'Lợn quay đầu': Quy định mới khiến người nghèo Mỹ khóc ròng trong bối cảnh giá thịt heo cao nhất 40 năm qua

19/10/2021 07:58 AM | Xã hội

Trong khi các tổ chức bảo vệ động vật ăn mừng vì thông tin này thì những người nghèo Mỹ lại phải chịu hậu quả.

Toàn thế giới đang chứng kiến đà tăng giá của mọi mặt hàng sau mùa đại dịch Covid-19, bao gồm cả thịt lợn. Tại Mỹ, giá sườn heo đã tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái còn thịt lợn xông khói đã tăng gần 28%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Nguyên nhân chính là do đà tăng của lạm phát nói chung cũng như sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.

Hãng tin CNN nhận định sản lượng thịt heo năm nay sẽ thấp hơn 2% so với năm 2020, thế nhưng những nhà hoạch định chính sách lại đang có bước đi gây bất ngờ cho doanh nghiệp.

Mới đây, thị trường thịt heo lớn nhất Mỹ là bang California đã ban hành quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 yêu cầu các trang trại kinh doanh thịt lợn phải đáp ứng tiêu chuẩn đảm bảo lợn mẹ được nuôi dưỡng trong lồng rộng tối thiểu 2,2 m2 thay vì những chiếc lồng công nghiệp chỉ hơn 0,5 m2 như trước đây.

Lợn quay đầu: Quy định mới khiến người nghèo Mỹ khóc ròng trong bối cảnh giá thịt heo cao nhất 40 năm qua - Ảnh 1.

Những nhà sản xuất thịt heo đã cảnh báo quy định mới sẽ khiến giá lợn tăng, qua đó ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhưng bất chấp điều đó, các tổ chức bảo vệ động vật vẫn thắng trong ván đấu lần này.

Theo CNN, một số khảo sát cho thấy người dân California sẽ phải trả thêm 8 USD mỗi năm cho thịt lợn nhưng điều đáng quan ngại hơn là tác động của quy định trong dài hạn với toàn ngành.

"Đây là điều mà toàn ngành nông nghiệp đang chú ý cao độ", phó giáo sư Trey Malone của trường đại học Michigan State University nhận định.

Ngành công nghiệp "tàn nhẫn"?

Câu chuyện tranh cãi giữa ngành thịt lợn và các tổ chức bảo vệ động vật Mỹ đã kéo dài nhiều năm nhưng chỉ thực sự nóng lên từ 2018 khi bang California bỏ phiếu cho quy định cấm nuôi nhốt gà, lợn công nghiệp cũng như nhiều động vật khác một cách tàn nhẫn. Kể từ đây, hàng loạt bài viết tranh luận nổ ra về việc giam giữ động vật trong những chiếc lồng hẹp và áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả nhưng tàn nhẫn.

Trong khi quy định mới có hiệu lực từ năm 2022 đòi hỏi những động vật chăn nuôi có đủ không gian để quay đầu và được chăm sóc ít tàn nhẫn hơn thì bang California còn đang định bỏ phiếu tiêu chuẩn mới nữa, qua đó giải phóng hoàn toàn những chiếc chuồng trong ngành chăn nuôi.

Các tổ chức bảo vệ động vật cho biết những chiếc lồng nuôi heo công nghiệp này quá nhỏ. Những chú lợn chỉ có thể ăn, đứng, ngồi, nằm và đẻ. Chúng không có khoảng không đi lại hay thậm chí là quay đầu.

Tuy nhiên, cách chăn nuôi này lại được cho là hiệu quả khi không tốn thời gian trông coi và có thể gia tăng năng suất. Số liệu của Bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy hơn 75% số lợn mẹ tại nước này đang được nuôi công nghiệp như vậy.

Lợn quay đầu: Quy định mới khiến người nghèo Mỹ khóc ròng trong bối cảnh giá thịt heo cao nhất 40 năm qua - Ảnh 2.

Ngành chăn nuôi lợn đang bị đánh giá là "tàn nhẫn"?

Phía doanh nghiệp tranh luận rằng kiểu nuôi như vậy giúp họ kiểm soát được tình hình sức khoẻ, dinh dưỡng của lợn mẹ, tránh được các nguồn lây nhiễm khi thả rông ra ngoài môi trường.

Bất chấp quan điểm của 2 bên là gì thì quy định mới cũng sẽ được áp dụng cho cả trang trại trong lẫn ngoài bang California nếu họ muốn bán thịt heo tại đây.

Tuy nhiên báo cáo của ngân hàng Rabobank cho thấy những trang trại nuôi gà có thể thay đổi để thích ứng với luật mới nhưng điều này lại khá khó khăn cho người nuôi lợn do chi phí nâng cấp chuồng cao. Đó là chưa kể đến tình hình thiếu thốn nhân lực cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng hiện nay. Rabobank cho biết chỉ có chưa đến 5% toàn ngành thịt lợn Mỹ là sẵn sàng cho sự thay đổi này.

Lợn quay đầu, người nghèo phải khóc

Thịt lợn vốn là món ăn ưa thích của những người nghèo tại Mỹ khi chúng có trong vô số sản phẩm, từ xúc xích cho đến pizza. Bởi vậy quyết định của California có thể khiến người thu nhập thấp tại đây chịu thiệt.

"Những người nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất từ quyết định này. Nếu các bang khác cũng bắt chiếc quy định của California thì chúng ta sẽ chứng kiến một đợt tăng giá thịt heo trên toàn quốc", chuyên gia Malone của trường đại học Michigan nhấn mạnh.

Báo cáo của Rabobank cho biết vào năm 2015, một quy định tương tự về nuôi gà cũng đã được đưa ra khiến giá trứng tăng hơn 100% tại bang California cũng như trên toàn nước Mỹ.

Hãng tin CNN cho biết quy định mới về chăn nuôi của California sẽ khiến bình quân mỗi người dân nơi đây phải chi trả thêm 50 USD thực phẩm cho các mặt hàng liên quan. Ngoài ra, người dân bang này nhiều khả năng sẽ giảm mua 6,3% thịt lợn do giá cả leo thang.

Trong khi đó, Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ (NPPC) đã kháng cáo lên Tòa án tối cao nhằm phản đối quy định này. Theo đó, họ cho rằng bang California tiêu thụ tới 13% tổng lượng thịt heo của Mỹ hãng năm nhưng lại chỉ sản xuất rất ít trong số đó. Do đó quy định mới sẽ khiến chi phí sản xuất thịt lợn tăng khoảng 13 USD/kg và chính các trang trại là phải chịu thiệt.

Lợn quay đầu: Quy định mới khiến người nghèo Mỹ khóc ròng trong bối cảnh giá thịt heo cao nhất 40 năm qua - Ảnh 3.

Giá thịt lợn sẽ tăng sau các quy định mới về bảo vệ động vật.

Không riêng gì California, nhiều thị trường khác trên thế giới cũng đang xem xét thông qua các quy định tương tự, từ Liên minh Châu Âu (EU), Australia, New Zealand cho đến Canada.

Thậm chí nhiều công ty nổi tiếng như McDonald’s, Whole Foods hay Chipotle cũng đã lên tiếng ủng hộ quyết định này. Một số nhà sản xuất thịt lớn như Tyson cũng đã chấp nhận tuân thủ theo quy định này.

"Đây không phải quy định mà chúng tôi mong chờ nhưng chúng tôi có thể đàm phán với trang trại cung ứng tuân thủ", CEO Donnie King của Tyson nói.

*Nguồn: CNN

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM