Luật 'nghỉ kinh nguyệt' nhưng vẫn được trả lương của Tây Ban Nha sẽ giúp đỡ hay cản trở phụ nữ?

22/02/2023 13:50 PM | Sống

Dù dự luật có ý nghĩa với sức khỏe nữ giới, một số người lo ngại chính sách này có thể phản tác dụng và gây ra sự kỳ thị phụ nữ trong doanh nghiệp.

Mới đây, vào ngày 16/2/2023, Tây Ban Nha đã thông qua luật cho phép phụ nữ đau bụng kinh nghiêm trọng được nghỉ làm hưởng lương. Theo dự luật “nghỉ kinh nguyệt”, lao động nữ được nghỉ ba ngày (có khả năng kéo dài lên năm ngày) nếu bị rối loạn kinh nguyệt và gặp các triệu chứng nghiêm trọng như chuột rút, buồn nôn, chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu.

Nghiên cứu trên gần 43.000 phụ nữ Hà Lan năm 2019 cho thấy 85% từng bị đau bụng kinh nghiêm trọng, còn theo Hiệp hội Sản phụ khoa Tây Ban Nha, một phần ba phụ nữ từng trải qua giai đoạn đau đớn đến mức không thể chịu đựng nổi.

Hệ thống an sinh xã hội Tây Ban Nha sẽ thay doanh nghiệp sẽ trả lương cho lao động nữ vào ngày nghỉ do đau bụng kinh. Tuy vậy, người nghỉ phép cần có giấy xác nhận của bác sĩ - cũng giống như nghỉ phép vì lý do sức khỏe thông thường.

Luật quy định rằng chính sách mới sẽ giúp chống lại định kiến và quan niệm không đúng đắn về kỳ kinh nguyệt, thứ mà đang ảnh hưởng và cản trở cuộc sống phụ nữ.

Luật "nghỉ kinh nguyệt" nhưng vẫn được trả lương của Tây Ban Nha sẽ giúp đỡ hay cản trở phụ nữ? - Ảnh 1.

Tâm điểm dư luận

“Thời mà phụ nữ đi làm trong đau đớn đã qua rồi”, Bộ trưởng Bộ Bình đẳng Tây Ban Nha, Irene Montero phát biểu vào năm ngoái khi cô vừa công bố đề xuất của chính phủ. Cô ca ngợi sự kiện lịch sử này có tác động đến sự tiến bộ của nữ quyền.

Cô nói với Quốc hội: “Sẽ có những người phản đối áp dụng chính sách này, giống như tất cả luật về nữ quyền đã từng bị phản đối trước đây. Vì vậy, chúng tôi phải làm việc để đảm bảo rằng luật này sẽ được thực thi một cách hiệu quả”.

Luật "nghỉ kinh nguyệt" nhưng vẫn được trả lương của Tây Ban Nha sẽ giúp đỡ hay cản trở phụ nữ? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Bình đẳng Irene Montero phát biểu trong một cuộc họp báo năm 2022

Nhưng mọi chuyện thật không dễ dàng đến vậy. Các chính trị gia, bao gồm cả những người trong liên minh cầm quyền, và các tổ chức công đoàn đã bị chia rẽ vì có những ý kiến không đồng nhất về chính sách này. Dù dự luật có ý nghĩa với sức khỏe nữ giới, một số người lo ngại chính sách này có thể phản tác dụng và gây ra sự kỳ thị phụ nữ trong doanh nghiệp.

Cristina Antoñanzas, Phó thư ký của UGT, một công đoàn hàng đầu của Tây Ban Nha, nói với Euronews Next khi dự thảo luật lần đầu tiên được công bố: “Về lâu dài, phụ nữ có thể gặp trở ngại trong quá trình tìm việc làm.

Trong rất nhiều trường hợp, nhà tuyển dụng sẽ hỏi ứng viên nữ liệu họ có chuẩn bị làm mẹ trong thời gian tới, và dựa vào câu trả lời đó mà cân nhắc có tuyển người này không, trong khi đàn ông thì lại không ‘bị’ hỏi. Nếu luật này được áp dụng chính thức, liệu có khi nào họ sẽ bị hỏi là có hay đau bụng kinh dữ dội không?”.

Tổng Liên đoàn Lao động Tây Ban Nha (UGT) cũng lo ngại một số doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển nam giới hơn.

Luật "nghỉ kinh nguyệt" nhưng vẫn được trả lương của Tây Ban Nha sẽ giúp đỡ hay cản trở phụ nữ? - Ảnh 3.

Một số người dự đoán dự luật này sẽ làm gia tăng tình trạng phân biệt giới khi tuyển dụng nhân sự nữ

Một công đoàn khác của Tây Ban Nha, Comisiones Obreras, ủng hộ dự luật này, nhưng thứ mà công đoàn lo ngại lại nằm ở các mô tả chi tiết của chính sách. Trong nhiều trường hợp, cơ thể phụ nữ không có biểu hiện cấp tính nghiêm trọng như trong chính sách nhưng thực tế họ vẫn cần được nghỉ ngơi. 

Và quyền ra quyết định phụ thuộc chủ yếu vào bác sĩ, bởi họ sẽ đánh giá cơn đau có nghiêm trọng đến mức khó có thể lao động hay không, rồi từ đó ra quyết định bệnh nhân được nghỉ kinh nguyệt bao nhiêu ngày.

Elizabeth Hill, Phó giáo sư tại Đại học Sydney (Australia), đã nghiên cứu sâu rộng về các chính sách nghỉ kinh nguyệt trên toàn thế giới. Cô cho biết, các cuộc tranh luận xung quanh kinh nguyệt thường rất căng thẳng, mỗi một chính sách liên quan đến phụ nữ đều có thể trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà nữ quyền, và sự kiện mới đây tại Tây Ban nha cũng không phải ngoại lệ.

“Điều này có thực sự giải phóng cho phụ nữ? Chính sách này chấp nhận thể trạng sinh học của phụ nữ và đang khuyến khích hỗ trợ họ? Hay đây là chính sách kỳ thị và làm cho phụ nữ khó tìm việc hơn”, cô cho biết các kiểu chính sách như thế này đều có 2 mặt.

Trên toàn thế giới, chế độ nghỉ kinh nguyệt hiện chỉ được áp dụng tại một số quốc gia, ví dụ như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc và Zambia. Nước Ý từng đề xuất dự thảo tương tự Tây Ban Nha vào năm 2016, nhưng không được thực thi. Hiện Tây Ban Nha là quốc gia đầu tiên ở châu Âu thực hiện chính sách này

"Nghỉ kinh nguyệt" chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn

Dự luật được Quốc hội thông qua hôm thứ Năm là một phần thuộc dự luật thúc đẩy quyền sinh sản và quyền về giới - bao gồm việc cho phép bất kỳ ai từ 16 tuổi trở lên được phá thai hoặc tự do thay đổi giới tính trên thẻ căn cước. Theo tờ Euro News, thanh thiếu niên từ 16 tuổi được phép phá thai mà không cần sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.

Theo luật mới này, Tây Ban Nha cũng sẽ tung ra các sản phẩm vệ sinh phụ nữ miễn phí tại một số cơ sở công cộng, chẳng hạn như các cơ sở giáo dục và thậm chí cả nhà tù.

Dự thảo cũng hướng đến việc giảm gánh nặng chi tiêu cho các sản phẩm vệ sinh phụ nữ. Ý tưởng này đã bị hủy bỏ nhưng dự kiến sẽ được khôi phục trong lần xét duyệt ngân sách tiếp theo của chính phủ.

Theo Đông Hà

Cùng chuyên mục
XEM