Mang sản phẩm quen thuộc đến Shark Tank Việt Nam, 'cựu nhà báo' đã thuyết phục các nhà đầu tư bằng điều gì?

31/08/2022 09:17 AM | Kinh doanh

Gõ cụm từ 'bánh gạo lứt' trên Shopee cho ra 74 kết quả tìm kiếm. Con số này ở Lazada là 3.954 mặt hàng. Bánh gạo lứt thực sự là mặt hàng chẳng có gì mới lạ!

Mang" bánh gạo lứt", vốn là sản phẩm rất quen thuộc với người tiêu dùng đến chương trình Shark Tank gọi vốn, "cô gái vàng trong làng bỏ phố về quê" Võ Thị Minh Nga đã làm những gì để thuyết phục được 2/5 Shark đầu tư trong tập 13 Shark Tank mùa 5?

Mang sản phẩm quen thuộc đến Shark Tank Việt Nam, 'cựu nhà báo' đã thuyết phục các nhà đầu tư bằng điều gì? - Ảnh 1.

Sản phẩm bánh gạo lứt được bán rất phổ biến trên các trang thương mại điện tử

Đầu tiên, có thể nói "mọi con đường đều đi qua dạ dày", bánh gạo lứt Bh nông đã "được lòng" các Shark theo đúng nghĩa đen. Khi dùng thử sản phẩm, Shark Liên quay sang Shark Hưng và nói " Bánh rất là ngon".

Shark Hưng sau đó cũng gật gù " Tôi dùng gạo lứt rất nhiều, ít nhất 1 tuần ít phải 2-3 bữa. Cá nhân tôi đánh giá cao sản phẩm của bạn, ăn rất ngon" và tiếp tục khen ngợi "rất ổn, đặc biệt là cái bánh gạo lứt này".

Đồng quan điểm, Shark Eric cũng khen" Sản phẩm của em ngon, rất ngon"

Gạo lứt Bh nông được sản xuất từ gạo lứt rẫy không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu của người dân tộc tại miền núi tỉnh Quảng Nam. Trước khi chế biến, hạt gạo được ủ nẩy mầm để gia tăng dinh dưỡng - theo chia sẻ của chị Minh Nga, người sáng lập Gạo lứt Bh nông.

Yếu tố thứ nhất, "người thật việc thật". Mô hình kinh doanh của Gạo lứt Bh nông đã hoàn thiện, có sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận, máy móc sản xuất, nhà xưởng, hệ thống đại lý.

Trên chương trình Shark Tank, nhà sáng lập Võ Thị Minh Nga cho biết, doanh thu năm 2021 là 10 tỷ, lợi nhuận 30% (chưa tính chi phí truyền thông, marketing). Doanh thu 2022 dự kiến 15 tỷ, mục tiêu 2023 tăng trưởng 100% là 30 tỷ.

Tài sản cố định đã đầu tư là 4 tỷ, đất 2 tỷ, nhà xưởng 1 tỷ, máy móc khoảng 1 tỷ đồng. Gạo lứt Bh nông có hơn 200 đại lý trên cả nước, bán hàng theo mô hình B2B (“Business To Business”, được dùng để chỉ hình thức kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp).

Tra cứu thông tin đăng ký kinh doanh, công ty TNHH Sản xuất TMDV Phương Nga - pháp nhân sở hữu Gạo lứt rẫy Bh nông được thành lập tháng 4/2019, vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng.

Rõ ràng, nhà đầu tư khi vào giai đoạn Startup đã gây dựng xong mô hình sản xuất - bán hàng như vậy khá an toàn và nhanh được "hái quả".

Mang sản phẩm quen thuộc đến Shark Tank Việt Nam, 'cựu nhà báo' đã thuyết phục các nhà đầu tư bằng điều gì? - Ảnh 2.

Nguồn: website gaolutraybhnong.com

Yếu tố thứ 2, lợi thế xuyên suốt trong phần trình bày của Minh Nga đó là khả năng "kể chuyện". Minh Nga xuất thân từ dân báo chí, am hiểu về truyền thông nên cô đã mang đến Shark tank 1 câu chuyện đầy cảm hứng về việc bỏ phố về quê khởi nghiệp của bản thân mình.

"Em là người trẻ đã từng bỏ quê ra đi, vì quê quá là nghèo và hầu như không có cơ hội nào cho người trẻ. Em đã ra thành phố học tập và làm trong ngành báo chí 10 năm. Sau 10 năm thì em cảm thấy là tại sao mọi người lại bỏ hết quê hương đi, thì em quyết định bỏ hết mọi cơ hội ở thành phố để về lại quê hương của mình, dù lúc đó chỉ có 2 bàn tay trắng và tài sản chỉ có 1 chảo rang"

Mang sản phẩm quen thuộc đến Shark Tank Việt Nam, 'cựu nhà báo' đã thuyết phục các nhà đầu tư bằng điều gì? - Ảnh 3.

Hình ảnh Shark Tank Việt Nam mùa 5

Cách diễn đạt nhấn nhá, có cảm xúc, có nụ cười và cả những giọt nước mắt của Minh Nga đã lấy được sự đồng cảm và khâm phục của các Shark

"Câu chuyện của em rất cảm động, nó càng thể hiện cái ý chí, nghị lực và bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam" Shark Bình nhận xét.

"Thật sự rất xúc động với câu chuyện khởi nghiệp của bạn. Đúng là rất đáng quý" Shark Hưng bày tỏ " Kỳ lạ đến mức độ mà còn chưa có ý tưởng về sản phẩm gì cả mà vẫn quyết tâm về quê khởi nghiệp".

Bên cạnh đó, những chi tiết như việc mang lại kế sinh nhai cho người dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn giống lúa rẫy, người trẻ xây dựng kinh tế trên mảnh đất quê hương Minh Nga mang đến trong câu chuyện của mình đều rất nhân văn.

"Bất kỳ ở miền quê nào miễn là người trẻ có nghị lực thì đều có thể giúp quê hương mình phát triển" - Thông điệp được Minh Nga xúc động chia sẻ trong chương trình.

Yếu tố thứ 3, sự am hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng của người quản lý, sáng lập.

Đầu tiên, phải công nhận sự khôn ngoan trong chiến thuật của Minh Nga khi cô chủ động đặt câu hỏi giao lưu với 2 Shark ngay đầu chương trình.

Shark Liên nghĩ sao khi phụ nữ ở miền núi có được 1 công việc hay 1 kế sinh nhai ổn định? Anh Hùng Anh nghĩ sao khi người dân ở miền Trung mình có thêm thu nhập ổn định?" - Câu hỏi thể hiện sự đầu tư nghiên cứu khẩu vị đầu tư và EQ cao của người thuyết trình.

Tiếp sau đó, người xem thấy được sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Minh Nga khi trả lời các câu hỏi một cách lưu loát và tự tin.

Mang sản phẩm quen thuộc đến Shark Tank Việt Nam, 'cựu nhà báo' đã thuyết phục các nhà đầu tư bằng điều gì? - Ảnh 4.

Hình ảnh Shark Tank Việt Nam mùa 5

Shark Erik thắc mắc về nguồn cung, làm sao để đảm bảo khi quy mô sản xuất lớn hơn, Minh Nga đã chứng minh bằng những con số.

"Theo thống kê, Quảng Nam có 4000 ha đất trồng lúa rẫy, năng suất hàng năm đạt được khoảng 600.000 tấn. Hiện tại, Bh nông mới chỉ thu mua được khoảng 1/20 nguồn nguyên liệu sẵn có. Nếu như phát triển lớn mạnh hơn hoàn toàn có thể bắt tay cùng người đồng bào, một phần bảo tồn giống lúa, tập tục văn hóa của người đồng bào, một phần giúp họ có thêm thu nhập."

"Giống lúa này đặc biệt có sức sống mãnh liệt, thích nghi được với nhiều thời tiết khắc nghiệt" - Minh Nga trả lời câu hỏi thứ 2 của Shark Eric khi lo ngại về sâu bệnh, thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa rẫy.

Shark Hùng Anh đặt câu hỏi tại sao có lãi 5 tỷ trong năm nay mà cần gọi vốn, Minh Nga trả lời hiện tại đang làm hồ sơ thủ tục để xuất khẩu chính ngạch sang Nhật, Mỹ và muốn tăng doanh thu lên 2 lần nên cần sự đồng hành của các Shark.

An Vũ

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM