Mailchimp: Đế chế tiếp thị điện tử 4,2 tỷ USD được phát triển từ một cựu DJ

26/02/2019 21:02 PM | Kinh doanh

Với doanh thu 600 triệu USD, Mailchimp đã tăng gấp đôi giá trị của nó trong vòng 2 năm qua và đạt 4,2 tỷ USD. Kết quả kinh doanh thuận lợi của Mailchimp đã giúp cho Ben Chestnut, đồng sáng lập và CEO của công ty này, lọt vào top 400 người giàu nhất thế giới của Forbes năm 2018 với khối tài sản trị giá 2,1 tỷ USD.

Sự thành công của Mailchimp phụ thuộc rất lớn vào các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ. Dịch vụ phổ biến nhất của công ty này – email marketing – có vẻ là một phương tiện công nghệ thấp và không hấp dẫn trong năm 2018. Nhưng các chủ doanh nghiệp nhỏ không đủ tiền để thuê đội ngũ marketing hoặc những người chạy quảng cáo chuyên nghiệp trên các trang mạng xã hội.

Đối với 20 triệu người đang sử dụng Mailchimp, khả năng gửi một email quảng cáo đẹp, nội dung hấp dẫn có thể là sự khác biệt giữa phá sản và thành công. Chestnut và người đồng sáng lập, Dan Kurrzius, đã làm việc cật lực để giữ giá cả phải chăng cho dịch vụ mà họ cung cấp. Khách hàng của Mailchimp không phải trả gì cho 2.000 người đăng ký đầu tiên hoặc 12.000 mail được gửi, và sau đó là 10 USD/tháng.

Chi phí thấp cho quảng cáo có thể chuyển thành một ưu điểm lớn cho các doanh nghiệp nhỏ. Tại Stringjoy, một doanh nghiệp sản xuất dây đàn ghita tùy chỉnh có trụ sở tại Nashville, chủ sở hữu Scott Marquart nói rằng mỗi 1 USD anh ấy chi để gửi email hàng tuần thông qua phần mềm Mailchimp đem lại 20 USD doanh thu mới. Anh chia sẻ: “Khách hàng cảm thấy như là họ biết tôi.”

Sự ra đời của Mailchimp

Mailchimp: Đế chế tiếp thị điện tử 4,2 tỷ USD được phát triển từ một cựu DJ - Ảnh 1.

Là con trai của một quân nhân Mỹ và một người phụ nữ Thái Lan, Chestnut chuyển đến Georgia Tech vào năm 1994 để học ngành thiết kế công nghiệp, nhưng anh nhận ra mình chỉ muốn học cách dựng website – một lĩnh vực mà ngôi trường này không dạy vào giữa những năm 1990s. Do đó, anh đã tự học bằng cách đọc sách và kiếm được việc làm tại Cox Interactive Media.

Tại đây, Chestnut đã thuê Kurzius, một DJ bán thời gian, cựu vận động viên trượt ván và là người đã nói dối về khả năng coding của mình, để làm việc cho bộ phận cung cấp dịch vụ nhạc MP3 của Cox Interactive Media trong thời đại Internet. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, bộ phận này đã bị ngừng hoạt động khi bong bóng công nghệ xảy ra.

Sau đó, Kurzius đã đảm nhiệm một chức vụ khác trong công ty, nhưng Chestnut đã bị cho nghỉ việc, và dành vài tháng tiếp theo trở thành người dựng website tự do. Dù không còn là đồng nghiệp, Chestnut và Kurzius vẫn cùng nhau mày mò tìm tòi, trong đó có một trang web về thiệp điện tử.

Mùa xuân năm 2000, Chestnut không phải là người thất nghiệp duy nhất. Tiệm bánh của cha Kurzius cũng phá sản, chị gái của Chestnut phải đóng cửa tiệm làm tóc. Chứng kiến chuyện xảy ra với gia đình mình, họ đã nảy ra ý tưởng: Điều gì sẽ xảy ra nếu một trang web đơn giản có thể cho phép các chủ doanh nghiệp nhỏ dễ dàng gửi email cho khách hàng trung thành nhất của họ? Nó có thể không cứu được công việc kinh doanh, nhưng chắc chắn không gây ra tác động xấu trong một thị trường ngày càng cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Và đó là tiền đề để Mailchimp ra đời.

Cách thức hoạt động của Mailchimp

Mailchimp: Đế chế tiếp thị điện tử 4,2 tỷ USD được phát triển từ một cựu DJ - Ảnh 2.

Mailchimp, được đặt tên theo nhân vật nổi tiếng nhất trên thiệp điển tử của họ, ra mắt vào năm 2001 và chỉ là một dự án phụ trong nhiều năm, đem lại lợi nhuận khoảng vài nghìn USD/tháng. Sau đó vào năm 2007, khi nó đạt 10.000 người dùng, cả 2 quyết định đầu tư toàn thời gian cho Mailchimp.

Để ý đến những gì có thể xảy ra khi các nhà đầu tư bên ngoài nắm quyền kiểm soát, họ đã tránh xa vốn đầu tư mạo hiểm và thay vào đó, sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư, cam kết sẽ cung cấp một tính năng mới mỗi tháng để vượt qua đối thủ được đầu tư tốt hơn của họ.

Nhân viên Mailchimp được hưởng lợi nhuận dựa trên cổ phần và sự ổn định nhờ tăng trưởng nhanh chóng của công ty. Mailchimp trở nên viral nhờ sức mạnh truyền miệng và chiến lược tiếp thị thông minh. Podcast đột phá 2015, Serial, là một trong những ví dụ thành công của Mailchimp.

Email vẫn là lĩnh vực chính của công ty, nhưng Kurzius đã bắt đầu tìm hiểu nhu cầu mới của khách hàng, thực hiện 8 – 10 chuyến công tác xuyên quốc gia mỗi năm để nói chuyện với các doanh nhân quy mô nhỏ. Sau các chuyến đi, anh đã biết rằng các chủ cửa hàng và doanh nghiệp nhỏ muốn giúp quảng cáo trên Facebook, Twitter và Instagram. Vì vậy, Mailchimp đã thêm các công cụ đơn giản để chạy các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội. Dễ sử dụng vẫn là ưu tiên hàng đầu của công ty.

Hiện tại, sau nhiều tháng làm “công tác hậu trường”, Chestnut và Kurzius đã tiết lộ kế hoạch mà Chestnut gọi là “Act Two”. Một số dự án sẽ mang tính công nghệ thấp như thử nghiệm bưu thiếp in. Khách hàng của họ đã gửi đi 25.000 chiếc vào mùa hè năm 2018.

Các dự án khác thì tinh vi hơn nhiều. Bằng cách theo dõi cơ sở khách hàng của một doanh nghiệp trên mọi điểm tương tác mua hàng, từ Facebook, email hay tại cửa hàng, Mailchimp muốn cải thiện danh sách email, yếu tố đã làm nên tạo dựng nên tên tuổi của công ty, thêm các đối tượng khách hàng tiềm năng như những khách hàng đã không mua sắm gì trong vòng 6 tháng gần nhất.

Các tính năng như vậy xếp ngang hàng với các phần mềm đắt tiền hơn như Salesforce. Mailchimp đang cố gắng biến các dịch vụ này phù hợp với khả năng tài chính của các doanh nghiệp nhỏ. John Foreman, người đứng đầu bộ phận sản xuất của Mailchimp, cho biết: “Chúng tôi có thể dân chủ hóa công nghệ này. (Điều này) giống như ăn cắp lửa từ các vị thần vậy.”

Chính thách thức mới đó khiến cả Chestnut và Kurzius có vẻ sẽ gắn bó trọn đời với Mailchimp, ngay cả khi họ đã lập gia đình. Cả hai nhà sáng lập đều chưa cân nhắc đến việc biến công ty của mình thành một công ty cổ phần đại chúng hay bán nó. Họ đều cảm thấy hạnh phúc vì mình đã có thể giúp được nhiều người. Chestnut còn nói thêm, thể hiện tham vọng của mình: “Tôi muốn cho mọi người thấy rằng 17 năm qua mới chỉ là một sự khởi động.”

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM