Hàn Quốc: 800 đại hội cổ đông một ngày và văn hóa 'chaebol' chẳng đẹp như phim
Khi những bất ổn chính trị tạm lắng xuống, nhà đầu tư Hàn Quốc lại đau đầu vì một vấn đề lớn hơn: mạng lưới những tập đoàn khổng lồ đang thao túng nền kinh tế nước này.
Rất nhiều bộ phim Hàn Quốc ăn khách thích khai thác chủ đề công ty và thường vẽ nên hình ảnh những người thừa kế, những CEO hoàn hảo trong một tập đoàn gia đình trị điển hình ở nước này. Một loạt bất ổn của nền kinh tế và mới đây nhất là tin "thái tử" tập đoàn Samsung là Jay Y. Lee vừa bị kết án 5 năm tù giam vì tội hối lộ ngày 25/8 mới khiến người ta vỡ mộng. Hóa ra 'chaebol' trong đời thật không đẹp được như phim.
800 đại hội cổ đông một ngày
Để hiểu được sự phức tạp và khó hiểu của chế độ doanh nghiệp Hàn Quốc, hãy tưởng tượng một nhà đầu tư chạy khắp cả nước, cố gắng tham dự hết 816 đại hội cổ đông (ĐHCĐ) hàng năm được lên kế hoạch vào ngày 25/3 năm ngoái.
Đó là khoảng 40% trong tổng số hơn 2.000 đại hội năm ngoái, tất cả đều được tổ chức trong một ngày. Nếu được tổ chức liên tiếp trong 24 giờ, mỗi cuộc họp sẽ chỉ có dưới 2 phút - hầu như không đủ thời gian để đến bàn ăn nhẹ.
Trong khi đó, ngày bận rộn nhất cho các cổ đông ở Mỹ là 19/5 cũng chỉ có 158 đại hội mà tổng số ĐHCĐ ở nước này năm ngoái là hơn 4.600. "Đó thực sự là một đặc thù của thị trường", Michael Herskovich, người đứng đầu bộ phận quản trị doanh nghiệp của nhóm nghiên cứu môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của công ty quản lý tài sản BNP (Pháp) cho biết.
Ông cho rằng đây là một thách thức ở Hàn Quốc - để có một sự thay đổi trong văn hoá và kéo dãn những sự kiện tương tác với cổ đông trong suốt cả năm. "Khi bạn có một thị trường tập trung, các nhà đầu tư rất khó có thể tham gia".
Văn hóa 'chaebol'
Cốt lõi vấn đề ở đây là văn hóa 'chaebol' - những tập đoàn gia đình khổng lồ ở Hàn Quốc nổi lên giữa quá trình cải cách từ thời tổng thống Park Chung-hee, bắt đầu vào những năm 1960. Những đế chế này dần lớn mạnh bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách chóng mặt trong những thập kỷ tiếp theo, biến đất nước Hàn Quốc thành một thị trường hàng đầu ở châu Á. Quyền lực nằm gọn trong tay hội đồng quản trị và các lãnh đạo công ty coi cổ đông như rào cản đối với việc điều hành, ông Son Young-chae, người đứng đầu ban giám sát thị trường của ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc nói.
Các chaebol thâu tóm quyền lực từ những cấu trúc chia sẻ quyền sở hữu chéo phức tạp được "dệt" lên từ nhiều doanh nghiệp, ông Herskovich nói. Theo các nhà phân tích, cơ cấu tổ chức này có thể dẫn đến việc thiếu trách nhiệm giải trình cho các cổ đông thiểu số bên ngoài, tỷ lệ cổ tức và mua lại cổ phần thấp. Ngoài ra, các tập đoàn cũng "móc nối" với những nhà quản lý tài sản lớn để họ cởi mở với khoản đầu tư.
Top 5 chaebol của nước này - Samsung, Hyundai, SK, LG và Lotte --chiếm hơn một nửa trọng số trong chỉ số Kospi (theo số liệu của Bloomberg), có ảnh hưởng rất lớn trên thị trường, đến nền kinh tế và chính phủ Hàn. Chính điều này đã dẫn tới những vụ án tham nhũng tràn lan, bao gồm cả vụ bê bối lạm dụng quyền lực của bà Park Geun-hye, vị tổng thống mới bị bãi nhiệm hồi đầu năm hay việc "thái tử" Samsung ngồi tù vì hối lộ, rồi gia đình tập đoàn Lotte "hội ngộ" tại tòa.
Cải cách 'chaebol'
Khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tìm người thay thế bà Park, tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ giải quyết vấn đề chaebol là một ưu tiên ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ. "Dưới thời Moon Jae-in, cụm từ 'câu kết chính trị - kinh doanh' sẽ biến mất hoàn toàn", ông Moon tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức ngày 10/5.
Theo kế hoạch tăng trưởng 5 năm được công bố hồi tháng 7, chính phủ Hàn công bố những đề xuất ngày nhằm tăng thuế đối với các tập đoàn lớn nhất quốc gia và các cá nhân có thu nhập cao để giải quyết vấn đề bất bình đẳng. Cùng với việc tăng thuế, ông Moon đặt mục tiêu giảm dần tỷ lệ nắm giữ chéo, đưa ra chế tài nghiêm ngặt hơn đối với việc thao túng cổ phiếu và trao thêm quyền cho ủy ban Thương mại công bằng để giám sát các giao dịch "có vấn đề".
Con đường để tháo dần mạng lưới "xúc tu" này và dẫn đến cải cách thực sự bắt đầu với việc tăng tính minh bạch của ngành kinh doanh, Gregory Elders, chuyên gia phân tích cao cấp của Bloomberg ESG, nhận định. Điều này đòi hỏi sự rõ ràng trong quá trình bỏ phiếu và trong cơ cấu sở hữu cho cả tập đoàn và những tổ chức quản lý tài sản. Thêm vào đó, chính những nhà đầu tư tổ chức này cũng cần làm nhiều hơn để buộc các công ty phải có trách nhiệm giải trình thay mặt cho các cổ đông nhỏ lẻ.
Nhìn những tấm gương Samsung hay Lotte, các chaebol Hàn Quốc đang dần đưa ra thay đổi để cải thiện hình ảnh. Các đơn vị SK Telecom và SK Hynix của tập đoàn SK vừa đưa ra quy định buộc các khoản quyên góp hơn 1 tỉ Won phải được thông qua tại cuộc họp hội đồng quản trị, công ty cho biết.
Trong khi đó, tập đoàn Lotte đang nỗ lực hướng tới cấu trúc công ty holding để làm sáng tỏ mạng lưới cổ phần chéo của mình và tăng sự minh bạch, một người phát ngôn nói trong một email.
Mặc dù việc phá bỏ hoàn toàn hệ thống chaebol là điều không thực tế, mong rằng ông Moon có thể đem lại sức sống mới cho văn hóa gia đình trị, tập trung quyền lực này và giúp nền kinh tế Hàn Quốc phát triển một cách trong sạch và bền vững hơn.