Lớn nhanh như thổi nhưng kiếm tiền quá kém, “nền tảng review địa điểm” Yelp bị cả Google & Facebook đè bẹp, cổ đông dọa sẽ bán luôn công ty
Khi chỉ mới 5 năm tuổi, Yelp được Google và Yahoo chào mua với giá lần lượt là 550 triệu USD và 1 tỷ USD. Từ chối lời mời để phát triển thần tốc, Yelp "ngủ quên trên chiến thắng" khi nhiều năm liên tục sa sút và phải đối mặt với tương lai mịt mù.
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Vào năm 2004, hai cựu nhân viên Paypal quyết tâm thành lập một "trang vàng" trên Internet nhằm cung cấp đánh giá và nhận xét của tất cả địa điểm.
Kế hoạch: Lớn mạnh nhanh chóng, Yelp từ chối lời chào mua của Google và Yahoo để phát triển độc lập, niêm yết trên sàn chứng khoán và liên tục phá kỷ lục về tổng vốn hóa.
Kết quả: Vấp phải khó khăn cả trong lẫn ngoài, Yelp liên tục làm nhà đầu tư thất vọng khi không "kiếm được tiền", và buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại.
Khởi đầu như mơ
Giao diện thuở ban đầu của Yelp
Được thành lập vào tháng 7 năm 2004 bởi hai cựu nhân viên PayPal - Russel Simmons và Jeremy Stoppelman, Yelp mong muốn trở thành một nền tảng tổng hợp nhận xét và đánh giá quan trọng nhất tại từng địa phương.
Hai nhà sáng lập ban đầu chọn tên "yokel", nhưng do tên miền đó đã bị mua, họ quyết định chuyển sang "yelp" theo như lời khuyên của một nhân viên. Russel giải thích về tên gọi có phần lạ lẫm này: "Yelp không chỉ nghe giống Yellow Page (những trang vàng) mà còn giống từ Help (giúp đỡ), những thứ liên quan tới giá trị cốt lõi của chúng tôi."
Đến tháng 10 năm 2004, Yelp chính thức hoạt động nhưng chỉ là một danh sách dài những đường dẫn có thể được đánh giá. Nhận ra hướng phát triển này quá chậm, Yelp quyết tâm tăng trưởng cả 2 đầu mối quan trọng nhất: Chủ sở hữu địa điểm và người dùng.
Một "hội chợ" được Yelp tổ chức
Mark Mahaney, nhà phân tích của RBC Capital cho hay: "Yelp phát triển tại nhiều cộng đồng bằng việc tổ chức các phiên hội chợ, không chỉ giới thiệu lợi ích của Yelp đến doanh nghiệp mà còn tập trung vào những gì mang lại được cho khách hàng."
Và hướng đi đó đã đem lại thành quả vào năm 2009, khi Google mong muốn mua lại Yelp với giá 550 triệu USD và Yahoo ngay lập tức không chịu thua khi tung ra mức giá 1 tỷ USD cho startup chỉ mới 5 năm tuổi.
Nhưng trái với dự đoán của nhiều chuyên gia, dù với lợi nhuận ít ỏi, Yelp từ chối hai lời đề nghị "tỷ đô" kia để tiếp tục phát triển độc lập.
Nhà sáng lập Jeremy Stoppelman trong thời khắc lên sàn của Yelp
Đến tháng 5 năm 2012, Yelp chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán và giá cổ phiếu liên tục tăng vọt, từ 15 USD khởi điểm lên hơn 23,9 USD trong giờ đầu tiên!
Vào thời điểm đó, tất cả thông tin về doanh nghiệp địa phương đều được tham khảo từ Yelp, và các tập đoàn lớn dần nhận ra rằng mình phải bắt đầu "tấn công" thị trường màu mỡ này, nhất là khi Yelp hoàn toàn không chịu hợp tác.
Khó khăn cả trong lẫn ngoài
Địa điểm trên Google nhưng nhận xét lại đến từ ...Yelp
Và đợt tấn công đầu tiên đến từ không ai khác ngoài Google. Không chỉ ưu tiên nội dung của mình nằm trên nội dung của Yelp, Google còn "mượn" các nhận xét từ Yelp cho địa điểm trên Google Map và Google Business.
Nhưng Yelp còn đối mặt một vấn đề nan giải hơn: Nhận xét giả mạo. Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, chỉ tính riêng khu vực Boston trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2012, số lượng review giả mạo đã lên tới 16%, đa phần đến từ các địa điểm cạnh tranh trực tiếp với nhau.
Hoàn toàn không phân định được nhận xét giả hay thật, Yelp chỉ có một cách duy nhất là "nhấn chìm" các nhận xét đáng khả nghi, nhất là của các tài khoản ít hoạt động hoặc có quá nhiều nhận xét xấu trong một khu vực.
Kết quả tìm kiếm đầu tiên luôn là những địa điểm đã trả tiền quảng cáo
Mọi chuyện không dừng lại ở đó khi số chủ doanh nghiệp công khai chỉ trích Yelp ngày một tăng mạnh vì họ nhận ra rằng mọi công sức của mình và người dùng đang bị Yelp sử dụng để gia tăng … doanh thu quảng cáo.
Một số địa điểm chia sẻ với báo chí rằng họ nhận được rất nhiều cuộc gọi từ nhân viên sales của Yelp, những người này "dụ dỗ" rằng họ sẽ dời các nhận xét xấu ra sau nếu như chủ doanh nghiệp quyết định mua một gói quảng cáo trên Yelp, một số còn "đe dọa" đánh rớt địa điểm nếu như không mua thêm dịch vụ.
Phó giám đốc Đối ngoại của Yelp cho rằng: "Đa phần các cáo buộc này đến từ các doanh nghiệp không hài lòng với sự tồn tại của Yelp."
Thiên đường và địa ngục
Mặc bao khó khăn, giá trị cổ phiếu của Yelp không ngừng tăng và xác lập kỷ lục 101,75 USD vào tháng 3 năm 2014, nhưng tiếc rằng đó cũng là giới hạn của startup này.
Dù số lượng truy cập và tài khoản đăng ký liên tục phát triển, Yelp lại cực kỳ chật vật tìm cách "kiếm tiền", khiến các nhà đầu tư ngày càng lo ngại và đẩy giá trị của toàn công ty liên tục đi xuống.
Không những thế, vì Yelp đơn thuần vẫn chỉ là một "nền tảng đánh giá", hai gã khổng lồ Google và Facebook nhanh chóng tích hợp tính tăng đơn giản này vào hệ sinh thái của mình, khiến vị trí độc tôn của Yelp ngày một lung lay.
Trong đó nguy hiểm nhất vẫn là Google, ngày một nâng cấp thông tin, hình ảnh, đánh giá … của những địa điểm ngay trong Maps, gã khổng lồ này dần trở thành một kênh thông tin "vừa đủ" để khách hàng ra quyết định, khiến Yelp mất một lượng lớn người dùng từ website.
Cuối năm 2018, Yelp rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi giá cổ phiếu một lần nữa rơi về mức 30 USD sau nhiều năm liên tục thay đổi, khiến niềm tin của cổ đông lung lay hơn bao giờ hết. Đỉnh điểm là khi Quỹ phòng hộ SQN hiện đang nắm 4% cổ phiếu của Yelp liên tục kêu gọi các cổ đông "lên kế hoạch bán công ty".
Vào đầu năm 2019, SQN công bố một báo cáo dài 112 trang, khẳng định Yelp đang "hoạt động dưới năng suất" và "nếu bán nhanh cho một quỹ đầu tư, chúng ta có thể thu về 47-50 USD trên mỗi cổ phiếu."
Quá sợ hãi với lời đe dọa trên, Yelp nhanh chóng nhượng bộ và sa thải 3 thành viên hội đồng ban quản trị bị SQN chỉ trích và tung ra một báo cáo kinh doanh khá triển vọng. Nhưng số phận của Yelp hoàn toàn phụ thuộc vào những bước đi tiếp theo.
Những nỗ lực thay đổi
Tính năng "đặt chỗ" được Yelp quảng cáo
Muốn thoát khỏi tương lai không mấy sáng sủa phía trước, Yelp đã xác định rằng mình phải thay đổi từ "gốc rễ", phải thoát khỏi hình ảnh một "trang review" thông thường.
Đó là lý do tính năng "đặt chỗ" và "gọi món" ra đời, sau khi tìm kiếm và đọc nhận xét, khách hàng có thể nhanh chóng đặt cho mình một cuộc hẹn hay sử dụng dịch vụ giao đồ tận nơi qua các đối tác như Grubhub.
Nhưng có vẻ những thay đổi đó đã quá muộn khi cả thị trường gọi món và đặt chỗ từ lâu đã trở thành một "biển đỏ" với những gã khổng lồ như Uber, Seamless, Booking, Agoda …
Alex Sherman, phóng viên CNBC kết luận: "Liệu Yelp có tiếp tục phát triển dưới cương vị là một tập đoàn riêng? Với những bước đi hiện tại, Yelp quá nhỏ để cạnh tranh với các gã khổng lồ, việc Yelp phải bán mình sẽ không có gì là bất ngờ."