Mang trên mình danh hiệu di sản thế giới hóa ra lại là lợi bất cập hại?

20/09/2017 07:30 AM | Xã hội

Khu cầu cảng ở George Town của Malaysia, nơi từng rơi vào tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, đã được hồi sinh bởi danh hiệu di sản thế giới của UNESCO. Nhưng danh tiếng mới của khu vực này lại khiến người dân địa phương bị choáng ngợp bởi làn sóng khách du lịch nườm nượp kéo tới đây.

Chew Jetty ở George Town của Malaysia thu hút khách du lịch bởi những ngôi nhà nổi. Những ngôi nhà cổ này hiện nay được dùng làm các gian hàng buôn bán với những biển hiệu gắn đèn neon; những người từng là ngư dân bây giờ bán rong những chiếc áo thun, món quà lưu niệm có gắn nam châm và bưu thiếp. Những chiếc xe buýt đưa đón khách du lịch từ sáng sớm cho đến tận lúc hoàng hôn.

Số lượng khách du lịch quá đông hằng ngày đã dẫn đến những hệ quả như những ô cửa sổ được che chắn bằng những tấm ván, những biển hiệu “không chụp ảnh” xuất hiện ở khắp nơi, và những người chủ nhà nhanh chóng biến mất ngay khi nhìn thấy khuôn mặt của một người lạ.

Lee Kah Lei, chủ một gian hàng lưu niệm bên ngoài nhà của mình ở Chew Jetty, cho biết: “Tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng chúng tôi không phải là những chú khỉ, và đây không phải là một sở thú.”

Mặc dù cô cũng nhận thấy rằng càng có nhiều người đến đây, thì càng có nhiều chủ cửa hàng bán được đồ, nhưng cô cũng mong rằng những khách du lịch sử dụng máy ảnh cần tôn trọng sự riêng tư của cô ấy – và đặc biệt là không được mời mà lại tránh vào nhà của cô ấy.

Nỗ lực bảo vệ khu cầu cảng

Một thời, những khu cầu cảng ở ngoại ô George Town trên đảo Penang là trung tâm buôn bán trên biển nhộn nhịp. Ở ven cầu tàu bằng gỗ là khu các ngôi nhà nổi và nhà kho xiêu vẹo, được đặt tên theo họ của các gia tộc người Hoa từng sống ở đó. Chúng là một trong những ‘thành trì’ cuối cùng thuộc khu định cư cũ của người Hoa ở Malaysia.

Mang trên mình danh hiệu di sản thế giới hóa ra lại là lợi bất cập hại? - Ảnh 1.

7 khu cầu cảng đang tồn tại đã sống sót sau hai cuộc chiến tranh thế giới và sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản, nhưng thời gian đã khiến cho những cầu tàu bị hư hỏng. Khi các nhà buôn bán bất động sản nhắm tới các khu cầu cảng này, thì những chủ nhân của chúng chỉ có một cách duy nhất để cứu lấy chỗ ở của họ: Họ đã cố gắng bảo vệ nơi ở của mình bằng cách đệ đơn lên UNESCO.

Nỗ lực của họ đã thành công. Vào năm 2008, tất cả các khu cầu cảng đã được trao danh diệu di sản thế giới của UNESCO, tuy nhiên 2 trong số các khu định cư lâu đời này đã được san bằng để nhường chỗ cho một khu tổ hợp nhà ở.

Chiến thắng không trọn vẹn

Tuy nhiên, bây giờ, người dân lại nói chiến thắng 9 năm về trước chẳng giống với những gì họ đã hy vọng. Khu cầu cảng từng là nơi làm ăn của những ngư dân, những người thu hoạch hàu và thầy bói, nay được thay thế bằng những người bán hàng lưu niệm và các quán ăn vặt.

Người địa phương cho biết họ đã bị choáng ngợp bởi làn sóng khách du lịch đến với ngôi làng nổi của họ. Lời phàn nàn tương tự cũng đã xảy ra khắp châu Âu mùa hè này khi các thành phố từ Barcelona đến Venice đang phải cố gắng cân bằng những ảnh hưởng tích cực của du lịch với những bất lợi không thể tránh khỏi.

Chew Siew Pheng, một cư dân của Chew Jetty, cho biết: “Chúng tôi sẽ bị mất nhà nếu như không nhờ có danh hiệu của UNESCO”. UNESCO có thể đã cứu sống 7 khu cầu cảng cuối cùng, nhưng Siew Pheng nói rằng nó cũng “ảnh hưởng đến sự riêng tư của chúng tôi. Cầu cảng của chúng tôi đã bị thương mại hóa. Mọi người đang chuyển đi. Trong những ngày lễ vào tháng 12 như Tết và Malaya Raya, chúng tôi thậm chí còn không sống nổi ở đây.”

Mang trên mình danh hiệu di sản thế giới hóa ra lại là lợi bất cập hại? - Ảnh 2.

Nhiều nơi trong số 1052 di sản thế giới của UNESCO đang chật vật để đạt được sự cân bằng giữa những lợi ích kinh tế của việc phục vụ khách du lịch và giữ gìn văn hóa đã được công nhận. Quá trình công nhận di sản bắt đầu từ năm 1972 để xác định và bảo vệ những nơi nổi bật có ảnh hưởng đến người dân địa phương và thế giới. Tuy nhiên, bằng cách nâng một vị trí lên tầm quốc tế, danh hiệu mới cũng thúc đẩy du khách ghé thăm và mở ra cánh cửa thương mại hóa mà có thế làm giảm bản sắc của địa điểm đó.

Hiện tượng này thậm chí còn được nhà văn người Ý Marco d’Eramo, người đã lập luận trong New Left Review rằng UNESCO bảo vệ các di sản nhưng lại khiến cho các cộng đồng xung quanh chúng bị phá hủy, đặt tên là Unesco-cide.

Jo Caust, phó giáo sư tại Đại học Melbourne, cho rằng danh hiệu di sản thể giới có thể là một con dao 2 lưỡi. Danh hiệu này thường được săn tìm bởi các chính phủ mong muốn kiếm nhiều tiền từ các công trình lịch sử. Trong khi định hướng về du lịch có thể giúp khôi phục các cộng đồng, nhưng nếu không có một kế hoạch quản lý hiệu quả thì việc ghé thăm của các du khách có thể phá hủy một địa điểm.

Caust nói: “Những người dân bị ảnh hưởng bởi du lịch ở châu Âu đang cố gắng chống lại tác động hủy hoại của du lịch không bị kiểm soát. Tác động này lên một quốc gia ở thế giới thứ ba có khả năng cao còn tồi tệ hơn. Động lực đằng sau sự phát triển và đạt được danh hiệu (di sản thế giới) là gì? Kiếm được nhiều tiền hơn hay bảo vệ di sản văn hóa?”

Mang trên mình danh hiệu di sản thế giới hóa ra lại là lợi bất cập hại? - Ảnh 3.

UNESCO đã tăng cường quảng bá ý tưởng “du lịch bền vững” và thậm chí còn gọi năm 2017 là Năm quốc tế vì sự phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, các chuyên gia về di sản nói rằng mục tiêu này vẫn còn mang tính giả thuyết hơn là thực tế.

Ông Clement Liang , một thành viên của Quỹ tín thác di sản Penang, nói: “Hiện UNESCO không có hướng rõ ràng hoặc các phương pháp hiệu quả nào để kiểm soát quá trình thương mại hóa các di sản thế giới, và phát biểu về tính bền vững mới chỉ bằng lời chứ chưa đủ để thực thi.”

Trong khi chưa có phương thức cụ thể nào được đưa ra, tương lai của khu cầu cảng ở George Town hay ở bất kỳ di sản thế giới nào phụ thuộc vào chính người dân địa phương để bảo vệ bản sắc của địa phương cũng như đời sống của chính họ.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM