Lười mua sắm có thể huỷ diệt Trái Đất

17/03/2017 17:45 PM | Sống

Nghe có vẻ lạ đời, thế nhưng từ chính thói quen mua sắm, thích mua sắm của con người đã khiến các nhà sản xuất ngày một tung ra thị trường những sản phẩm thân thiện, tốt hơn cho môi trường.

Biến đổi khí hậu hiện đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc sống trên trái đất, nhưng đôi khi bạn lại phải đi tìm giải pháp ở những chỗ không ngờ đến. Mặc dù nghe có vẻ ngược đời, nhưng chúng ta phải dùng chính gốc rễ của vấn đề - thói quen tiêu dùng của con người – làm điểm xuất phát cho các giải pháp.

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy những người tiêu dùng, và sự tiêu dùng của chúng ta phải trả giá. Nhưng nếu các nhà sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng bằng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện hơn với môi trường thì sao? Khi đó chúng ta sẽ thực sự có cơ hội giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Do đó, giải pháp đặt ra là hãy biến khách hàng thành những người tiêu dùng sáng suốt hơn.

Cuộc sống của chúng ta rất bận rộn và không phải ai cũng có thời gian, sức lực và tiền bạc để “sống xanh”. Nhưng khi các sản phẩm được thiết kế để giải quyết một vấn đề nào đó – và vô tình nó lại thân thiện với môi trường hơn so với các giải pháp hiện có – thì sự thay đổi sẽ thực sự xảy ra.

Nhận diện những vấn đề của người tiêu dùng

Trong cuốn sách Competing Against Luck, giáo sư Clayton Christensen đến từ trường kinh doanh Harvard đã giải thích rằng người tiêu dùng không mua sản phẩm và dịch vụ, mà thuê chúng để giải quyết một vấn đề nào đó.

Giả thuyết này được gọi là “Những việc cần làm”, trong đó chỉ rõ rằng quyết định mua sắm xuất phát từ mong muốn có được sự tiến triển trong một hoàn cảnh cụ thể. Nếu các nhà sản xuất có thể nhận diện được các vấn đề của người tiêu dùng, họ chắc chắn sẽ tạo ra được những sản phẩm thành công.

Mặc dù các vấn đề đó luôn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh và không nên bị đơn giản hóa, nhưng sẽ rất có ích nếu các nhà sản xuất có thể giải quyết được những vấn đề chung sau đây:

1. Khả năng chi trả

Gần như mọi khách hàng đều đưa khả năng chi trả vào các quyết định mua sắm của mình, vì nó thỏa mãn cả nhu cầu về chức năng và cảm xúc (tôi thấy vui khi mua được thứ mà tôi cho là có giá hợp lý).

2. Cái tôi

Là người tiêu dùng, những gì chúng ta mua thường gửi đi một tuyên ngôn về bản thân mình. Trên thực tế, dữ liệu mà hãng nghiên cứu CNW Marketing Research thu thập được cho thấy trong số 6 lý do được đưa ra khi mua chiếc xe Toyota Prius, lượng khí thải thấp (tức lợi ích về môi trường) xếp thứ 5. Hóa ra hầu hết người tiêu dùng đều không mua chiếc xe thân thiện với môi trường này để giúp trái đất đỡ ô nhiễm, mà bởi vì “nó đưa ra một tuyên ngôn về bản thân tôi”.

3. Tiện dụng

Ngày nay, sự tiện dụng thường là yếu tố tiên quyết và cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn, sách giáo khoa điện tử vừa rẻ hơn so với sách in, lại vừa cho phép học sinh có thể tiếp cận mọi lúc chỉ nhờ mở laptop hoặc máy tính bảng ra, mà không cần phải vác theo cả núi sách mỗi khi đến lớp. Loại bỏ được hàng tấn giấy là một bước khởi đầu tốt đẹp; bây giờ, chúng ta chỉ cần tạo ra các sản phẩm điện tử ít gây hại cho môi trường trong khi sản xuất nữa mà thôi.

4. Hiệu quả tiêu dùng

Kỳ vọng về hiệu quả sử dụng của người tiêu dùng thường thay đổi từ chức năng và độ tin cậy sang chất lượng và khả năng điều chỉnh trong vòng đời của một sản phẩm. Vì lý do này, việc tạo ra các sản phẩm chứa đựng kỳ vọng của khách hàng là rất quan trọng.

Ví dụ: Những nơi bán nông sản địa phương thường làm khách hàng yên tâm hơn về chất lượng và khả năng điều chỉnh. Theo giáo sư Marvin Batte từ đại học bang Ohio thì lý do chính khiến mọi người mua nông sản địa phương là vì hiệu quả tiêu dùng, thậm chí với giá cao: “Sản phẩm tại địa phương có chất lượng tốt hơn, ăn ngon hơn và tươi hơn”, Batte giải thích.

Yêu cầu mọi người và các quốc gia phải hành động bên ngoài lợi ích của họ sẽ không mang lại sức ảnh hưởng cần có để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các nhà sản xuất cần phải giải quyết thói nghiện tiêu dùng của chúng ta bằng các sản phẩm và dịch vụ được cải thiện, ít có hại cho môi trường mà vẫn giúp người tiêu dùng giải quyết được vấn đề của mình.

Chỉ khi giúp mọi người đưa ra những quyết định mua sắm tốt hơn mà không phải hy sinh lợi ích của mình, chúng ta mới có cơ hội bảo vệ hành tinh này và cân bằng lợi ích giữa các khu vực chịu ảnh hưởng khác nhau của biến đổi khí hậu.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM