Lời khuyên thay đổi cuộc đời bất kỳ ai từ người cha giàu có: Hãy sống một cuộc đời bình dị hơn!
Những gì tôi học được từ bố là tiền bạc thực sự có ích nhưng nó không đảm bảo hạnh phúc.
Bố tôi là một thẩm phán luật hành chính. Hàng tuần từ thứ hai đến thứ sau, ông thức dậy vào lúc 5 giờ sáng và lái xe đến ga xe lửa. Từ đây, ông ngồi xe lửa tới San Francisco rồi bắt một chuyến xe buýt để đến nơi làm việc.
Ông lặp đi lặp lại hành trình như vậy mỗi ngày. Ông hay trở về nhà vào lúc 6 giờ chiều, đôi lúc ông cũng ngủ gật trên tàu và bỏ lỡ điểm dừng.
Chúng tôi sống trong một ngôi nhà ba phòng ngủ trên đồi Los Gatos, bang California. Từ đây, chúng tôi có thể chiêm ngưỡng được cảnh đẹp ở thung lũng Silicon. Khi tôi là một cậu bé, kỷ nguyên .com còn chưa bắt đầu.
Với công việc của mình, bố tôi đảm bảo được một cuộc sống đầy đủ cho gia đình chứ không hẳn dư dả. Nhiều năm trôi qua, Quận Santa Clara đã phát triển thành một trung tâm công nghệ như ngày nay. Các ngôi nhà được xây theo phong cách McMansion bắt đầu xuất hiện xung quanh chúng tôi nhanh chẳng kém sự phát triển nhanh chóng của Thung lũng Silicon.
Chẳng bao lâu sau, thị trấn Los Gaots yên bình cũng đổi thay. Các xe hạng sang như BMW’s, Mercedes Ferraris... luôn chạy tấp nập qua thị trấn. Michelin cũng còn gợi ý danh sách các nhà hàng mới nổi chuyên phục vụ bữa ăn cho các nhân vật nổi tiếng ở Thung lũng Silicon.
Trong khi đó, bố tôi vẫn tiếp tục lái chiếc xe cà tàng đi khắp thị trấn. Bố từng nói với tôi rằng: "Giàu sang chẳng có lỗi gì. Tuy nhiên, rất nhiều người, họ đã đánh mất chính mình trong quá trình làm giàu. Không phải giàu sang mà phẩm cách mới là thứ nói lên con người của con".
Nhưng lúc đó là một cậu thanh niên mới lớn, tôi lại luôn tìm cách vặn vẹo lại ông: "Vâng, con thà trở thành một người giàu sang có chí khí còn hơn là người nghèo khó có nghị lực". Bố tôi mỉm cười: "Chắc chắn rồi, nhưng thực tế là những người vui vẻ nhất mà bố từng gặp lại không hề giàu có".
Chẳng hạn, chú Corey là bạn của bố tôi, người quản lý địa phương từng sửa chữa các con đường gần nơi tôi sống. Bố từng thuê chú ấy làm một số việc lặt vặt, mời chú ăn trưa và uống trà đá.
Bố tôi và chú ấy nói chuyện về lịch sử và cuộc sống. Bố tôi từng nói: "Corey thực tế và thành thật hơn bất cứ ai bố từng làm việc cùng".
Bố mẹ tôi thỉnh thoảng cũng tham dự các bữa tiệc ở khu dân cư. Mặc dù bố tôi thích ở nhà đọc sách hơn nhưng vì mẹ tôi thích những nơi đông vui náo nhiệt nên bố tôi đành phải đi theo.
Bố tôi thấy rằng nhiều người hàng xóm giàu sang nhưng lại có vẻ không hạnh phúc. Dù họ ở trong những ngôi nhà lớn có đầy đủ tiện nghi; sử dụng những chiếc ô tô sang trọng nhưng vài người trong đó lại có hôn nhân không hạnh phúc, nghiện rượu hay căng thẳng về vấn đề sức khoẻ... Một số người khác dù kiếm được nhiều tiền nhưng lại tiêu xài hoang phí. Một nửa số đó sống hoàn toàn bằng tiền thế chấp.
Bố tôi nghỉ hưu khi ông 79 tuổi. Khi đó, bố tôi sở hữu một ngôi nhà và rất nhiều ô tô. Bố tôi còn có lương hưu, bảo hiểm y tế và một số hợp đồng chăm sóc sức khỏe dài hạn cho mẹ tôi và bản thân ông.
Những gì tôi học được từ bố là tiền bạc thực sự có ích nhưng nó không đảm bảo hạnh phúc.
Với những thứ bạn không cần, bạn sẽ không bao giờ thấy đủ cả
Nam diễn viên Jim Carrey từng nói: "Tôi nghĩ mọi người đều có thể sẽ trở nên giàu có, nổi tiếng và làm mọi việc họ từng ao ước, nhưng những thứ đó sẽ chẳng bao giờ khiến ta thỏa mãn cả".
Thực tế là vật chất, danh tiếng và vận may sẽ không mang đến cho ta niềm hạnh phúc dài lâu. Bạn hãy nhìn vào các vụ bê bối của người nổi tiếng ở Hollywood thì sẽ thấy. Họ hay dính dáng đến những sự việc lùm xùm xung quanh việc ly hôn, sử dụng chất gây nghiện, lạm dụng rượu hay thuốc an thần...
Một bài báo trên trang MessyMinimalist.com từng viết về hạnh phúc:
"Mỗi ngày trôi qua, nếu bạn chỉ suy nghĩ xem điều gì sẽ mang đến hạnh phúc cho mình thì bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng: Tất cả những thứ đó chẳng bao giờ là đủ cả. Đó là bởi vì sau giây phút hạnh phúc, não chúng ta lại quay về trạng thái cân bằng (trạng thái tự nhiên). Nếu chúng ta cứ đánh lừa bộ não hết lần này đến lần khác thì những giây phút hạnh phúc hiện tại (như dùng bữa ở một nhà hàng sang trọng, sử dụng quần áo hay đồ dùng mới, đi nghỉ dưỡng) chỉ là cảm giác do chúng ta cố tạo ra. Khi trở về trạng thái bình thường, chúng ta sẽ luôn cảm thấy như có thứ gì đó vừa vuột khỏi tay... Do vậy, chúng ta luôn tìm kiếm trạng thái bị kích thích để có cảm giác hạnh phúc hơn. Việc theo đuổi hạnh phúc thực sự tốn kém, mất thời gian và làm cho chúng ta kiệt sức".
Hạnh phúc là thứ thoáng qua. Chẳng sớm thì muộn, kỳ nghỉ cũng kết thúc, bữa tối đắt đỏ cũng qua đi, chúng ta lại trở về với nhịp sống ngày thường. Vậy nếu, theo đuổi tiền bạc, danh tiếng chẳng thể làm chúng ta hạnh phúc mãi mãi, vậy chúng ta nên làm gì? Đây là lúc sự hài lòng xuất hiện. Hạnh phúc có thể đến rồi đi nhưng sự hài lòng thì luôn trước sau như một.
Nếu bạn hài lòng và chấp nhận với chính bản thân mình ở trạng thái tự nhiên, chúng ta sẽ có thêm thời gian, tiền bạc và năng lượng để sống và trải nghiệm cuộc sống ở cả những khoảnh khắc đáng tự hào lẫn xấu hổ. Điều này không có nghĩa là chúng ta không có mục tiêu. Và dù trong bất cứ tình huống nào, điều quan trọng là ta luôn tìm được sự hài lòng. Khi bạn chẳng có gì, bạn có thể tận hưởng ánh bình minh của ngày mới hay ngắm hoàng hôn trong chiều tà. Nếu bạn không có ai bầu bạn, bạn có thể bắt chuyện với người lạ.
