Masan dồn trọng tâm vào ngành thịt, ngành khai khoáng vẫn chưa thể cất cánh

20/08/2019 20:01 PM | Kinh doanh

Tập đoàn Masan (mã trên sàn HoSE là MSN) công bố các báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất kiểm toán cho thấy nhiều hạng mục tài chính sụt giảm mạnh. Tập đoàn Masan đã phải tiến hành giải trình vì biên độ chênh lệch lớn.

Báo cáo tài chính 6 tháng năm 2019 của công ty mẹ đã kiểm toán cho thấy, Tập đoàn Masan lỗ gần 48 tỉ đồng, sụt giảm 105% so với lợi nhuận gần 922 tỉ đồng ghi trong báo cáo cùng kỳ năm 2018.

Nói về khoản lỗ, Tập đoàn Masan cho rằng do không nhận được cổ tức từ công ty con là Masan MEATLife (tên cũ là Masan Nutri Science), hiện do Tập đoàn sở hữu 81,2% cổ phần.

Sáu tháng cùng kỳ năm ngoái, Masan MEATLife đóng góp đến 1.136 tỉ đồng cổ tức năm 2017 cho Tập  đoàn Masan.

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính 6 tháng năm 2019 hợp nhất của Tập đoàn ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm đến 36% so với giá trị cùng kỳ năm 2018, tức chỉ đạt gần 2.200 tỉ đồng.

Theo Masan giải trình, thu nhập hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm 2019 giảm mạnh nhất (còn 159 tỉ đồng, tương ứng 90%) ảnh hưởng đến lợi nhuận, là do ảnh hưởng bởi hoạt động phát hành cổ phiếu quỹ của Techcombank với giá trị phát hành cao hơn giá trị ghi nhận trên sổ sách.

Mặc dù các hạng mục lợi nhuận có giảm nhưng chi phí tài chính và chi phí bán hàng trong các báo cái tài chính riêng lẻ và hợp nhất bán niên 2019 của Masan đã được cắt giảm mạnh. 

 Trong báo cáo riêng, chi phí tài chính giảm 69% do Masan trả trước 6.000 tỉ đồng trái phiếu cuối năm 2018 để tiết kiệm chi phí lãi vay. Từ đó, chi phí tài chính của báo cáo hợp nhất ghi nhận giảm 31%. Doanh nghiệp cũng giảm tổng cộng 12.500 tỉ đồng nợ vay và nợ trái phiếu trước hạn cuối năm 2018. 

Ở báo cáo hợp nhất, chi phí bán hàng cũng giảm 206,6 tỉ đồng (khoảng 10%) so với cùng kỳ năm 2018 nhờ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Theo báo cáo này, Tập đoàn Masan đầu tư sở hữu 20% vốn cổ phần tại Techcombank (tương ứng gía trị hợp lý gần 15.300 tỉ đồng). Bán niên năm 2018, thu nhập từ hoạt động tài chính có liên quan tới Techcombank của Tập đoàn Masan ghi nhận là 1.472  tỉ đồng.

Masan dồn trọng tâm vào ngành thịt, ngành khai khoáng vẫn chưa thể cất cánh - Ảnh 1.

Masan Resources giữ 36% thị phần vonfram thế giới ngoài Trung Quốc và mỏ Núi Pháo do Tập đoàn sở hữu là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới


Khai khoáng chiếm hơn 41,44% tổng tài sản các bộ phận kinh doanh nhưng vẫn chưa thể cất cánh

Ngoài các tiêu chí tài chính nói trên, báo cáo hợp nhất còn cho thấy Tập đoàn Masan chia doanh thu thành ba bộ phận chính là thực phẩm và đồ uống, chuỗi giá trị thịt, khai thác mỏ và chế biến khoáng sản. 

Hai bộ phận thực phẩm và đồ uống, chuỗi giá trị thịt đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong 6 tháng. Riêng bộ phận liên quan đến khai khoáng ghi nhận doanh thu giảm đến 550 tỉ đồng, kéo theo lợi nhuận giảm so với cùng kỳ bán niên năm 2018.

Trong khi nợ phải trả của hai bộ phận đầu tiên có chiều hướng giảm thì nợ phải trả của bộ phận khai khoáng tăng khoảng 700 tỉ đồng so với số liệu đầu năm 2019.

Ngoài ra, doanh thu bộ phận nước ngoài thuộc Tập đoàn Masan cũng chứng kiến sự sụt giảm, trái với xu hướng tăng của doanh thu bộ phận trong nước.

Xét về tỉ lệ tài sản, bộ phận khai thác mỏ và chế biến khoáng sản chiếm tỉ lệ hơn 41,44% trên tổng tài sản bộ phận, đạt giá trị lên đến gần 27.900 tỉ đồng.

Báo cáo thường niên năm 2019 do Tập đoàn Masan công bố hồi đầu tháng 4-2019  đã vạch ra chiến lược cho mảng Masan Resources là tăng thị phần APT lên trên 50% bằng việc tăng công suất chế biến của nhà máy hóa chất vonfram lên 12.000 tấn vào năm 2019.

Quá trình chuyển đổi của Masan sẽ từ nhà sản xuất APT thành nhà cung cấp giải pháp về vonfram cho những công ty dẫn đầu ngành như Apple, Samsung, Tesla...

Tuy nhiên, báo cáo cũng lường định việc giá vonfram "nhảy múa" do chiến tranh thương mại và giá bán ra của đồng giảm.

Mặc dù vậy, một lợi thế khác lại xuất hiện là Trung Quốc giảm nguồn cung vì các quy định kiểm soát môi trường. Hiện tại, Masan Resources giữ 36% thị phần vonfram thế giới ngoài Trung Quốc và mỏ Núi Pháo do Tập đoàn sở hữu là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới.

Masan dồn trọng tâm vào ngành thịt, ngành khai khoáng vẫn chưa thể cất cánh - Ảnh 2.

Các sản phẩm thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Masan


Masan đặt trọng tâm vào ngành thịt

Năm 2019 là năm có nhiều sự cố với Tập đoàn Masan. Vào đầu tháng 4-2019, sau thông tin phía Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su vì nghi chứa chất cấm, cổ phiếu MSN bắt đầu đứng giá và lao dốc hai phiên liên tiếp, trước khi lấy lại đà hồi phục trong ngày 11-4.

Đến ngày 12-4, Tập đoàn Masan lại tiếp tục thông báo tạm dừng cung cấp thịt heo ra thị trường do dịch tả heo châu Phi, xuất phát từ việc nhà máy chế biến tại Hà Nam nằm trong "vùng bị dịch uy hiếp" theo quy định của Bộ NN&PTNN.

Mặc dù có nhiều thách thức nhưng mới đây Công ty Masan Nutri Science đã chính thức đổi tên thành Masan MEATLife ("MML") và công bố kế hoạch đưa cổ phiếu MML lên giao dịch trên thị trường UPCoM trong năm 2019, đồng thời đặt mục tiêu IPO theo tiêu chuẩn quốc tế trên sàn chứng khoán HOSE vào năm 2022 - 2023

Theo ông Danny Le - chủ tịch Masan MEATLife, thịt heo là mảng lớn nhất trong ngành F&B với thị trường có giá trị hơn 10 tỉ USD, gấp 2.5 lần sữa. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường chưa được chuẩn hóa, còn rời rạc và có nhiều sản phẩm chưa an toàn cho sức khỏe.

Báo cáo thường niên năm 2018 của Tập đoàn Masan cũng định hướng trong 5 năm tới Masan MEATLife đạt doanh thu thuần 2 tỉ USD, xây dựng mạng lưới phân phối thịt lớn nhất toàn quốc, chiếm 10% thị phần thị trường thịt heo trị giá 10,2 tỉ USD.

Hiện tại, cổ phiếu MSN trên sàn HoSE đang tăng ba phiên liên tiếp, đạt mức 77.100 đồng/cổ phiếu chốt ngày giao dịch 19/8. Thị giá này so với thời điểm xảy ra sự cố  tương ớt Chin-su suy giảm khoảng 12,68%.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM