Lợi nhuận ngân hàng: Kẻ vụt sáng hoàng kim, người tìm lại chính mình
Trong mùa kinh doanh quý thứ 3 năm nay, LienVietPostBank và Techcombank là những hiện tượng bứt phá mạnh mẽ, thu về những "quả ngọt" ấn tượng vượt qua nhiều tên tuổi lớn khác trong hệ thống.
"Quota" chi phí dự phòng tín dụng
Không có gì quá bất ngờ khi 3 ông lớn vẫn là những cái tên dẫn đầu kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, trong đó, vị trí số 1 về con số lợi nhuận thuộc về VietinBank.
VietinBank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 6.484 tỷ đồng, tăng 13,2%, sau thuế, còn 5.193 tỷ đồng, tăng 16,4%, trong đó, lợi nhuận thuần của cổ đông ngân hàng là 5.182 tỷ đồng.
Tốc độ huy động vốn tăng mạnh 27% và dường như VietinBank cứ huy động được 1 đồng thì lại cho vay hết 1 đồng. Bằng chứng là kết quả tiền gửi của khách hàng ngang bằng với con số dư nợ cho vay ở mức 625 nghìn tỷ đồng.
Bám sát sau VietinBank là Vietcombank, ngân hàng đạt 6.326 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 3 quý đầu năm, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ. Trong khoảng thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tại đơn vị này luôn ở mức vượt trội hơn hẳn so với 2 ông lớn còn lại.
Trong khi đó, tại BIDV, chi phí dự phòng từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, tính chung 9 tháng đầu năm, BIDV đã phải trích lập gần 7 nghìn tỷ, tăng 80% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo ngân hàng tại ĐHCĐ bất thường diễn ra mới đây, BIDV dự tính sẽ trích lập 7 nghìn tỷ đồng dự phòng trong cả năm, như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm, nhà băng này đã dùng hết "quota" dự phòng tín dụng dự kiến.
Gánh nặng về chi phí dự phòng đã ăn mòn lớn vào kết quả lợi nhuận, "hãm" đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Sau 9 tháng, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.757 tỷ đồng, tăng chỉ 4% so với cùng kỳ năm trước.
Kẻ vụt sáng hoàng kim, người tìm lại chính mình
Trong top các ngân hàng cổ phần thương mại không có vốn Nhà nước chi phối, Techcombank tiếp tục vượt qua MB vươn lên đứng sau top 3 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh.
Nhờ chi phí hoạt động tiết giảm và dự phòng rủi ro cũng thấp hơn trong quý III, lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng tới 145,8% so với cùng kỳ, đạt 1.276 tỷ đồng và sau thuế đạt 1.022 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với mức 404 tỷ cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 2.864 tỷ đồng, tăng 84,6% so với cùng kỳ và sau thuế 2.290 tỷ, tăng 89,5%.
Xét riêng về hoạt động tín dụng, ngân hàng cho biết dư nợ cho vay cá nhân hiện chiếm 43,5% tổng danh mục cho vay của ngân hàng. Nhờ đẩy mạnh cho vay mua nhà, mua ô tô nên cho vay khách hàng cá nhân tăng đến 54% trong quý vừa qua. Dư nợ cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn cũng tăng tới 41% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng là một cái tên sáng trong mùa kinh doanh này, LienVietPostBank đã bất ngờ vực dậy con đường lợi nhuận sụt giảm kể từ năm 2012 đến nay. Sau 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế 865 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cho vay khách hàng tăng mạnh, kinh doanh ngoại hối lãi lớn là những yếu tố giúp lợi nhuận ngân hàng này khả quan.
Kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm và triển vọng hoạt động tốt trong quý IV đang mở ra cơ hội cho LienVietPostBank đảo chiều xu hướng suy giảm lợi nhuận trong 4 năm qua.
Một số ngân hàng khác như Sacombank và Eximbank vẫn đang nỗ lực trong hành trình "tìm lại chính mình".
So với quý II, tình hình kinh doanh kỳ vừa qua tại Eximbank đang có sự chuyển biến tích cực cả về lợi nhuận lẫn kiểm soát rủi ro tín dụng. Nhờ tiết giảm các chi phí, riêng quý III, Eximbank đạt 123 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên tính chung 9 tháng, tổng lợi nhuận trước thuế ghi nhận 202 tỷ đồng, so với cùng kỳ thì con số này giảm 70%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng đã được đưa về mức 3,35%, tại thời điểm 6 tháng đầu năm con số này là 5,3%.
Còn Sacombank, sau khi nhận sáp nhập với SouthernBank, Sacombank đang từng bước khắc phục và cải thiện tình hình kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng của Sacombank trong 9 tháng đầu năm là 5% trong khi tiền gửi khách hàng tăng 9,4%. Hiện ngân hàng có hơn 17.000 nhân sự, đứng thứ 4 trong hệ thống chỉ sau Agribank, BIDV và VietinBank.
Lợi nhuận của ngân hàng Sacombank quý III đạt 150 tỷ đồng, giảm 69,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận giảm do thu nhập lãi thuần giảm mạnh tới 951 tỷ đồng so với cùng kỳ khi tiền gửi và chi phí trả lãi tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Trong quý 3 năm nay Sacombank đã chi thêm hơn 1.425 tỷ đồng để trả lãi tiền gửi cho khách hàng so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng Sacombank lãi trước thuế 550 tỷ và sau thuế 459 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với cùng kỳ.
Những trường hợp kể trên đã giúp thị trường đủ hình dung về bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý 3 với sự phân hóa vẫn rõ nét. Sự khác biệt trong quy mô, chất lượng tài sản, chiến lược hoạt động, vị thế... dẫn đến sự chìm nổi của mỗi ngân hàng.
Nhìn những tên tuổi mới bứt phá trong thời gian gần đây, lãnh đạo một ngân hàng cho biết các ngân hàng đều đang đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, xử lý nợ xấu và tăng tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ. Thế nhưng, số ngân hàng làm được điều này lại không nhiều. Mảng bán lẻ thường cho lợi nhuận lớn hơn, nhưng đánh đổi lại rủi ro nợ xấu cũng tăng cao, và cạnh tranh dịch vụ khá lớn.