Lumia: Khi huyền thoại sụp đổ, tất cả hóa tro tàn, còn lại toàn tình yêu

02/10/2016 10:08 AM | Công nghệ

Kết thúc không phải là dấu chấm hết hoàn toàn, mà sẽ mở ra một khởi đầu mới đầy hứa hẹn cho dòng điện thoại từng khiến fan hâm mộ Windows nức lòng.

Nokia - Microsoft và Windows Phone: Tiến thoái lưỡng nan

Nhắc đến Nokia là phải nhắc đến cái tên đã từng được mệnh danh là ông hoàng mobile làm mưa làm gió trong quá khứ và tuổi thơ của thế hệ 9x trở về trước, khiến biết bao đối thủ khác phải thèm muốn, ghen tị. Nhưng thời thế bất ngờ đổi thay, ở kỷ nguyên mà smartphone lên ngôi như hiện tại thì ngai vàng đó đã phải nhường lại cho những thương hiệu đáng gờm khác và hứng chịu nhiều thất bại đáng tiếc.

Bằng chứng là dù đã cố gắng nâng cấp, chăm chút và cải thiện sản phẩm của mình, từ hệ điều hành và phần mềm hay phần cứng thì doanh số thu được cho tới quý cuối 2015 đã tụt thê thảm, chỉ bằng 57% so với cùng kỳ 2014. Giờ đây, thị phần thực tế trên thế giới của Windows Phone chỉ chiếm vỏn vẹn 1%.

Windows Phone (xanh biển) chỉ vừa đủ thoi thóp dưới cùng
Windows Phone (xanh biển) chỉ vừa đủ "thoi thóp" dưới cùng

Cuối cùng, như “giọt nước làm tràn ly”, tháng 5 vừa qua, Microsoft đã bán mảng di động phổ thông cho một công ty con của Foxconn, nhượng quyền thương hiệu Nokia cho HMD Global với giá 350 triệu USD và một phát biểu từ nguồn tin nội bộ được đăng tải trên Now Winbeta: “Microsoft sẽ dừng bán các mẫu smartphone thuộc dòng Lumia vào tháng 12 năm nay.”

Ánh sáng le lói

Vậy 1% thị phần người dùng đó là ai, và tại sao họ vẫn tiếp tục bám trụ lấy dòng điện thoại đang dần bị người đời thờ ơ, lạnh nhạt qua ngày tháng như vậy?

1% - một con số tối thiểu nhưng bấy nhiêu đó là đủ để trải dài cộng đồng trung thành với Windows Phone trên toàn thế giới, mà Việt Nam chắc chắn cũng không phải là một ngoại lệ và nằm trong số đó. Họ là tập thể những người vẫn luôn dành cho Lumia một thứ tình cảm đặc biệt, gắn bó với mọi bước đi của nhà sản xuất phần cứng cũng như phần mềm trên dòng điện thoại mà mình yêu thích, ngay cả khi giờ đây đó chỉ còn là lời hứa “tiếp tục hỗ trợ nền tảng mobile” của Microsoft chứ không còn tăm hơi những sản phẩm mới ra mắt nữa.

Cũng tương tự như những tín đồ đích thực của “dâu đen” BlackBerry luôn chung thủy với thiết kế bàn phím QWERTY huyền thoại, thì chính những Live Tiles phẳng, đơn giản mà độc đáo cùng giao diện nhẹ, mượt mà lại là móc nối mấu chốt níu giữ niềm tin của cộng đồng fan Lumia - đặc điểm mà họ khó có thể nào dứt bỏ sau khoảng thời gian gắn bó đáng nhớ ấy.

Tiếng nói chạm đáy lòng

Trước kia, những ngày cuối tuần, anh Tuấn Hưng (25 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội) lại tụ tập bạn bè có chung sở thích với dòng Lumia ra hàng cà phê gần nhà nói chuyện rôm rả, cập nhật tin tức và đôi khi còn khoe nhau những trick độc mà mới táy máy được, học tập qua nhiều nguồn khác nhau.

Dù chỉ là nhóm nhỏ chưa điểm mặt hết số đầu ngón tay nhưng những dịp như vậy như thể là một quy ước chung cho cả nhóm rồi, như một nhu cầu tất yếu hàng tuần vậy. Đáng buồn là ngày qua ngày, bạn bè dù không ghét bỏ nhưng cũng dần chuyển sang iOS hoặc Android, chỉ giữ đó làm kỉ niệm vì cảm thấy không đủ kiên nhẫn và lạc lõng so với xu thế, còn lại mỗi anh vẫn tiếp tục gắn bó với đam mê của mình.

“Bản thân anh dù đã đi làm lâu rồi, thừa sức mang về những sản phẩm mới và được nhiều người ưa chuộng như của Apple và Samsung nhưng vẫn cứ chỉ quen dùng Lumia. Quen từ hồi 8.0 rồi, hồi ý còn nhiều chật vật khó chịu nhưng vẫn đam mê, mình thích thì mình gắn bó thôi (cười). Tất nhiên còn nhiều nguyên nhân khác nữa tác động, và thực ra ban đầu anh đến với Windows Phone nói chung vì nó rẻ và hồi ấy chưa có nhiều tiền để chạy theo các xu hướng đám đông. Nhưng cũng nhờ nó mà tự anh khám phá được những nét riêng ở nền tảng của WP, và kể cả đối với Win10 Mobile như hiện nay.

Giờ thì vẫn trung thành với một ‘em’ Lumia 730, mua được hơn 1 năm rồi sau nhiều lần đổi chác giao lưu qua các đời máy. Đời đầu tiên dùng thì chắc chắn là 520 huyền thoại rồi, ngon bổ rẻ. Chiếc 730 này xước xát tí thôi nhưng vẫn còn ngon chán, chí ít như vậy là quá đủ thỏa mãn nhu cầu công việc và trong cuộc sống hàng ngày của anh. Theo anh thì hình như đây là chiếc có cái ‘riêng’ nhất về cả ngoại hình và cái chất trong dòng Lumia, phần vì các nét bo tròn nửa vời khác biệt, phần vì nó là sản phẩm Lumia cuối cùng còn mang nhãn hiệu Nokia trên mình.

Hệ điều hành thì vẫn cứ là Win10 Mobile thôi, đăng ký trải nghiệm Fast Insider luôn để nhận update trước tha hồ vọc vạch. Nghe Win 10 to vậy thôi chứ yêu cầu cấu hình nhẹ lắm, không như mấy chiếc đời cũ ra cùng năm mà ham chạy iOS 10 hay Android N là bắt đầu ‘đơ đơ’ rồi, có khi còn không hỗ trợ update OS. Tất nhiên nếu nói Win 10 Mobile mượt mà hoàn hảo thì không dám đạt đến mức đấy, thi thoảng vẫn bị giật giật với crash nhưng chí ít Microsoft đã làm đủ tốt để vừa đảm bảo đáp ứng các tính năng mới, vừa giúp khách hàng không cần quá bận tâm về khả năng của thiết bị.”


Phúc Hải, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội tuy “tuổi đời” dùng Lumia chỉ mới được gần một năm nhưng cũng tỏ ra khá sành sỏi và gắn bó với dòng máy này, đúng chất sinh viên IT:

“Ngày trước người ta có xu hướng so sánh cấu hình và sự nhanh nhạy của các máy với nhau trong cùng phân khúc, rồi liên tục ‘mượn tạm’ ý tưởng thiết kế để có thể bắt kịp tối đa tầm cao của các đối thủ khác, dẫn đến nhiều tính năng bắt đầu bị bão hòa trên tất cả các sản phẩm của nhiều hãng, điển hình là iOS và Android. Nhưng mình thấy Windows Phone thì không hoàn toàn như vậy. Nó nổi lên như một hiện tượng rất khác biệt, với ngôn ngữ thiết kế và giao diện thì không ai có thể phủ nhận sự độc đáo của nó.

Hết phần cứng thì họ lại chạy sang phần mềm. Windows Phone bắt đầu bị chê bai về sự hạn chế trong kho ứng dụng. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ nông cạn của một bộ phận với tâm lý đám đông, chỉ biết quan tâm đến sự hào nhoáng bề nổi bên ngoài. Ai dùng Windows Phone mà chịu tìm tòi cũng hiểu rằng với nhu cầu cần thiết cơ bản trong đời sống thì Windows Phone hoàn toàn đáp ứng được tốt, cả về giao tiếp, cập nhật thông tin, chụp ảnh (kết khoản này nhất luôn). Phải thừa nhận số lượng app không bằng các nền tảng khác nhưng ‘trong cái khó ló cái khôn’, đây lại là nơi phát triển tiềm năng cho các ứng dụng bên thứ 3.

Ai dùng thử sẽ hiểu 6tag nhiều sự cải cách và đột biến hơn Instagram chính chủ như thế nào, rồi khả năng tích hợp đồng bộ sâu contact và event trên Facebook vào hub danh bạ. Chụp ảnh thì chưa có đâu cho phép người dùng tùy chỉnh sâu như Windows Phone (chí ít là thời gian trước) khi hoàn toàn làm chủ hết các thông số của máy ảnh. Chất lượng phần cứng camera thì vượt trội hơn hẳn so với tầm giá chung. myTube thay YouTube, Outlook Mail và Calendar quản lý tuyệt vời, Edge đang dần hoàn thiện hơn và trở thành một xu thế, cuối cùng là Cortana tiện lợi luôn đồng hành với chủ nhân. Vậy là quá đủ đối với mình.”


Minh Hiếu - một fan hoạt động khá tích cực trên những group, diễn đàn Lumia, cũng đã sở hữu trong tay 5 sản phẩm, tính cả từ thời Lumia 610 dùng Win 7, hồ hởi chia sẻ:

“Giao diện Windows Phone từ trước tới nay vẫn chưa bao giờ làm anh thất vọng. Không đều đều giống nhau mà lúc nào cũng sống động với Live Tiles cập nhật theo thời gian thực với hiệu ứng flip vui mắt, hoặc hiển thị trực tiếp thông tin qua Tile bên ngoài, nhiều khi không cần vào ứng dụng. Tùy chỉnh thoải mái kích cỡ, trông đơn giản mà hiệu quả vì nhanh gọn, thân thiện nữa. Các app được sắp xếp theo hàng dọc, lại thêm một nét riêng nữa mà chưa hệ điều hành nào có được.

Phải nói rằng về thiết kế ngoại hình thì dù chất liệu có thể chưa cao cấp như các thương hiệu khác nhưng chỉ cần nhìn qua thôi là đủ biết và khẳng định rằng ‘tôi đang dùng Windows Phone Lumia’. Mặt lưng màu sắc nổi bật và đa dạng. Sau này rất nhiều thứ cả về phần cứng và phần mềm được các hãng nổi tiếng khác học theo, như thiết kế bo cong màn hình 2,5D viền cạnh thân máy, glance screen nhanh, camera chống rung và zoom quang học, cả tùy biến tap màn hình.

Còn một điều nữa là chả bao giờ người dùng phải lo vấn đề virus cả. Vì Windows Phone chạy trên nền tảng mã nguồn đóng chứ không mở như Android, và nó được tối ưu hóa bảo mật rất nhiều so với mặt bằng chung. Dọn rác ư, không bao giờ. Đó là lý do dù máy đời đầu lên Win10 Mobile cũng ít khi bị treo, đơ. Việc dọn dẹp đối với các máy cao cấp nhất của Android vẫn còn xuất hiện cơ mà, không dọn thì tha hồ mà đập máy vì tức mất (cười). Hơn nữa may mắn là Microsoft vẫn luôn quan tâm hỗ trợ mảng OS, vì thế hầu như mọi sản phẩm dù yếu cũng đều có khả năng update lên mới nhất. Thương thay cho những máy Android cũ vẫn còn kẹt ở 4.2.2, phải tự root máy mới có thể tiến xa hơn tí, nhưng nguy cơ trục trặc và thành ‘cục gạch’ cũng rất cao…”


Bất ngờ hơn, lang thang trên mạng, tôi vô tình bắt gặp một câu chuyện tràn đầy cảm xúc của một cậu sinh viên với nickname “1stIllusion” trên diễn đàn WinphoneViet, dù còn trẻ thôi nhưng đã may mắn song hành và trải qua những thăng trầm đáng nhớ về dòng điện thoại Lumia này:

“Em mua Lumia 520 ở Viễn Thông A khi nó mới ra hồi 4/2013. Giá hồi đó là 3.849.000, cũng khá là lớn so với một học sinh lớp 11. Tiền đó để dành mấy năm từ lì xì, bán cacao,... Khi cầm trên tay cảm giác đã cực kì, bắt đầu vọc vạch. Lúc đó là WP 8.0 GDR1, còn thiếu nhiều tính năng lắm, khóa xoay: không có, gõ telex: không luôn, thanh thông báo cũng không nốt. Cũng sống chung với lũ. Rồi MS từ từ cho cập nhật Amber, Black, Cyan, Denim. Tới 8.1 Update1 là hết lên nổi. Tới lúc này cũng khá đầy đủ chức năng. Cũng tạm chấp nhận được. Qua mấy vụ update thì quen với cảm giác hóng dài cổ luôn. Thiệt ra cái cảm giác này, Android làm sao có được. Rồi W10 ra Insider, cũng đăng kí để hóng build, mà toàn lỗi, chắc tới tuổi rồi.

Về việc học hành, thi cử hồi đó thì Lumia rất được việc. Xem tài liệu, đề thi trên mạng, tải về, xem bằng Word hoặc Adobe, xong rồi up lên Skydrive (Onedrive sau này), rồi ra quán photo, kéo về, in ra là xong. Khỏi cần PC hay USB, cũng ko sợ nhiễm virus. Rất tiện.

Về phần app thì, do em ít chơi game nên thấy cũng tạm ổn. Chỉ xài Zalo, Messenger là nhiều. Bây giờ do Lu bị hư rồi nên đang xài tạm Galaxy Trend Plus. Con này ra sau 520, nhưng mà hình như hồi đó cạnh tranh cùng phân khúc thì phải. Cảm thấy con này cũng khá, mỗi cái là ROM có 4GB, có flash, cam trước. Nhưng mà chụp hình thua xa 520. Về cái khoản chụp hình thì để lát nói sau (đây là phần tâm đắc nhất khi xài Lumia). Khi xài Android do quen với cái app của Microsoft nên cũng tải về. Có Outlook, Onenote, Onedrive, Skype, mấy app Office thì đòi KitKat với RAM 1GB lận. Nên khá là khó chịu. Xài thử thì thấy lạ là app của MS làm cho Android còn ngon hơn làm cho WP nữa!? Chả hiểu tại làm sao. So về độ mượt thì ko có cửa với 520. Nhiều khi cũng ức chế, dù có reset rồi mà vẫn ì ạch như cũ. Nhưng cũng phải thừa nhận là đa nhiệm trên Lumia không bằng. Cứ Loading với Resuming mãi. Còn Cortana thì cũng khá là vui, buồn buồn mở lên chém gió vài câu, rèn tiếng Anh luôn.

Về chụp ảnh thì phải nói là tuyệt vời. Cam có 5.0 mà chụp rất chi tiết, đúng màu sắc so với mình nhìn thấy. Hồi đó còn Nokia Pro Camera chỉnh tay ngon lành. Light painting, close up, macro, bokeh, phơi sáng,... thể loại nào cũng chơi được. Nhất là phơi sáng, hồi đó Samsung, LG, Sony hay iPhone đâu có tính năng này. Lumia nhờ đó mà cũng hot lên. Rồi update cái 520 phơi từ 4s còn có 1s thì phải nói là thất vọng hết sức. Nhưng thôi kệ, tiếp tục chụp ảnh cho đỡ buồn. Nhưng sau này có cách up rom Cyan cũ, có app Nokia Camera hỗ trợ phơi 4s lại thì sướng như điên ấy. Chụp ảnh up lên group thì có người còn ko tin là do 520 chụp nữa. Cũng thấy vui lắm. Mấy cái flagship Android bây giờ phơi tầm 10s hơn, Lumia cũng không còn hấp dẫn nhiều.

Bây giờ là sinh viên năm 3 đại học rồi. Nhìn lại thấy chặng đường xài Lumia cũng vui buồn lẫn lộn. 3.849.000 đồng bây giờ thì dư sức xúc 640XL hay 730 rồi. Cũng muốn lên đời mà giờ chưa có đủ tiền. Thêm cái là nghe tin Microsoft sắp sửa khai tử dòng Lumia để là Surface Phone. Thấy cũng đau thật, nhưng mà nếu Surface Phone tốt hơn, Win10 Mobile có nhiều tính năng mới thì cũng có lý do để hy vọng.”

Tương lai mơ hồ nhưng đáng để chờ đợi

“Lướt qua vài diễn đàn trên Internet thôi là đủ để thấy được những tâm sự trải lòng của bất kỳ fan hâm mộ dành cho tất thảy những dòng máy trên thế giới, kể cả khi đang trên đỉnh vinh quang hay đứng trước bờ vực dốc đứng. Nhưng có vẻ như Windows Phone vẫn còn nhận được nhiều thắc mắc tiêu cực, lung lay từ một số lượng không nhỏ người sử dụng,” anh Hưng điềm tĩnh nhận xét. “Microsoft không thực sự công khai kế hoạch phát triển lâu dài của mình cho Win10 Mobile. Nhiều bạn có đùa rằng đó chỉ là ‘đứa con rơi’ của Microsoft thôi, vì không có nó thì họ cũng vẫn sống tốt nhờ vào nhiều mảng đầu tư chính yếu khác, hơn nữa quả thật là Win10 Mobile đang có phần kìm hãm doanh số của công ty.”

Nhưng theo quan điểm của anh và nhiều người nữa, chắc chắn rằng việc loại bỏ Win10 Mobile và các thiết bị di động gần như không bao giờ xảy ra, khi mà đó hiện đang đóng vai trò là một phần không thể thiếu của tổ hợp đa nền tảng Windows 10 với khả năng đồng bộ tuyệt vời, cùng những dịch vụ liên kết đi kèm. Đúng, Microsoft chuẩn bị ngừng bán các dòng sản phẩm Lumia, nhưng họ vẫn tiếp tục đầu tư và không ngừng hoàn thiệt, hỗ trợ nền tảng hệ điều hành có sẵn. Bấy nhiêu đó sẽ là tiền đề, giai đoạn giao thoa cho bước ngoặt phát triển tiếp theo đầy hứa hẹn như những tin tức về chiếc Surface Phone rất được fan Windows quan tâm.


Tạm kết lại, dòng sản phẩm Lumia dù đang trong giai đoạn hấp hối chờ tiếng chuông khai tử chính thức từ phía Microsoft, nhưng trên hết đó chỉ là trên danh nghĩa mà thôi, còn tình cảm đặc biệt vượt trên cả đam mê đơn thuần mà một bộ phận fan nhiệt huyết vẫn ngày đêm dành cho nó là không thể lung lay và dập tắt. Microsoft cũng không phải là không đạt được một dấu mốc nào cả. Nhìn vào đó, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy khả năng đồng bộ dữ liệu trên nhiều thiết bị cùng nền tảng được tối ưu hóa trên cả tuyệt vời, nhanh chóng tiện lợi. Ngoài ra, vẫn còn đó những dấu hiệu tích cực bất ngờ khi một số thương hiệu Nhật, Ấn Độ, cả HP và Samsung (mảng tablet) cũng có ý định tiếp tục ra mắt các sản phẩm di động mới chạy Windows 10, đi cùng với ngày càng nhiều ứng dụng Universal được ra đời và nâng cấp.

Đúng như câu châm ngôn đã đi vào lòng người từ xưa tới nay - “Không chuyện gì là không thể, và không có gì là mãi mãi” - chúng ta từ đó hãy cùng hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn với Windows Phone có tiềm năng vượt lên tất cả, trở thành nền tảng được ưa chuộng hàng đầu như những gì mà Windows PC của Microsoft nắm giữ suốt nhiều năm vừa qua. Mọi kết thúc đều là tiền đề góp phần mở ra một chặng đường, một hành trình mới mà thôi!

Cùng chuyên mục
XEM