Lý do đặc biệt khiến "nhạc trưởng" của quỹ đầu tư lớn nhất thế giới "ngồi" trên 6.000 tỷ USD suốt mấy chục năm qua nhưng chỉ vừa mới trở thành tỷ phú USD
Từ năm 1994 đến nay, ông chủ Larry Fink của BlackRock vẫn luôn kiên định với chiến lược thu hút nhân tài bằng cách "san sẻ" cổ phần cho nhân viên.
Không khó để mường tượng ra cảnh Larry Fink , CEO của Blackrock, với cốc cà phê Starbucks trên tay, bước đi trên phố Park Avenue, và chạm mặt Stephen Schwarzman, sếp cũ của ông tại Blackstone.
Larry Fink và Stephen Schwarzman, hai chuyên gia tài chính thành công nhất trong thời đại này, là kỳ phùng địch thủ suốt nhiều năm qua. Họ làm việc, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ở hai đầu trên cùng một con đường, và là hiện thân của một cuộc đua trong ngành quản lý tài sản. Một bên là Fink, người đàn ông quyền lực trong các khoản đầu tư thụ động chi phí thấp. Và bên kia là Schwarzman, một nhà đàm phán theo lối truyền thống và là nhà vô địch trong các khoản đầu tư chi phí cao như các quỹ đầu tư tư nhân (PE - đầu tư vào công ty chưa niêm yết dưới hình thức đầu tư góp vốn tư nhân).
Câu chuyện về sự nghiệp "song sinh" của họ đã được nhiều người biết đến. Ban đầu, hai người cùng làm việc tại tập đoàn đầu tư Blackstone Group LP của Schwarzman, và sau đó, sự chia tách không thể tránh khỏi đã diễn ra. Fink ra đi mang theo cái được cho là yếu thế tại thời điểm đó: BlackRock Inc.
Thế nhưng giờ đây, BlackRock không còn là kẻ yếu thế nữa. Gần đây, thế giới đầu tư dường như nghiêng về phía "tảng đá đen" này. Quỹ đầu tư này hiện đang nắm giữ khối tài sản trị giá 6.300 tỷ USD, từ đó trở thành công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới và là kẻ thống lĩnh thị trường trong các khoản đầu tư thụ động.
Quy mô tầm cỡ và sự đa dạng đã giúp Blackrock đứng vững trong bối cảnh thị trường đầy biến động trong năm 2018. Kết quả kinh doanh quý I được công bố hồi tuần trước đã vượt qua cả các dự đoán trước đó, dù giới đầu tư "đổ" ít tiền hơn vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) của công ty này. Theo đó, trong quý đầu tiên của năm nay, Blackrock thu hút được lượng tiền ròng dài hạn đạt 55 tỷ USD và doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vậy mà khối tài sản cá nhân của Fink cuối cùng cũng đã vượt qua con số 1 tỷ USD, theo chỉ số Bloomberg Billionaires . Như vậy, Fink đã bước lên hàng tỷ phú cùng với những cái tên như Jamie Dimon và Warren Buffett.
Ngược lại, khối tài sản thuộc sự quản lý của Blackstone chỉ dừng lại ở mức 434 tỷ USD. Nhưng Schwarzman lại chẳng hề hấn gì. Vị CEO này đã có tên trong hàng ngũ tỷ phú từ nhiều năm trước và hiện đang nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 12 tỷ USD, theo xếp hạng của Bloomberg.
Sự chênh lệch giữa Fink và Schwarzman, cả về chiến lược và khối tài sản cá nhân, tiết lộ nhiều điều về mô hình kinh doanh của mỗi người. Fink "ì ạch" trên con đường làm giàu cho cá nhân mình vì "nhạc trưởng" của Blackrock chỉ nắm giữ lượng cổ phần "tí hon" trong tập đoàn này: 0,7%.
Từ năm 1994 đến nay, Fink vẫn luôn kiên định với chiến lược thu hút nhân tài bằng cách "san sẻ" cổ phần cho nhân viên. Có lẽ nhờ vậy mà Fink đã giữ chân được phần lớn các lãnh đạo cấp cao của Blackrock từ những ngày đầu thành lập, khi 5 trong số 8 người đồng sáng lập tập đoàn này hiện vẫn đang sát cánh với Fink. Bên cạnh đó, ông chủ này còn dùng cổ phần của BlackRock để thực hiện chiến lược thâu tóm của mình, trong đó có thương vụ mua lại bộ phận Barclays Global Investors của Ngân hàng Barclays Plc với giá 15 tỷ USD vào năm 2009.
Trên thực tế thì việc Fink chạm đến ngưỡng tỷ phú là minh chứng cho câu chuyện thành công của BlackRock. Kế từ khi "lên sàn" vào năm 1999, giá cổ phiếu của "đại gia" này đã tăng hơn 3.600%, trong khi cổ phiếu của Blackstone gần như vẫn "giậm chân tại chỗ" kể từ khi thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vào năm 2007.
Liệu ông chủ Schwarzman có mảy may hối hận khi đã "ném bỏ tảng đá đen"? Vị CEO này đã từng nói rằng vứt bỏ BlackRock là một sai lầm "đầy quả cảm". Giờ đây, Schwarzman giàu hơn Fink rất nhiều, nhưng xét trên "thành tích" cổ phiếu và tài sản của công ty thì rõ ràng BlackRock mới là người chiến thắng.