Mảng khởi nghiệp bị thất sủng trước ngành chip bán dẫn: Từ tham vọng làm giàu trở thành những ‘đứa con bị bỏ rơi’ không thể quay đầu
Trung Quốc nhận ra rằng khởi nghiệp TMĐT hay tài chính trực tuyến chẳng giúp ích bằng sản xuất bán dẫn trước áp lực cạnh tranh công nghệ từ Phương Tây. Bởi vậy những cái tên Alibaba, JD dần phải nhường chỗ cho BYD, CATL hay Huawei.
Tham vọng làm giàu
Năm 2017, nhà khởi nghiệp Zhang Hongjun đã vô cùng mừng rỡ khi được mời đến Hội chợ Internet toàn cầu (WIC), vốn quy tụ nhiều ông lớn trong ngành.
Sự kiện này diễn ra tại Wuzhen-Trung Quốc và quy tụ hàng loạt những tên tuổi như nhà sáng lập Jack Ma của Alibaba, Pony Ma của Tencent, Richard Liu của JD, Tim Cook của Apple và Sundar Pichai của Google.
Với những tên tuổi lớn như vậy, anh Zhang kỳ vọng startup chuyên về tài chính của mình sẽ nhận được những nguồn vốn tiềm năng từ các nhà đầu tư.
Thậm chí tại thời điểm đó, dự án của Zhang còn được chính phủ ủng hộ và nằm trong danh sách kêu gọi vốn của hội chợ.
"Dự án lúc đó cực kỳ triển vọng và chúng tôi đều kỳ vọng vào nó", nhà khởi nghiệp 42 tuổi Zhang nhớ lại.
Tại thời điểm đó, mảng khởi nghiệp của Trung Quốc thật sự nhận được vô số hỗ trợ từ chính phủ và là giai đoạn hoàng kim cho nhiều startup.
Rất nhiều nhà khởi nghiệp Trung Quốc khi đó với khát vọng làm giàu và xây dựng sự nghiệp được "trải thảm đỏ", trong khi chính phủ thì kỳ vọng tầng lớp này sẽ biến đổi nền kinh tế nước nhà thông qua các chương trình ưu đãi thuế, tín dụng ưu đãi...
Tuy nhiên vài năm trở lại đây, môi trường startup của nước này đã chuyển biến bất ngờ khi hàng nghìn nhà khởi nghiệp như anh Zhang bỗng hóa thành "những đứa con bị bỏ rơi" không thể quay đầu.
Bị thất sủng
Tờ SCMP cho hay những nhà khởi nghiệp trong ngành tài chính, giáo dục, trò chơi điện tử, công nghệ...đều cảm nhận thấy rõ chuyển biến của thị trường Trung Quốc.
Chỉ vài tháng sau hội chợ năm 2017, chính quyền Bắc Kinh quyết định siết chặt kiểm soát tài chính ngành ngân hàng nhằm hạn chế rủi ro đổ vỡ.
Chính điều này đã khiến hàng loạt nền tảng tài chính trực tuyến cũng như những dự án startup liên quan bị đóng cửa.
Với việc các nhà đầu tư sợ hãi bỏ chạy, những dự án như của anh Zhang chẳng thể gọi vốn được nữa và thậm chí lâm vào cảnh sống lay lắt.
Không dừng lại đó, mảng khởi nghiệp ngành công nghệ Internet tại Trung Quốc từ cuối năm 2020 cũng bị siết chặt kiểm soát nguồn vốn.
Sự quản lý chặt chẽ này chỉ dần được nới lỏng 2 năm sau đó khi nền kinh tế Trung Quốc dần mở cửa trở lại hậu đại dịch và cần kích thích tiêu dùng trong nước.
Chuyên gia kinh tế Xu Tianchen của EIU nhận định Trung Quốc đã nhận ra những startup tài chính trực tuyến hay thương mại điện tử (TMĐT) không thực sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Thay vào đó, những mảng như công nghệ bán dẫn hay trí thông minh nhân tạo (AI), phát triển cơ sở hạ tầng và kỹ thuật mới có thể đem lại lợi thế lâu dài cho tăng trưởng.
Sự nhận thức này ngày càng được chứng minh khi quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng và Phương Tây đã áp dụng nhiều lệnh cấm vận công nghệ với cường quốc Châu Á.
Kể từ năm 2018, hàng loạt động thái của Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biến một cuộc đua đơn thuần giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới thành một cuộc chiến thương mại, công nghệ toàn diện.
Theo SCMP, các động thái của chính quyền Washington đã ép Bắc Kinh phải tự phát triển công nghệ, phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường trong nước.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử hay tài chính trực tuyến chẳng giúp ích được gì nhiều so với mảng bán dẫn hay AI.
Những ông lớn như Alibaba một thời nay chẳng còn vị thế như xưa khi dòng vốn nước ngoài đầu tư mạo hiểm cho startup dần tháo chạy. Thậm chí nhiều nền tảng TMĐT tử Pinduoduo cũng đã phải tìm đến thị trường Mỹ bằng nền tảng Shein trước sự bão hòa trong nước.
Trái lại, câu chuyện về một BYD sừng sững trong mảng xe điện, CATL ở mảng ắc quy hay việc Huawei tự sản xuất điện thoại bằng chip hiện có lại đang trở thành những đề tài nóng hổi được mọi người quan tâm.
Câu chuyện về những startup thành công như Alibaba niêm yết ở nước ngoài, dự án khởi nghiệp nào gọi vốn quốc tế thành công đã dần không còn tạo được sự hứng thú tại Trung Quốc.
Giờ đây, câu chuyện BYD chiếm ngôi vương của Tesla, Huawei thách thức Apple hay CATL thống trị mảng ắc quy mới là những gì mà người Trung Quốc thực sự tự hào.
Đừng khởi nghiệp vội!
Anh Huang Panlong là một nhà khởi nghiệp cũng đã tham gia hội chợ WIC vào năm 2017 để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư. Dự án ứng dụng giáo dục của anh nhắm tới thị trường dạy thêm trị giá hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc.
Thế rồi quyết định siết chặt tình trạng dạy thêm của Trung Quốc vào tháng 7/2021 đã chấm dứt tất cả.
Giờ đây anh Huang phải chuyển qua bán hàng trực tuyến nông sản để tồn tại, nhưng theo nhà khởi nghiệp này, việc kinh doanh cũng chẳng mấy suôn sẻ. Nhóm của anh Huang đã bị cơ quan thuế địa phương phạt một khoản tiền lớn khi thực hiện công việc kinh doanh trực tuyến này.
"Nếu có công việc ổn định thì tạm thời đừng khởi nghiệp bây giờ", anh Huang khuyên nhủ.
Theo nhà khởi nghiệp này, việc khởi đầu những dự án startup thông thường rất dễ bị vùi dập bởi các tập đoàn lớn ở Trung Quốc do họ thống trị các nguồn lực, trong khi sự hỗ trợ của chính phủ không còn được như trước.
Đồng quan điểm, nhà khởi nghiệp Leo Chu từng tham gia WIC năm 2017 cho biết đã chuyển từ mảng giáo dục trực tuyến sang "Internet of Things", vốn là lĩnh vực an toàn hơn và vẫn nhận được sự ủng hộ của chính phủ.
Dẫu vậy, anh Leo cũng thừa nhận rằng tinh thần khởi nghiệp tại Trung Quốc đang xuống rất thấp: "Trước đây có 8-9 trên 10 người khởi nghiệp có lòng nhiệt huyết lớn lao thì hiện nay có lẽ chỉ còn 30%."
Theo anh Leo, số dự án đi xuống cùng với doanh thu của các startup, rồi việc nhà đầu tư mất kiên nhẫn khi bị các nhà khởi nghiệp đốt tiền mà mãi chưa có lợi nhuận đang ảnh hưởng nặng đến niềm tin của thị trường.
Số liệu của Học viện công nghệ thông tin và truyền thông Trung Quốc (CAICT) cho thấy nguồn vốn đầu tư cho mảng công nghệ Internet trong quý III đã giảm 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,36 tỷ USD. Tỷ lệ suy giảm này là 70% trong quý II/2023.
Số thương vụ đầu tư khởi nghiệp thành công cũng giảm 54% xuống còn 210 so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ này trong quý II/2023 là giảm 60,9% .
Báo cáo mới nhất của S&P Global Market Intelligence vào tháng 2/2023 cho thấy nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ vào Trung Quốc đã giảm 76% xuống còn 7,02 tỷ USD trong năm 2022.
Không thể quay đầu
Trả lời SCMP, anh Zhang thừa nhận mảng khởi nghiệp tại Trung Quốc hiện nay khó khăn hơn nhiều so với năm 2017.
"Phần lớn startup hiện nay đều gặp khó khăn hoặc sắp phải đóng cửa", anh Zhang ngậm ngùi.
Dự án của bản thân anh Zhang cũng đã đổ bể sau khi mất cả 3 khách hàng chính kể từ khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát thị trường tài chính.
"Lời khuyên của tôi là nếu đang có việc làm thì hãy cứ tiếp tục chứ đừng khởi nghiệp vội. Nếu thất nghiệp thì hãy cố sống sót, coi như đây là một kỳ nghỉ giải lao", anh Zhang nói.
Khuyên nhủ là vậy nhưng anh Zhang cho biết mình sẽ chẳng thể quay đầu về làm nhân viên.
"Tôi chẳng thể quay đầu khi đã trót theo đuổi đam mê. Tôi còn những người anh em cùng sát cánh chiến đấu bên mình nữa, bởi vậy tôi sẽ phải tiếp tục bám trụ", anh Zhang than thở.
*Nguồn: SCMP