Lý do Microsoft vẫn nhảy vào vũ trụ ảo dù chứng kiến Meta lỗ hàng tỷ USD

27/10/2022 14:14 PM | Kinh doanh

Khác với Meta khi phát triển ôm đồm, Microsoft nhắm đến đối tượng khách hàng doanh nghiệp mà đặc biệt là quân đội Mỹ.

Mới đây, Meta (Facebook) đã công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ lên đến 9,4 tỷ USD từ đầu năm đến nay cho mảng kính thực tế ảo Reality Labs. Vậy nhưng một ông lớn ngành công nghệ khác là Microsoft lại cũng đang nhảy vào mảng này.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Microsoft là một trong những ông lớn tiên phong bên cạnh Meta tiến vào mảng kính thực tế ảo với sản phẩm HoloLens. Tuy nhiên cùng chung hiện trạng với Meta, Microsoft đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn cũng như sự kiên nhẫn đến giới hạn của nhà đầu tư.

Kể từ khi được phát triển đến nay, HoloLens vẫn gặp nhiều rào cản công nghệ và chưa thể gây ấn tượng với khách hàng mà Microsoft hướng tới là quân đội Mỹ.

im.jpg

Trong vòng 2 năm trở lại đây, hơn 100 nhân viên của đội ngũ phát triển HoloLens đã rời bỏ công ty, bao gồm cả những trưởng nhóm lâu năm. Hậu quả là Microsoft đang phải tái cấu trúc lại đội ngũ với nhân số hiện lên đến hơn 1.000 người, bất chấp bối cảnh phải tiết kiệm ngân sách cho thách thức suy thoái kinh tế cũng như giảm tốc tăng trưởng.

“Chúng tôi có cơ hội chiến thắng trên thị trường này bởi chúng tôi đi trước và có lợi thế ở nhiều mặt. Thế nhưng công ty thì lại chẳng cung cấp đủ nguồn lực và nhân viên”, Cựu giám đốc Tim Osborne của đội ngũ HoloLens cho biết.

Việc xây dựng một bộ kính thực tế ảo cùng phần mềm tương thích với nền tảng vũ trụ ảo khó khăn hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng của mọi người. Tuy vậy theo những cựu nhân viên Microsoft, công ty này không chú trọng đúng mức đến mảng này như Facebook, khiến chiến lược phát triển của mảng kính thực tế ảo trở nên không rõ ràng và bền vững.

Bất chấp những khó khăn đó, Phó chủ tịch Frank Shaw của Microsoft khẳng định hãng vẫn sẽ phát triển HoloLens cũng như vũ trụ ảo.

Tờ WSJ cho biết trong nhiều thập niên qua, Microsoft luôn có ưu thế cho việc phát triển vô số sản phẩm công nghệ như máy nghe nhạc, máy tính bảng hay điện thoại. Tập đoàn này chỉ thua Apple và một số công ty khác ở một số sản phẩm, nhưng lại có thế mạnh rất lớn trong những mảng như điện toán đám mây hay trò chơi điện tử.

Dẫu vậy, Microsoft được cho là vẫn đang gặp khó khăn khi muốn đột phá công nghệ kính thực tế ảo. Tồi tệ hơn, lợi nhuận của hãng trong quý III đã giảm còn doanh số thì giảm tốc do nhu cầu máy tính cá nhân cũng như phần mềm của Microsoft đi xuống.

Canh bạc mới

Trên thực tế, tờ WSJ nhận định hàng loạt những ông lớn ngành công nghệ sẽ đổ nhiều tỷ USD cho vũ trụ ảo. Apple, Google và Meta đều được kỳ vọng sẽ cho ra mắt dòng kính thực tế ảo của thương hiệu mình trong những năm tới.

Bởi vậy không có gì khó hiểu khi Microsoft lựa chọn hợp tác với Meta để đi trước trong cuộc đua này khi cho biết sẽ phát triển phần mềm tương thích với dòng kính thực tế ảo Quest, có chăng là mức độ đầu tư của hãng không bằng so với quyết tâm của CEO Mark Zuckerberg mà thôi.

tai-xuong-2-.jpg

Theo WSJ, ban đầu dự án HoloLens là một thử nghiệm của đội ngũ phát triển trò chơi điện tử Microsoft khi tưởng tượng về thế hệ chơi game mới trong tương lai. Cựu kỹ sư Avi Bar Zeev của Microsoft cho biết cái tên ban đầu của thiết bị là “Screen Zero”, ám chỉ sản phẩm có thể thay thế được mọi màn hình bằng hệ thống thực tế ảo cho người chơi.

Đến năm 2010, Microsoft bắt đầu phát triển những công nghệ nền tảng cho sản phẩm này. Người đeo thiết bị của hãng lúc này chỉ mới thấy những khối hình vuông trôi nổi xung quanh, thế rồi hình cá heo bơi lội...

Theo chuyên gia Zeev, việc đưa mọi công nghệ tiên tiến nhất vào một chiếc kính thực tế ảo là việc rất khó khăn chứ không hề đơn giản. Đó sẽ phải là một sản phẩm thoải mái cho người đeo, tích hợp được cả phần cứng lẫn phần mềm, chứa cả nguồn điện để duy trì hoạt động.

Vào năm 2015, CEO Satya Nadella của Microsoft giới thiệu dòng kính thực tế ảo HoloLens đầu tiên của hãng và quảng bá đó là công nghệ cho tương lai. Vậy nhưng với mức giá lên đến 3.000 USD thì chúng quá đắt cho phần lớn người dùng, bởi vậy hãng đã chuyển hướng sang đối tượng khách hàng doanh nghiệp.

Tập đoàn này đã hợp tác với Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) để phát triển công nghệ cho phép người đeo HoloLens nhìn được bề mặt sao hỏa, qua đó nhắm đến những công ty liên quan đến vũ trụ không gian.

Microsoft thậm chí còn xây dựng hằn tòa Building 92 cho mảng này bởi chỉ một chấn động nhỏ hay ánh sáng tự nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến bộ cảm biến của kính thực tế ảo trong quá trình phát triển.

Hiện một số doanh nghiệp đã tỏ ra hứng thú với HoloLens, như hãng hàng không Japan Airlines hay Airbus dùng để đào tạo nhân viên. Hãng xe Mercedes Benz cũng đang dùng HoloLens để hướng dẫn khách hàng ở xa chi tiết cách dùng và những chú ý với sản phẩm ô tô của hãng.

Tuy nhiên phải đến năm 2018, khách hàng lớn nhất của Microsoft mới lộ diện: Quân đội Mỹ.

tai-xuong-1-.jpg

Vũ khí công nghệ

Năm 2018, Microsoft đạt được thỏa thuận với quân đội Mỹ trị giá 21,88 tỷ USD. Công ty của nhà sáng lập Bill Gates đã được chọn để phát triển Hệ thống tăng cường hình ảnh tích hợp (IVAS) nhằm giúp huấn luyện các binh sĩ tương tác với chiến trường ảo. Hiện Microsoft đã nhận được 480 triệu USD để phát triển các nguyên mẫu.

Nhờ khách hàng lớn này mà Microsoft càng có động lực tích hợp những công nghệ mới cho kính thực tế ảo, từ chống sốc, chống nước, gắn radio và kính nhìn đêm cho đến hệ thống camera phân giải cao.

Tuy nhiên những thử nghiệm ban đầu cho thấy sản phẩm còn rất nhiều nhược điểm, từ trở nên nóng máy khi hoạt động lâu, không thoải mái khi đeo, quá nặng cho đến gây mỏi mắt, kết nối chập chờn. Tháng 10/2021, quân đội Mỹ đã phải tạm dừng dự án vì không muốn đốt 21,88 tỷ USD tiền thuế của dân cho một công nghệ chưa hoàn thiện.

Vậy nhưng đến tháng 8/2022, sức ép cuộc đua công nghệ trên thế giới đã khiến dự án này được quân đội Mỹ tái khởi động.

Tuy nhiên tại thời điểm này, nhiều nhân viên kỳ cựu đã rời đội ngũ HoloLens của Microsoft để đầu quân cho Meta, nhất là khi tầm nhìn dài hạn của Microsoft bị mọi người đánh giá là không rõ ràng còn lượng công việc thì đang quá tải.

Tồi tệ hơn, Microsoft đang phải cắt giảm ngân sách để chuẩn bị cho khả năng suy thoái kinh tế, qua đó nhiều dự án thực tế ảo hay sản phẩm liên quan đến phân khúc người tiêu dùng cá nhân đã bị hủy bỏ.

Số liệu của Data Corp cho thấy HoloLens mới bán được khoảng 300.000 chiếc trong khi Meta bán được đến 17 triệu chiếc Quest 2, vốn là sản phẩm ra đời sau vào năm 2020. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi tờ Insider cho biết Microsoft sẽ hủy bỏ dự án nâng cấp HoloLens 3.

“Hiện Microsoft đang mới chỉ quan tâm đến việc công nghệ này sẽ tạo nên cuộc cách mạng to lớn thế nào cho thế giới, trong khi thực tế họ nên tập trung hơn vào vấn đề tại sao sản phẩm này lại hấp dẫn hơn một chiếc smartphone để người dùng mua chúng?”, kỹ sư Zeev nhận định.

*Nguồn: WSJ

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM