Mâu thuẫn tại các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 'khoá sổ' năm 2019

01/07/2019 10:35 AM | Kinh doanh

Họp đại hội của Vinaconex, Tân Tạo, Petroland và GTNfoods có sự tranh luận giữa các nhóm cổ đông lớn, giữa các lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông.

30/6 là hạn chót cho các doanh nghiệp niêm yết có niên độ tài chính 1/1-31/12 họp ĐHCĐ thường niên, kể cả những doanh nghiệp được gia hạn. Chính vì vậy, cuối tuần trước, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức họp và điểm chung tại một số đại hội là sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn hay giữa cổ đông và lãnh đạo.

4 phiên họp đáng chú ý nhất đến từ CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, HoSE: PTL), CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA), GTNfoods (HoSE: GTN) và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG).

Tại phiên họp thường niên 2019 của Vinaconex, sau khi xác nhận đủ điều kiện tiến hành, mở đầu với đề xuất bổ sung chương trình đại hội của cổ đông lớn Star Invest, nắm 7,57% vốn. Tổ chức này nêu ra nhiều ý kiến xoay quanh lo ngại về sự tập trung quyền lực (như Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, đại diện của An Quý Hưng, cổ đông lớn nhất nắm 57,71% vốn được phê duyệt giao dịch giá trị lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng; thay thế nhiều nhân sự tại công ty con) và thất thoát tài sản (tạm ứng tiền với các công ty, mua cổ phiếu quỹ…).

Những vấn đề trên là nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ tháng 3, khi Star Invest và Cường Vũ, cổ đông nắm 21,28% vốn đệ đơn lên Tòa án Nhân dân Quận Đồng Đa yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của phiên họp bất thường đầu năm, đồng nghĩa, không công nhận việc bầu nhân sự mới vào HĐQT. Việc này đã khiến HĐQT phải dừng hoạt động gần 2 tháng theo quyết định của tòa án, mới chỉ được dỡ bỏ vào cuối tháng 4.

Mâu thuẫn tại các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên khoá sổ năm 2019 - Ảnh 1.

Họp ĐHCĐ thường niên 2019 Vinaconex. Ảnh: Trí Thức Trẻ.

Ở phần thảo luận của phiên họp, những kiến nghị của Star Invest tiếp tục là tâm điểm. Phía cổ đông này đòi hỏi sự minh bạch trong công tác quản trị, mọi vấn đề của doanh nghiệp cần được thảo luận công khai, dù sẽ có những ý kiến bất đồng. Do đó, đơn vị này tiếp tục nêu ý kiến cần phải sửa đổi lại quy chế tài chính và hoạt động quản trị của Vinaconex.

Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh, đại diện nhóm An Quý Hưng lên tiếng khẳng định những lo ngại của Star Invest không có căn cứ, “chỉ kiện cho vui”. Vị này cho biết từ khi nhận chức chưa từng ký hợp đồng có giá trị ngàn tỷ.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng nhấn mạnh không có việc tiền từ Vinaconex về An Quý Hưng. “Vinaconex và An Quý Hưng là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau”. Mặt khác, vấn đề nhân sự tại các công ty con thay đổi, ông Thanh nhận định vì nhiều lý do, trong đó có áp lực thay đổi cơ chế.

Phần thảo luận kết thúc dù 2 phía chưa tìm được điểm chung về các đề xuất của Star Invest, tuy nhiên những nội dung chính của đại hội như kế hoạch kinh doanh, kết quả sản xuất, phân phối lợi nhuận… đều được thông qua.

Mâu thuẫn tại các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên khoá sổ năm 2019 - Ảnh 2.

Một cổ đông nêu ý kiến tại đại hội Vinaconex. Ảnh: Lê Hải.

Tương tự tại Vinaconex, phiên họp của Petroland cũng diễn ra với nhiều kiến nghị của cổ đông lớn. Trong đó, ông Đinh Việt Thanh, thành viên HĐQT, sở hữu 13,58% vốn với 3 kiến nghị. Thứ nhất, cổ đông kiến nghị thanh toán 70% thù lao cho hội đồng quản trị, 30% còn lại sẽ quyết toán sau. Thứ hai, tăng vốn thêm ít nhất 500 tỷ đồng.

Thứ ba, cổ đông yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Petroland tại Dầu Khí Thăng Long cho Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG). Đây cũng là vấn đề được cổ đông nêu ra trong phần lớn thời gian thảo luận của đại hội. Theo cổ đông, việc bán cổ phần tại Dầu khí Thăng Long, đồng nghĩa, bán dự án Thăng Long cho Đất Xanh gây thất thoát tài sản, không hợp lý.

“Dự án bán 563 tỷ đồng, Petroland phải đóng tiền sử dụng đất khoảng 500 tỷ, như vậy có phải là miếng đất 8,7 ha tại Quận 9 có giá không đồng”, cổ đông nêu vấn đề.

Dù nhận được nhiều ý kiến, vấn đề này vẫn không được thêm vào chương trình đại hội với lý do Chủ tịch Petroland, ông Bùi Minh Chính đưa ra là không thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ.

Với GTNfoods, điểm nóng trong phiên họp thường niênđến từ những thay đổi trong HĐQT. Tài liệu công bố trước đại hội thông báo cổ đông lớn Invest Tây Đại Dương, nắm 16% vốn, đề nghị miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT độc lập là bà Chew Mei Ying và ông Michael Louis Rosen, bổ sung bà Văn Thị Hằng và ông Lê Chí Nam thay thế. Đồng thời, cổ đông này cũng đề xuất bà Bùi Thị Xuân và Nguyễn Thị Thái vào BKS công ty.

Mâu thuẫn tại các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên khoá sổ năm 2019 - Ảnh 3.

Bà Chew Mei Ying phản đối việc bị miễn nhiệm. Ảnh: Bình An.

Tại đại hội, bà Chew Mei Ying và ông Michael Louis Rosen phản đối việc bị miễn nhiệm. Bà Ying là đại diện Tael Two Partners - quỹ đã bán toàn bộ cổ phần GTN trong đợt chào mua công khai của Vinamilk. Bà Ying cho biết bà và ông Rosen đại diện cho lợi ích của tất cả các cổ đông. Đề xuất bãi nhiệm của Invest Tây Đại Dương đã bỏ qua quyền lợi của cổ đông thiểu số.

Dù vậy, việc miễn nhiệm vẫn được thông qua do tỷ lệ không tán thành/không có ý kiến chỉ hơn 40%. Trong số này có 38% cổ phần thuộc sở hữu của Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM), đơn vị vừa tổ chức chào mua công khai cổ phần GTN vào tháng 4.

Hiện nay, trong HĐQT của GTNfoods không có sự tham gia của cá nhân đến từ Vinamilk.

Khác với các doanh nghiệp trên đến từ mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn, phiên họp thường niên của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo phát sinh ý kiến của cổ đông từ việc Chủ tịch HĐQT, bà Đặng Thị Hoàng Yến vắng mặt năm thứ 6 liên tiếp. Đồng thời, cổ đông bức xúc về việc giá cổ phiếu “hiện không bằng ly trà đá” và đề nghị ban lãnh đạo nếu không thể điều hành doanh nghiệp đúng như các chỉ tiêu đề ra thì nên từ chức.

Ông Đặng Thành Tâm, em trai bà Yến, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc City, HoSE: KBC), được bà Yến ủy quyền điều hành đại hội, chia sẻ với cổ đông, năm nay công ty sẽ mở bán cả nhà ở lẫn khu công nghiệp, và khẳng định Tân Tạo đã trải qua khó khăn, năm nay sẽ khởi sắc hơn.

Trước đó, phiên họp cổ đông thường niên của CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (HNX: OCH) cũng diễn ra với phần thảo luận 'nóng' khi cổ đông chất vấn về khoản phải thu cả gốc và lãi hơn 600 tỷ đồng của nguyên Chủ tịch Hà Trọng Nam, em trai ông Hà Văn Thắm.

Dù diễn biến có những phần thảo luận "sôi nổi" bởi nhiều ý kiến của cổ đông, các đại hội đều kết thúc với các tờ trình được thông qua, dù không thống nhất được điểm chung giữa các bên.


Theo Lê Hải

Cùng chuyên mục
XEM