Mạnh tay xuống tiền nhà phố, biệt thự ven đô, nhà đầu tư bất ngờ “thắng” đậm
Bất chấp dịch bệnh, nhà đầu tư vẫn chốt lời tới tiền tỷ nhờ mạnh tay xuống tiền vào nhà phố, biệt thự.
Nhà đầu tư lãi lớn nhờ mua nhà phố, biệt thự ven đô
Tháng 3/2021, Hoàng Hải Thu (một nhà đầu tư đến từ Hà Nội) đã xuống tiền vào căn shophouse 2 mặt tiền trên đường Tố Hữu (Hà Đông). Thu cho biết, tổng giá trị căn shophouse là hơn 17 tỷ đồng. Đến tháng 11/2021, căn shophouse mà nhà đầu tư này bỏ tiền ra đã được khách trả chênh hơn 2 tỷ đồng, tức tỷ suất sinh lời đạt gần 20% chỉ trong 8 tháng. Trong khi đó, nhà đầu tư này chỉ mới bỏ ra khoản tiền vốn 3.5 tỷ đồng vào căn shophouse do chính sách đóng tiền theo tiến độ. Nếu tính tỷ suất sinh lời trên số tiền bỏ ra lên tới hơn 60%.
Dù căn shophouse tăng gia "hời" nhưng Thu cho biết: "Tôi không bán. Căn shophouse này tôi dự kiến mua để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh. Hơn nữa, nhà phố hiện tại rất khan hàng nên để tìm được một căn đẹp không hề dễ dàng".
Không chỉ xuống tiền vào căn shophouse trên đường Tố Hữu (Hà Đông), Thu còn mạnh tay chi gần 10 tỷ cho căn nhà phố nằm khu vực Kiến Hưng (Hà Đông). Nhà đầu tư này chia sẻ, hiện đang tiếp tục tìm kiếm sản phẩm nhà thấp tầng vì khả năng sinh lời và tốc độ tăng giá tốt của dòng sản phẩm này.
Chị Ngọc Bùi, một nhà đầu tư ở Hoài Đức đã tiết lộ, từ thời điểm Hà Nội quay trở lại trạng thái bình thường, trung bình mỗi tháng, nhà đầu tư này "chốt" được 1-2 giao dịch. Tổng số tiền mà chị thu được từ thương vụ thành công lên tới gần chục tỷ đồng (bao gồm cả tiền đầu tư và hoa hồng môi giới).
Thị trường nhà phố, biệt thự, liền kề vùng ven Hà Nội đang ấm dần lên.
"Ngay sau thời điểm Hà Nội hết giãn cách, lượng khách tìm kiếm nhà phố, liền kề, biệt thự gia tăng mạnh. "Mức giá thời điểm tháng 10, tháng 11 nhỉnh hơn khoảng 3-5% so với thời điểm tháng 4. Khách mua chủ yếu là người có nhu cầu ở thực. Phần lớn, họ quan tâm tới biệt thự và liền kề", chị Bùi cho biết.
Trao đổi với PV, ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc Mland Pro cho hay, các đợt mở bán nhà ở thấp tầng thời gian trở lại đây đều ghi nhận tình trạng hết hàng sớm. Ông Thành nêu ví dụ, một dự án tại Thạch Thất, vào tháng 6-7 khi mở bán, ghi nhận sự hấp thụ của thị trường rất tốt. Điển hình 100 căn biệt thự đã bán hết trong 1 tháng mở bán. Mức giá trung bình của sản phẩm này dao động từ 36-40 tr/m2 cho một căn biệt thự từ 250m-300m, chỉ cách 40 phút lái xe từ nội đô.
Các dự án thấp tầng khác ở khu vực Hà Đông và Hoài Đức cũng ghi nhận tốc độ thanh khoản nhanh.
Sức nóng của dòng sản phẩm thấp tầng
Lý giải nguyên nhân về "sức nóng" trên thị trường nhà phố, biệt thự, liền kề ở khu vực vùng ven Hà Nội, ông Thành phân tích: Có 2 nguyên nhân chính dẫn tới dòng sản phẩm này dù giá trị cao nhưng vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt.
Thứ nhất, nguồn cung của sản phẩm thấp tầng ngày càng trở nên khan hiếm. Chính bởi số lượng giới hạn nên lượng hàng trong mỗi lần mở bán đều nhanh chóng hết.
Thứ hai, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên quan điểm lựa chọn "nơi an cư" của người dân Hà Nôi thay đổi. Họ có nhu cầu tìm đến biệt thự, liền kề nằm trong khu đô thị được quy hoạch bài bản, có không gian xanh. Trong khi đó, khu vực phía Tây Hà Nội như Hoài Đức, Hà Đông và ở khu vực phía Đông Hà Nội như Đông Anh, Gia Lâm đang có sẵn nguồn cung nhất định về dòng sản phẩm này. Từ các khu vực này di chuyển vào trung tâm Hà Nội rất dễ dàng. Đây là lý do mà người dân Hà Nội có khuynh hướng dịch chuyển ra vùng ngoại ô, mua biệt thự, liền kề để ở.
Ngoài 2 lý do chính, ông Thành còn cho rằng, tâm lý của người dân Việt Nam vẫn "chuộng" nhà gắn liền với đất. Trên cơ sở phân tích thị trường, ông Thành dự báo: "Dòng sản phẩm biệt thự, liền kề, shophouse trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục ấm lên vì nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung lại khan hiếm.
Báo cáo mới đây của Savills ghi nhận, nguồn cung liền kề, nhà phố, biệt thự ở khu vực vùng ven Hà Nội sụt giảm đáng kể trong quý III/2021. Theo đó, nguồn cung mới biệt thự và nhà liền kề tại Hà Nội chỉ đạt 225 căn, giảm 75% theo quý và 47% theo năm với một dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 3 dự án đang bán.
Cũng theo báo cáo của Savills, nguồn cung mới hạn chế đến từ các hoạt động mở bán bị trì hoãn và vấn đề pháp lý của một số dự án chưa được giải quyết. Về mặt bằng giá, mặc dù hầu hết các chủ đầu tư đều không thay đổi bảng giá, giá sơ cấp trung bình vẫn tăng đáng kể do không có nguồn cung mới cùng giá chào bán thấp tại các quận, huyện nằm ngoài trung tâm.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, sau một quý gián đoạn bởi giãn cách xã hội, thị trường biệt thự, liền kề tại Hà Nội dự kiến sẽ nhanh chóng hồi phục nhờ nguồn cầu mạnh mẽ và nguồn cung lớn trong tương lai. Đặc biệt, lãi suất tiết kiệm giảm, lượng tiền gửi ngân hàng thấp kỷ lục cùng lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây được cho là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác; trong đó có bất động sản.
Giám đốc Savills Hà Nội còn cho rằng, việc một số dự án đưa ra ưu đãi với các gói vay 0% trong một khoảng thời gian nhất định cũng là cơ hội đối với những người có nhu cầu mua nhà để ở. Việc giảm lãi suất vay cũng là cơ hội để kích thích thị trường, cho phép nhiều người dân có thể có cơ hội mua và sở hữu nhà hơn.