Lúc trẻ không muốn chịu khổ kiếm tiền, vậy sau khi kết hôn bạn nhất định phải ăn "quả đắng"

12/08/2019 10:15 AM | Sống

Trong hôn nhân, đừng quá ỷ lại, cũng đừng quá hài lòng trong mù quáng, nên có mục tiêu phấn đấu, và nỗ lực sống thật ý nghĩa. Đây mới là cách sống cao cấp của người phụ nữ hiện đại.

01

Cách đây một thời gian, tôi tình cờ xem được một clip ngắn do người đi đường tò mò quay lại.

Hôm đó là một ngày nắng nóng, có một người phụ nữ dáng vẻ mệt mỏi, đang ôm đứa con trai còn nhỏ đi bộ một mình trên đường cao tốc.

Cảnh sát thấy vậy và hỏi nguyên nhân, người phụ nữ mới đáp do không đủ tiền kêu xe. Lúc nãy, cô ấy đi cùng chồng, chồng cô ấy bắt cô ấy gọi điện xin tiền cha mẹ, nhưng cô ấy không đồng ý, thế là chồng cô ấy tức giận đuổi cô ấy và đứa con trai chỉ mới hơn một tuổi xuống xe, sau đó lái xe đi.

Đoạn clip này khiến nhiều người bất bình, cũng như trách mắng người chồng tham tiền, vô trách nhiệm. Đương nhiên, đoạn clip này cũng đã chứng minh một sự thật tàn khốc: trong hôn nhân nếu thiếu tiền sẽ rất dễ tạo ra mâu thuẫn. Ngay cả khi hai vợ chồng có tình cảm sâu đậm đi nữa, đôi khi họ cũng phải cúi đầu trước thực tế.

Trước đây ở bên Anh, có vài trang web đã làm một cuộc khảo sát và đưa ra kết quả rằng: Bình quân mỗi năm, mỗi cặp vợ chồng sẽ cãi nhau khoảng 39 lần vì vấn đề tiền bạc.

Ở đây chúng ta khoan đề cập đến những người khá giả, giàu có, không có gánh nặng về tiền bạc.

Đối với các cặp vợ chồng bình thường, chỉ riêng những vấn đề mà người ta thường cho là nhỏ nhặt như: giá gạo và xăng dầu tăng, tiền học phí cho con cái, tiền đám cưới cho bạn và đồng nghiệp, tiền quà cáp cho người thân... cũng đã đủ dẫn đến những cuộc cãi nhau.

Những cuộc cãi vã bắt nguồn từ vấn đề tiền bạc này sẽ rất dễ phá hoại tình cảm của hai người. Cho đến khi một trong hai người không còn chịu đựng được nữa, tình cảm cũng theo đó mà rạn nứt, rồi tan vỡ.

Hôn nhân cũng như việc xây nhà. Nếu nhà không có nền móng tốt thì rất khó đứng vững.

Lúc trẻ không muốn chịu khổ kiếm tiền, vậy sau khi kết hôn bạn nhất định phải ăn quả đắng  - Ảnh 1.

02

Trong một chương trình về hôn nhân và gia đình, có một nữ khách mời rất xinh đẹp. Tuy nhiên, gia đình cô ấy lại không có điều kiện bằng nhà trai. Cô ấy có công việc riêng, nhưng kiếm được ít tiền hơn chồng. Vì thế, sau khi kết hôn, cô ấy đã nghe lời chồng mà xin nghỉ việc ở nhà nội trợ.

Lấy nhau được 2 năm, mỗi ngày cô ấy đều loay hoay trong bếp và phòng ngủ, nào là bế con, chăm sóc con, nào là giặt đồ, rửa chén, nấu cơm... Lâu lắm cô ấy mới dám đi mua sắm với bạn một lần cho khuây khỏa, nhưng lại bị mẹ chồng trách mắng.

Điều khiến cô ấy suy sụp nhất là mỗi khi mẹ chồng mắng cô ấy, chồng cô ấy không bao giờ bênh vực, can ngăn, mà thậm chí còn hùa theo mẹ chồng mắng cô chỉ biết ở nhà ăn bám, còn xài tiền kiểu phá gia chi tử.

Cô ấy không chịu được nữa, nên mới thuyết phục chồng tham gia chương trình với mình, với mong muốn anh ta sẽ hiểu được nỗi khổ của cô và thông cảm cho cô hơn.

Nhưng kết quả chồng cô chỉ lạnh nhạt nhìn cô và nói: "Em không tự kiếm tiền, em toàn xài tiền mồ hôi nước mắt tôi kiếm được, tôi nuôi em nên tôi có quyền nói em như thế, rõ chưa?"

Lúc đó, nước mắt cô ấy tràn ra như nước sông ùa vào khi đê bị vỡ. Là khán giả, tôi có thể cảm nhận được nỗi buồn và sự bất lực của nữ khách mời ngồi trên khán đài.

Trong cuộc sống thường ngày, có rất nhiều người giống như nữ khách mời kia, bởi vì một lời hứa hẹn đơn giản: "Nghỉ việc anh nuôi em" từ miệng đối phương, mà sau này phải chịu khổ cũng chỉ vì không có công việc, không kiếm ra tiền.

Chỉ vì không có tiền, quan hệ ngang hàng, bình đẳng giữa hai vợ chồng đã bị phá vỡ. Và lúc này, "ai có tiền thì người đó có quyền."

Nhà kinh tế học nổi tiếng Dan Ariely đã từng làm một thí nghiệm thú vị về hôn nhân như sau: Trong thí nghiệm này, họ sẽ tìm 100 người tình nguyện, trong đó có 50 nam, 50 nữ, mỗi người được dán sau lưng một miếng giấy với những con số từ 1 đến 100, đại diện cho giá trị của họ.

Sau đó, để 100 người này tự do bắt cặp với một người khác giới tính. Nếu tổng số hai người cộng lại càng lớn, tiền thưởng sẽ càng cao.

Ví dụ: nếu chàng trai mang số 80 bắt cặp với cô gái số 81, họ có thể nhận được số tiền thưởng là 1610 đô la, nhưng nếu số 1 bắt cặp với số 2, họ chỉ có thể nhận được 30 đô la.

Vì lý do này, mà tất cả mọi người đều cố gắng hết sức đi lấy lòng những người có con số lớn, với mong muốn nhận được số tiền thưởng thật cao.

Những người nắm con số từ 90 trở lên, đều như "minh tinh nổi tiếng", được săn đón, nịnh nọt. Mà chính bọn họ, lại có thể tự do lựa chọn bất cứ ai mà họ thích.

Ngược lại, những người mang con số từ 10 trở xuống, không có ai chủ động tìm đến họ, dù họ có cố gắng đi tấn công, người khác cũng xem thường mà không muốn tới gần.

Thế nên, 10 người có số thấp nhất, chỉ còn hai lựa chọn. Một là tự ghép đôi với nhau, và nhận số tiền thưởng ít ỏi. Hai là hi vọng, trông đợi những người có giá trị cao kia sẽ "xem trúng" mình và bắt cặp, và họ cũng có số tiền thưởng khá hơn.

Hôn nhân cũng như cuộc thử nghiệm ghép đôi này. Vận mệnh mỗi người đã sớm gắn liền với giá trị của chính họ, mà con số đại diện cho giá trị cũng đã sớm được biểu thị trong thầm lặng. Con số này chỉ thay đổi, khi cá nhân bạn thay đổi.

Giá trị của bạn càng cao, bạn càng nhận được nhiều cơ hội, sự tôn trọng cũng như lời nói thiện ý.

Thế nên, hãy cố gắng kiếm tiền đi thôi, tiền không nhất thiết giúp bạn kiếm được tình yêu, nhưng ít nhất nó có thể khiến bạn có thể diện, đứng ngang hàng trong tình yêu.

Trong hôn nhân, đừng quá ỷ lại, cũng đừng quá hài lòng trong mù quáng, nên có mục tiêu phấn đấu, và nỗ lực sống thật ý nghĩa. Đây mới là cách sống cao cấp của người phụ nữ hiện đại.

Lúc trẻ không muốn chịu khổ kiếm tiền, vậy sau khi kết hôn bạn nhất định phải ăn quả đắng  - Ảnh 2.

03

Trong bộ phim The First Half of My Life, có một đoạn thế này: "Không có bất cứ ai sẽ mãi mãi trở thành nơi che mưa chở gió suốt đời suốt kiếp cho bạn như bạn nghĩ, chỉ có chính bạn, mới là bến đỗ cuối cùng và tốt nhất cho chính mình."

Trong phim, nữ chính lúc đầu cũng vì lời thề "sẽ nuôi em cả đời" của người chồng mà an tâm ở nhà làm một người vợ đảm đang. Nhưng sau đó, khi người chồng ngoại tình, cô ấy mới nhận ra sự thật. Cuối cùng, cô ấy quay về nơi làm việc, thay đổi và trở thành người phụ nữ sắc sảo nơi thương trường, thoát khỏi cuộc hôn nhân mù quáng.

Trong hôn nhân, khổ trong một lúc không đáng sợ, đáng sợ nhất là phải chịu khổ cả đời.

Có đôi khi, tiền lại là nền tảng, là đại diện cho sự tôn trọng và tự do. Khi bạn có đủ khả năng độc lập về tài chính, mới có đủ dũng cảm rời bỏ những đối tượng sai và quay đầu làm lại.

Muốn gặp được đối tượng tốt, bạn cũng phải là người giỏi. Nếu năng lực, phẩm chất bạn không đủ tốt, mà lại còn không chịu chăm chỉ phấn đấu, vậy cũng chỉ có thể gặp được những người "tạm được."

Dù bạn có dư may mắn để kết hôn với người "rất tốt" đi nữa, nhưng nếu bạn không có mặt nào ngang hàng với đối phương, cũng không cố gắng kéo gần khoảng cách giữa hai người, vậy chính khoảng cách đó sẽ ngày càng lớn và khiến bạn rơi xuống vực thẳm.

Dù bất cứ ở đâu, khi nào, những người tự thân nỗ lực đều sẽ sống tự do, tốt hơn nhiều so với những người luôn dựa dẫm người khác.

Bạn tự làm ra tiền, bạn có thể mua quần áo mình thích mà không cần nhìn sắc mặt người khác.

Người nhà thích cái gì, bạn cũng có thể mua mà không hề do dự.

Nếu tâm trạng tốt, có thể tùy tiện đi du lịch.

Nếu tâm trạng kém, không cần lén lút khóc một mình trong nhà vệ sinh, mà có thể ngồi trong chiếc xe hơi của riêng mình, lái xe đi hóng gió...

Nếu bạn có thể vượt qua nỗi khổ của việc kiếm tiền, vậy bạn cũng có nhiều quyền lựa chọn hơn trong cuộc sống.

Nhà văn người Anh Maugham đã từng viết trong cuốn tiểu thuyết "Of Human Bondage" của mình rằng: "Thứ con người ta theo đuổi không chỉ có sự giàu có, mà còn là cuộc sống đầy đủ sự tôn trọng, để họ có thể làm việc mà không gặp trở ngại, đủ sức khỏe, niềm vui, đủ tự lập."

Mong rằng mỗi chúng ta đều có thể tự do, tự lập, tự chủ, sống hạnh phúc là chính mình, dù có phải chịu khổ lúc kiếm tiền, cũng không cần ăn "quả đắng" của hôn nhân.

Thiên Tuyết

Cùng chuyên mục
XEM