Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Cần mạnh tay chặt 'vòi bạch tuộc'

12/12/2020 08:31 AM | Xã hội

Sau loạt bài cảnh báo hiện tượng đa cấp biến tướng, báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm trực tuyến “Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Nhận diện những biến tướng mới”. Đại diện các bộ ngành quản lý nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và luật sư đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý những “vòi bạch tuộc” đa cấp biến tướng.

Hầu hết người tham gia đa cấp không đòi được tiền

Mở đầu tọa đàm, nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, báo Tiền Phong có nhiều tuyến bài cảnh báo về vấn đề bán hàng, huy động vốn đa cấp biến tướng. “Đa cấp biến tướng thời 4.0 giống như vòi bạch tuộc đang len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người. Buổi tọa đàm mời đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp cung cấp thông tin giúp định hướng cho người tiêu dùng, bạn đọc, có thể nhận biết, hiểu rõ hơn về sự biến tướng của bán hàng đa cấp để tự bảo vệ mình”, ông Lê Minh Toản đề dẫn.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), hoạt động bán hàng đa cấp đang biến tướng rất phức tạp. Các đối tượng này hoạt động thông qua nhiều hình thức như mua cổ phần, huy động vốn, mua phân quyền kinh doanh, đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, dự án… Đa số đối tượng chuyển sang hoạt động online, lập nhóm kín để hoạt động, rất khó phát hiện.

“Từ 2018 đến nay, chúng tôi chuyển nhiều vụ việc đến cơ quan điều tra. Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến hoạt động Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Đầu tư Thời gian vàng (GoldTime) với tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Gần đây, chúng tôi thu thập một số thông tin về các hình thức đầu tư tài chính nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân là thị trường ngoại hối (Foreign Exchange hay Forex) và Đầu tư quyền chọn nhị phân (Binary Options hay BO), ví dụ như sàn Forex Liber, AFGold, Bitomo…”, ông Tuấn cho biết.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đăng nhiều tin cảnh báo cho người dân đồng thời thu thập các thông tin, dấu hiệu của hành vi vi phạm để chuyển Bộ Công an xử lý theo thẩm quyền. Trong thời gian tới, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp tổng thể nhằm quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp, đặc biệt là các hành vi kinh doanh đa cấp không phép, thông qua trang web, facebook…

Thiếu tá Bùi Thế Ngọc - Phòng điều tra án Công nghệ cao (Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an) cho biết, một trong những thủ đoạn mới của đa cấp biến tướng là chuyển tiền của nhà đầu tư đổi thành điểm. Mỗi một kỳ, một tuần hoặc tháng, điểm này được nhân lên.

“Người dân thấy điểm nhân lên tưởng lãi, thực ra không phải. Người chơi càng đông, tiền càng lớn thì website đó có thể bị sập. Các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là TPHCM ngày càng nhiều, kêu gọi nhiều người dân tham gia. Người dân kéo theo gia đình, họ hàng, bạn bè nhân số lượng lên ngày càng đông. Khi cảm thấy không có tính thanh khoản nữa thì các đối tượng nước ngoài rút về nước, để lại người Việt. Khi cơ quan điều tra nhận được đơn và phát hiện ra thì số lượng người bị lừa rất lớn, tiền bị chiếm đoạt rất nhiều, thiệt hại hết sức nặng nề”, thiếu tá Ngọc cho biết.

Theo thiếu tá Ngọc, đa cấp biến tướng đánh vào tâm lý, đánh vào lợi nhuận. Tiền trả theo tháng đầu tiên, tháng thứ 2, tức lấy tiền người nọ trả người kia, hoặc trả bằng điểm thưởng. Bộ Công an đã làm việc với các đơn vị, nhà mạng để ngăn chặn những website có dấu hiệu, nhất là của những công ty không được cấp phép để theo dõi hình thức quảng cáo; làm việc với các nhà mạng chặn các đường link lừa đảo.

Thiếu tá Ngọc nhấn mạnh, các đối tượng đứng ra nhận tiền người dân để chuyển thành sản phẩm không có thực là người Việt Nam. Song đứng sau những người Việt này lại là người nước ngoài.

NHNN sẽ phối hợp các bộ, ngành xử lý sàn forex trái phép

Ông Đào Xuân Tuấn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối là hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được NHNN cấp phép. Đến nay, NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ một sàn Forex nào tại Việt Nam. Do vậy, hoạt động của sàn Forex tại Việt Nam là vi phạm pháp luật. Việc người dân tham gia vào các sàn giao dịch Forex bất hợp pháp là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Bộ Công an và cơ quan cảnh sát điều tra các tỉnh, thành phố đã trao đổi với NHNN đề nghị cung cấp khung pháp lý có liên quan nhằm phục vụ công tác xác minh, điều tra các vụ án về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động của các sàn Forex trên không gian mạng. NHNN cũng đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị có biện pháp quản lý các sàn giao dịch Forex trên không gian mạng.

Theo luật sư Đỗ Anh Tú,  Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: “Tương lai, tôi cho rằng nên có quy định cụ thể về đa cấp, Forex, tiền ảo. Như các quốc gia Singapore, Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc về công nghệ quản lý các hoạt động này”.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, nếu người tiêu dùng ham lợi nhuận lớn là tự đưa mình vào “thòng lọng” của ma trận các sàn đa cấp biến tướng, làm ăn không đứng đắn.

Liên quan đến câu hỏi, làm sao để phân biệt giữa đa cấp biến tướng và đa cấp chân chính, bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, trước khi cấp giấy phép, cơ quan quản lý địa phương phải biết công ty đó làm gì, quản lý ra sao. Ví dụ như ứng dụng Myalddinz, quảng cáo cứ chạm tay là có tiền, làm sao có như thế được. “Chấn chỉnh đầu tiên là từ cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý phải kiểm soát vấn đề cấp phép”, bà Nhi nói.               

Quỳnh Nga

Cùng chuyên mục
XEM