Mark Zuckerberg 'chọc giận' cả thế giới: Thủ tướng Úc nói nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo gồm Ấn Độ, Pháp, Anh, riêng Canada tuyên bố sắp áp dụng luật tương tự lên Facebook

20/02/2021 07:51 AM | Kinh doanh

Hành động "đứng trên pháp luật" của Mark Zuckerberg thực sự đã 'chọc giận' cả thế giới.

Động thái quyết liệt của Facebook khi chặn việc chia sẻ tin tức ở Úc đã làm leo thang một cuộc chiến rộng hơn chống lại các quy định toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Bloomberg, bước đi này có vẻ sẽ phản tác dụng!

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới được cho là đang theo dõi sát dự luật của Úc dự kiến ​​sẽ được thông qua vào tuần tới, buộc các ông lớn công nghệ như Facebook và Google phải trả tiền cho các nhà xuất bản cho nội dung tin tức.

"Facebook đang làm ăn kinh doanh trên đất Úc và họ phải tuân thủ theo luật pháp ở đây"

Tuy nhiên, nước đi không ngờ của Facebook vào đêm ngày 17/2 khi đột ngột cắt quyền xem, chia sẻ tin tức của toàn bộ người dùng ở Úc đã buộc nhiều chính phủ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. 

Vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn với những chính phủ đang tăng cường giám sát tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Facebook và các lĩnh vực từ truyền thông đến trí tuệ nhân tạo.

"Thế giới đang rất quan tâm tới những gì nước Úc đang làm", Thủ tướng Scott Morrison cho biết hôm thứ sáu. Ông cũng cho biết thêm rằng đã thảo luận về Facebook với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Johnson Boris của Vương quốc Anh. "Họ đã sẵn sàng hành động".

"Facebook đang làm ăn kinh doanh trên đất Úc và họ phải tuân thủ theo luật pháp ở đây", ông Morrison nhấn mạnh. 

Mark Zuckerberg chọc giận cả thế giới: Thủ tướng Úc nói nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo gồm Ấn Độ, Pháp, Anh, riêng Canada tuyên bố sắp áp dụng luật tương tự lên Facebook - Ảnh 2.

CEO Mark Zuckerberg đã hội đàm với Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg hai lần.

Một số người nhận định rằng Facebook đã vẽ ra một ranh giới chính xác bởi vì họ sợ rằng các thị trường lớn hơn sẽ làm theo Úc. Từ châu Âu đến Mỹ và Trung Quốc, các chính phủ đều đang vật lộn với vấn đề làm thế nào để chấn chỉnh những gã khổng lồ internet lớn nhất thế giới (BigTech). Gần đây, quyền lực của các BigTech đã phát triển quá mạnh, nắm trong tay hàng nghìn tỷ USD, sở hữu hàng tỷ người dùng xem, thảo luận và chi tiêu mỗi ngày.

Vấn đề liên quan đến việc làm thế nào để bù đắp một cách công bằng cho các nhà cung cấp tin tức là một thách thức khó khăn đối với một cộng đồng trực tuyến đã quen với nội dung miễn phí. Tuy nhiên, nỗ lực giảm bớt sức mạnh độc quyền của các BigTech cũng đang ngày càng trở nên cấp thiết.

"Sự thống trị của một số ít BigTech đã phá hủy sự cạnh tranh, kìm hãm đổi mới và làm suy yếu tinh thần kinh doanh", chuyên gia người Mỹ David Cicilline nói. Ông nhấn mạnh cam kết sẽ ủng hộ thực hiện cải cách lập pháp để "khôi phục sức cạnh tranh trực tuyến".

Ủy ban chống độc quyền Mỹ do ông David chủ trì sẽ nghe điều trần từ các CEO của Facebook, Alphabet và Twitter trong tuần tới. Bất kỳ sự nhượng bộ nào của Facebook tại Úc đều có khả năng dẫn đến những cân nhắc đó.

Ưu tiên của Facebook thời điểm này có lẽ là cố gắng sửa đổi luật - đặc biệt là khi các chính trị gia ở Úc cho thấy sự quan tâm đến việc tìm kiếm điểm chung. CEO Mark Zuckerberg đã gặp Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg hai lần và sẽ còn tiến hành một cuộc gặp nữa vào cuối tuần.

Ông Frydenberg cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình rằng: "Chúng tôi sẽ xem liệu có cách giải quyết nào ổn thỏa nhất hay không".

Facebook cũng có suy nghĩ của riêng họ khi quyết định làm như vậy. Theo đó, mạng xã hội này cho biết lợi nhuận kinh doanh từ mảng tin tức "ít" và rằng các bài báo chiếm ít hơn 4% nội dung mà người dùng xem trong nguồn cấp dữ liệu tin tức của họ. Tuy nhiên, Facebook lại là một trong những cách phổ biến nhất mà người Úc đưa tin tức lên mạng.

Theo Sensor Tower, ứng dụng Facebook dành cho di động đã được cài đặt gần 27 triệu lần kể từ năm 2014 và chiếm gần một nửa số người dùng hoạt động hàng tháng trong số năm ứng dụng truyền thông xã hội hàng đầu tại Úc vào năm ngoái. Đó là sự phản ánh tầm ảnh hưởng toàn cầu của Facebook: Facebook là ứng dụng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở 79/84 quốc gia được công ty nghiên cứu theo dõi.

Trên toàn cầu, những gã khổng lồ công nghệ như Facebook nhận thấy mình ngày càng bị lôi kéo vào các cuộc tranh chấp chính trị hóa - một xu hướng càng tăng nhanh hơn trong thời kỳ đại dịch. Một thế giới đóng cửa, phong tỏa đã trở nên phụ thuộc vào một số ít các gã khổng lồ internet hơn bao giờ hết.

Các quy tắc cũ tập trung vào việc điều chỉnh quyền lực không còn phù hợp nữa bởi một số công ty công nghệ lớn đã thiết lập đế chế độc quyền trị giá hàng nghìn tỷ USD bằng cách thu phí người tiêu dùng. Những gã khổng lồ công nghệ ngày càng đảm nhận những vị trí quyền lực trong nhiều lĩnh vực gồm ngân hàng, tài chính, quảng cáo, bán lẻ và các thị trường khác, buộc các doanh nghiệp nhỏ hơn phải dựa vào nền tảng của họ để tiếp cận khách hàng.

Cuộc tranh cãi ở Úc liên quan đến các chủ đề vĩ mô tương tự khác. Một số người chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ Úc, trong khi những người khác như Microsoft công khai tán thành động thái này. Một số khác đã nhượng bộ, dù chỉ là một phần: Google đã ký một thỏa thuận ba năm với News Corp. và tỏ ra không còn mấy mặn mà với việc đe dọa rút khỏi Úc mà chính họ hô hào trước đó.

Facebook thì khác, họ chọn cách gây chiến dù biết rằng hành động của mình ở Úc có thể gây ra hậu quả mang tầm toàn cầu.

Mark Zuckerberg chọc giận cả thế giới: Thủ tướng Úc nói nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo gồm Ấn Độ, Pháp, Anh, riêng Canada tuyên bố sắp áp dụng luật tương tự lên Facebook - Ảnh 3.

Hiện tại, Canada là nước đầu tiên công khai sẽ tiến hành những động thái tương tự như của Úc với Facebook. Theo đó, ngay trong ngày thứ 5, Bộ trưởng Bộ Di sản Canada Steven Guilbeault cho biết đất nước của ông sẽ là "nước tiếp theo hành động để đảm bảo Facebook sẽ trả tiền cho nội dung tin tức".

Ông Guilbeault tiết lộ dự thảo luật truyền thông tương tự như của Úc, áp dụng với Facebook và các BigTech sẽ được công bố trong những tháng tới. Ông cũng lên án hành động của Facebook ở Úc và nhấn mạnh: "Canada đi đầu trong trận chiến này... Chúng tôi thực sự nằm trong nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới hành động".

Nguồn: Bloomberg, CNN

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM