Mark Zuckerberg bị cả giới công nghệ cô lập sau scandal lộ lọt dữ liệu

04/04/2018 10:28 AM | Kinh doanh

Chỉ có một số rất ít các lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ đứng về phía Mark Zuckerberg sau scandal Cambridge Analytica, khi mà cả CEO Apple Tim Cook, CEO Tesla Elon Musk và CEO Salesforce.com Marc Benioff đều công khai chỉ trích mạng xã hội hàng đầu thế giới này.

Số lãnh đạo công nghệ còn lại đều giữ im lặng trong khi dư luận chĩa mũi dùi về phía Facebook, không như trước đây, khi cả Thung lũng Silicon cùng đứng lên bảo vệ nhau trong những biến cố nghiêm trọng.

Theo trang tin Bloomberg, Facebook đã và đang tìm mọi cách để lấy lại tên tuổi, hình ảnh và lòng tin của hơn 2 tỷ người dùng sau các báo cáo phát hiện ra rằng hãng đã để mặc cho công ty Cambridge Analytica thu thập dữ liệu từ hơn 50 triệu tài khoản người dùng ở Mỹ. Riêng đối với Mark Zuckerberg, vị CEO 33 tuổi này hiện đang phải đối mặt với việc điều trần trước Quốc hội Mỹ, và các nhà làm luật thì bắt đầu thảo luận các ý tưởng lên quan đến những quy tắc mới trong giới công nghệ. Trong khi đó, các đồng nghiệp của Zuckerberg, hoặc im lặng, hoặc công khai chỉ trích công ty của anh. Trước đây, trong các cuộc khủng hoảng, các công ty công nghệ đôi lúc vẫn "dìu nhau" để bảo vệ cho cả ngành công nghiệp, như khi Apple tranh cãi quyết liệt với FBI nhằm bảo vệ một chiếc iPhone đã bị mã hoá, hay như lúc Tổng thống Donald Trump công bố lệnh cấm nhập cảnh vào năm ngoái đối với hầu hết các quốc gia Đạo Hồi.

"Muốn thuận lợi cho việc kinh doanh trong thời buổi ngày nay, bạn phải bảo vệ quyền riêng tư" - Gennie Gebhart, một nhà nghiên cứu tại Electronic Frontier Foundation, một tổ chức chuyên về quyền riêng tư trong thế giới kỹ thuật số, cho biết - "Người dùng đang chờ đợi các công ty công nghệ lớn khác như Tim Cook, Elon Musk, nhằm đảm bảo rằng họ không làm những gì Facebook đã từng làm".

Trước đây, khi Apple đấu tranh với FBI lúc cơ quan này tìm cách giải mã iPhone, Facebook đã cùng Google, Microsoft và nhiều công ty công nghệ lớn ủng hộ quan điểm của Tim Cook. Dù vậy, các lãnh đạo Apple, bao gồm cả Steve Jobs, đã chỉ trích mô hình kinh doanh dựa vào quảng cáo của các công ty Internet.

Tháng trước, người ta đã hỏi ý kiến của Tim Cook đối với vụ việc do Facebook gây ra. Sau đó, trong một bài phỏng vấn với Recode và MSNBC, Tim Cook cho biết ông "sẽ không rơi vào tình cảnh này" nếu đặt mình vào trường hợp của Zuckerberg. Trong khi Facebook kiếm tiền bằng cách bán các quảng cáo hướng mục tiêu dựa trên dữ liệu người dùng, thì lợi nhuận của Apple lại đến từ các sản phẩm phần cứng như iPhone, iPad và Mac.

Mark Zuckerberg bị cả giới công nghệ cô lập sau scandal lộ lọt dữ liệu - Ảnh 1.

Zuckerberg phản ứng lại chỉ trích của Tim Cook trong một bài phỏng vấn với Vox, rằng: "Tôi thấy lý lẽ kia - rằng nếu bạn không trả tiền thì chúng tôi cũng chẳng quan tâm đến bạn - là cực kỳ nông cạn và hoàn toàn không đúng sự thực".

"Có rất nhiều người không thể trả tiền" cho một dịch vụ nào đó, và "mô hình hỗ trợ quảng cáo là mô hình duy nhất hợp lý nhằm mang dịch vụ này đến với mọi người" - Zuckerberg nói - "Nếu bạn muốn một dịch vụ không chỉ phục vụ người giàu, thì bạn cần phải có thứ gì đó mà mọi người đều có thể chi trả được".

Cổ phiếu Facebook đã giảm 16% chỉ trong hai tuần từ khi vụ việc Cambridge Analytica bị phát giác.

Những chỉ trích từ các công ty khác trong ngành công nghệ có lẽ đã cho chúng ta thấy sự khác biệt trong thái độ giữa công ty truyền thông xã hội và các loại công ty công nghệ khác vốn không dựa vào dữ liệu cá nhân để kinh doanh quảng cáo.

"Thông thường, tôi không cho rằng Tim Cook sẽ sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Facebook" - Anthony DiClemente, một nhà phân tích tại Evercore ISI cho biết.

Bởi lẽ các công ty truyền thông xã hội phải tận dụng dữ liệu người dùng nhằm bán quảng cáo tốt hơn, nên sẽ rất khó để họ có thể giữ vững những hứa hẹn về quyền riêng tư mà vẫn buôn bán phát đạt được.

Gebhart cho rằng quyền riêng tư đang ngày càng trở thành một điểm quan trọng đối với người dùng công nghệ; nhưng đối với các công ty truyền thông xã hội, lạm dụng dữ liệu lại là một tính năng chứ không phải một lỗi.

"Đây hoàn toàn là vấn đề mô hình kinh doanh giám sát nền web và dựa vào quảng cáo" - cô nói - "Facebook chỉ là sản phẩm tuyệt nhất hoặc tệ nhất, tuỳ vào khái niệm của riêng bạn về 'giám sát'".

Ngay cả công ty truyền thông xã hội Snap cũng chọc vào nỗi buồn của Facebook. Trong ngày Cá tháng Tư, ứng dụng Snapchat đã tung ra một bộ lọc mang tính châm biếm, với nnững dòng chữ chẳng khác gì trên giao diện người dùng của Facebook. Phần dưới của bức hình là lời nhắn thiết bị này là nhận được sự yêu thích từ phía "mẹ bạn, một con bot, và 2 người khác". Một số người dùng Twitter đã diễn giải bộ lọc này và phát hiện ra rằng nó có hàm ý nhắc đến vụ lùm xùm giữa Facebook và phía Nga.

Trong khi đồng sáng lập WhatsApp Brian Acton tham gia vào chiến dịch #deleteFacebook, Gebhart cho biết các mạng xã hội khác như Twitter và LinkedIn lại cực kỳ kiệm lời khi cơn bão đổ lên đầu đối thủ Facebook của họ.

Mark Zuckerberg bị cả giới công nghệ cô lập sau scandal lộ lọt dữ liệu - Ảnh 2.
CEO Salesforce Marc Benioff

CEO Salesforce Benioff thì ngược lại, đã lên tiếng hàng tháng trời về sự cần thiết phải kiểm soát Facebook như kiểm soát thuốc lá, và nhắc lại quan điểm này vào tháng trước tại một hội thảo của công ty.

"Tôi gặp rắc rối với bạn bè trên Facebook - những người đã gọi cho tôi và rất buồn bởi tôi đã nói 'Facebook là thuốc lá kiểu mới'" - Benioff nói - "Nó gây nghiện, không tốt cho bạn, và có những thế lực bên ngoài đang cố để điều khiển bạn sử dụng nó".

Elon Musk thì xoá bỏ hai trang Facebook của Tesla và SpaceX, sau khi một người dùng Twitter yêu cầu ông làm điều đó vào tháng trước. Sau đó, Elon Musk nói rằng ông không có ý đưa ra một tuyên bố chính trị, ông cũng không xoá bỏ hai trang Facebook kia vì áp lực từ người dùng Twitter.

"Tôi đơn giản là không thích Facebook" - ông nói - "Nó khiến tôi lo lắng. Xin lỗi".

Theo Minh T.T

Từ khóa:  Facebook
Cùng chuyên mục
XEM