Mắng chồng "lãng phí" khi mua quà Tết tặng hàng xóm, tôi “quay xe” sau 3 năm vì thứ nhận lại giá trị hơn nhiều

25/02/2024 09:17 AM | Sống

Người vợ Trung Quốc khó chịu ra mặt khi chồng mình năm nào cũng mua quà Tết tặng hàng xóm nhưng nhiều năm sau đó, cô đã vội thay đổi thái độ.

*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Lý Nguyệt Hà, được đăng trên trang 163.com (Trung Quốc).

Ở thị trấn nhỏ của chúng tôi, Tết Nguyên Đán là một sự kiện lớn. Cứ đến dịp lễ này, mọi nhà đều tất bật chuẩn bị trang hoàng nhà cửa để đón xuân. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, đặc biệt là chồng tôi Lý Cường, anh ấy có một thói quen rất khó hiểu vào dịp Tết là tặng quà cho hàng xóm.

Giống như mọi năm, năm nay chồng tôi vẫn chuẩn bị rất nhiều quà tết, tiêu tốn đến 3000 NDT (hơn 10 triệu đồng). Mỗi lần thấy chồng lãng phí tiền như vậy, tôi khó chịu ra mặt và cằn nhằn: “Năm mới, vợ chồng mình qua chúc tết mọi người là được, em chẳng hiểu sao anh cứ phải đầu tư quà cáp làm gì. Tết đến nhà nào cũng đầy quà rồi còn gì.”

Mỗi lần như thế, chồng tôi lại vui vẻ trả lời: “Việc tặng quà này nên trở thành truyền thống của gia đình mình. Theo anh đây là chuyện nên làm, rồi em sẽ thấy điều này là cần thiết.”

Nghe những lời chồng nói, tôi dừng việc đang làm rồi quay lại nhìn anh với ánh mắt đầy khó hiểu: “Anh là người hào phóng nhất cái khu phố này đấy. Chi tiền triệu để tặng quà cho người khác trong khi chúng ta đã bao giờ được nhận bất cứ cái gì từ họ đâu.”

“Em nghĩ nhiều thế để làm gì, cho đi là hạnh phúc”, chồng tôi nói.

Nghe đến đây, tôi vô cùng bức xúc nói: “Hạnh phúc sao được khi Tết nào cũng có đủ khoản cần chi, nhà mình không giàu có mà anh cứ làm như chúng ta là tỷ phú vậy.” Biết tôi đang giận, chồng tôi chẳng nói gì thêm nhưng vẫn tiếp tục phân chia những hộp quà vào các túi. Sau cuộc cãi vã này, tôi thực sự cảm thấy việc “chi tiêu này” của chồng mình là hành động thừa thãi.

Mắng chồng "lãng phí" khi mua quà Tết tặng hàng xóm, tôi “quay xe” sau 3 năm vì thứ nhận lại giá trị hơn nhiều- Ảnh 1.

Điều kiện kinh tế của gia đình chúng tôi chỉ ở mức trung bình. Chồng tôi làm việc tại một nhà máy nhỏ trong thị trấn, còn tôi dạy ở một trường tiểu học gần nhà. Thu nhập của chúng tôi tuy ổn định nhưng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt và học phí của con cái. Vì vậy nên việc tính toán chi tiêu cho gia đình nhiều lúc khiến tôi rất đau đầu. Bởi chỉ cần tháng nào tiêu “lố” một chút, những kế hoạch to lớn hơn cũng sẽ còn lâu mới thành hiện thực.

Bắt đầu từ 3 năm trước, “truyền thống” tặng quà năm mới của chồng đã thực sự trở thành cái gai trong lòng tôi. Tôi nhớ vào dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, anh ấy biết tin nhà dì Vương hàng xóm đang cần tiền liền “chẳng nói chẳng rằng” lấy tiền trong nhà cho vào phong bì lớn màu đỏ rồi gửi qua bên đó.

Lần đó, tôi đã tranh cãi với chồng vì đó là số tiền cho con tôi đăng ký lớp học thêm. Tuy nhiên vì biết tính chồng luôn thích giúp đỡ người khác nên tôi vẫn phải nhắm mắt cho qua. Tôi biết mục đích của anh ấy là tốt nhưng đôi khi, tôi thực sự cảm thấy rằng hành động đó đã đi quá xa, bỏ qua tình hình tài chính thực tế của gia đình chúng tôi.

Sau cuộc cãi vã trước Tết, Lý Cường dường như không bị ảnh hưởng nhiều, vẫn kiên quyết tặng quà Tết cho hàng xóm. Dù không hài lòng nhưng tôi cũng không nói gì thêm, kết quả là bầu không khí giữa vợ chồng tôi ngày càng lạnh nhạt.

Chiến tranh lạnh kéo dài cho đến sau Tết Nguyên Đán, hôm đó tôi bận việc ở nhà nên vô tình bị ngã và bong gân mắt cá chân, đau đến mức không đứng dậy được. Sau khi đến bệnh viện khám và được chồng quan tâm chăm sóc, đôi chân của tôi cũng đã đỡ đau hơn rất nhiều. Những ngày sau đó, tôi vô cùng ngạc nhiên khi chuông cửa vang lên liên tục. Sau đó là rất nhiều hàng xóm lần lượt đến nhà thăm tôi.

Mắng chồng "lãng phí" khi mua quà Tết tặng hàng xóm, tôi “quay xe” sau 3 năm vì thứ nhận lại giá trị hơn nhiều- Ảnh 2.

Hóa ra, vì biết tin tôi bị thương nên đã đặc biệt đến hỏi thăm sức khỏe. Người cầm túi bánh, người mang ít hoa quả ghé nhà rồi trò chuyện với vợ chồng tôi rất vui vẻ. Điều này khiến tôi vô cùng cảm động. Không những thế, nửa năm sau đó khi biết vợ chồng tôi đang cần tiền để sửa lại căn nhà, những người hàng xóm này cũng không ngần ngại cho chúng tôi vay tiền và phụ giúp chồng tôi một số việc nhỏ. Chưa hết, mỗi khi tôi bận việc không thể chăm con, luôn có hàng xóm đồng ý giúp tôi làm điều đó. Họ cũng thường mời gia đình tôi đến nhà chơi và tham gia một số hoạt động nghỉ lễ thú vị.

Đến lúc này, sự bất mãn và oán giận trước đây của tôi đối với chồng cũng đột nhiên biến mất. Tôi chợt hiểu rằng những sự quan tâm và hành động biếu quà Tết của chồng tôi trong nhiều năm qua đã gieo mầm tình cảm và sự gắn kết giữa những người hàng xóm trong khu phố. Để rồi giờ đây, hạt mầm này sinh sôi và lớn nhanh, giúp chúng tôi thu về quả ngọt dưới một hình thức khác.

Cũng từ đó, tôi không còn phàn nàn gì về thói quen tặng quà Tết của chồng nữa. Thay vào đó, tôi ủng hộ anh ấy và đôi khi chúng tôi còn cùng nhau chọn quà. Tôi nhận ra rằng cuộc sống không chỉ có sự tính toán được và mất mà còn có tình yêu thương và sự san sẻ. Qua trải nghiệm này, mối quan hệ của những hộ gia đình trong khu phố tôi sống cũng trở nên bền chặt hơn.

(Theo 163.com)

Theo Ánh Lê

Cùng chuyên mục
XEM