Luật sư nhận định gì về vụ 4 nữ tiếp viên hàng không 'xách' ma túy?

19/03/2023 09:10 AM | Xã hội

Thông thường những vụ việc người nhập cảnh bị phát hiện có cất giấu ma túy là rất bất lợi, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan biết hay không biết có ma túy trong hành lý được người khác nhờ gửi.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Liên quan đến vụ 4 tiếp viên hàng không bị phát hiện "xách" 11,3 kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp trong các tuýp kem đánh răng từ Pháp về Việt Nam, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng nên Cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý thận trọng, khách quan theo quy định của pháp luật.

Theo pháp luật, người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy nếu bạn không hề hay biết thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Tuy nhiên việc chứng minh không hề hay biết này thực tể rất khó.

"Thông thường những vụ việc người nhập cảnh bị phát hiện có cất giấu ma túy là rất bất lợi, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan biết hay không biết có ma túy trong hành lý được người khác nhờ gửi", luật sư Thơm cho hay.

Việc xác định có tội hay không sẽ được Cơ quan điều tra chứng minh bằng các chứng cứ khách quan như các tin nhắn, thông tin trao đổi gửi hàng... Cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc vận chuyển này được thực hiện như thế nào, ai là người gửi, ai là người nhận và số tiền vận chuyển là bao nhiêu.

Trong trường hợp, nếu Cơ quan điều tra có căn cứ xác định 4 nữ tiếp viên hàng không này có tội sẽ bị khởi tố về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy theo quy định tại Điểm h Khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự.

Nếu bị kết tội Vận chuyển trái phép chất ma túy với trọng lượng hơn 11 kg là đặc biệt lớn, khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về đường lối xử lý về tội phạm ma túy thì cả 4 nữ tiếp viên có thể sẽ phải đối mặt với bản án tử hình.

Qua theo dõi nhiều vụ án ma túy, luật sư Thơm cho rằng, tội phạm xuyên quốc gia hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, lôi kéo nhiều người ở nhiều quốc gia tham gia vận chuyển ma túy. Chúng đối phó với các cơ quan pháp luật bằng nhiều cách thức, thủ đoạn để không làm lộ danh tính, nguồn gốc xuất xứ ma túy.

Chúng có thể qua mặt được hàng loạt các quốc gia khi kiểm soát an ninh sân bay vì máy móc cũng khó phát hiện soi chiếu được bên trong các sản phẩm hàng hóa là chất gì như ma túy dạng lỏng để trong chai rượu, bột ma túy ép mỏng bọc kín giấy nilon đen giấu trong các lớp quần áo... Nếu không bằng sự quan sát, nhạy cảm, kinh nghiệm của cán bộ Hải quan thì khó phát hiện.

Chính vì vậy mà số hàng hóa chứa ma túy mới có thể lọt qua nhiều quốc gia trước khi đến Việt Nam thì bị phát hiện. Như vậy có thể thấy hiện nay tình hình tội phạm ma túy vẫn đang diễn ra rất phức tạp và nóng bỏng, đặc biệt qua biên giới.

Theo Khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 5kg trở lên;

b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100g trở lên;

c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75kg trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600kg trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150kg trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300g trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750ml trở lên;

h) Có 2 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

Theo Hoàng Giang

Cùng chuyên mục
XEM