Lùm xùm thanh toán công nợ chưa lắng xuống, 2 cựu sáng lập Leflair đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo cấp cao của Maison Group
Điều đáng nói, Maison lại là một trong số nhà cung cấp của Leflair, thậm chí nằm trong danh sách có công nợ với Leflair. Thông tin từ nhà cung cấp cho hay, Loic và Pierre đảm nhận 2 vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kênh e-commerce cho Maison Group.
Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ trang TMĐT Leflair bị tố ôm công nợ của 500 nhà cung cấp, 2 sáng lập viên là ông Loic và ông Pierre chưa giải quyết công nợ của các nhà cung cấp đã được Maison Group tuyển dụng, thông tin từ một số nhà cung cấp cho hay.
Đáng chú ý, Loic và Pierre hiện còn đang bị tố cáo đến các cơ quan chức năng để điều tra nghi vấn lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 500 nhà cung cấp khi tuyên bố nộp đơn phá sản vì không có khả năng trả nợ hơn 50 tỷ đồng.
Trong khi đó, Maison Group cũng là một công ty chuyên kinh doanh các mặt hàng thời cao trung và cao cấp: Topshop, Chard&Keith, DSquare2, Puma, Ted Baker, MLB, The Kooples, Oasic, Warehouse, Pedro, Havannias, Mujosh…
Điều đáng nói, Maison lại là một trong số nhà cung cấp của Leflair, thậm chí nằm trong danh sách có công nợ với Leflair. Thông tin từ nhà cung cấp cho hay, Loic và Pierre đảm nhận 2 vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kênh e-commerce cho Maison Group.
Thông tin này gây nhiều bức xúc cho các nhà cung cấp đang bị Leflair nợ tiền. Trước việc Maison Group đã biết tình trạng dính líu đến pháp luật của Loic và Pierre nhưng vẫn tuyển dụng cả 2, quan điểm của một nhà cung cấp cho hay: "Xét về mặt lý có khả năng Maison và 2 sáng lập viên Leflair là ông Loic và ông Pierre đã có thỏa thuận về việc trao đổi quyền lợi để sử dụng database và hệ thống vận hành của Leflair trong việc phát triển kênh e-commerce của Maison".
Còn xét về mặt tình, Maison Group cũng là một nhà bán lẻ và cũng từng là nạn nhân của Leflair. "Với qui mô lớn như Maison Group thì chắc chắn họ phải biết về việc Leflair đang có tranh chấp với 500 nhà cung cấp khác trong việc giải quyết công nợ. Tuy nhiên, với việc tuyển dụng Loic và Pierre trong một bối cảnh là Loic và Pierre chưa giải quyết xong các vấn đề của Leflair thì đây không phải là hành động đúng đắn", vị này nói.
Điểm lại sự việc, đầu tháng 2, Leflair tuyên bố dừng hợp tác với các nhà cung cấp nội địa. Không lâu sau đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh bao gồm thị trường nước ngoài cũng chấm dứt. Trước áp lực từ các nhà cung cấp, 2 đại diện Leflair đã có buổi tiếp xúc trực tiếp để trao đổi về việc xử lý công nợ.
Ghi nhận sau buổi làm việc trực tiếp giữa 138 nhà cung cấp với đại diện Leflair vào ngày 10/3, một nhà cung cấp bày tỏ quan điểm cho rằng phía sàn không trả lời rõ ràng, lòng vòng. Nhìn chung, nhóm nhà cung cấp phản ánh vẫn không có gì tiến triển. Phía lãnh đạo Leflair cho hay Công ty đã hết tiền và sẽ tiến hành phá sản. Theo biên bản cuộc họp đại diện Leflair và nhóm nhà cung cấp ký xác nhận, Leflair sẽ làm việc với đơn vị vận chuyển để trả hàng cho tất cả nhà cung cấp trước ngày 20/3. Đồng thời, Leflair sẽ hoàn tất ký văn bản xác nhận công nợ trước ngày 25/3 và thanh toán tất cả công nợ trước ngày 31/3.
Buổi làm việc trực tiếp giữa 138 nhà cung cấp với đại diện Leflair vào ngày 10/3/2020.
Trước đó khoảng trung tuần tháng 3, một số nhà cung cấp đã có thông báo phát hiện một cá nhân đang rao bán cơ sở vật chất (bàn, ghế, tủ, máy chụp hình...) của văn phòng Leflair.