Mát-xa tại Thái Lan giữa thời Covid-19

16/05/2020 14:21 PM | Xã hội

Dịch vụ mát-xa truyền thống của Thái Lan được UNESCO công nhân là di sản phi vật thể của nhân loại, lọt vào danh sách các Di sản thế giới tiêu biểu năm 2019 của tổ chức này.

Các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ứng phó Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến dịch vụ mát-xa trị liệu truyền thống của Thái Lan bởi các cơ sở cung cấp dịch vụ này buộc phải đóng cửa trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ này vẫn phải tuân theo những quy định “ngặt nghèo” ngay cả khi Thái Lan bắt đầu nới lỏng những biện pháp cách ly xã hội.

Yumiko Kase, giám đốc điều hành Asia Herb Association, một trong những chuỗi cơ sở mát-xa trị liệu thành công nhất tại Thái Lan, cho biết cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến tình hình thêm trầm trọng, khi kinh tế Thái Lan liên tục phải đối mặt với trở ngại không mong muốn như chính trị bất ổn và lũ lụt triền miên. Tuy nhiên, bà cũng như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác trong ngành tin rằng lĩnh vực kinh doanh có lịch sử 2.000 năm tuổi này sẽ sớm hồi phục.

Ngành công nghiệp làm đẹp và dịch vụ mát-xa của Thái Lan đang đứng thứ 16 trên thế giới và giữ ngôi vương tại Đông Nam Á, với doanh thu ước tính của toàn ngành lên tới 35 tỷ baht (tương đương 1,8 tỷ USD), theo Creative Spa & Wellness Thái Lan, tổ chức được sáng lập bởi Văn phòng Thúc đẩy kinh tế sáng tạo (OCEP) của chính phủ Thái Lan.

Đây cũng là ngành dịch vụ có đóng góp không nhỏ cho sự thành công của du lịch Thái Lan, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động và có tốc độ tăng trưởng vào khoảng 8% mỗi năm trước khi đại dịch nổ ra, theo OCEP.

Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, phần lớn khách du lịch nước ngoài đã rời khỏi xứ sở chùa Vàng và gần như tất cả dịch vụ công cộng như làm đẹp, mát-xa, nhà hàng, trung tâm thương mại buộc phải đóng cửa trong hơn một tháng gần đây.

Không có một thống kê chính thức nào về số lượng các cơ sở mát-xa tại Thái Lan nhưng có đến 2.760 cơ sở spa làm đẹp đăng ký hoạt động kinh doanh tại đây tính đến năm 2017, theo Global Wellness Institute, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ. Lĩnh vực kinh doanh spa làm đẹp có mối quan hệ mật thiết với dịch vụ mát-xa trị liệu tại Thái Lan.

Ngày 28/4, chính phủ Thái Lan quyết định kéo dài thêm tình trạng khẩn cấp 1 tháng, đến ngày 31/5. Các biện pháp cách ly xã hội sẽ dần được nới lỏng theo 4 giai đoạn, mỗi gian đoạn kéo dài 14 ngày. Cơ quan quản lý hành chính vùng đô thị Bangkok ngày 29/4 cho phép mở cửa trở lại 8 loại hình kinh doanh và địa điểm công cộng, đồng thời, trình phương án chính phủ. Các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, chợ, tiệm làm tóc và phòng khám được cho phép quay trở lại hoạt động, nhưng các cơ sở spa làm đẹp và mát-xa vẫn buộc phải tiếp tục đóng cửa.

Chuỗi cơ sở kinh doanh của bà Kase chuyên cung cấp dịch vụ trị liệu thảo mộc, những loại thảo mộc sẽ được chần qua hơi nước nóng trước khi được sử dụng để mát-xa cho khách hàng. Đây là một cách trị liệu mà bà tìm ra sau khi bản thân bị một cơn đau lưng hành hạ trong chuyến đi tới đảo Ko Chang của Thái Lan năm 1999. Sau khi trở lại Nhật bản, bà dành nhiều thời gian nghiên cứu phương pháp trị liệu này, được cho rằng sẽ gia tăng tăng khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể con người. Bà quay trở lại Thái Lan năm 2000 với 3 triệu yên (tương đương 28.000 USD) để đầu tư.

Bà hiện có 5 cơ sở kinh doanh tại thủ đô Bangkok, 3 cơ sở tại các địa phương khác của Thái Lan và 2 cơ sở tại Campuchia. Trước khi dịch bệnh bùng nổ, Asia Herb Association có khoảng 330 nhân viên tại xứ chùa Vàng và 100 nhân viên tại Campuchia. Doanh thu hàng năm của chuỗi cửa hàng này lên tới 1 tỷ yên (gần 10 triệu USD) từ các hoạt động làm đẹp, mát-xa và kinh doanh các sản phẩm hữu cơ.

Dịch vụ mát-xa truyền thống của Thái Lan được UNESCO công nhân là di sản phi vật thể nhân loại, lọt vào danh sách các Di sản thế giới tiêu biểu năm 2019 của tổ chức này.

“Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp nhạy cảm tại Thái Lan vẫn còn hoạt động, thật khó để mọi người gạt bỏ đi những cái nhìn thiếu thiện cảm về dịch vụ mát-xa này”, theo Mino, giáo viên dạy mát-xa truyền thống tại thành phố Chiang Mai.

Kase cho biết bà áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giữ cho hình ảnh các cơ sở kinh doanh trong mắt mọi người luôn “trong sạch”. “Sẽ rất quan trọng khi những nhân viên trị liệu được đào tạo một cách bài bản”, bà cho biết.

Mát-xa tại Thái Lan giữa thời Covid-19 - Ảnh 1.

Yumiko Kase, giám đốc điều hành Asia Herb Association. Ảnh: Nikkei.

Bà không giấu nổi sự lo lắng về tình hình dịch bệnh. Bà không có ý định từ bỏ công việc kinh doanh "nhưng không dám chắc chắn 100% vì có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến tài chính nếu như tình hình dịch bệnh hiện tại kéo dài”.

Chưa một giải pháp hỗ trợ nào từ phía chính phủ được triển khai nhằm giúp đỡ ngành dịch vụ mát-xa “sống sót” qua cuộc khủng hoảng này, cho dù đã có những chính sách người lao động bị buộc cho thôi việc và nghỉ việc không lương có thể nhận gần 2/3 số tiền lương của họ trong khoảng thời gian 3 tháng từ quỹ bảo trợ xã hội quốc gia.

Cũng giống như nhiều loại hình mát-xa khác, mát-xa trị liệu yêu cầu người thực hiện công việc phải tiếp xúc gần với các khách hàng và có đến 2/3 tổng số khách hàng của dịch vụ này là khách du lịch.

“Cho dù chính phủ cho biết có thể mở cửa kinh doanh trở lại vào tháng 5 hoặc tháng 6, nhưng tôi không cho rằng khách hàng của chúng tôi sẽ quay trở lại sớm như vậy”, Kase chia sẻ trước khi thông báo mới nhất của cơ quan quản lý hành chính khu vực đô thị Bangkok được ban bố. “Tôi cho rằng nhiều người đang lên kế hoạch du lịch cho năm nay, do đó, tôi đang tìm cách để giữ chân các nhân viên và duy trì hoạt động của công ty”.

Kheenaravee Vattanasompong, 63 tuổi, giám đốc điều hành của Toksen Nondawanich, một trung tâm mát-xa bằng búa (hay còn gọi là toksen) tại Bang Nam Priao, thuộc vùng ngoại ô Bangkok, cũng vấp phải khó khăn tương tự.

Hình thức mát-xa mà bà đang áp dụng cần sử dụng một cái búa và một cái nêm làm bằng gỗ của cây me để làm thư giãn cơ bắp thông qua những chuyển động gõ nhịp nhàng lên các huyệt đạo. Hình thức mát-xa này được cho rằng sẽ giúp máu lưu thông một cách dễ dàng hơn trong cơ thể người. Tuy quá trình này không yêu cầu sự tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nhưng vẫn là một trong những loại hình chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các biện pháp giãn cách xã hội.

Kheenaravee cho biết bà đã phát hiện ra năng khiếu mát-xa trong quá trình tìm kiếm cách chữa trị cho chứng thoát vị đĩa đệm. Là một người có vốn tiếng Anh tốt, bà đã truyền dạy lại phương pháp mát-xa độc đáo này cho người dân tại nhiều quốc gia như Hy Lạp, cộng hòa Séc và Đức trong vòng hơn 1 năm nay nhưng hiện tại, bà không thể tiếp tục các hoạt động đó.

“Tôi đã phải tạm dừng việc dạy học tại Thái Lan cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Kế hoạch thành lập một ngôi trường tại Đức cũng phải hoãn lại”.

Tuy nhiên, bà tin rằng khách hàng sẽ sớm quay trở lại, giống như đồng nghiệp Kazunari Sakurai, 45 tuổi. Sakurai bắt đầu theo học loại hình mát-xa truyền thống của Thái Lan sau khi trải qua một cơn đột quỵ vào năm 2007, và đang là giáo viên dạy bộ môn mát-xa toksen tại Sapporo, một thành phố nằm về phía bắc đảo Hokkaido của Nhật Bản.

Sakurai, đang điều hành trung tâm chuyên dạy mát-xa toksen, có tên gọi SALA, theo tiếng Thái có nghĩa là “nơi gặp gỡ”. Đây nơi theo học của khoảng 50 học sinh mỗi năm. Một khóa học kéo dàu 2 ngày của ông có giá 75.000 yên.

Sakurai đang tổ chức các lớp học của mình theo hình thức trực tuyến. Ông cho biết bản thân không thể dự đoán được những tác động của dịch bệnh đến tình hình kinh doanh của trung tâm trong dài hạn. Tuy nhiên, ông không tỏ ra quá lo lắng về các biện pháp giãn cách xã hội.

“Khi mát-xa bằng phương pháp toksen, bạn sẽ không cần tiếp xúc trực tiếp đối với khách hàng. Nếu như họ không muốn sự tiếp xúc gần, tôi có thể sử dụng một cái búa có cán dài”, ông cho biết.

Mát-xa tại Thái Lan giữa thời Covid-19 - Ảnh 2.

Kazunari Sakurai làm mẫu mát-xa toksen tại lớp học ở Sapporo, Nhật Bản. Ảnh: Nikkei.

Kase vẫn trả lương cho nhân viên đầy đủ. Người lao động tại các chi nhánh sẽ chủ yếu làm công việc dọn dẹp vệ sinh và luyện tập nâng cao tay nghề.

“Chúng tôi phải trả tiền thuê mặt bằng, lương cho nhân viên và nhiều dụng cụ phục vụ cho công việc khách. Khoản tiền đó có thể lên tới hàng chục triệu yên mỗi tháng. Do đó, chúng tôi có thể sẽ không thể duy trì hoạt động kinh doanh như ở thời điểm hiện tại trong một khoảng thời gian dài nữa”, bà cho biết.

Tính tới thời điểm hiện tại, công ty liên doanh của bà với Rohto Pharmaceutical, được thành lập vào năm 2013, vẫn giúp bà có đủ khả năng tài chính để có thể phần nào duy trì hoạt động của công ty. Đơn vị liên doanh, Rohto Asia Herb, tập trung phát triển các sản phẩm thảo dược hữu cơ và Asia Herb Association sở hữu 60% cổ phần của công ty này.

“Tôi không cho rằng loại hình mát-xa sẽ sớm lụi tàn vì phương pháp trị liệu này là vô cùng cần thiết”, Kase cho biết. Bà đã chuẩn bị tâm lý cho giai đoạn hồi phục kéo dài trước khi công ty của bà có thể trở lại hoạt động bình thường như thời điểm trước đại dịch.

"Covid-19 có thể trở lại vào năm sau, cũng giống như bệnh cúm vậy. Thật khó để dự đoán tương lai. Nhưng con người có thể được chữa lành bởi những biện pháp trị liệu này kiểu này. Tôi không nghĩ rằng nghề này sẽ biến mất”, bà cho biết thêm. “Chúng tôi sẽ phải cẩn thận hơn với vấn đề vệ sinh dịch tễ để xua tan đi những lo ngại liên quan đến việc tiếp xúc gần giữa nhân viên với khách hàng”.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM