Lý do vàng miếng hết thời 'phát sốt'

30/12/2022 08:54 AM | Kinh doanh

Kể từ khi Nghị định số 24 ban hành năm 2012 có hiệu lực, thị trường không còn những “cơn sốt” vàng miếng như trước đây, nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu vừa được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM (SJA) công bố, từ năm 1991-2012, số lượng vàng nguyên liệu, vàng ký, vàng hạt cả nước nhập khẩu và tiêu thụ ước khoảng hơn 1.000 tấn. Riêng TPHCM tiêu thụ khoảng 80% số lượng vàng nhập khẩu nói trên, tương đương 800 tấn.

Từ tháng 5/2012 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức không còn nhập khẩu vàng nguyên liệu sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP kiểm soát thị trường vàng miếng.

Cụ thể, kể từ khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần ổn định thị trường vàng trong nước.

Theo đó, thị trường được tổ chức, sắp xếp lại chặt chẽ. Tính hấp dẫn của vàng miếng và hoạt động đầu cơ vào vàng miếng cũng giảm đáng kể. Mạng lưới kinh doanh vàng miếng cũng được thu hẹp mạnh.

Thay vào đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng đã đẩy mạnh đầu tư hệ thống nhà xưởng sản xuất và mở rộng hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, tuyển dụng mới hàng nghìn lao động. Tổng sản lượng của các doanh nghiệp đạt hơn 11 triệu sản phẩm/năm, ước trên 40 tấn/năm, giải quyết việc làm cho hơn 38.000 người lao động là thợ kim hoàn trong những năm qua.

Lý do vàng miếng hết thời 'phát sốt' - Ảnh 1.

Có thời điểm giá vàng trong nước biến động mỗi ngày 5-7 giá, chênh lệch từ 200.000 đồng đến 7 triệu đồng/lượng vàng 99,99%.

Đối với vàng trang sức mỹ nghệ, khối lượng sản xuất và tiêu thụ hàng năm đều tăng. Từ năm 1991-2021, bình quân mỗi năm cả nước sản xuất và tiêu thụ ước gần 50 tấn vàng trang sức mỹ nghệ. Riêng TPHCM tiêu thụ khoảng 80% trong số đó, tức khoảng 40 tấn.

Tuy nhiên, giá cả thị trường vàng bạc trong nước hầu như không bắt nhịp với thị trường thế giới, thoát khỏi dự đoán của các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng. Có thời điểm giá vàng trong nước biến động mỗi ngày 5-7 giá, chênh lệch từ 200.000 đồng đến 7 triệu đồng/lượng vàng 99,99%.

SJA cũng cho biết, doanh thu xuất khẩu vàng trang sức vào khoảng 20-30 triệu USD/năm trong giai đoạn vừa qua. Vàng nữ trang của Việt Nam được xuất sang các nước châu Âu như Đức, Đan Mạch, Pháp và cả thị trường châu Á.

Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp TPHCM vào khoảng 11 triệu sản phẩm/năm, chiếm gần 40 tấn vàng/năm. Hàng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu vào khoảng 2,4 triệu sản phẩm/năm, tập trung ở các đơn vị có đầu tư thiết bị công nghệ, lực lượng lao động có tay nghề, năng lực tài chính.

Những năm gần đây, dịch bệnh COVID-19 cũng khiến nhiều cơ sở sản xuất, thợ kim hoàn gặp khó khăn, thị trường sụt giảm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và thợ kim hoàn. Điều này dẫn tới không ít doanh nghiệp kinh doanh vàng, thợ kim hoàn đóng cửa, chuyển sang nghề khác, chỉ doanh nghiệp vốn lớn, có kinh nghiệm thị trường, sản xuất sản phẩm hàng loạt, ít chi phí, hạ giá thành mới trụ được, còn các doanh nghiệp nhỏ đều gặp khó khăn.

SJA cũng kiến nghị cần có các chính sách để thúc đẩy ngành nữ trang phát triển, nhất là phải xem ngành vàng bạc, đá quý là một ngành kinh tế, kỹ thuật, để có chủ trương chiến lược và công cụ quản lý về nguồn nhân lực, thiết bị công nghệ, đầu tư tài chính.

Đặc biệt, SJA cho rằng chính sách tín dụng của ngân hàng phải bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý.

Theo Duy Quang

Cùng chuyên mục
XEM