Malaysia trả lại... rác cho các nước phát triển
Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin cho biết Kuala Lumpur bắt đầu gửi lại phế liệu nhựa cho các nước phát triển.
Reuters hôm 21-5 dẫn lời bà Yeo nói rằng hầu hết phế liệu nhựa đổ vào Malaysia bị ô nhiễm và nhựa chất lượng thấp từ các nước phát triển không thể tái chế.
Bà Yeo cho biết các nước phát triển phải chịu trách nhiệm về những gì họ gửi đi: "Một số phế liệu nhựa đổ vào Malaysia đã vi phạm Công ước Basel - hiệp ước của Liên Hiệp Quốc về buôn bán và xử lý chất thải nhựa".
Hồi năm ngoái, Malaysia trở thành bãi thải phế liệu nhựa của thế giới sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu các loại chất thải như vậy, làm gián đoạn dòng chảy hơn 7 triệu tấn phế liệu nhựa mỗi năm.
Hàng chục nhà máy tái chế sau đó mọc lên ở Malaysia, trong đó nhiều nhà máy không có giấy phép hoạt động và người dân phàn nàn về việc môi trường bị phá hủy.
Bãi rác ở Bachok - Malaysia. Ảnh: Reuters
Malaysia đã gửi 5 thùng chất thải nhựa bị ô nhiễm được nhập lậu vào nước này trở về nơi xuất xứ. Thêm một số lượng nhựa không thể tái chế sẽ được gửi trả vào tuần tới. Bà Yeo không xác định danh tính những kẻ buôn lậu nhưng cho hay một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Theo Reuters, nhập khẩu chất thải nhựa của Malaysia từ 10 quốc gia nguồn lớn nhất của nước này đã tăng vọt lên 456.000 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7-2018 so với 316.600 tấn trong cả năm 2017 và 168.500 tấn năm 2016.
Mỹ, Anh, Nhật Bản và Úc là 4 trong những quốc gia xuất khẩu chất thải nhựa hàng đầu sang Malaysia.
Chất thải nhựa từ Úc đổ vào Indonesia, Ấn Độ và Malaysia gia tăng sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu các loại chất thải như vậy. Ảnh: ABC News
Nhựa không phù hợp để tái chế khi đốt cháy sẽ giải phóng các hóa chất độc hại vào bầu khí quyển. Nếu đổ ra bãi rác, chúng có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước và đất.
Hôm 17-5, 180 quốc gia đã đạt được thỏa thuận sửa đổi Công ước Basel nhằm làm cho việc buôn bán chất thải nhựa trở nên minh bạch và được điều tiết tốt hơn cũng như đảm bảo hoạt động quản lý chất thải nhựa an toàn hơn cho sức khỏe con người và môi trường.
Mỹ - nước xuất khẩu chất thải nhựa hàng đầu thế giới - đã không phê chuẩn hiệp ước 30 năm tuổi này. Bà Yeo hy vọng việc sửa đổi hiệp ước sẽ hạn chế dòng chảy phế liệu nhựa đến các nước đang phát triển.