Đuổi theo hạnh phúc thoáng qua
Khi ta đạt được một thành tích nào đó, chúng ta ăn mừng. Nhưng rồi khi mặt trời lặn ngày mới đã sang, chúng ta phải đuổi theo những mục tiêu kế tiếp.
Chúng ta nên theo đuổi sự hài lòng hơn là hạnh phúc. Sự hài lòng là cảm giác thỏa mãn bên trong. Nó không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài như sự thăng tiến hay niềm vui khi thắng xổ số. Thật ra là, tham vọng hay thành tích chúng ta đạt được chẳng có gì là sai cả. Vấn đề chỉ là chúng ta không nên đặt tất cả những quả trứng cảm xúc của ta vào chung một rổ. Mọi người cũng nên hiểu rằng, nỗi buồn đôi khi là một phần cuộc sống.
Ý nghĩa kỳ quặc của sự hài lòng
Vào năm 2006, bố tôi nằm liệt giường với cơn đau của chứng suy thận. Bác sĩ và y tá luôn giữ ông ở trạng thái thoải mái nhất có thể. Tôi nắm lấy tay ông và hồi tưởng lại chuyện quá khứ. Tôi nói với cha mình rằng nếu ông ấy mệt thì ông hãy nghỉ ngơi đi, mọi người trong gia đình vẫn ổn.
Tôi nhận được một cuộc gọi hai giờ sau đó thông báo rằng, bố tôi đã thanh thản qua đời. Dù đã chuẩn bị cho sự ra đi của ông nhưng tôi vẫn không tránh khỏi cảm thấy buồn và mất mát. Tôi không hạnh phúc nhưng lại thấy hài lòng kỳ lạ.
Tôi cảm thấy ổn vì tôi có thể ở bên bố suốt quãng thời gian ông lâm bệnh. Tôi cảm thấy ổn vì đã để mẹ tôi gặp bố tôi. Tôi cảm thấy ổn vì trong thời khắc bố cần tôi nhất, tôi đã ở cạnh ông. Tôi cảm thấy nhẹ lòng khi biết rằng, bố tôi sẽ không phải chịu cảm giác đau đớn nữa.
Đôi khi nỗi đau lại là một phần của hạnh phúc. Bởi tôi không tin chúng ta muốn sống trong trạng thái hạnh phúc không đổi, đó không phải một trải nghiệm cuộc sống đầy đủ. Bởi chỉ khi trải qua mất mát đau thương, ta mới biết trân trọng những gì mình đang có. Dù khó khăn thì những giọt nước mắt sẽ gột rửa tâm hồn và làm nhẹ bớt nỗi đau của sự ly biệt.
Hạnh phúc và nỗi buồn sẽ đến và đi trong cuộc sống của chúng ta. Tốt hơn là ta nên biết hài lòng với cuộc sống.
Sống hết lòng vì người khác
Nhà sản xuất phim Erwin Darmali đã thực hiện một bộ phim tư liệu về người đàn ông giàu có mang tên Ramon Tengkano, người dường như có tất cả. Nhưng ông vẫn có một nỗi đau sâu kín mà chẳng thành công nào có thể xoa dịu nổi.
Tengkano kể lại việc ông đã thuê một vệ sỹ đến văn phòng của một người đàn ông lớn tuổi đang nợ tiền. Vì ông lão đã hoãn nợ 3 lẩn, Tengkano ra lệnh cho vệ sĩ kia phải đập phá tan nát toàn bộ văn phòng của ông ta. Người đàn ông già yếu sững sờ khi nhìn thấy cảnh văn phòng làm việc hoang tàn của mình.
Vào ngày hôm sau, Tengkano mới hay tin, ông lão đã qua đời vì lên cơn đau tim. Tất cả tiền bạc trên thế giới này không thể làm Tengkano hết ân hận về những điều mình đã gây ra. Ông tự vấn: "Tôi đã trở thành người thế nào đây?" Từ đó, ông quyết định thời điểm ấy là lúc cần thay đổi. Ông đưa ra lời hứa cho phần còn lại của đời mình là giúp đỡ những người khác.
Ramon Tengkano đã thay đổi toàn bộ chính cuộc đời mình. Ông bán mọi thứ và chuyển đến sống ở một làng quê hẻo lánh ở Indonesia. Ông giúp đỡ một cậu bé vô gia cư đoàn tụ với mẹ, ông xây một phòng khám và nâng cấp mạng lưới thủy lợi cho người dân trong làng.
Tengkano nói với chúng tôi: "Hạnh phúc thực sự là khi chúng ta bắt đầu tự làm rỗng tâm trí mình. Thế giới này có quá nhiều khổ đau. Bởi thế nếu mọi người có thể sống hết lòng vì người khác thật đáng quý. Hãy sống một cuộc đời bình dị hơn".
Chúng ta đang sống trong một xã hội sùng bái đồng tiền. Mặc dù tham vọng gây dựng một cuộc sống tốt hơn chẳng có gì là sai nhưng đôi khi chúng ta đi sai đường. Chúng ta luôn chạy theo các chương trình khuyến mãi, du lịch và bị các bẫy thành công làm mờ mắt. Mà chưa bao giờ ta dừng lại và hỏi: Vì sao chúng ta phải làm như vậy? Bạn hãy dành thời gian để hỏi "tại sao" bạn muốn chiếc BMW hay "tại sao" bạn muốn mình giàu có. Những câu hỏi đó sẽ giúp bạn phơi bày một số suy nghĩ sai lầm.
Đối với nhiều người, đó là hư danh. Nhưng với người khác, đó là việc phải giành lấy bằng mọi giá. Một số khác cảm thấy sự giàu sang sẽ mang lại cho họ sự an toàn và hạnh phúc. Họ cần những người khác nhìn thấy nhà cửa, đồ hiệu, xe sang của mình. Vì điều đó khiến họ cảm thấy thoải mái hơn.
Trong sự nghiệp của mình, tôi đã chứng kiến tình cảnh những gia đình giàu có lâm vào cảnh bất hạnh chẳng kém gì những gia đình nghèo khổ là bao. Tiền bạc không che chở được cho bạn trước tất cả bão tố cuộc đời. Tất nhiên nếu có tiền thì họ sẽ không phải lo lắng phải trả tiền thuê nhà hay thanh toán hóa đơn cho trẻ nhỏ. Nhưng các vấn đề trong mối quan hệ còn đó, kể cả khi họ có tất cả.
Hãy sống một cuộc đời đơn giản hơn
Cách đây vài năm, khi tôi sống ở Ireland, chúng tôi từng lái xe qua một người đàn ông lớn tuổi chăn cừu. Đó là một ngày trời nắng đẹp rực rỡ. Người chăn cừu nở nụ cười tỏa nắng. Ông cùng chú chó thả bộ trên đường và chẳng màng đến thế giới ngoài kia.
Tôi nghi ngờ liệu người chăn cừu có đang lo lắng về các phân tích về ông trên mạng xã hội hoặc liệu ông ta có lo lắng xem đời con cháu mình có giàu sang hay không.
Tôi quyết định chấp nhận một cuộc sống đơn giản vào năm 2006 khi tôi nghỉ hưu sớm 5 năm ở cương vị cảnh sát trưởng. Chúng tôi bán nhà ở California và chuyển đến miền nam Nevada. Ở đây, chi phí sinh hoạt phải chăng hơn và không phải nộp thuế cho tiểu bang. Chúng tôi bán và quyên góp một số đồ lặt vặt không cần dùng đến.
Chúng tôi đã chuyển sang một cuộc sống giản dị hơn. Tôi có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình, quan tâm đến sức khỏe bản thân và các đam mê sáng tạo của mình.
Nếu điều đó tạo ra sự khác biệt cho Ramon Tengkano cho tôi và thậm chí một người chăn cừu ở Ireland thì biết đâu một cuộc sống đơn giản hơn cũng sẽ tạo ra sự khác biệt cho bạn thì sao? Sẽ không bao giờ có thể biết được nếu bạn chưa thử một lần.