Luật sư Trương Thanh Đức: Muốn quản lý Bitcoin, trước hết cần định nghĩa nó là gì!
Chỉ trong năm 2017, bitcoin đã có mức tăng giá tới 2.000%, khiến đồng tiền này ngày càng được chú ý và trở thành hiện tượng trên thị trường tài chính.
"Bitcoin không thể được coi là tiền"
Tại buổi tọa đàm "Bitcoin và làn sóng Blockchain" được tổ chức tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội sáng ngày 20/12, ông Nguyễn Việt Bách và ông Dominik Weil đến từ bitcoin.vn cho biết, dưới góc độ một doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bitcoin cho thị trường thì đa số mọi người đổ xô vào bitcoin chủ yếu là đầu cơ, họ sử dụng không nhiều mà chủ yếu là mua để chờ giá lên và bán.
Trên khía cạnh công nghệ, ông Trần Hữu Đức lại đánh giá blockchain - công nghệ đằng sau bitcoin là xu thế tất yếu và mọi người cần chấp nhận. "Nếu hiện nay internet phổ biến dùng để truyền tải thông tin thì câu chuyện của blockchain là câu chuyện công nghệ làm sao chuyển giá giá trị từ người nay sang người kia, và bitcoin là một trong những ứng dụng đầu tiên", ông nói. Còn nếu là một nhà đầu tư, theo ông thì các đồng coin chủ yếu để đầu cơ và rất nguy hiểm, nhiều rủi ro.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của một nhà làm tài chính, theo ông Nguyễn Duy Hưng, bitcoin chưa thể được coi là tiền vì tiền là phải do NHTW phát hành, được NHTW chấp nhận là phương tiện thanh toán và đồng tiền đó phải kết nối được với các đồng tiền khác bằng tỷ giá hối đoái.
Các diễn giả tại tọa đàm "Bitcoin và làn sóng Blockchain"
Luật sư Trương Thanh Đức, cho rằng theo quy định pháp luật về tài sản thì Bitcoin không thuộc bất cứ hình thức nào theo luật mà có thể coi là một vật phẩm ảo hay ở Việt Nam có thể gọi là tiền ảo. Vì bản chất, Bitcoin không phải tiền nên khái niệm tiền ảo khá đúng với Việt Nam nhưng cũng có thể không đúng với thế giới.
Ông Trương Thanh Đức cho biết hiện vẫn chưa có luật cụ thể nào có quy định về bitcoin, nó không phải phương tiện thanh toán, không phải giấy tờ, tài sản hợp pháp để thanh toán. Tuy nhiên nếu dùng bitcoin để thanh toán thì không phạm pháp mà tổ chức tín dụng chấp nhận thanh toán bitcoin và người tạo ra bitcoin mới có tội.
Cần hành lang pháp lý để quản lý bitcoin
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, trong câu chuyện của blockchain có vai trò quan trọng cần sự quản lý của Nhà nước vì có nhiều trường hợp lừa đảo. Có nhiều loại tiền dựa trên mạng lưới blockchain như bitcoin, ethereum. Loại thứ 2 là tiền ảo sinh ra thông qua ICO dựa trên nền tảng khác mà phổ biến là dựa trên ethereum. Việc đầu tư vào ICO có nhiều rủi ro giống như đang đầu tư vào startup, thực chất là hình thức gọi vốn trước khi thực hiện dự án thông qua phát hành tiền ảo. Hình thức đầu tư này đòi hỏi nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm. Sau này ICO được thổi phồng lên một cách quá đáng nhiều trường hợp các doanh nghiệp ICO lấy tiền xong bỏ trốn. Vì vậy vai trò Nhà nước rất quan trọng trong việc quản lý các trường hợp này để đảm bảo nhà đầu tư không mất tiền. Dưới góc độ sàn cần có hạ tầng về công nghệ, bảo mật để bảo vệ nhà đầu tư.
Còn việc cần quản lý bitcoin như thế nào, Luật sư Trương Thanh Đức nói: "Tôi nghĩ trước tiên các tổ chức cần ngồi lại với nhau để định nghĩa rõ ràng bitcoin là gì từ đó mới có thể đưa vào một luật cụ thể để kiểm soát. Nếu bitcoin là tiền thì sẽ dựa theo quy định về tiền để soát xét, nếu là công cụ tài chính thì sẽ theo luật tài chính. Việc cần làm là quản lý theo định nghĩa mà không phải tạo ra luật mới để kiểm soát"
Đồng ý với Luật sư Đức, Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng rủi ro khi bong bóng nổ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đây cũng là ngành kinh doanh tài chính nên buộc phải là ngành kinh doanh có điều kiện, tránh việc người cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm. Theo ông, cần định nghĩa bitcoin là gì theo luật, nếu là tiền thì phải do NHNN kiểm soát. Nếu là sản phẩm tài chính thì phải theo luật chứng khoán.
Là người sáng lập 1 doanh nghiệp cung cấp bitcoin tại Việt Nam, ông Dominik cho biết ông rất hoan nghênh Chính phủ Việt Nam sớm có các luật cụ thể để bitcoin.vn có thể dựa vào đó để hoạt động.
Bitcoin và blockchain là những công nghệ đáng quan tâm nhất sau thời internet?
Trong khi bitcoin nhận được nhiều phản ứng trái chiều do tính lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng lớn không kém thì công nghệ đi với bitcoin - blockchain lại hứa hẹn sẽ là công nghệ của tương lai. Ông Hưng nhấn mạnh rằng cốt lõi của các đồng coin là công nghệ blockchain nhưng hiện nhiều người đang nhầm lẫn tương lai của blockchain và giá trị của đồng tiền đang chưa được công nhận này.
Theo ông Trần Hữu Đức, dưới góc độ công nghệ, bitcoin là một cách mạng, là câu chuyện sáng tạo công nghệ, không còn chỉ chuyển thông tin mà còn chuyển giá trị. Ngày xưa thay vì chuyển thông tin từ đây sang Mỹ thì bây giờ có thể chuyển giá trị. Bitcoin là ứng dụng đầu tiên của Blockchain để phục vụ cho điều đó, làm sao để chuyển được giá trị mà không bị copy, thì đây là lần đầu tiên công nghệ ra đời và giải quyết đc. Ông đánh giá, bitcoin và blockchain là những công nghệ đáng quan tâm nhất sau thời internet. Blockchain có thể được ứng dụng cho rất nhiều ngành, phù hợp cho việc minh bạch hóa thông tin.
Ông Dominik cho biết NHTW Singapore đang có những bước đi thử nghiệm hệ thống giao dịch chuỗi khối (blockchain). Ông cho rằng việc Chính phủ các quốc gia như Singapore và Nga muốn phát hành tiền điện tử riêng là đáng hoan nghênh. Nếu Chính phủ phát hành tiền điện tử thì có thể giúp minh bạch hóa hệ thống vì blockchain có thể theo dõi dòng tiền, lịch sử các giao dịch đều được lưu lại. Còn với khía cạnh đời sống, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã sử dụng blockchain để truy tìm nguồn gốc truy xuất của thực phẩm.