chị chuyển làm xe ôm luôn".

Miền Tây thấy cưng vô cùng với những câu chuyện thiệt nhỏ thiệt thương - Ảnh 2.

"Em biết hông, cái bữa mà con gái chị gọi được: mẹ mẹ, ba ba. Chị rớt nước mắt luôn...". Thiệt, ai chẳng mong con cái mình sinh ra thông minh lanh lợi, học giỏi thành tài, dẫu vậy vẫn có những người cha, người mẹ mà hạnh phúc với họ đôi khi chỉ gói gọn trong mấy tiếng gọi của con thơ.

Dừng lại để lắng nghe ước mơ của con

Cô Phương là một giáo viên ở Mỹ Tho, vốn là mẹ đơn thân nên người phụ nữ ấy dành tất cả tình thương của mình cho các con. Cô đặt rất nhiều hy vọng vào cậu con trai đầu khi cậu là một học sinh ưu tú của trường chuyên Tiền Giang và được tuyển thẳng vào trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Thế nhưng anh chàng không chọn con đường đã được trải thảm. Đùng cái, hết năm nhất con trai cô về thông báo với mẹ: Con muốn nghỉ học, con sẽ đi học nghề nấu ăn.

"Trời ơi, cô giận tím mặt luôn con. Ai đời đang học êm đẹp cái nghỉ ngang, đòi đi học nghề. Cô quả quyết: bây giờ nếu con học đại học thì mẹ sẽ nuôi, còn nếu đi học nghề thì tự kiếm tiền mà sống" - cô Phương kể.

Tưởng đâu anh chàng sẽ suy nghĩ lại vì bị cắt trợ cấp hàng tháng, nhưng con trai cô Phương vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình, cậu lên Sài Gòn xin đi làm thêm trong nhà hàng, đăng ký học nghề và nghỉ học đại học.

Kể từ bữa đó hai mẹ con từ mặt nhau, mấy tháng trời không gọi điện, nhắn tin hỏi han gì. Cô Phương nhẹ nhàng nói: "Cô xấu hổ lắm, dù gì con mình cũng học trường chuyên, cũng được tuyển thẳng đại học, mà giờ đi học nghề. Thầy cô trong trường lâu lâu hỏi con chị giờ học trường nào, cô ngại quá đâu dám nói nó đi học nghề".

Miền Tây thấy cưng vô cùng với những câu chuyện thiệt nhỏ thiệt thương - Ảnh 3.

Vài tháng sau có một biến cố xảy ra. Người thân gọi về kể lại chuyện con trai cô bị mất hết tiền, cả tháng nay phải ăn thức ăn thừa của nhà hàng chỗ làm việc. Làm mẹ mà, nghe con mình đi ăn cơm thừa canh cặn của người ta, tự nhiên thấy đau lắm.

"Cô bỏ hết mấy cái giận hờn vu vơ. Thôi, con của mình mà" - cô cười, xí xoá hết tất cả, đặt cái tôi xuống để trở về thiên chức của người mẹ.

Hồi đầu năm ngoái con trai cô Phương giành được huy chương vàng trong cuộc thi nghề bếp ở Sài Gòn, và trở thành 1 trong 2 đại diện (nghề bếp) của Việt Nam tham dự cuộc thi Worldskill Asean 2018 diễn ra tại Thái Lan. Tôi luôn nhìn thấy những long lanh trong mắt cô Phương mỗi khi kể về cậu con trai.

Người lang thang yêu màu đỏ

Tôi gặp ông ở chợ Châu Đốc. Người đàn ông lớn tuổi bán vé số đặc biệt nổi bật bởi tất cả phục trang đều mang sắc đỏ. Mũ đỏ, áo đỏ, quần đỏ, dép đỏ, nịt đỏ và cả chiếc ghế nhựa dùng ngồi nghỉ ngơi cũng màu đỏ.

"Tôi yêu màu đỏ. Vì nó nổi bật và mạnh mẽ" - người đàn ông nói.

Miền Tây thấy cưng vô cùng với những câu chuyện thiệt nhỏ thiệt thương - Ảnh 4.

Tôi tò mò hỏi: "Bác lớn tuổi rồi sao không ở nhà để con cháu chăm sóc, mà phải đi lang thang buôn bán thế này?"

Người đàn ông cười bảo: "Các con tôi ở Cần Thơ, lâu lâu vẫn gửi tiền cho tôi. Nhưng tôi thích được tự do chú à. Tôi muốn đi đây đi đó, để được biết nhiều thứ".

Người đàn ông lang thang ấy luôn mỉm cười hồn hậu, lạc quan với cuộc đời. Dẫu vậy nhìn những bước đi chậm chạp, yếu ớt của ông tôi hiểu: có những người làm cha làm mẹ dù gian khó đến đâu cũng không muốn làm phiền đến con cháu.

Miền Tây thấy cưng vô cùng với những câu chuyện thiệt nhỏ thiệt thương - Ảnh 5.

 Phụ mẹ đẩy xe

Sài Gòn nắng đổ lửa thì ở dưới miền Tây cũng chẳng mát hơn được xíu nào. Dưới cái nắng oi bức của trưa hè, tôi bất chợt nhìn thấy hai mẹ con chị bán trái cây cùng nhau đẩy chiếc xe qua đường. Cậu nhóc nhỏ còn chưa kịp thay bộ đồng phục ở trường, vừa phụ mẹ vừa tươi cười kể về những câu chuyện của trường lớp.

Trong đời, có đôi lần tự nhiên muốn được bé lại để được làm nũng, được làm con nít với mẹ.

Miền Tây thấy cưng vô cùng với những câu chuyện thiệt nhỏ thiệt thương - Ảnh 6.
Miền Tây thấy cưng vô cùng với những câu chuyện thiệt nhỏ thiệt thương - Ảnh 7.
Miền Tây thấy cưng vô cùng với những câu chuyện thiệt nhỏ thiệt thương - Ảnh 8.

Theo Toàn Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM