Mất sạch 1 tỷ sau 2 năm bỏ phố về quê làm ông chủ

03/03/2023 08:55 AM | Sống

“Ráng cày cuốc ở thành phố vài năm, có vốn về quê khởi nghiệp", nhiều người trẻ hay động viên nhau thế. Họ xoa dịu mình bằng viễn cảnh bỏ phố về quê tươi sáng vì nghĩ ở quê dễ sống nhưng… đời không như mơ!

“Làm việc mình yêu hay yêu việc mình làm” là câu hỏi cứ xoay vòng chẳng có hồi kết. Nhiều người trẻ hiện nay có công việc ổn định ở các thành phố lớn, nhưng họ không cảm thấy vui vẻ hay thoải mái khi làm việc trong văn phòng bốn bức tường kín mít, áp lực công việc đè nặng không muốn đi làm mỗi sớm mai. Cuộc sống là chuỗi ngày vô vị cứ liên tục lặp lại từ 8h sáng đến 5h chiều. Ở nơi đó, dù làm công việc mình yêu thích cũng sẽ bị mài mòn bởi những áp lực không tên.

Chính sự ngột ngạt này, khiến nhiều người ôm hy vọng đợi khi tích được 1 khoản vốn nhỏ, rồi về quê lập nghiệp.

Nguyễn Hải Nam (27 tuổi) bỏ phố về quê khởi nghiệp với mong ước làm giàu mà vẫn thảnh thơi. Bắt đầu cho hành trình này, là câu hỏi: “Mình ăn học tử tế, mà ra làm thuê lương vài triệu bạc thế này, có đáng hay không?”.

Quyết định “bỏ phố về quê" đầy sóng gió

Mình là người con gốc Bắc, học ở Hà Nội 4 năm rồi vào Sài Gòn để làm việc. Làm khoảng hơn 2 năm, vẫn cảm thấy chốn công sở không phù hợp với định hướng và tính cách con người. Thêm nữa, áp lực đến từ bạn bè cũng lớn. Hầu hết những người bạn học chung lớp ngày xưa, giờ cũng là ông chủ quán này, bà chủ quán kia. Những câu chuyện khởi nghiệp theo đó cũng lọt vào tai mình - một cách ngẫu nhiên. Và ý định về quê lập nghiệp nhen nhóm từ đó.

Năm 2018, đánh dấu 1 năm thay đổi nhiều nhất trong cuộc sống của mình. Dồn hết tiền tiết kiệm, vay thêm ba mẹ 1 ít, mình gom được 1 tỷ đồng, và mạnh dạn về quê mở quán cafe. Hoài bão được làm "ông chủ lớn" bắt đầu được thực hiện.

Chuyên ngành của mình là thiết kế, nên quán cafe là sự kết hợp giữa không gian bài trí thật đẹp và đồ uống ngon. Mình cũng có góp vốn để mở 1 công ty chuyên về thiết kế nội thất cùng bạn, quán cafe cũng sẽ nằm trong hệ sinh thái kéo khách mà tụi mình xây dựng. Mục tiêu khách hàng cốt lõi là những người trẻ, đam mê của họ là được check in, sống ảo. Ý tưởng ban đầu vốn dĩ là mở quán đồ uống - thu hút sự chú ý của giới trẻ để họ đăng những bức hình chụp không gian quán cafe - từ đó tiếp cận được những khách hàng muốn thuê đội ngũ thiết kế đẹp.

Thời gian hoạt động của quán khoảng 2 năm. Giai đoạn chững là lúc dịch bệnh kéo đến, hơn 1 năm trời buộc phải đóng cửa quán không kinh doanh. Nhưng tiền mặt bằng vẫn phải chi trả đều. Kinh tế đã khó khăn, mà tiền thuê mặt bằng lại tăng từ 16 triệu lên 19 triệu/ tháng. Cầm cự được khoảng 1 năm, mình quyết định đóng quán. Lý do lớn nhất là kinh tế chưa vững, còn lại thì là do mình không nhìn thấy tiềm năng phát triển quán trong 2-3 năm tới. Tính đến thời điểm sang nhượng quán, mình lỗ khoảng 200 triệu. Tiền vay nợ ba mẹ lúc trước cũng chưa trả xong.

Làm chủ kiêm luôn chạy bàn, bảo vệ, quét sân…

Quá trình làm chủ quả thực không như mơ. Trước đây mình góp vốn cùng bạn, chỉ đứng tên trên danh nghĩa chứ không thực sự tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Công ty thiết kế đó cũng ăn nên làm ra, mỗi tháng tiền chảy đều vào tài khoản. Cứ nghĩ làm chủ là dễ kiếm tiền, nhưng bây giờ mình mới hiểu thằng bạn mình đúng là dạng "khủng". Vừa điều hành công ty đi vào hoạt động, vừa kinh doanh ra lãi.

Chính vì cái suy nghĩ làm chủ là giàu đó, mà sau này quán cafe tự mình mở kia mới đi vào bế tắc. Ban đầu tự vạch ra kế hoạch xong thấy cũng khoái. Nghĩ “cầm 1 tỷ nên trong 1 năm đầu chẳng cần lãi vẫn sống qua ngày được”. Chỉ cần đứng vững 1 năm, kiểu gì cũng xây dựng được tệp khách hàng trung thành. Vì đồ uống có 1 cái hay, là nếu đã làm hài lòng vị giác của khách rồi, thì khả năng họ quay lại rất cao. "Hơn nữa, mình còn hơn các quán khác ở khoản thiết kế, khách hàng chắc chắn sẽ chọn mình." Chẳng hiểu sao lúc đó lại có suy nghĩ ngu ngốc này...!

 Mất sạch 1 tỷ sau 2 năm bỏ phố về quê làm ông chủ - Ảnh 1.

 Mất sạch 1 tỷ sau 2 năm bỏ phố về quê làm ông chủ - Ảnh 2.

 Mất sạch 1 tỷ sau 2 năm bỏ phố về quê làm ông chủ - Ảnh 3.

 Mất sạch 1 tỷ sau 2 năm bỏ phố về quê làm ông chủ - Ảnh 4.

Không gian quán cafe khi mới nhận mặt bằng, mình đập đi 1 số kiến trúc cũ, sơn sửa hoàn toàn mới.


Sau khi bỏ khoảng 250 triệu để cải tạo lại toàn bộ không gian quán và mua dụng cụ, đóng 100 triệu tiền mặt bằng trong 6 tháng. Mình còn lại khoảng 650 triệu cho nhân sự và duy trì hoạt động kinh doanh trong 1 năm. Tính cụ thể tất cả các loại chi phí, thì để quán hoạt động 1 cách "bình thường", cần tốn khoảng 80 triệu đồng/tháng. Khi đó mình thuê 2 pha chế, 3 phục vụ, 1 bảo vệ. Nghĩ lại, lúc đó duy trì quán được 2 năm cũng thấy mình ghê. Ăn cơm ba mẹ nấu, ở nhà ba mẹ nuôi, còn lại khoảng 16 tiếng thì mình ở lì trong quán. Ngồi đếm từng khách vào, thấy mà thương.

Vị trí mặt bằng là dễ hút được khách nhất. Lúc đó, quán cafe cũng đi đúng hướng mà mình muốn. Khách trẻ đến check in, hút thêm được một lượng khách mới đáng kể. Có ngày, doanh thu quán đạt mốc 20 triệu. Cầm được tiền mà mừng rơn. Bõ công ra quán từ 4-5h sáng, rồi về nhà lúc 11-12h đêm. Nhưng có một ngày doanh thu 20 triệu, mà đến cả chục ngày chỉ kiếm được 5-10 triệu. Thảm hơn thì vài trăm ngàn. Vì quán cafe ở quê, lượng khách sẽ theo mùa, chứ không có đều. Những dịp lễ, quán đông đến mức không còn chỗ để ngồi. Nhưng hết lễ một cái, là lác đác chỉ có vài người. Một vòng lặp vô tận, trong 1 năm đầu mở quán, mình gần như hòa vốn.

 Mất sạch 1 tỷ sau 2 năm bỏ phố về quê làm ông chủ - Ảnh 5.

 Mất sạch 1 tỷ sau 2 năm bỏ phố về quê làm ông chủ - Ảnh 6.

 Mất sạch 1 tỷ sau 2 năm bỏ phố về quê làm ông chủ - Ảnh 7.

 Mất sạch 1 tỷ sau 2 năm bỏ phố về quê làm ông chủ - Ảnh 8.

Quán cafe sau khi đi vào hoạt động 1 thời gian

Đến năm thứ hai,... còn chán hơn. Khi này, mình đã đau đầu để cắt bớt các khoản chi phí. Buộc phải cho nghỉ 1 pha chế và 1 phục vụ. Ngày nào có khách đông xíu, là mình cũng xin chân đứng quầy luôn. Nghĩ làm chủ, nhưng quán cứ thiếu vị trí nào là mình bù vào chỗ đó. Có hôm pha chế, hôm bưng bê như bồi bàn, cũng có ngày làm bảo vệ, quét sân,... vì chẳng có khách. Rồi đến cuối tháng hạch toán chi phí thì càng tệ hơn. Có những tháng phải móc tiền túi ra để trả lương nhân viên.

Quán cafe cứ thoi thóp như vậy cho đến giai đoạn bùng dịch. Đóng cửa gần 1 năm, tiền mặt bằng tháng 19 triệu vẫn trả đều. Đó cũng là thời điểm tinh thần mình khủng hoảng nhất. Vừa không kiếm ra tiền, vừa phải gom góp tiền để cầm cố cái quán, dự định hết dịch là thay đổi mô hình kinh doanh nhưng người tính không bằng trời tính. Cuối cùng, khoản tiền mặt bằng tháng cuối mình phải vay tiền ba mẹ để trả.

Chấp nhận quay lại làm thuê để “gỡ nợ” và góp vốn

Mình có cái tính là hay cãi bướng, quyết cái gì là làm cái đó, không ai ngăn nổi. Nhưng sau cú ngã này mình tự bản thân rút ra bài học "Sống thực tế và bớt mơ mộng đi!". Khoảnh khắc mà mình hỏi vay ba mẹ tiền để trả mặt bằng quán, chính là lúc mình nhận ra nên dừng lại.

Đam mê kinh doanh, khởi nghiệp vẫn còn đó, nhưng mình tạm gác lại để kiếm tiền trả nợ đã. Sang tên quán rồi, cũng lấy lại được một khoản khá, trả trước cho ba mẹ một nửa. Số còn lại mình cũng chi trả 1 số khoản tín dụng, và để dành ít vốn... quay lại TP.HCM.

Mình không làm việc ở công ty cũ nữa, nhưng vẫn theo ngành trước đây. Lương cứng bắt đầu lại là khoảng 9 triệu đồng. Tiền ít nhưng cứ nghĩ đến khoản nợ treo trên đầu nên làm thôi. Mình cũng nhận làm thêm dự án ngoài, lúc này lúc kia nhưng cũng kiếm đều 15-20 triệu/tháng. Ngoài ra cũng tập tành đầu tư. Nói chung có máu kiếm tiền nên làm ít là thấy tay chân ngứa ngáy.

Trải qua khoảng thời gian được làm chủ, mình cũng ngộ ra được vài điều:

Thứ nhất, nếu như kinh tế không vững, hãy nói không với khởi nghiệp. Bạn nhất định phải có được dòng tiền lưu động, thu nhập thêm từ nguồn khác để duy trì được hoạt động kinh doanh nếu chẳng may gặp biến cố.

Thứ hai, đừng cứ áp lực, là lại nghĩ đến việc bỏ phố về quê. Dù ở đâu đi nữa, không kiếm ra tiền đều áp lực.

Thứ ba, đủ giỏi, đầu óc nhanh nhạy, giao tiếp tốt,... thì hãy nghĩ đến việc kinh doanh riêng. Bản thân bạn phải biết mình giỏi cái gì, có khả năng bao quát được công việc hay không. Bây giờ, mình tâm niệm: Phải học thật chắc các kỹ năng, tích thật nhiều những kinh nghiệm, rồi mới theo đuổi ước mơ. Ví rỗng, đầu trống thì có đắp tiền tỷ vào cũng không thể thành công!

Theo Nguyễn Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
XEM